Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

Các đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long cách nhau 60km do thủy triều sông Cửu Long?

 



Đang viết về đề tài nước ở châu thổ Cửu Long thì gặp bài này. Bài báo lý giải khoảng cách 60km giữa các đô thị ở miền Cửu Long là do con nước lớn ròng trên sông Cửu Long. Mỗi ngày hai lần thủy triều lên xuống, tức là 6 tiếng nước lên 6 tiếng nước xuống. Thủy triều lên nước sông chảy ngược, thủy triều xuống nước sông chảy xuôi, vận tốc sông là 10km/h. Ghe tàu miền sông nước sẽ đợi con nước mà đi xuôi theo nước chảy. Đi xuôi 6 tiếng sẽ ngừng lại nghỉ, đợi qua con nước ngược thì đi tiếp. Mỗi đoạn như vậy 6 tiếng đi được 60km thì nghỉ, lâu dần thành đô thị bên bờ. Vậy nên các đô thị miền này cách nhau 60km.
Dòng sông chảy xuôi và chảy ngược vận tốc khác nhau chứ không đều 10km/h, và vận tốc cũng khác nhau ở đoạn gần biển và xa biển. Thí dụ vận tốc dòng chảy của sông sẽ khác nhau ở Châu Đốc và ở Cần Thơ. Cứ cho là vận tốc dòng sông đều đều 10km/h thì ghe tàu đi sẽ có buồm hoặc có chèo, có máy chứ không phải thả trôi theo dòng nước để mà qua 6 tiếng thì đi được 60km. Thực tế thì ghe tàu nếu canh con nước để đi xuôi dòng thì vận tốc sẽ là 10km+ . Vì vậy con số 60km có một đô thị chỉ là trùng hợp.
Trong bài nêu các thành phố: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, trong đó Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng nằm bên hữu ngạn sông Hậu. Bạc Liêu và Cà Mau ở bán đảo Cà Mau. Từ Bạc Liêu đi Cà Mau thủy triều chịu ảnh hưởng hai phía biển Đông và Tây nên không giống thủy triều trên sông Tiền, sông Hậu.
Vậy các đô thị dọc theo sông Tiền thì sao? trong bài không có nói đến! Dọc theo sông Tiền từ trên biên giới xuống biển là Tân Châu, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long. Từ Vĩnh Long theo nhánh sông Mỹ Tho sẽ tới Mỹ Tho. Sông này đổ ra biển bằng hai cửa Tiểu, của Đại. Gò Công nằm phía bắc sông Cửa Tiểu.
Từ Vĩnh Long theo sông Hàm Luông thì tới Bến Tre. Từ Vĩnh Long theo sông Cổ Chiên thì tới Trà Vinh.
Tóm tắt: Tân Châu----> Hồng Ngự----> Cao Lãnh--->Sa Đéc---> Vĩnh Long.
Vĩnh Long---> Mỹ Tho ---> Gò Công
Vĩnh Long---> Bến Tre
Vĩnh Long--->Trà Vinh
KHoảng cách các đô thị trên sông Tiền như sau:
Tân Châu- Hồng Ngự : 35km
Hồng Ngự- Cao Lãnh: 57km
Cao Lãnh - Sa Đéc: 32km.
Sa Đéc - Vĩnh Long: 27km.
Vĩnh Long- Mỹ Tho: 75km, Mỹ Tho- Gò Công: 41km.
Vĩnh Long - Bến Tre: 72km
Vĩnh Long - Trà Vinh: 65km.
Có hai đô thị có khoảng cách xấp xỉ 60km nhưng đường thủy giữa các đô thị này chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Đông và Tây nên không giống thủy triều trên sông Cửu Long, là:
Long Xuyên - Rạch Giá : 61km
Rạch giá - Vị Thanh: 61km.
Hình1: Bản đồ các đô thị trên sông Tiền.
1- Tân Châu, 2 Hồng Ngự, 3 Cao Lãnh, 4 Sa Đéc, 5 Vĩnh Long, 6 Mỹ Tho, 7 Gò Công, 8 Bến Tre, 9 Trà Vinh.
Hình 2: 1 Long Xuyên, 2 Rạch Giá, 3 Vị Thanh

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Tại sao Mỹ Tho, Trung Lương ngập giữa mùa hạn?

 

Các nhà quản lý cống đập và chính quyền và báo chí nói là do "biến đổi khí hậu", do "thời tiết cực đoan", do "nước biển dâng". Nghe vậy mà có ai hiểu gì không? Nếu cao nhân nào hiểu thì vui lòng giải thích tường tận, thí dụ nước biển dâng bao nhiêu so với hồi không ngập. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây ra bão, lụt, hạn hay gì? và các hiện tượng thời tiết đó ảnh hưởng thế nào đến chuyện ngập thành phố Mỹ Tho
Quả thật các cụm từ trên rất là tuyệt diệu để mà đổ thừa. Nói chung chung mập mờ như vậy để đổ thừa cho chuyện ngập lụt, thiếu nước ngọt, đất nứt, xì phèn... trong mùa hạn năm 2024 này và cả những năm trước.
NƯỚC BIỂN DÂNG LÀ GÌ?
Cái này ai muốn tìm hiểu thì tra cứu, tài liệu có đầy trên mạng. Năm 1993 nước biển dâng 1,7milimet một năm. Hiện nay tốc độ dâng nhanh hơn: 4,3 milimet một năm. Với tốc độ này thì đến đầu thiên niên kỷ mới đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước 1/3. Nước biển dâng là dâng chứ không có dâng lên rồi rút xuống.
Nước biển lên xuống mỗi ngày gọi là THỦY TRIỀU.
Khoản 23 Điều 3 Luật Khí tượng thủy văn 2015 có quy định như sau:
"Nước biển dâng là sự dâng lên của mực nước đại dương trung bình do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó KHÔNG BAO GỒM TRIỀU CƯỜNG, nước dâng do bão và các tác động tự nhiên khác".
Vậy hai lần nước ngập Mỹ Tho vừa qua do TRIỀU CƯỜNG chứ không phải do nước biển dâng.
Triều cường là từ mà báo chí và nhà nước gọi, còn dân đồng bằng thì gọi là CON NƯỚC RONG. Nước rong đã có từ hồi xưa rồi mà sao hồi xưa không ngập bây giờ ngập? Người xưa xây đô thị Mỹ Tho đã tính đến thủy triều, nên chọn chỗ không ngập khi thủy triều lớn. Tự nhiên bây giờ nước rong thành triều cường, gây ngập?
Thủy triều ngoài biển ảnh hưởng mực nước sông Cửu Long rất xa lên tận Nam Vang. Thủy triều lên thì nước sông lên cao, gọi là nước lớn, thủy triều xuống thì nước sông thấp xuống gọi là nước ròng.
Trên sông Tiền đoạn qua Mỹ Tho người ta đắp ba cái đập ngăn nước sông Tiền chảy vào sông, kinh nhánh, để ngăn mặn. Từ phía biển đi lên thì đập đầu tiên là trên kinh Chợ Gạo, đập thứ hai trên sông Bảo Định và đập thứ ba trên kinh Nguyễn Tấn Thành. Nước sông không chảy vào vào kinh rạch nhánh, không chia bớt nước được nên lúc nước rong tức triều cường thì tràn bờ mà ngập lên thành phố Mỹ Tho. Ngã ba Trung Lương gần vàm sông Bảo Định bị ngập lút gây kẹt xe.
Không phải chỉ Mỹ Tho ngập, các thành phố khác ở miền Tây cũng ngập, thí dụ Cần Thơ, cũng ngập do triều cường. Cùng một câu hỏi: sao ngày xưa triều cường không ngập mà giờ ngập? NHƯ TRÊN ĐÃ NÓI, KHÔNG PHẢI DO NƯỚC BIỂN DÂNG. Vậy do đâu???



Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ HẠN, MẶN, LŨ Ở MIỀN TÂY

  Hỏi: MIỀN TÂY HIỆN NAY CÓ KHÔ NƯỚC KHÔNG?

Câu trả lời là KHÔNG.

Bạn ở Sài Gòn, bạn ở miền Đông đều nóng không chịu nổi, thì miền Tây cũng vậy, vì đang là đỉnh điểm của mùa nóng. Nhưng bạn thấy sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có cạn nước không? Người Sài Gòn có thiếu nước không? 

Thì hai nhánh sông Tiền và sông Hậu vẫn đang đầy nước từ sông cái cho đến kinh rạch đều vẫn đủ nước. Chỗ tôi là vùng tứ giác Long Xuyên, hữu ngạn sông Hậu, tỉnh An Giang mới thu hoạch lúa Đông Xuân xong, đang xuống giống vụ Hè Thu. Nóng thì nóng nhưng làm ruộng vẫn làm, và nước vẫn đủ (500 anh em ai ở vùng này vô xác nhận)

Miệt vườn, tức những vùng đất ven hai dòng sông: Cần Thơ, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre... không thiếu nước tưới cây. Nếu không sợ nóng mà đi du lịch miền Tây lúc này thì khu du lịch nào cũng vẫn hoạt động, không bị thiếu nước, kể cả vùng gần biển ở Bến Tre.

Hỏi: MẶN XÂM NHẬP DO NĂM NAY NẮNG HẠN KÉO DÀI PHẢI KHÔNG?

