Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

TRƯỜNG GIA LONG: MƠ ƯỚC CỦA BA TÔI


Tôi là con gái đầu lòng. Khi mới sinh tôi ra là ba tôi đã ấp ủ niềm mơ ước: con gái lớn lên sẽ thi đậu vào trường Gia Long, sẽ là nữ sinh Gia Long. Từ nhỏ, tôi đã nghe điều đó, và mặc nhiên coi đó là điều mình phải làm, và sẽ làm được.
Ba tôi là "quân nhân" nên cứ phải thuyên chuyển đi hết tỉnh này đến thành phố khác. Khi tôi được sáu tuổi, bắt đầu đi học thì ba tôi xin đổi về Sài Gòn để thực hiện ước mơ "con gái học Gia Long". Trước ngày khai giảng năm học mới ba tôi đã nhận nhiệm sở mới ở Quận 2, mua một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn. Năm đó ba mẹ tôi ở tuổi U30.
Mẹ tôi là cô giáo tiểu học. Năm tôi 4-5 tuổi mẹ tôi mỗi ngày đi dạy học đều dẫn tôi theo cho ngồi ở một góc lớp vì tôi ở nhà thì không có ai trông coi. Học ké suốt một năm tôi đọc thông viết thạo và biết làm toán cộng trừ hai con số mà mẹ tôi cũng chẳng hay! Khi về Sài Gòn mẹ tôi xin cho tôi vào lớp 1, học được một buổi thì cô giáo lớp một dẫn tôi lên văn phòng nói với thầy hiệu trưởng: nó rành hết chương trình lớp 1 rồi, cho nó lên lớp hai học luôn đi thầy! Thế là tôi bắt đầu cuộc đời đi học của mình ở lớp 2.
Tôi học rất giỏi, tháng nào cũng được lãnh bảng danh dự, từ lớp 2 đến lớp 5 đều như thế. Ba tôi rất vui lòng, mỗi tháng khi tôi lãnh bảng danh dự ba tôi đều thưởng cho tôi, khi thì đi coi phim, khi thì đi mua sách...
Ngày ấy học sinh lớp 5 hết bậc tiểu học phải thi tuyển vào lớp 6, bậc trung học. Mỗi trường trung học tự tuyển sinh, tự định ngày thì, tự chấm thi. Học sinh có thể thi nhiều trường nếu ngày thi của các trường ấy không trùng nhau. Nếu thi không đậu vào trường mơ ước thì có thể năm sau thi lại hoặc phải học trường tư tốn tiền.
Trường Nữ Trung Học Gia Long là một ngôi trường tiếng tăm bậc nhất Sài Gòn nên thí sinh thi vào phải cạnh tranh rất cao. Năm ấy tôi chỉ nộp đơn duy nhất một trường Gia Long. Và sau khi nộp đơn xong xuôi thì... "giải phóng". Và dù được "giải phóng" nhưng trường vẫn được giữ nguyên cô Hiệu Trưởng và toàn bộ hệ thống nhân sự cũng như tổ chức. Năm đó trường vẫn tổ chức thi và tuyển sinh theo cách thức như cũ, và đó cũng là lần tuyển sinh cuối cùng của trường Gia Long.
(P/s:Ngẫm lại thì số em phải được học Gia Long đó mấy chế. Nếu em không được học nhảy lớp một mà học đúng tuổi thì năm sau đó, năm 76 là em đứt đường thi vô GL rồi, chắc đời em cũng quẹo sang hướng khác!)
Hình: phiếu thí sinh với nét chữ của thí sinh. Hồi đó cái gì cũng tự làm hết, tự đi chụp hình, tự viết phiếu và tự nộp.

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

THÀNH PHỐ NGẬP NƯỚC DO ĐÂU?


Nước ngập bây giờ không phải chỉ là đặc sản của Sài Thành mà đã lan ra nhiều đô thị ở miền Tây như Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Trà Vinh v.v... dù các đô thị này đều nằm cạnh một dòng sông lớn.
Đọc các tin trên báo về việc nước ngập thì thấy họ lý giải là do "triều cường" và do "biến đổi khí hậu" làm nước biển dâng cao. Đây là cách giải thích sai sự thật, ĐỔ HẾT TẠI TRỜI, gây hiểu lầm về nguyên nhân ngập nước, phủi bỏ trách nhiệm của chính quyền vì đã để cho tình trạng nước ngập xảy ra ngày một nặng mà không có cách giải quyết.
TRIỀU CƯỜNG là gì? để hiểu thì phải biết về thủy triều. Do ảnh hưởng sức hút của mặt trăng nên nước biển dâng lên và hạ xuống theo chu kỳ, gọi là thủy triều. Một ngày thủy triều lên một lần xuống một lần gọi là "nhật triều", lên xuống hai lần gọi là "bán nhât triều". Ở miền Nam nước ta chế độ thủy triều là bán nhật triều.
Một tháng âm lịch có hai lần thủy triều lên cao nhất trong tháng là ngày mùng 1 và ngày rằm, dân miền Tây gọi là con nước rong. Có lẽ ngôn ngữ báo chí cách mạng gọi những ngày nước rong này là TRIỀU CƯỜNG.
Ngày xưa, trước thời ngập nước triền miên thì mỗi tháng vẫn có hai lần triều cường mà sao nước không ngập? Báo chí cho lời giải là bây giờ triều cường cao "lịch sử", có những lần triều cường cao nhất trong 50 năm lại đây. Điều này SAI vì MỰC THỦY TRIỀU đo ở biển Vũng Tàu hiện nay KHÔNG CAO HƠN hồi cách nay 40-50 năm.
Nhưng thủy triều đo ở trạm Phú An trên sông Sài Gòn, phường Bến Nghé Q1 cách biển 60km, mực triều cường tăng đột biến từ những năm 1990, trùng với thời kỳ đô thị hoá mạnh mẽ và những năm gần đây năm sau cao hơn năm trước, năm nào cũng triều cường "kỷ lục". Vậy điều gì làm cho triều cường ở ngoài biển thì bình thường mà trong sông lại cao kỷ lục? Đó là do quy hoạch thành phố thiếu tầm nhìn (rất nhiều vấn đề: lấp hồ ao kênh rạch, bê tông hóa, cống thoát nước không thích hợp, v.v...)
Ở đồng bằng song Cửu Long các thành phố ngập được cho là do triều cường và nước biển dâng. Triều cường thì như trên đã nói, do xây dựng thành phố thiếu tầm nhìn, thiếu hiểu biết mới làm cho thủy triều từ bình thường trở thành CƯỜNG.
Còn nước biển dâng gây ngập các đô thị cũng sai luôn. Theo tài liệu của Viện Khoa Học Thủy lợi VN thì từ năm 1993-2003 tốc độ nước biển dâng bình quân khỏang 3,1±0,7 mm/năm (tức là cao nhất 3,1cm/10 năm). Dự đoán là đến NĂM 2100 nước biển dâng cao 1m thì 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nước.
Tóm lại, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là có, nhưng là chuyện cuối thế kỷ 21. Bây giờ thế giới họp bàn tính toán để đối phó chuyện dự đoán sẽ xảy ra. THỰC TẾ bây giờ nước biển chưa dâng và chưa làm ngập nơi nào ở đồng bằng cả. Thủy triều ngoài biển cũng vẫn thế, vào tới trong sông thì trở nên CƯỜNG (mà hồi trước 75 chẳng bao giờ cường. chỉ là nước rong thôi.)
VẬY CÁCH NÀO ĐẺ HẾT NGẬP? Có cách chứ. Nhiều thành phố trên thế giới thấp hơn mực nước biển mà đâu có ngập. Chỉ có điều bây giờ lãnh đạo đường như chỉ biết phá, còn giải quyết vấn đề thì không ai biết!
Hình: TP Long Xuyên ngập do triều cường

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

KÉO GIÁ HEO


Mấy ông quan chức lớn mở miệng ra là nói cái gì thời đại 4.0 vậy không biết mấy ông có hiểu biết gì về kinh tế hay không mà đòi "kéo giá heo"
Heo không phải là mặt hàng độc quyền mua bán của nhà nước như xăng dầu nên không phải có ai đó muốn nó tăng là nó tăng, muốn nó giảm là nó giảm. Nó tăng hay giảm là theo quy luật cung cầu của thị trường.
Hồi cuối năm 2016 đầu năm 2017 giá heo giảm sâu và giảm kéo dài suốt năm 2017, giá đáy là 25k/kg heo hơi kéo dài nhiều tháng. Sang đến tháng 6-2018 heo mới lên giá và liên tục lên giá đến hiện tại ở miền Nam giá từ 50-55k/kg heo hơi.
Giá heo giảm là vì lượng heo quá dư thừa, các ông cũng họp hành các kiểu nhưng cũng đâu có kéo được giá heo lên. Hậu quả là người nuôi heo lỗ xiểng liểng, mất sạch vốn liếng. Có chủ trại không nuôi heo nổi mà heo con bán không ai mua đành phải ...thả đại cho nó đi lang thang tới đâu thì tới.
Ngành chăn nuôi heo banh xác, các công ty lớn có tiềm lực mạnh mới cầm cự được đến hiện tại. Lượng heo giảm mạnh thì giá heo tăng. Trong thời gian một năm rưỡi qua các công ty cầm cự được họ lỗ bao nhiêu các ông có thấy không mà bây giờ heo lên giá mới hai tháng thì các ông kêu gào rằng công ty lời quá nhiều?
Ngành chăn nuôi của VN thật sự không bền vững. Cá ông có hiểu biết và có lòng thương nông dân thì hãy vạch ra chiến lược phát triển ngành chăn nuôi heo cho bài bản vào. Các ông để nông dân và nhà chăn nuôi tự bơi, khi lỗ thì phơi xác đến khi lời thì mất xác rồi, còn gì nữa mà gầy dựng lại.
Quản lý kinh tế mà nước đến trôn mới họp để "kéo" thì còn nước mẹ gì!
Một thời gian nữa vì giá heo tăng nên người ta lại nuôi heo nhiều, thì giá heo sẽ giảm dần. Khi ấy các ông sẽ vỗ ngực xưng là nhờ ta kéo hahaha.
Tuy vậy phải mất chừng một năm rưỡi mới có thể gầy lại đàn heo để không còn thiếu nguồn cung như hiện nay. Lúc đó công "kéo" của mấy ông nguội mất rồi, không biết có đủ mặt dày để kể công hay không.

CƯỚP -

Tác giả: Nhà thơ NGUYỄN DUY
con ơi mẹ dặn câu này
cướp đêm là giặc cướp ngày là quan - (ca dao xưa)
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
có con dấu đóng đỏ tươi
có còng có súng dùi cui nhà tù
cướp xưa lén lút tù mù
cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
con trời bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng
dân oan tuôn lệ ròng ròng
mất nhà mất đất nát lòng miền quê
tiếng than vang động bốn bề
cướp từ thôn xóm tiến về thành đô
ai qua thành phố Bác Hồ
mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
bây giờ mẹ phải dặn thêm
quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.
Sài thành, tháng 9.2018

QUAN TÂM CHÍNH TRỊ HAY THAM GIA CHÍNH TRỊ?


