Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

GIÓ ĐƯA BỤI CHUỐI SAU HÈ


ANH MÊ VỢ BÉ BỎ BÈ CON THƠ!
Hồi mình còn nhỏ, ba mẹ mình vắng nhà cả ngày , mình ở nhà với bà ngoại và mấy đứa em nhỏ. Bà ngoại mình mỗi ngày đều hát ru em mình ngủ bằng đủ thứ các câu ca dao. Mình hay hỏi nên khi nghe câu hát này thì hỏi bà ngoại:
- Ngoại ơi, vợ bé là gì ngoại
- Là vợ nhỏ
-.....
- Ngoại ơi, bộ tại gió đưa bụi chuối nên anh mới mê vợ bé hả ngoại
- Ôi, tại người ta hát bắt vần vậy mà!
- Ngoại ơi, bè con thơ là gì ngoại
- là con còn nhỏ mà một "bè" luôn á!
-.......
Ngoại giải thích xong mà mình cũng chẳng hiểu gì mấy, rồi cũng quên. Nghe câu hát khác lại hỏi nữa.
Năm đó mình học lớp 2 nhưng mới 6 tuổi (vì được học nhảy lớp 1). Gần nhà mình, cách vài căn là nhà đứa bạn gái chung lớp tên Cẩm Hồng. Mới đi học chưa quen bạn nhiều nên mình chỉ chơi với nó và đi học, đi về chung với nó.
Học tháng đầu tiên mình được lãnh bảng danh dự hạng nhì mà không biết hạng nhì là sao hết, đi học về tới nhà liền lấy bảng danh dự đưa mẹ xem, hỏi mẹ hạng nhì là sao, mẹ nói con giỏi quá mẹ hun con một cái thưởng con nè. Lúc đó nhỏ Cẩm Hồng đi về chung với mình cũng vô nhà đứng đó nhìn xong nó lẳng lặng bỏ về, hôm sau vô lớp nó "đồn" với lớp là mình nhõng nhẽo lắm, đi học về cái đòi mẹ ôm hun làm tụi bạn chọc ghẹo mình quá trời luôn.
Và sau bữa đó Cẩm Hồng rủ mình qua nhà nó chơi. Nhà nó đông anh chị em, chị lớn nhất của nó tên Cẩm Bình 17 tuổi, nó là con thứ mấy mình chẳng nhớ, dưới nó có 3 đứa em, nó đi học về phải giữ em và nấu cơm, làm việc nhà. Các anh chị nó đều đã nghỉ học. Mình qua chơi hoài mà không gặp ba má nó, hỏi nó thì nó nói:
- Ba tao có vợ bé, đi luôn rồi hổng có về nhà
- Vợ bé là gì
- Là vợ khác. Má tao là vợ lớn, bà kia là vợ bé.
- Má mày đâu?
- Má tao đi bán tối khuya mới về mà bả dữ lắm, về nhà là đánh tụi tao. Chị Cẩm Bình bị đánh nhiều nhứt.
Mình chơi nhà nó hoài nên cũng có khi gặp má nó lúc bà đi bán về sớm. Bà dáng người khắc khổ, da trắng nhưng đầy nếp nhăn, tóc bới kiểu "đầu lèo" , mặt mũi luôn khó đăm đăm, về tới nhà là con cái lấm lét, mình thấy bà về là vọt luôn về nhà!
Một bữa Cẩm Hồng nói với mình là tụi mình sống hết kiếp này chết sẽ đầu thai kiếp khác. Qua kiếp sau thì đổi hết, mày làm con má tao, tao làm con mẹ mày. Anh chị em gì cũng đổi hết. MÌnh cãi với nó là không có, tao không tin mà nó nói hoài riết cái mình đâm sợ, sợ rồi khóc nức nở chạy về nhà. Mẹ mình hoảng hồn hỏi có chuyện gì , mình khóc hoài khóc hoài một hồi mới kể đứt đoạn là con Cẩm Hồng nói kiếp sau con làm con má nó, con hổng chịu, con sợ lắm...
Mẹ mình ôm mình dỗ hoài dỗ mãi nói lúc nào mẹ cũng là mẹ của con, kiếp nào cũng vậy, con đừng sợ. Mẹ mình còn nói Cẩm Hồng nó nói vậy vì nó ao ước được thương yêu như con được thương yêu vậy.
Từ đó, dù mới 6-7 tuổi mình đã hiểu nghĩa câu hát trên, mình thương Cẩm Hồng nên dù sợ má nó mình vẫn qua nhà nó chơi với nó, tới khi rời xóm cũ mình mới xa nó....
Hình thuở ấy chụp với bà chị họ hơn mình 1 tuổi.

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

4000 CON HEO CHẾT TRONG LŨ LỤT, ĐÓ LÀ CHÍNH TRỊ


Người lập trại nuôi được 4000 con heo là người giỏi, và giàu. Chọn vị trí lập trại heo là điều đầu tiên mà người giỏi và giàu kia phải cân nhắc. Cái vị trí để lập trại heo thành công phải thỏa nhiều tiêu chí, trong đó cái tiêu chí không bị ngập lụt là phải xem xét hàng đầu.
Vậy nên, lũ lụt xảy ra dìm chết 4000 con heo là điều mà người chủ trại không lường trước được. Họ đâu lường được cái nhà máy thủy điện sẽ xả lũ "đúng quy trình" khi nào. Đâu lường được rừng bị đốn trọc cộng thêm nhà máy xả lũ nữa thì dòng nước lũ quét sẽ kinh khủng cỡ nào.
Xả lũ đúng quy trình, cơ nghiệp một đời đi đứt. Vì rừng bị tàn sát đúng quy trình, vì lũ được xả đúng quy trình nên sẽ chảng có ai chịu trách nhiệm. Chỉ có người dân là nạn nhân mất mạng, mất tài sản là ôm hận mà thôi.
Những nhân tai "đúng quy trình" này chính là chính trị đó thôi. Ừ, cứ lo làm ăn đi đừng quan tâm đến chính trị mà chính trị có buông tha cho mình đâu?
Tất cả mọi người dân đều có thể bị tai họa giáng xuống đầu giống như người chủ trại kia nếu cứ im lặng chịu đựng những bất công. Tại sao những kẻ vì tham lợi và vì ngu dốt bất chấp tất cả để ra lệnh phá rừng, làm thủy điện và xả lũ thì vẫn thản nhiên ngự trong lâu đài biệt phủ, sống xa hoa sung sướng trên nỗi thống khổ của đồng bào? ai đã bao che cho những kẻ đó không bị trừng trị? Ai sẽ bù đắp cho những mất mát của dân? Trả lời những câu hỏi đó cũng chính là "chính trị"
Tôi học ngành nông nghiệp nên có nhiều bạn làm trong ngành nông nghiệp. Chắc rằng các bạn của tôi cũng đau lòng khi nhìn thấy cảnh những con heo cuống cuồng bơi tròng nước lũ và... chết. Chắc là khi nhìn thấy cảnh 4000 con heo chết các bạn tôi cũng hiều: ĐÓ LÀ CHÍNH TRỊ.

THỦ KHOA vs THẤT NGHIỆP


Một nữ sinh tốt nghiệp đại học Sư Phạm với điểm cao nhất trường- thủ khoa-
không xin được việc làm giáo viên nên cô ở nhà "chăn lợn". Đề tài có vẻ hot trên báo, đúng mô típ thời thượng: một bài đưa thông tin về cô thủ khoa chăn lợn, kế là một tâm thư của cô thủ khoa gời cho vị bí thư tỉnh nhà cô, và có lẽ tiếp theo sẽ là chỉ đạo sáng suốt của vị lãnh đạo kia sẽ ban xuống cho cô một chỗ làm để cô được "cống hiến". Thế là đẹp cả mọi đường!
Cô gái kia là con thường dân, không phải COCC. Ngành cô muốn xin việc không phải là ngành cạnh tranh với COCC nhưng muốn xin vào làm phải có thủ tục đầu tiên. Dù cô có là thủ khoa cũng không qua được "thủ tục".
Tôi không biết dân miền ngoài suy nghĩ thế nào về cái biên chế/ chỗ làm trong nhà nước. Ở miền NAm, đặc biệt là ở Sài Gòn người giỏi sẽ tự tìm được chỗ đứng, không cần phải tâm thư tâm théo cho ai cả, cũng không cần chạy việc chạy biên chế gì cả.
Tôi có một cô bạn học thời phổ thông, học hết 12 cô không đi học đại học vì hoàn cảnh gia đình không cho phép nhưng suốt 30 năm nay cô sống bằng nghề dạy học: dạy toán cho các em 12 luyện thi đại học. Cô không tìm học trò mà học trò và phụ huynh tìm cô, năn nỉ cô dạy cho con em họ. Giờ cô mệt muốn nghỉ bớt mà vẫn chưa nghỉ được.
Tôi có một đứa em. là bạn của em gái tôi. Cô này học ĐH sư phạm và cũng trầy trật khi xin việc làm ở quê. Cô bỏ lên SG xin dạy trường tư quốc tế đến nay được trên 10 năm. Giờ cô là người SG với thu nhập đáng mơ ước.
Nếu bạn là dân SG, nhìn quanh mình sẽ thấy rất nhiều người giống như hai trường hợp tôi kể ở trên. Một người mang danh "thủ khoa" mà phải "chạy việc", dù chạy bằng thủ tục đầu tiên, bằng mối quan hệ trên mức tình cảm hay bằng "tâm thư" thì cũng cho ta thấy một điều: không thể tin được những sản phẩm mà nền giáo dục này đang tạo ra. Một sản phẩm gọi là "thủ khoa" mà còn kém cỏi như thế thì có thể hy vọng gì nhiều ở các sản phẩm đại trà khác?
Nếu bạn chưa tin thì tìm đọc "tâm thư" của cô thủ khoa đi, sẽ thấy một bài văn sáo rỗng và thật bình thường nếu không muốn nói là tầm thường. Về nội dung thì bài văn không toát lên được sự chân thành nên không lay động được người đọc. Về hình thức thì cô dùng một vài từ sai lẽ ra không thể có đối với một cử nhân về môn ngữ văn. Thí dụ cô dùng từ: "thủ khoa xuất sắc" là sai và thừa thãi. Dũng từ này cũng cho thấy cô có tâm tý khá tự mãn và thích khoe khoang.
Cô bé thủ khoa kia cũng chỉ là nạn nhân của một nền giáo dục xuống cấp. Bài này không phải để chỉ trích cô mà để phơi bày thực trạng của nền giáo dục, những người phải chịu trách nhiệm về các sản phẩm trồng người mà họ đã tạo ra. Đáng buồn là vấn đề đang đề cập chỉ là một góc nhỏ trong nền giáo dục xuống cấp mà chúng ta đang phải gánh chịu. Nếu mổ xẻ hết về ngành giáo dục chắc là phải chặt hết "trúc Nam Sơn" quá!

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

AI BÁN GHẾ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI?


Hỏi chơi vậy thôi chứ làm sao biết hahaha!
Theo bài bản mà Đảng ta luôn tuyên truyền thì Quốc hội là cơ quan quyền lực của dân gì đó, do dân bầu ra gì đó....và nhiều điều hay ho "như thật" của cái gọi là Quốc Hội này.
Không cần phải đến lúc đổ bể chuyện "đại biểu quốc hội" Châu Thị Thu Nga khai là bỏ ra 1,5 triệu đô Mỹ để chạy ghế đại biểu thì người ta mới biết chuyện bầu bán ở xứ thiên đường là giả hiệu, mà ai có chút suy nghĩ đều biết chuyện này.
Vụ 1,5 triệu đô chạy ghế đại biểu chỉ làm rõ hơn vấn đề: đại biểu quốc hội không phải của dân do dân gì ráo mà chính xác là của cái kẻ mà ai cũng biết là ai đấy, kẻ "bán ghế" kia! Vấn đề nữa là ghế đại biểu sao lại có giá ghê thế? chứng tỏ ngồi ghế đó cũng kiếm chác được khá nhiều, chí ít cũng phải bằng số tiền đã bỏ ra mua ghế.
Dân đen thì chỉ được quyền đóng thuế để chi cho các cuộc bầu cử hình thức và tốn kém, đóng thuế nuôi đại biểu họp xuân thu nhị kỳ hàng tháng trời. Không muốn cũng phải nai lưng ra đóng thôi. Có một cái quyền nhỏ nhoi là không muốn đi bầu vì mất thì giờ vô ích thì cũng không được nốt.
Làm đủ nghĩa vụ đóng thuế, đi bầu vân vân mây mây rồi thì liệu mà im lặng ngoan ngoãn tiếp tục cày bừa đóng thuế để nuôi bộ máy và trả nợ công nhé!

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

XỨ U MINH CÓ "RỪNG RÚ" KHÔNG?


Dạ, xứ U Minh hồi xưa có rừng ngập mặn là những cây tràm cây đước dày đặc, dừa nước, ô rô, dây choại dây leo đủ loại chằng chịt, vô rừng là tối thui tối hù không thấy ánh sáng nên được đặt chết tên là rừng U Minh ( U là tối mà minh cũng là tối. Chữ Hán ngộ ghê có chữ minh là sáng và chữ minh là tối, hai chữ này viết khác nhau mà đọc giống nhau- đồng âm).
Rừng U Minh xưa dày rậm, giờ thì bị phá gần sạch rồi. Người xứ U Minh xưa và nay thì không "rừng rú" chút nào, ngược lại họ rất văn minh trong cách ứng xử nha. Đọc truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh, nhà văn Sơn Nam sẽ thấy hồi đầu thế kỷ trước ở xứ U Minh đã có trạm kiểm lâm, nhân viên kiểm lâm (Pháp) bảo vệ rừng và các sinh vật trong rừng. Khi có tranh chấp dân sự hoặc hình sự thì họ được phân đúng sai bằng một phiên tòa, có luật sư biện hộ. Vụ án Đồng Nọc Nạn là một ví dụ.
NHà văn Sơn Nam là một người con xứ U Minh, là con nhà nghèo nhưng học giỏi nên được học bổng của "thực dân" để lên Cần Thơ học hành nên người. Dân nghèo U Minh thời thực dân cũng có cơ hội học hành, tiếp cận với văn mình Âu Tây.
Anh Hải cẩu xe ở quận 1 Sài Gòn không phải là người phương NAm mà ảnh vốn là dân xứ BẮc. Hồi nhỏ thì ảnh toàn là được học về một miền Nam đau khổ rên xiết dưới ách thực dân đế quốc. Thực tế xứ Bắc của ảnh thì nghèo khổ lạc hậu nên chắc ảnh tưởng miền Nam vì bị "kềm kẹp" nên còn tệ hơn nữa. Khi vào Nam thấy Sài Gòn văn minh giàu có "phồn vinh giả tạo", mà chắc ảnh chưa có đi về xứ U Minh, chưa tiếp xúc với dân ở U Minh nên ảnh nghĩ/tưởng (theo kinh nghiệm cá nhân của ảnh) rằng dân ở quê nghèo thì sẽ "rừng rú". Chắc chắn một điều là ảnh chưa đọc sách của nhà văn Hồ Biểu Chánh lẫn nhà văn Sơn Nam viết về U Minh, cho nên cái nghĩ/ tưởng của ảnh nó sai be bét.
Cái suy nghĩ lâu ngày trong đầu sẽ buột ra lời nói khi có dịp. Rừng U Minh là rừng ngập mặn giữa đồng bằng, sao sánh được với rừng nhiệt đới Tây Nguyên hay rừng nguyên sinh Cúc Phương. Rừng già Việt BẮc Tây bắc. Tại sao ảnh không buột miệng ra các loạii rừng có chất rừng rú hơn kia mà lại nói đúng rừng U Minh?
Lỡ lời thì cũng lỡ rồi, xin lỗi phải chăng là quá khó? Ban Tuyên Giáo Cà Mau cũng bẻ hành bẻ tỏi anh Hải làm chi cho mệt không biết. Quan chức Cộng Sản thì ai cũng vậy thôi, cứ phát ngôn là có vấn đề. Tìm lời đúng đắn hay ho của họ thì khó chứ kiểu phát ngôn "về rừng U Minh mà sống" của ông HẢi đâu có gì lạ mà đồng chí phải cắng đắng với nhau. Để dân cắng đắng thôi!

XỨ U MINH CÓ "RỪNG RÚ" KHÔNG?


Dạ, xứ U Minh hồi xưa có rừng ngập mặn là những cây tràm cây đước dày đặc, dừa nước, ô rô, dây choại dây leo đủ loại chằng chịt, vô rừng là tối thui tối hù không thấy ánh sáng nên được đặt chết tên là rừng U Minh ( U là tối mà minh cũng là tối. Chữ Hán ngộ ghê có chữ minh là sáng và chữ minh là tối, hai chữ này viết khác nhau mà đọc giống nhau- đồng âm
明 minh: sáng- 光明quang minh.
冥minh: tối- 幽冥u minh).
Rừng U Minh xưa dày rậm, giờ thì bị phá gần sạch rồi. Người xứ U Minh xưa và nay thì không "rừng rú" chút nào, ngược lại họ rất văn minh trong cách ứng xử nha. Đọc truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh, nhà văn Sơn Nam sẽ thấy hồi đầu thế kỷ trước ở xứ U Minh đã có trạm kiểm lâm, nhân viên kiểm lâm (Pháp) bảo vệ rừng và các sinh vật trong rừng. Khi có tranh chấp dân sự hoặc hình sự thì họ được phân đúng sai bằng một phiên tòa, có luật sư biện hộ. Vụ án Đồng Nọc Nạn là một ví dụ.
NHà văn Sơn Nam là một người con xứ U Minh, là con nhà nghèo nhưng học giỏi nên được học bổng của "thực dân" để lên Cần Thơ học hành nên người. Dân nghèo U Minh thời thực dân cũng có cơ hội học hành, tiếp cận với văn mình Âu Tây.
Anh Hải cẩu xe ở quận 1 Sài Gòn không phải là người phương Nam mà ảnh vốn là dân xứ Bắc. Hồi nhỏ thì ảnh toàn là được học về một miền Nam đau khổ rên xiết dưới ách thực dân đế quốc. Thực tế xứ Bắc của ảnh thì nghèo khổ lạc hậu nên chắc ảnh tưởng miền Nam vì bị "kềm kẹp" nên còn tệ hơn nữa. Khi vào Nam thấy Sài Gòn văn minh giàu có "phồn vinh giả tạo", mà chắc ảnh chưa có đi về xứ U Minh, chưa tiếp xúc với dân ở U Minh nên ảnh nghĩ/tưởng (theo kinh nghiệm cá nhân của ảnh) rằng dân ở quê nghèo thì sẽ "rừng rú". Chắc chắn một điều là ảnh chưa đọc sách của nhà văn Hồ Biểu Chánh lẫn nhà văn Sơn Nam viết về U Minh, cho nên cái nghĩ/ tưởng của ảnh nó sai be bét.
Cái suy nghĩ lâu ngày trong đầu sẽ buột ra lời nói khi có dịp. Rừng U Minh là rừng ngập mặn giữa đồng bằng, sao sánh được với rừng nhiệt đới Tây Nguyên hay rừng nguyên sinh Cúc Phương. Rừng già Việt BẮc Tây bắc. Tại sao ảnh không buột miệng ra các loạii rừng có chất rừng rú hơn kia mà lại nói đúng rừng U Minh?
Lỡ lời thì cũng lỡ rồi, xin lỗi phải chăng là quá khó? Ban Tuyên Giáo Cà Mau cũng bẻ hành bẻ tỏi anh Hải làm chi cho mệt không biết. Quan chức Cộng Sản thì ai cũng vậy thôi, cứ phát ngôn là có vấn đề. Tìm lời đúng đắn hay ho của họ thì khó chứ kiểu phát ngôn "về rừng U Minh mà sống" của ông HẢi đâu có gì lạ mà đồng chí phải cắng đắng với nhau. Để dân cắng đắng thôi!

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

HEO ƠI LÀ HEO!


Tháng giáp Tết là mùa cao điểm tiêu thụ thịt heo, vậy mà giáp Tết năm nay giá heo sụt thê thảm. Chỉ trong vòng hai tháng, từ đầu tháng 11-2016 đến đầu tháng 1-2017 giá heo đã sụt mất khoảng 1,5-2 triệu đồng/ 1 tạ heo, tùy địa phương, mà giá này vẫn chưa là giá đáy!
Nguyên nhân (đọc được trên báo chí) là vì thương lái TQ ngưng mua heo, đàn heo ế dồn cục lại quá nhiều thì giá tự nhiên là phải sụt.
Một nguyên nhân nữa có liên quan đến nguyên nhân ở trên mà báo nêu ra là hai năm vừa qua (2015-2016) nhờ bán cho TQ được giá cao nên người chăn nuôi tự phát tăng đàn heo quá nhiều. Báo Thanh niên còn chỉ đích danh là người "nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ" thấy có lợi nên tự động tăng đàn dẫn đến cung vượt cầu!
Ai ở trong ngành chăn nuôi đều biết, trừ khi nuôi 1,2 con heo thì có thể "tự phát" chứ nuôi 20 con trở lên là phải có phép tắc đầy đủ. Trang trại càng lớn thì các "phép tắc" càng nhiều và càng khó. (Thí dụ, quy định nước thải chăn nuôi sau khi xử lý phải đạt cột A tương đương nước uống được, hoặc mới đây là quy định nước thải chăn nuôi (sau khi đã xử lý đúng quy định) thì không được thải ra môi trường!). Không phải muốn tự phát là tự phát mà đương nhiên là phải có sự cho phép của các cơ quan quản lý.
Cách nay đúng 1 năm báo Tiếp Thị Thế Giới đã cảnh báo ngành chăn nuôi heo sẽ vỡ trận nếu cứ nuôi vô tội vạ và cứ trông chờ vào thị trường Trung Quốc (hình 1). Thế nhưng một năm qua các cơ quan có liên quan như Bộ Nông nghiệp, Cục Chăn nuôi vân vân không hề quan tâm đến các thông tin trên để cảnh báo cho người chăn nuôi và có biện pháp kiểm soát cái gọi là "tự phát tăng đàn".
Và cũng trong năm qua, có ít nhất hai đại gia đầu tư ngàn tỷ vào chăn nuôi heo, đó là tập đoàn MAsan và tập đoàn thủy sản Hùng Vương ( hình 2, hình 3). Vậy ai mới là "tự phát" thấy lợi nhảy vào và được nhà nước ủng hộ hết mình.
Chăn nuôi heo cũng như các ngành nông nghiệp khác, không phải cứ đầu tư thật nhiều là thu được thật nhiều. Không phải nuôi một con lời 1 triệu thì nuôi 100 ngàn con sẽ lời 100 tỷ. Trên một diện tích đất nhất định, nguồn nước sạch sẽ chỉ đủ cho một số lượng giới hạn gia súc định nuôi trên đó và môi trường cũng chỉ có thể tiếp nhận giới hạn các chất thải, khí thải mà gia súc thải ra. Nếu cứ nuôi cố vì lợi nhuận thì một thời gian môi trường sẽ bị phá hoại nghiêm trọng và đó không phải là chăn nuôi bền vững.
Các luật lệ phép tắc cho ngành chăn nuôi không thiếu để có một nền chăn nuôi bền vững nhưng sao ngành chăn nuôi cứ mãi bấp bênh? Và mỗi lần có sự cố xảy ra là y như rằng do nông dân "tự phát".
Đừng hỏi tui là có ý gì hay ho hơn không, chứ chê như tui thì dễ quá. ỦA, người giành lãnh đạo toàn diện thì phải có trách nhiệm lo chứ đừng đổ thừa nha. Nói vậy thôi chứ tui biết chắc là chẳng ai lo cả. Người nông dân là tui đừng có càm ràm nữa, vô ích thôi!

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

RỪNG TRÀM TRÀ SƯ

 Lên núi xong tụi mình vào rừng. Rừng tràm Trà Sư là phần còn sót lại của môt dải rừng tràm mênh mông trong vùng tứ giác Long Xuyên. Trong tự nhiên rừng tràm là vùng đất thấp, đầm lầy. MÙa nước lên thì nước dâng cao vài thước, tới mùa nước cạn thì đất xem xép nước. Tuy nhiên trong rừng tràm có nhiều chỗ thấp nước ngập sâu quanh năm, tràm không mọc được gọi là “lung”. Hiện nay, để bảo tồn rừng tràm người ta đắp đê bao quanh rừng tràm và giữ nước bên trong để có chỗ cho các loại tôm cá sống và phát triển, nhờ đó mà các loại chim nước ăn tôm cá cũng rất đa dạng trong rừng tràm.

Đoàn mình đến rừng, xuống vỏ lãi để đi vào rừng mà ai nấy hớn hở thế này nè:
Vỏ lãi chạy sâu vô rừng, qua vài khúc quẹo thì cho khách lên bò chuyển qua ghe chèo để đi thăm thú rừng tràm. Đoàn mình 8 người chia hai xuồng, người chèo xuồng kiêm luôn hướng dẫn viên giới thiệu rừng tràm
Đi xuồng một vòng trong rừng tràm, xem chim xem cây xem cỏ, có gì xem nấy, bàn tán, chụp hình làm diên làm dáng...đủ kiểu ...
Rồi lại chuyển qua vỏ lãi đi vô “trạm giữa” nơi có đài quan sát cao để nhìn toàn cảnh rừng tràm
Lên bờ vô đài quan sát, tuy chiều rồi, hết son phấn rồi mà cũng hí hửng và đẹp lồng lộn vầy nè. NHỏ Lệ UYên thò tay ra sau ngoéo cái gì zạ?
Leo lên đài quan sát mà người đẹp Bé Năm yểu điệu thục nữ vầy nè
Còn cặp này thì tranh thủ hú hí
Chỉ có 6 em leo lên đài quan sát, em Hiền và em Sơn ở dưới đất tranh thủ vô quán cháp nước thốt nốt trước.
Rời rừng tràm mấy nàng người mẫu cưn ngắn cũng ráng làm chim bay cò bay lần cuối. Tuy hơi nặng ký nhưng cũng bay lả lướt vầy.
(Còn tiếp kỳ sau: xứ Chắc Cà ĐAo ở đâu?)