Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

NƯỚC MẮM VÀ NƯỚC CHẤM.


Người miền Nam, người miền Tây chỉ biết có nước mắm, nước tương, xì dầu... chứ hổng biết nước chấm. Từ "nước chấm" chắc chỉ có trong văn bản của nhà nước và trên báo chí cách mạng chứ không có trong từ điển của quần chúng miền Nam.
Tui khá rành về nước mắm, có lẽ vì hồi xưa gia đình tui có một người mở hãng nước mắm. Ông này là anh chú bác với bà ngoại tui, mẹ tui khi nhắc đến ông thì gọi ông là "cậu bảy nước mắm", tui thì gọi ông là "ông bảy nước mắm". Khi tui lên 8 hay 9 tuổi thì hãng nước mắm không còn nhưng mãi sau này khi đã lớn tui vẫn thường nghe người lớn trong nhà nói về cách làm nước mắm, cách phân biệt nước mắm ngon, nước mắm không ngon...
Nước mắm xưa đựng trong cái tĩn chứ không phải trong chai. Tĩn là cái hũ bằng sành miệng nhỏ mà tui chỉ nghe người lớn tả lại chứ hồi tui biết thì đã hết được thấy cái tĩn rồi.
Nước mắm được ủ bằng cá và muối hột. Nước mắm cốt được gọi là nước mắm nhỉ vì nước mắm "nhỉ" ra từng giọt từ thùng ủ. Nước mắm này thơm ngon đậm đặc nguyên chất người ta dùng để pha ra nước mắm nhứt, nước mắm nhì chứ ít khi đóng chai bán nguyên chất.
Sau khi lấy nước mắm nhỉ người ta thêm muối và nước vào thùng ủ, để một thời gian, được nước mắm nhứt. Sau đó lại tiếp tục cho muối và nước vào thùng, để một thời gian, chắt ra là nước mắm nhì. Tới đây là hết, không có nước mắm ba. Nước mắm nhứt và nước mắm nhì đều được pha thêm chút nước mắm nhỉ để tăng hương vị.
Nước mắm nhỉ dùng để chấm nguyên chất hoặc pha nước mắm chua ngọt. Nước mắm nhứt có thể dùng như nước mắm nhỉ nhưng không ngon bằng, hoặc dùng để kho cá thịt. Nước mắm nhì chỉ dùng để kho.
Như đã nói ở trên, nước mắm nhỉ bán ở chợ hiếm có loại nước mắm nhỉ nguyên chất mà thường được pha thêm một chút nước mắm nhứt. Gia đình tui vì là người nhà của hãng nước mắm nên thường được tặng nước mắm nhỉ nguyên chất ăn mệt nghỉ!
Các loại nước mắm nhỉ, nước mắm nhất, nước mắm nhì đều rất mặn. Mặn đủ độ nên không cần chất bảo quản, và đặc biệt nước mắm để càng lâu năm càng ngon.
Nhờ có chút vốn hiểu biết về nước mắm mà tui không xài các loại nước mắm Chinsu, Nam ngư. Nước mắm Chinsu "cá hồi" làm tui dội vì tui biết chắc không có nước mắm nào làm bằng cá hồi được hết, nghĩ kiểu gì cũng thấy là xạo ke mắt me nên tui tránh xa cho nó lành. Còn nước mắm Nam Ngư thì quá lạt nếu so với tiêu chuẩn nước mắm ngon mà tui biết vì vậy tui cũng bái bai cho nó lành.
Vậy tui xài nước mắm gì? Nói thiệt là thời buổi nháo nhào thật giả lẫn lộn tui cũng không mấy tin tưởng các hãng nước mắm truyền thống cho nên tui TỰ NẤU NƯỚC MẮM CÁ LINH. Ui trời, nước mắm cá linh ngon không thua nước mắm Phú Quốc đâu nha.
Hahaha, like tui đi nếu like đủ nhiều tui bật mí cách nấu nước mắm cá linh xứ Châu Đốc.
À, còn vụ nước chấm, tại có từ nước chấm mà nước mắm Masan mới núp bóng cái tiêu chuẩn nước chấm mà bán nước mắm pha bằng hoá chất không cá an toàn vì không chứa arsen!
Ngôn từ thật là lợi hại mà!
Hình: sau khi viết xong search trên mạng thấy hình cái TĨN nước mắm như vậy. Thật ra mình không biết viết TĨN HAY TỈNH là đúng nên viết tỉnh theo âm mà mình nghe thôi.
Cập nhật: TĨN là đúng (theo hai cái còm ở dưới)

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

TÔN GIÁO: KHÔNG

Một đưa cháu tôi tới tuổi làm CMND, ở mục tôn giáo cháu khai Phật giáo thì vị cán bộ tiếp nhận hồ sơ không chấp nhận, vị ấy đòi phải có giấy chứng nhận quy y thì mới được. Cuối cùng cháu tôi đành phải khai tôn giáo: KHÔNG.
Nếu công dân theo một tôn giáo nào đó thì đâu có gì hại cho nhà nước, họ đâu phải trợ cấp hay ưu tiên gì cho công dân đó đâu mà họ sợ CÓ TÔN GIÁO thế nhỉ? Hay là chủ nghĩa cộng sản là vô thần nên công dân của nước cộng sản cũng phải vô thần thì mới ... đẹp?
Người Phật tử tại gia phải giữ năm giới như sau:
1/ KHÔNG SÁT SANH: là phải quý trọng sinh mạng, nhất là mạng người. Ăn chay cũng là để giảm bớt sát sinh, tuy vậy Phật tử tại gia không nhất thiết phải ăn chay.
Trong kinh Phật có câu chuyện như sau: Một bữa nọ đức Phật muốn đi tắm, ngài bảo đệ tử dọn bồn tắm thì người đệ tử ấy thưa rằng bồn tắm có nhiều côn trùng lắm (hàm ý là dọn thì sẽ làm chết côn trùng đó- là sát sanh). Đức Phật không nói gì nhiều mà chỉ nhắc lại rằng ta muốn con dọn bồn tắm. Thế là người đệ tử hiểu ra và đi dọn.
Vì vậy người Phật tử không được có tâm giết người hại vật, còn thì tuỳ duyên.
2/ KHÔNG TRỘM CẮP: là để giữ lẽ công bằng, không được chiếm đoạt của hoặc công của người khác.
3/ KHÔNG TÀ DÂM: để giữ hạnh phúc gia đình của bản thân và của người khác, không được quan hệ với người không phải là vợ/ chồng.
4/ KHÔNG NÓI DỐI: bao gồm cả không "buôn chuyện" và phải nói lời "ái ngữ", nghĩa là lời nói của người Phật tử phải chân thật và không gây hại.
5/ KHÔNG UỐNG RƯỢU: bao gồm cả không sử dụng các chất gây nghiện. Phật dạy nếu không giữ giới rượu sẽ có nguy cơ phạm tất cả các giới khác.
Đạo Phật là một lối sống. Theo đạo Phật, giữ giới là để (tu) sửa mình, để cho bản thân thân tâm an lạc chứ không phải cho một vị Phật nào chứng giám. Vì vậy, là Phật tử, thọ tam quy ngũ giới là một sự tự nguyện. Trẻ em nếu được cha mẹ đem đi quy y từ nhỏ thì khi lớn lên, trên 12 tuổi thì em phải tự mình quy y lại.
Các vị Phật tử xuất gia, tức các vị tu sĩ (sa di, tỳ kheo) phải giữ nhiều giới, phải sống một đời phạm hạnh (là ngay thẳng trong sạch), và cũng đều là tự nguyện. Muốn nhận ra một Phật tử chân chính, dù tại gia hay xuất gia là rất dễ, cứ nhìn xem cách người Phật tử ấy giữ giới luật là sẽ biết. Không phải cứ đắp y phủi tóc hoặc mặc áo lam đi chùa thì là Phật tử chân chính. Tục ngữ cũng có câu "chiếc áo không làm nên thầy tu" chính là như thế.
Nếu xã hội mà có nhiều Phật tử chân chính thì chắc chắn thiên hạ sẽ thái bình.
Hình: em của ngày hôm qua, lễ Vu Lan 2016

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

THĂM QUẦN ĐẢO NAM DU

 Quần đảo Nam Du nằm trong vịnh Thái Lan, cách Rạch Giá 90km. Quần đảo gồm 21 hòn lớn nhỏ, lớn nhất là HÒn Lớn hay Hòn Củ Tron, là địa điểm chính mà khách du lịch ghé đến, ăn uống ngủ nghỉ. Tuỳ theo tour tuỳ thời gian du lịch và tuỳ ý thích, du khách sẽ đi tham quan, tắm, ngắm san hô hay câu mực v.v... ở các hòn khác .

1/ Phương tiện đến đảo: Chỉ có một đường đi bằng tàu cao tốc từ Rạch Giá. Thời gian đi khoảng 2,30 phút. Tàu có máy lạnh, tương đối thoải mái. Bến tàu ở Rạch Giá rác ôi thôi là rác. Rạch Giá làm khu lấn biển hoành tráng, ban đêm đèn ngọn xanh ngọn đỏ hào nhoáng mà để rác ngập bến tàu thật là khó coi!
2/ Nhà nghỉ: Trên đảo chưa có khách sạn, chỉ có nhà dân dành ra vài phòng cho khách thuê hoặc các phòng trọ xây vội vàng. Phòng trọ xây như một cái hộp, có nhà vệ sinh, có máy lạnh nhưng điện đóm không đủ nên máy lạnh chạy không nổi, phải xài quạt máy. Giá phòng trung hiện nay 300-400 ngàn. So với giá phòng ở Sài Gòn thì mắc. Hiện nay dân đảo vẫn đang hối hả xây dựng thêm phòng cho thuê. Xây “cái hộp” gắn máy lạnh vào là đơn giản nhất. VẬt dụng cho các phòng trọ được vận chuyển ra đảo mỗi ngày.
Mình thấy tiếc những làn gió biển mát rượi. Nếu phòng nghỉ trên đảo được xây cất thuận theo tự nhiên, hứng được gió biển thì tốt biết mấy. Ở thành phố giam mình trong phòng máy lạnh suốt đã mệt rồi, ra đảo lại bị nhốt trong “cái hộp” kín mít còn chán nào hơn?
3/Ăn uống, hải sản
Hải sản trên đảo rẻ và ngon, thức ăn thức uống không phải hải sản đều mắc hơn trong đất liền. Đảo Nam Du có một loại cá mà nới khác không thấy có, là cá Xương Xanh. Gọi như vậy vì xương cá có màu xanh nhạt rất lạ. Con cá dài, có mỏ nhọn như cá lìm kìm ở đồng bằng. Thịt cá ăn khá ngon, có thể nấu canh chua, nướng, kho v.v... Cá không tiêu thụ hết thì dân đảo làm khô bán.
ĐÂy, cá xương xanh chủ quán ăn mà đoàn mình ăn cơm suốt mấy ngày đang lựa mua để chế biến.
Mình vẫn thắc mắc khi xưa người dân ở đảo ăn gì thế cơm gạo. Trong truyện của cụ Sơn Nam thì nói ăn khoai môn. Trên đảo mình thấy món bánh làm bằng khoai mỡ, khá ngon. Bánh này mình không thấy (hoặc chưa thấy/ biết ) ở đâu khác trong vùng đồng bằng. Có lẽ đây là món ăn của người dân đảo hồi xưa, giờ chế biến lại cho ngon hơn chăng?
4/ Nước sinh hoạt
Dân đảo dùng nước suối hoặc nước giếng. Nước suối thì mình nghe người ta nói chứ chẳng tận mắt thấy được dòng suối nào vì mùa này suối cạn. Giếng thì nhiều, trong xóm chỗ mình trọ có cái giếng đào, theo chủ giếng thì chỉ sâu 5-6m gì đó nước tốt quanh năm chưa bao giờ bị cạn. Nước sinh hoạt trên đảo chủ yếu từ các giếng nước này. Mình thấy ở quán ăn có các bình nước tinh khiết, không biết chở từ đất liền ra hay sản xuất tại chỗ (tính hỏi và xem nhãn bình nước mà rồi quên luôn)
Giếng đây, thành giếng xây cao ngang đầu gối, trên đậy nắp và để đồ tùm lum. Có máy bơm nước lên chứ không phải thả gàu múc như hồi xưa
5/ Tắm biển, chơi 
Ở hòn Củ Tron có một con đường vòng quanh hòn nhưng mới làm xong nửa phía nam hòn. Nửa phía bắc chưa có đường đi. Muốn đi quanh phía bắc đảo phải tự leo trèo qua các mỏm đá hoặc đi thuyền quanh hòn. Trên đảo có nhiều xe máy cho thuê để du khách tự chạy quanh đảo. Giá thuê 150 ngàn/ ngày. Thuê chưa tới 1 ngày thì 120 ngàn. Các đoàn khách đông người thì thuê xe chở đi vòng đảo. Xe chở được 10-12 người, của bộ đội biên phòng.
Hòn Củ Tron có duy nhất một bãi tắm nhỏ, sạch, đẹp. Nếu có 50 người tắm cùng lúc chắc chật bãi.
Bãi tắm đó từ trên cao nhìn xuống, bãi tắm là đường có cát trắng bên trái.
Cảnh trên đường quanh đảo
Tour của đoàn mình đi ca nô qua hòn Mấu tắm biển và “lặn” ngắm san hô. Theo mình thấy thì là “chổng” ngắm san hô thì đúng hơn (hahaha). Mặc áo phao, đeo kính cho kín mắt, mũi rồi úp mặt xuống nước nhìn san hô. Vì áo phao làm mình nổi nên khi cúi đầu xuống cố nhìn cho rõ thì phải chổng... phao câu. Mỏi cổ gần chết!
Lúc tắm biển sợ nước biển dính máy hình, dính điện thoại nên hông có chụp hình. Các bạn cứ tưởng tượng nha!