Nhiều người bảo mình rằng lo làm việc của mình đi, sao cứ "nói xấu" đảng và nhà nước hoài. Làm thì làm mà nói thì nói chứ, vừa làm vừa nói mà. Mình luôn tự hào là công dân gương mẫu: làm việc chăm chỉ, đóng thuế đầy đủ, LUÔN tuân thủ pháp luật, thấy nhà nước sai thì lên tiếng. Vậy là mình làm quá nhiều rồi đấy chứ?
Cách nay 10 năm mình đã viết về nông dân rất nhiều. Mười năm qua nông dân vẫn là thành phần nghèo nhất trong xã hội, vẫn là thành phần "mong manh dễ vỡ" nhất. Chính mình cũng là nông dân, may mắn hơn nhiều nông dân khác là mình được học hành đàng hoàng. Mình nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt, trồng lúa, trồng khoai, trồng đậu.... đủ hết đó nên mình xưng là nông dân là rất chính xác, hổng phải nhận bừa. (mà nuôi lần lượt, trồng lần lượt chứ hổng phải một lúc mà nuôi trồng nhiêu đó).
Phải thừa nhận rằng, nông dân muốn khá thì phải học hành. Nhưng học hành thời nay phải tốn tiền nhiều, nông dân gặp nhiều khó khăn hơn các thành phần khác khi nuôi con đi học. Con của nông dân không được học bổng hay ưu đãi gì trong việc học hành, tự gia đình lo là chính. Quá khó khăn thì các "mạnh thường quân" giúp đỡ, dân tự lo với nhau chứ nhà nước không quản.
Chỉ nhiêu đó thôi, chỉ có việc lo học là trong tầm tay của nông dân, còn các chính sách vĩ mô vi mô như quy hoạch các vùng sản xuất, nghiên cứu và tạo giống cây trồng vật nuôi mới, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thuốc thú y v.v... đều nằm ngoài tầm tay của nông dân. Nhưng những vấn đề trên bị nhà nước thả nổi từ lâu cho nên tất cả các ngành phục vụ cho nông nghiệp kể trên hầu như là ngoại nhập.
Nhưng học hành đàng hoàng rồi sao? cũng không dễ vươn lên bằng nông nghiệp. Nếu ai có quan tâm nông nghiệp, đọc Fb của nhà báo Kim Hạnh sẽ thấy những trang trại lớn, những công ty lớn trong ngành nông nghiệp được những cá nhân có vốn, có kiến thức về nông nghiệp thành lập và điều hành đã và đang bị vô số rào cản từ chính sách nhà nước khiến họ khó thể phát triển, khó thể cạnh tranh. Doanh nghiệp và nhà báo kêu gào khản cổ mà các thông tư quái ác chặn cổ ngành nông nghiệp vẫn cứ trơ trơ.
Còn nông dân có học mà cò con như mình thì thua luôn, cứ trôi theo dòng đời trôi nổi của giá cả nông sản, phó mặc hên xui mà xui nhiều hên ít. Nông dân ít học hơn, không rành kỹ thuật thì còn bị vướng vòng xoáy dịch bệnh chìm nổi mà chìm nhiều hơn nổi.
Nên tóm lại, làm nông dân là sẽ từ nghèo tới mạt. Trừ khi là quan chức lui về quê xây biệt phủ vui thú điền viên thì không kể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét