Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

TÔN GIÁO: KHÔNG

Một đưa cháu tôi tới tuổi làm CMND, ở mục tôn giáo cháu khai Phật giáo thì vị cán bộ tiếp nhận hồ sơ không chấp nhận, vị ấy đòi phải có giấy chứng nhận quy y thì mới được. Cuối cùng cháu tôi đành phải khai tôn giáo: KHÔNG.
Nếu công dân theo một tôn giáo nào đó thì đâu có gì hại cho nhà nước, họ đâu phải trợ cấp hay ưu tiên gì cho công dân đó đâu mà họ sợ CÓ TÔN GIÁO thế nhỉ? Hay là chủ nghĩa cộng sản là vô thần nên công dân của nước cộng sản cũng phải vô thần thì mới ... đẹp?
Người Phật tử tại gia phải giữ năm giới như sau:
1/ KHÔNG SÁT SANH: là phải quý trọng sinh mạng, nhất là mạng người. Ăn chay cũng là để giảm bớt sát sinh, tuy vậy Phật tử tại gia không nhất thiết phải ăn chay.
Trong kinh Phật có câu chuyện như sau: Một bữa nọ đức Phật muốn đi tắm, ngài bảo đệ tử dọn bồn tắm thì người đệ tử ấy thưa rằng bồn tắm có nhiều côn trùng lắm (hàm ý là dọn thì sẽ làm chết côn trùng đó- là sát sanh). Đức Phật không nói gì nhiều mà chỉ nhắc lại rằng ta muốn con dọn bồn tắm. Thế là người đệ tử hiểu ra và đi dọn.
Vì vậy người Phật tử không được có tâm giết người hại vật, còn thì tuỳ duyên.
2/ KHÔNG TRỘM CẮP: là để giữ lẽ công bằng, không được chiếm đoạt của hoặc công của người khác.
3/ KHÔNG TÀ DÂM: để giữ hạnh phúc gia đình của bản thân và của người khác, không được quan hệ với người không phải là vợ/ chồng.
4/ KHÔNG NÓI DỐI: bao gồm cả không "buôn chuyện" và phải nói lời "ái ngữ", nghĩa là lời nói của người Phật tử phải chân thật và không gây hại.
5/ KHÔNG UỐNG RƯỢU: bao gồm cả không sử dụng các chất gây nghiện. Phật dạy nếu không giữ giới rượu sẽ có nguy cơ phạm tất cả các giới khác.
Đạo Phật là một lối sống. Theo đạo Phật, giữ giới là để (tu) sửa mình, để cho bản thân thân tâm an lạc chứ không phải cho một vị Phật nào chứng giám. Vì vậy, là Phật tử, thọ tam quy ngũ giới là một sự tự nguyện. Trẻ em nếu được cha mẹ đem đi quy y từ nhỏ thì khi lớn lên, trên 12 tuổi thì em phải tự mình quy y lại.
Các vị Phật tử xuất gia, tức các vị tu sĩ (sa di, tỳ kheo) phải giữ nhiều giới, phải sống một đời phạm hạnh (là ngay thẳng trong sạch), và cũng đều là tự nguyện. Muốn nhận ra một Phật tử chân chính, dù tại gia hay xuất gia là rất dễ, cứ nhìn xem cách người Phật tử ấy giữ giới luật là sẽ biết. Không phải cứ đắp y phủi tóc hoặc mặc áo lam đi chùa thì là Phật tử chân chính. Tục ngữ cũng có câu "chiếc áo không làm nên thầy tu" chính là như thế.
Nếu xã hội mà có nhiều Phật tử chân chính thì chắc chắn thiên hạ sẽ thái bình.
Hình: em của ngày hôm qua, lễ Vu Lan 2016