Câu trả lời là KHÔNG

Mặn xâm nhập là do mùa kiệt lưu lượng dòng chảy của sông yếu, thủy triều lên nước biển đẩy ngược vào sông. Tuy hiện nay ta đang bị hạn vì mưa trễ nhưng lưu lượng nước sông không phải là do mưa hay nắng Ở ĐÂY mà phụ thuộc nhiều vào lượng nước trên thượng nguồn. Vậy nên năm nay tuy nắng nóng kéo dài hơn năm 2020 mà mặn không xâm nhập sâu bằng năm ấy. (Trong bài về ngọt hóa Gò Công tôi có nói rõ về xâm nhập mặn)

Năm 2020 mới qua Tết là ở vùng "ngọt hóa" Ba Lai, cách biển 20 km nước mặn không tắm giặt được, cây trái chết vật vã.  Năm nay cho tới tận lúc này nước vẫn còn dùng giặt rửa được, uống tạm cũng được (bà con tôi ở vùng này nên tôi biết rõ)

Và quan trọng là ĐANG LÚC NÀY, vẫn hạn nhưng tỉnh Tiền Giang tuyên bố mặn đã giảm và mở cống ngăn mặn. Cách nay một tháng, đúng lý thì độ mặn phải ít hơn lúc này vì mới vào mùa kiệt, lượng nước sông còn nhiều hơn lúc này mà la lên "hạn mặn" rồi đóng cống hết thảy khiến trong đồng khô nước, nứt nẻ. Giờ cuối mùa kiệt là lúc mặn lấn sâu nhứt mà lại tuyên bố mặn giảm trên sông Tiền??? (xem bài báo theo link dưới comment)

Hỏi: VẬY TẠI SAO GÒ CÔNG, U MINH THƯỢNG RUỘNG KHÔ NỨT KHÔ NẺ, DÂN THIẾU NƯỚC NGỌT?

Là vì các đập ngăn mặn. Đập ngăn mặn trên kinh Chợ Gạo (vùng ngọt hóa Gò Công) đóng lại hồi mới qua Tết (đầu mùa kiệt). Nếu hôm nay đập ngăn mặn lớn thứ hai ở miền Tây phải mở vì "mặn đã giảm trên sông Tiền", vậy trước đây một hai tháng chắc chắn độ mặn trên sông Tiền phải thấp hơn lúc cuối mùa kiệt như thế này. 

Đầu mùa kiệt vội vã đóng cống ngăn mặn khi nước chưa mặn khiến cho vùng Gò Công thiếu nước ngọt, khô hạn nứt nẻ, dân trở tay không kịp.

Đập Cái Lớn Cái Bé thì ngăn mặn ở biển Tây. Ngăn mặn và thiếu nước ngọt nên vùng U Minh Thượng đất khô nứt nẻ xì phèn là hiển nhiên.

HỎI: NẾU KHÔNG NGĂN MẶN THÌ SAO?

Thì vùng bị mặn xâm nhập sẽ là nước lợ. Như vùng ngọt hóa Ba Lai, cống đập Ba Lai vô dụng, cả vùng bị nhiễm mặn trong mùa kiệt cũng đâu có sao, từ xưa vẫn vậy. Tới mùa mưa thì nước ngọt trở lại, lại trồng lúa.

Nếu không ngăn mặn thì cây trái, lúa... sẽ bị thất thu. Đó là vì cố tăng vụ lúa trên vùng có thể bị mặn. Tính trên lý thuyết bao nhiêu hecta hưởng lợi vì không nhiễm mặn nhưng thực tế thiếu nước ngọt lúa chết thì ém, không tính thiệt hại. Ruộng đồng nứt nẻ xì phèn thì ém không tính thiệt hại, Bao nhiêu nguồn lợi thủy sản bị thất thu vì cái đập cũng ém luôn. 

Và bây giờ giữa cao điểm "hạn mặn" thì tuyên bố mặn trên sông Tiền đã giảm để mở cống! Lý do thực là gì???

Đập Cái Lớn Cái Bé ở hướng biển Tây thì khác biển Đông. Thủy triều biển Tây thấp hơn biển Đông, và chế độ triều là nhật triều (ngày một lần) nên dòng chảy ngước từ biển vào sông yếu hơn bên biển Đông nhiều. Theo tỉnh Kiên Giang thì  năm nay mặn xâm nhập vào sông Cái Lớn có thể 47-57km (là xâm nhập nhiều, sâu) nếu không đóng cống. Bên biển Đông thủy triều lên cao hơn, mặn xâm nhập mạnh hơn nhưng tỉnh Tiền Giang tuyên bố sông Tiền đang giảm mặn. Vậy tin ai đây???

Sông Cái Lớn vậy còn  kinh Vĩnh Tế thì sao? Kinh Vĩnh Tế nối từ sông Hậu ra biển Tây, kinh dài  87km. Nếu mặn xâm nhập từ biển Tây theo mức độ ở sông Cái Lớn thì sẽ vào hơn 2/3 chiều dài kinh. Mà kinh này đưa nước sông Hậu vào tứ giác Long Xuyên. Đến nay vùng lúa tứ giác Long Xuyên vẫn bình thường. May phước! chưa ai nghĩ ra chuyện đắp đập ngăn mặn ở kinh Vĩnh Tế.

Để giải bài toán NƯỚC ở đồng bằng phải đặt lại vấn đề, không thể cứ NGĂN MẶN mà không đủ nước ngọt, để thiệt haị chồng lên thiệt hại. Đập đã xây thì khó phá bỏ, sẽ như đeo cục nợ... đời!

(còn tiếp về LŨ)

Hình: