CHỮ là công cụ để ghi lại TIẾNG NÓI (ngôn ngữ). Chữ tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm) ghi tiếng nói theo nghĩa chứ không theo âm. Ngày xưa nước ta dùng chữ hán rồi chữ Nôm để ghi chép.
Ngày nay ta có chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ là chữ ghi âm nên để sáng tạo ra chữ quốc ngữ thì cha Đắc Lộ (và các cộng sự về sau này) phải phân tích, phải tìm hiểu TIẾNG VIỆT về mặt NGỮ ÂM. Cấu tạo của âm này ra sao, âm kia thế nào, âm nào là nguyên âm, nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, phụ âm đầu, phụ âm cuối v.v... Rồi sau đó mới dùng chữ cái Latin QUY ĐỊNH chữ này ghi âm này, chữ kia ghi âm nọ...v.v... Đó là tóm tắt quá trình sáng tạo ra chữ quốc ngữ, SÁNG TẠO ra một CÔNG CỤ mới để ghi lại TIẾNG VIỆT.
Chúng ta là người sử dụng chữ quốc ngữ, là sử dụng công cụ mới này. Chúng ta chỉ cần học QUY TẮC SỬ DỤNG chứ không cần học cái quá trình LÀM RA CÔNG CỤ.
Nhìn trong đời sống ta thấy tất cả CÔNG CỤ đều như thế. Người sáng tạo ra thì phải nắm rõ mục đích yêu cầu và sau đó nghiên cứu lý thuyết rồi dựa trên cơ sở lý thuyết mới làm ra được một công cụ mới. Người sử dụng chỉ học cách sử dụng công cụ cho thành thạo là có hiệu quả, không cần học về mớ lý thuyết cao siêu để làm ra công cụ đó.
Trở lại chữ Việt, cách dạy theo cục vuông tròn, âm vị, âm tiết, âm tố gì đó ... là đi lại con đường phân tích tiếng Việt ngày xưa cha Đắc Lộ đã đi. Con đường đó chỉ cần thiết với những nhà nghiên cứu, với những người muốn cải tiến công cụ (chữ viết) chứ hoàn toàn vô ích với người sử dụng, càng vô ích với trẻ em.
Các đệ tử của ông Đại cứ đưa ra mớ lý thuyết rối rắm rồi chê bai người ta không hiểu. Bạn lái xe hơi bạn có cần học nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong hay không? Bạn xài computer bạn có cần phải học ngôn ngữ lập trình hay không?
Người ta cười cợt mấy ô vuông tròn không phải là cười cợt mớ lý thuyết cao siêu kia mà chính là cười cợt cái chỗ đem mớ lý thuyết đó ra áp dụng sai chỗ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét