Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

MIỀN TÂY: VÙNG CHÂU THỔ BỊ TÀN PHÁ (bài 6)

 ĐẬP SÔNG CÁI LỚN CÁI BÉ: THẤT BẠI ĐƯỢC THẤY TRƯỚC.

Như các bài trước đã nói, vùng đồng bằng Cửu Long lấy nước ngọt tưới cho vườn ruộng là từ sông Tiền, sông Hậu. Ở bán đảo Cà Mau có thêm các sông Cái Lớn từ Vị Thanh , sông Cái Bé từ Giồng Riềng, cả hai sông đổ ra biển Tây, chỗ Rạch Giá. Hai con sông này nối với sông Hậu nhờ hệ thống kinh được đào từ hồi thời "thực dân' Pháp,"đế quốc" Mỹ. Phía mũi Cà Mau thì hệ thống sông kinh rạch chằng chịt nối hai bờ biển Đông Tây. 

Thuận theo tự nhiên thì mùa mưa nước sông nhiều, chảy mạnh, thủy triều ở biển đẩy ngược vào sông không nhiều, nên mùa mưa nước sông ngọt ra tới gần biển. Mùa kiệt nước sông chảy yếu, nước biển xâm nhập sâu vào dòng sông, gọi là "hạn mặn". Người xưa trồng lúa trồng cây nuôi tôm nuôi cá, đánh bắt tôm cá tự nhiên đều dựa theo mùa vụ, nước sông, nước mưa, nước ngọt, nước lợ nước mặn theo mùa, thích hợp lúc nào thì làm lúc ấy, không bắt thiên nhiên phải theo ý con người.

Các công trình thủy lợi NGỌT HÓA ở đồng bằng Cửu Long đều là muốn đi ngược tự nhiên. Mùa nước mặn, nước lợ mà vẫn muốn trồng lúa, vẫn muốn trồng cây ăn trái nhạy cảm với nước mặn. Vậy là đắp đập ngăn nước mặn từ biển vào, và phía trong đập, theo lý thuyết là nước ngọt. Nước ngọt này sẽ tưới hoa màu vườn ruộng. Bi kịch là đây: nước ngọt không đủ khiến cho lòng sông và các chi lưu của sông cạn nước, lưu vực sông cũng bị khô nứt. Rồi chuyện phải đến ruộng đất khô cạn sẽ bị xì phèn lên. Đất khô gây nứt nẻ, sập đường đi, sập bờ kinh. 

Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau lần trước đã bị tình trạng xì phèn lở đất, mùa kiệt phải mở cống cho nước mặn vào trám phèn, ngăn lở, hóa ra cống đập vô tác dụng. Mùa mưa thì dòng chảy bị ngăn nghẽn khiến trong đập bị ô nhiễm vì nước mưa không rút được nhanh. (Thử tưởng tượng chỉ một cái nhà mà bị mưa làm ngập vài ngày là ô nhiễm rồi, huống chi cả một vùng đọng nước, không thoát được).

Dự án ngọt hóa Cà Mau khi trước đã thất bại, cống đập vô dụng, âu thuyền bỏ hoang, thì đến năm 2018 "ai đó" lại vẽ ra dự án đập sông Cái Lớn Cái Bé, cũng với cơ sở lý luận y chang như dự án ngọt hóa Cà Mau lần trước, chỉ khác hơn là lần này vùng ngọt hóa nhỏ lại. Tuy bị nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia độc lập nhưng dự án vẫn được tiến hành và đưa vào sử dụng năm 2022. 

Năm nay đập Cái Lớn Cái Bé đóng ngăn mặn thành công, mà trong đồng thì không có nước ngọt thì làm sao "giữ ngọt". Đồng ruộng kinh rạch khô queo xác xơ, đường đi nứt, sụp. Huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) mới công bố thiên tai. Thiên tai là hạn hán ư? Hạn hán mà cứ để nước mặn xâm nhập thì bất quá ngưng một mùa lúa, chờ mùa mưa thì làm lại, có chết "thằng tây" nào. Đắp đập ngăn sông làm khô nước, đồng ruộng xì phèn nứt né, đường sụp, cầu gãy. Đắp đập mà không có nước ngọt thì mùa lúa cũng tiêu, mà thêm đất sụp xì phèn  gây hậu quả nghiêm trọng, hết mùa hạn mặn cũng không khắc phục nổi. Vậy thiên tai này do hạn hán hay do đắp đập.

Dân miền Tây thích sông sâu nước chảy. Nước sông nước hồ có đặc tính tự làm sạch. Nước có lưu thông thì mới có sự sống, nước bị ngăn dòng là trái tự nhiên, phản khoa học. Nhứt là khi ngăn dòng mà không có nghiên cứu thấu đáo dựa trên cơ sở khoa học thì thất bại là việc hiển nhiên. Nhìn lại, toàn bộ các dự án "ngọt hóa" từ Gò Công, Ba Lai đến Cà Mau đều thất bại thê thảm, hậu quả nhãn tiền chứ không cần đợi "hết nhiệm kỳ". 

Dân có biết không? dân biết nhưng thấp cổ bé họng làm sao nói? Nhà khoa học mà còn nói không lại với các đỉnh cao trí tuệ thì dân nào có cửa. Tuy nhiên dân không nói mà sẽ làm. Dân Cà Mau bửa đập phá cống là một thí dụ.

HÌnh: Bản đồ khu vực dự án đập Cái Lớn Cái Bé, huyện U Minh Thượng (viền đỏ) cặp sông Cái Lớn đang công bố thiên tai.

Bài báo công bố thiên tai




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét