Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

THEO CHÂN TỨ ĐẠI MỸ NHĂN

 chú thích: nhăn vì nắng chói chứ hong phải vì có níp nhăn đâu.

Đường vào ga cáp treo. Một mỹ nhăn đi trước nên chỉ còn lại tam mỹ nhăn.
Vào tới ga rồi
Vừa ra khỏi ga trên đỉnh núi. Hoa đẹp sao bằng mỹ nhăn, khỏi so!
Trên đường đi vào chùa Phật Lớn
Mặc áo tràng vẫn là mỹ nhăn. Trước khi vào lễ Phật ở chùa Phật Lớn.
Đường từ chùa Phật Lớn sang chùa Vạn Linh
Mỹ nhăn trước sân chùa
Xuống núi rồi thì vào rừng
Nhắn với các mỹ nhăn: hình này giờ đã đẹp, ba năm sau sẽ đẹp hơn nhiều phải hem.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

RÙNG TRÀM TRÀ SƯ mùa thiếu nước

 Rừng tràm Trà Sư là phần còn sót lại của rừng tràm bạt ngàn xưa kia trong vùng tứ giác Long Xuyên. Tuy diện tích không lớn (850 ha) nhưng rừng tràm Trà Sư có cảnh quan rất đẹp và có nhiều sinh vật đặc hữu (các loại chim cò rùa rắn ếch nhái v.v...) được bảo vệ.

Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch là thời gian đẹp nhất ở rừng tràm vì lúc ấy là mùa nước nổi. Nước sông Hậu dâng lên, tràn vào rừng tràm rửa trôi nước trong các lung, các mương đã bị tích tụ nhiều xác rong bèo và các chất hữu cơ phân huỷ trong suốt một năm. Nước trong rừng tràm được làm “tươi mới”, tôm cá cũng theo dòng nước sông mà vào sinh sôi nẩy nở trong rừng. Các loại chim nước cũng theo đó mà làm tổ, mà đẻ trứng, mà sinh sống trong rừng tràm. Sen, súng ra lá non, chuẩn bị cho kỳ ra hoa mới...
Năm nay nước không “nổi”, nước cũ trong rừng tràm không được thay mới, chim cò vì thế cũng ít đi, sen súng lưa thưa. Đoàn chúng mình dạo xuồng cả buổi trong rừng mà chỉ “gặp” vài con chim trích.
Tuy vậy, cảnh rừng tràm vẫn rất đẹp
Đoàn mình 10 người ba chiếc xuồng ba lá lượn quanh rừng
ĐẶc biệt lầm tham quan rừng tràm này đoàn mình đã “phát hiện” ý nghĩa tên gọi của thứ đồ vật đăc trưng miền sông nước. Nó đây
Đây là chiếc “vỏ lãi”, tên khác là “tắc ráng”, tên khác nữa là “vỏ vọt”. Theo lời bạn chèo ghe kiêm hướng dẫn ziên dịch lu của rừng tràm thì tắc ráng nghĩa là “tắt” máy rồi nó còn đi “ráng” thêm khúc nữa. vỏ vọt là leo lên “vỏ” nổ máy là nó liền “vọt” lẹ! Còn tên “vỏ lãi” mọi người tự suy đoán ý nghĩa đi nha :-p
Chiếc vỏ lãi này đưa đoàn mình từ bìa rừng vào trong, chuyển bọn mình qua ba chiếc xuồng ba lá chèo tay dạo một vòng, lại trở qua vỏ lãi vào “trạm giữa”. Nơi trạm giữa có nhà hàng, quán nước và một đài quan sát có ống dòm nhưng bị hư!
Đoàn mình ngồi quán nước dưới chân đài quan sát, uống cà phê, uống nước thốt nốt, ăn xoài và tám chuyện với chị chủ quán. Chị chủ quán tám chuyện vui đến nỗi làm mọi người cười nghiêng ngả sảng khoái
Chị ấy đây
Và cười bể rừng đây
Kết quả sau trận cười là đoàn mình mua hết 7 chai mật ong, mà lúc đầu định mua có 2 chai, sau lên 4 chai, 6 chai rồi 7 chai, hết luôn số mật ong của chỉ. Mình đi rừng tràm bao nhiêu lần mà lần này là lần đầu mua mật ong ở đó! Chị chủ quán cũng rất điệu nghệ tặng thêm cho đoàn mình trái xoài sau khi đoàn mình kêu cà phê, nước thốt nốt và một trái xoài keo chấm muối ớt.
Sau tour trong rừng, đoàn “nghiên kiú” thoả mãn quay ra vỏ lãi trở về thị xã Châu Đốc, kết thúc một ngày dạo chơi lên núi xuống rừng thật nhiều ấn tượng khó phai.

THẤT SƠN KHÔNG HUYỀN BÍ

 An Giang là tỉnh duy nhất ở miệt đồng bằng mà có núi. Địa danh Thất Sơn hay Bảy Núi thường gợi cho người ta liên tưởng đến vùng đất của các nhà sư, các vị đạo sĩ và của các câu chuyện linh thiêng huyền bí. 

Thật ra ở vùng Thất Sơn không chỉ có 7 ngọn núi mà có những 37 ngọn núi có tên (theo Wikipedia). Do nhiều núi nên tên của nhóm “bảy núi” cũng có sự khác nhau trong các tài liệu, sách vở cũng như trong dân gian. Trong “Thất Sơn Huyền Bí”, nhà văn Hồ Biểu Chánh ghi tên bảy núi như sau: núi Tượng, núi Tô, núi Cấm, núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Bà Đội Om. 
Núi Cấm là ngọn núi cao nhất ở vùng Thất Sơn. Trước đây muốn lên núi Cấm phải đi bộ, tuy có bậc thang nhưng đi cũng rất vất vả. Từ năm 2006 tỉnh An Giang làm đường từ chân núi lên đỉnh núi, từ đó du khách đễ dàng đi lên đỉnh núi Cấm bằng xe hơi hoặc xe gắn máy. Đến tháng 2-2015 một hệ thống cáp treo được khánh thành. Du khách chỉ mất 8 phút để lên đỉnh núi bằng cáp treo. Tuy nhiên giá đi cáp treo 155.000đ / vé khứ hồi, so với giá đi xe của công ty lữ hành trước đây 60.000đ/ khứ hồi là khá mắc. Không biết có phải vì thế mà lượng khách đi cáp treo rất lèo tèo?
Điểm cộng khi đi cáp treo là nhà ga đẹp, ở chân núi và đỉnh núi cảnh quan ngoài nhà ga đều rất đẹp. Điểm trừ là xe chở khách tham quan phải ngừng cách nhà ga vài trăm mét để khách xuống đi xe điện vào nhà ga giá 2000đ/ người, gây cảm giác phiền phức. Thực tế nhà ga được thiết kế chỗ cho xe lớn vào tới nơi đổ khách xuống và quay vòng ra bãi đỗ xe rất thuận tiện. Không biết ai đã “tham mưu” cái vụ xe điện 2000đ thiệt trớt quớt!
Nhà ga dưới chân núi
Và ra khỏi nhà ga trên đỉnh núi
Đỉnh núi Cấm với ba điểm tham quan: chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh và tượng Phật Di Lặc thì gần như năm ngoái. Riêng chùa Vạn Linh đã xây xong chánh điện mới rất hùng vĩ. 
Chánh điện mới chùa Vạn Linh ở tầng trên. Tầng trệt là Nhà Tổ.
 Tượng các chú tiểu ở sân chùa Vạn Linh vẫn rất dễ thương. 
Chùa Phật Lớn thì phải khoác áo tràng mới được vào lễ Phật nếu ăn mặc quần ngắn áo ba lỗ hoặc váy. Đoàn mình rất hên vì áo tràng mới được đem về chùa hôm trước, hôm sau thì đoàn mình “khai trương”, áo mới tinh.
Hôm ấy đỉnh núi Cấm rộn ràng vì sự có mặt của tứ đại mỹ “nhăn” 
(mai típ, giờ bùn ngủ gồi!)