Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

THÁNG TƯ... ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI

THÁNG TƯ... ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI
Hồi trước 75 gia đình tôi ở Sài Gòn. Quê nội ngoại tôi ở Bến Tre. Mỗi dịp hè mẹ tôi đều dắt bầy con về quê chơi. Mẹ tôi mặc áo dài, chị em chúng tôi ăn mặc đẹp, đi xe xích lô ra bến xe ở đường Lê Hồng Phong bây giờ, lên xe đò đi một mạch về quê. Không có cảnh chen lấn vì thiếu xe thiếu vé. Khi có đám tiệc gì thì mẹ tôi đi về một mình, cũng luôn mặc áo dài, che dù, rất văn minh lịch sự.
Sau ngày "giải phóng" các hãng xe bị cải tạo tư sản gì đó, về tay nhà nước quản lý hết. Từ chỗ xe cộ thong thả thoắt cái chuyện về quê trở thành một cực hình. Hồi tôi đi học ĐH mỗi lần về quê là sắp hàng từ sáng tới trưa, có khi tới chiều mới mua được cái vé. Cái thời đó, thời mà mua được một cái vé xe là ơn đảng ơn chính phủ, kéo dài từ ngay sau 75 đến tận những năm 90 mới dễ thở lần lần.
Mấy ông cải tạo tư sản gì đó mãi không có kết quả khả quan, nước ngày càng nghèo, dân ngày càng đói nên bèn đổi mới, đúng hơn là "quay cũ" lại thời kinh tế thị trường ở miền Nam trước kia. Có "mới" là gắn thêm cái đuôi lòng thòng "định hướng XHCN" chẳng giống con giáp nào.
NHờ công "đổi mới quay cũ" của các ông mà xe cộ được nhập về, dân đi lại thoải mái, kinh tế phát triển lên, nhu cầu trao đổi hàng hóa nhiều, nhu cầu di chuyển nhiều, thì phải làm thêm đường sá mới đáp ứng đủ. Các ông đã làm đường nhưng lại kỳ thị miền Nam. Sài Gòn và miền Nam nói chung làm nhiêu tiền phải nộp hết về trung ương. Các ông làm bao nhiêu đường cao tốc ở miền Bắc, nơi chưa có nhu cầu, để người ta ngồi nhậu hoặc để cho trâu bò đi dạo. Còn miền Nam thì chỉ vẻn vẹn hai khúc đường: đường cao tốc Trung Lương về miền Tây và đường Long Thành Dầu Giây đi miền Đông. Hậu quả là đường từ miền Tây lên Sài Gòn thường xuyên "ùn ứ", ngày cuối tuần "ùn ứ" nặng. Lễ Tết thì "ùn ứ kinh hoàng". Đường Long Thành Dầu Giây cũng cùng số phận kẹt, kẹt nữa, kẹt mãi.
Tháng tư tôi cảm thấy gì? Tôi thấy chán và giận. Con tôi làm việc ở Sài Gòn, lễ được nghỉ muốn về nhà chơi với cha mẹ vài ngày nhưng tôi nghĩ tới cảnh kẹt xe là tôi chán ngán. Dù thương con nhớ con nhưng không muốn tụi nhỏ chịu trận. Tại sao phải chịu trận đủ thứ? Cả đời cha mẹ rồi tới con cái cày cuốc đóng thuế nuôi chính quyền mà ở nhà thì điện tăng không dám xài máy lạnh, ra đường thì xăng tăng không dám đi xe hơi. Về quê thì không có đủ đường để về, xui xẻo mà bị kẹt đứng nắng một ngày (như hồi Tết) dưới cái nắng tháng tư không bóng cây xanh chắc sớm đột quỵ!
Tháng tư, đường nào cho chúng ta?
Hình1: kẹt xe ở đường miền Tây lên SG mùng 6 Tết Kỷ Hợi 2019
HÌnh 2: ăn nhậu trên cao tốc Nội Bài- Lào Cai (đường vắng không xe thì nhậu!)

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

 CON NGƯỜI MỚI XHCN


Vụ em học sinh ở trường Phù Ủng bị bạn đánh hội đồng và lột đồ làm nhục tới giờ mình vẫn chưa dám coi clip vì quá bất nhẫn. Chuyện này nối tiếp những chuyện tệ hại khác của ngành giáo dục khiến cho các bậc phụ huynh và cả xã hội nhao nhao lên đòi dánh đòi giết đòi bỏ tù...các thủ phạm. Rồi sao nữa? Rồi sẽ tạm yên ắng được vài hôm trước khi xảy ra sự vụ mới. Nếu không có sự chấn chỉnh từ gốc thì tình hình sẽ ngày càng tệ hơn mà thôi.


Chuyện nữ sinh đánh nhau bứt tóc lột đồ đâu phải mới xảy ra lần đầu, nó xảy ra RẤT THƯỜNG XUYÊN mà có ai có trách nhiệm trong ngành giáo dục quan tâm để chấn chỉnh, để giải quyết?


Có nhiều bài phân tích tại thế này tại thế nọ. Theo tôi là tại thể chế XHCN. Thời thực dân Pháp ông tôi đi học, thời VNCH ba mẹ tôi đi học, thời mới "giải phóng" chị em tôi đi học, chưa có thời nào mà học sinh mất dạy như thời XHCN này. Thế hệ chúng tôi nhớ lại thời đi học với tình cảm thương yêu trìu mến, yêu bạn kính thầy. 


Còn học sinh bây giờ, đi học chịu đủ kiểu bạo hành từ thể xác đến tinh thần, từ bạn bè đến thày cô hoặc là kẻ trực tiếp bạo hành hoặc là kẻ bàng quan vô cảm đứng nhìn hoặc cổ vũ cho hành vi xằng bậy thì các em sẽ lưu giữ ký úc gì về thời đi học???


Miền NAm đỡ hơn miền BẮc chút ít, chẳng qua vì áp dụng quy trình giáo dục con người mới XHCN chậm hơn miền BẮc 30 năm. Thêm 10-20 năm nữa thì hai miền như nhau, khỏi phân biết hay kỳ thị gì cho mệt!


Nghĩ thương cho con em bị giáo dục mất hết tính người. Nghĩ xem, một con người BÌNH THƯỜNG thôi, không phải tốt đẹp cao thượng xuất chúng gì thì tự nhiên cũng đã có lòng nhân. Người bình thường sẽ không thích thú đánh đập làm nhục người khác, thầy cô giáo  bình thường sẽ can ngăn khi thấy học sinh đánh nhau đánh nhau. Còn bây giờ, chúng ta đang sống trong xã hội gì thế này?

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

MỘT CHUYỆN TÌNH

 

Hôm nay mình mổ triệt sản một bé cún. Hai người đưa bé đi mổ, một ông trung niên và một cô gái trẻ. Khi mình chích thuốc mê cho bé cún thì bé sợ, giãy dụa và giật chân ra không cho chích. Cô gái vừa giữ bé vừa chảy nước mắt vì thương bé, sợ bé đau làm mình phải trấn an cổ rằng Bs thương bé lắm, không làm bé đau đâu, gái đừng lo. (Vì bé đẻ và nuôi con là bị co giật hoài nên mình khuyên triệt sản cho bé).
Mình đưa bé vào phòng mổ, hai người ngồi đợi ở ngoài. Mình vừa làm vừa nghe hai người nói chuyện. Cô gái nói nhiều hơn. Mình nghe cô xưng hô ba - con với người đàn ông. Qua cách nói chuyện mình cảm thấy hai người họ rất thương mến nhau. Mình nghe cô gái kể với người đàn ông ba con thế này mẹ con thế kia thì đoán rằng cô là con nuôi hoặc con dâu, mà nghĩ con dâu mà thân thiết, thương mến với ba chồng vậy cũng rất hiếm.
Mổ xong ra thì ông bố nói với mình rằng bé cún là của con trai ông nuôi, giờ con trai ông mới qua đời, ông nuôi nó thay con ông và thương nó lắm. Xong ông quay qua cô gái nói:
- Này giờ con dâu tui lo cho nó khóc hoài.
Mình chưng hửng hỏi ông:
- Con ông sao mà mất.
- Nó bị ung thư gan.
Mình lại hỏi:
- Là chồng cô này sao?
- Tụi nó chưa cưới!
- Cậu ấy bao nhiêu tuổi?
- 27
- Mất hồi nào?
- Mới 6 tháng!
Tới đó thì cô bé rơm rớm nước mắt quay mặt chỗ khác. Mình chẳng biết nói gì, chỉ an ủi thôi, phần số đã vậy mình biết sao hơn!
Tự nhiên mình thấy mình có trách nhiệm nặng nề với bé cún kia. May mà bé rất ổn. Cầu mong cho cha già vợ trẻ của chàng trai kia sớm nguôi ngoai nỗi buồn.
( Lúc làm thì bận rộn không chụp hình nên giờ ko có hình bé cún. Hình hai người kia thì tất nhiên là mình hổng dám chụp òi!)