Nếu bạn là người hay quan tâm và hay có ý kiến về mọi mặt đời sống xã hội như quan tâm đến luật đặc khu, luật an ninh mạng, quan tâm đến giáo dục, y tế, môi trường, đời sống nông dân, sản xuất nông nghiệp, nông dân mất đất v.v...thì bạn sẽ được nghe rất nhiều lời khuyên là: lo làm ăn đi, lo chi chuyện chính trị cho phiền phức. Có người còn cao siêu hơn, khuyên một cách trí tuệ rằng: chính trị bẩn thỉu lắm, đấu đá triệt hạ nhau kinh lắm, tham gia chính trị làm chi, sống bình thường cho thanh thản.
Người ta khuyên như vậy vì người ta nhầm lẫn giữa CHÍNH TRỊ và LÀM (NGHỀ) CHÍNH TRỊ. Chính trị bẩn thỉu và đấu đá là giữa các NHÀ CHÍNH TRỊ với nhau. Bạn sợ điều đó thì bạn đừng THAM GIA CHÍNH TRỊ, bạn không làm CHÍNH KHÁCH. Còn bạn QUAN TÂM tới chính trị là bạn quan tâm tới cuộc sống của mình, bạn đâu dính dáng tới sự đấu đá (mà bạn cho là "bẩn thỉu") giữa các chính khách.
Nói cho dễ hiểu là như thế này. Ngành y tế liên quan đến tất cả mọi người, bạn có thể nói: tôi sợ máu tôi không LÀM NGÀNH Y được, thế nhưng như vậy không có nghĩa là bạn xa lánh ngành y tế. Bạn vẫn phải cần đi khám bệnh , đi chữa bệnh hoặc mua thuốc, hoặc bán thuốc v.v..
Bạn có thể nói làm nghề giáo vất vả mà lương thấp bạn KHÔNG LÀM NGHỀ GIÁO được. thế nhưng bạn vẫn cứ phải liên quan đến ngành giáo dục rất nhiều chứ đâu có tránh xa ngành giáo dục được.
Vậy thì chính trị là mọi mặt đời sống xã hội, đối nội đối ngoại của một quốc gia. Bạn chê chính trị bẩn thỉu, đấu đá, triệt hạ lẫn nhau, bạn KHÔNG THAM GIA CHÍNH TRỊ có nghĩa là bạn không làm nhà chính trị, bạn không làm CHÍNH KHÁCH. Nhưng với tư cách là công dân, mọi mặt đời sống của bạn đều liên quan đến chính trị, tức là liên quan đến cách điều hành đất nước của chính quyền.
Chính trị bao trùm tất cả các ngành nghề, các mối quan hệ trong xã hội. Nếu không quan tâm chính trị tức là bạn đã không quan tâm đến số phận của chính mình. Quyền lợi của mình, cuộc sống của mình, hiện tại của mình, tương lai của con cháu mình tại sao mình lại không quan tâm?
Chúng ta, ra ngoài xã hội đấu tranh với nhau từng chút một, nhưng đụng tới nhà nước thì nhà nước đúng hay sai gì ta cũng nhất định "không dính dáng đến chính trị", "chính trị là bẩn thỉu"!
Tóm lại, là công dân, ta cần quan tâm đến chính trị. Chính trị là quyền lợi, là cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Ca sĩ Tuấn Hưng không quan tâm chính trị mà còn chửi người quan tâm đến chính trị là phản động. Thế rồi, hậu quả tới ngay, chính quyền tặng cho TH một vố hủy sô trước giờ mở màn 2 tiếng, và chàng ca sĩ không phản động này phải nhập viện vì sốc. Đó, đâu phải là bạn không quan tâm đến chính trị thì chính trị sẽ không quan tâm đến bạn, sẽ bỏ qua cho bạn.

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

SỢ LIÊN LỤY


Xăng lại tăng giá lần thứ hai trong vòng 15 ngày. Xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người có xe hơi xe gắn máy xài xăng mỗi ngày mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của toàn xã hội.
Xăng tăng thì giá cước vận chuyển mọi hàng hóa đều tăng, hàng hóa các thứ sẽ tăng giá. Thí dụ em là nông dân, nông sản của em chở đi bán tăng cước vận chuyển thì thương lái sẽ ép giá của em chút để bù vào chỗ thiếu hụt. Vật tư nông nghiệp như phân thuốc sẽ tăng giá một chút để bù vào vận chuyển Các công ty có hạch toán chi phí nên họ tăng giá được, nông dân tụi em thì phải chị các công ty và thương lái ép giá trong cuộc cạnh tranh mang tên xăng tăng giá.
Em đi khám bệnh, giá cước xe khách tăng, lên đến bệnh viện hay phòng khám thì mọi thứ của bệnh viện đều tăng giá do xăng tăng. Mấy lần trướ em còn cầm cự được nhưng lần này em phải ăn cơm từ thiện mới đủ tiền khám chữa bệnh.
Tóm lại là ai cũng bị liên lụy khi xăng tăng giá nhưng ít người lên tiếng phản đối. Mà cái sự liên lụy này bắt buộc người ta phải chịu chứ không tránh xa để khỏi liên lụy được.
Cái đáng sợ liên lụy không sợ, đi sợ liên lụy với cái ...vu vơ.
P/s em là công dân gương mẫu nha mấy chế, em hổng có bán nước lời 1200%. Giao thiệp với em không có gì để phải sợ liên lụy hahaha.

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

THỜI ĐÓI KHÁT (tt)


Ở nông thôn lúa gạo nông dân làm ra các ông "thu mua" với giá rẻ mạt. Heo, gà, vịt, hột vịt gì các ông cũng "thu mua" cũng quản lý tất tần tật. Khi chưa ép được nông dân vô tập đoàn thì các ông đi tới từng nhà đo bồ lúa để tính ra số lúa được giữ lại đủ cho gia đình ăn, dư bao nhiêu phải "bán" hết cho nhà nước. Heo gà vịt cũng vậy, phải để nhà nước "thu mua", bán chợ đen là có tội.
Lúc ở SG quân cách mạng xộc vô nhà dân lục lọi "đồ tế nhuyễn, của riêng tây" thì ở đồng bằng các đồng chí cũng không chịu kém. Chỗ tôi hiện sống khi ấy các ông cách mạng cũng tự tiện xông vô nhà người ta , có vàng lấy vàng có gì gọi là của cải đều "tịch thu". Nhà tôi giờ còn một cái giường của cha mẹ chồng tôi ngủ ngày xưa, trong thành giường khuất dưới vạt có đóng một cái hộp nhỏ để giấu vàng phòng khi bị khám xét. Cái hộp nhỏ xíu, giấu được chừng 10 khoen vàng là tối đa (10 chỉ). Giờ nhìn cái hộp thấy thương ông bà hồi ấy gì đâu.
Vì thu mua của dân mọi thứ nên các ông phải ngăn sông cấm chợ, không cho dân đem hàng hóa đi bán chợ đen. Chuyện ngăn sông cấm chợ này mọi người đã nói nhiều rồi. Từ miền Tây lên SG có cái trạm Tân Hương khét tiếng, xe đò dừng lại trạm có khi vài ba tiếng để chờ kiểm soát. Tôi đã từng thử đi "buôn lậu" đường từ Bến Tre lên SG kiếm chút tiền xài khi còn học đại học. Kết quả là bị tịch thu hết giỏ đường 10kg ở trạm xét ngay bến phà Rạch Miễu chứ chưa lết được tới Tân Hương. Lời đâu không thấy mà mất luôn số tiền ít ỏi mẹ cho dằn túi đi lên trường học.
Dù làm đủ mọi cách, từ thu mua tới tịch thu của dân, ép nông dân hợp tác hóa, sản xuất theo kế hoạch mà dân ngày càng đói. Hồi tôi học đại học sinh viên đói thôi rồi. Mỗi tháng tiêu chuẩn được 17 kg gạo với mấy trăm gram thịt, mấy trăm gram đường. Có vụ này chắc các bạn sinh viên thời này không hình dung, là mỗi năm sinh viên nữ được "tiêu chuẩn" mua mấy thước vải mùng dùng cho việc của nữ giới, ahihi!
Tới năm 85 kinh tế quá kiệt quệ, làm phát tăng cao, các ông túng thế phải đổi tiền. Cú đổi tiền này xảy ra khi chúng tôi còn đang học ĐH. Khi ấy tôi nhớ tờ tiền lớn nhất là 50đ. Sau cú đổi tiền này, mà số lượng tiền được đổi tối đa là giới hạn bao nhiêu đó (không nhớ) thì những nhà giàu còn sống sót, còn chống chọi được tới lúc này lại lần nữa bị mất trắng.
Đổi tiền xong thì oh! lạm phát phi mã lên tới 700% thì năm 1986 các ông mới chịu "mở cửa", "đổi mới" gì đó. Từ đây các ông mở dây siết cổ nền kinh tế, không thu mua, không ngăn sộng cấm chợ, trả lương đủ cho cán bộ nhân viên tự mua gạo và nhu yếu phẩm chứ không phân phối bao cấp nữa. Chỉ đơn giản là thả bàn tay lông lá ra cho nhân dân tự thở, không làm những điều kỳ quái đi ngược quy luật kinh tế thì tự nhiên kinh tế phát triển, Vậy là các ông tự hào về thành tích đổi mới, tự hào mãi đến hôm nay.
Chỉ sau vài năm mở thòng lọng cho dân miền Nam, năm 1988 vẫn còn nhập khẩu lương thực nhưng năm 1989 lần đầu tiên VN đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo. Kể từ đây, cái sự đói khát mới không còn ám ảnh người dân miền Nam.
Các bạn thanh niên ngày nay nghĩ xem, nếu gia đình cha mẹ các bạn bị cướp sạch thành quả lao động cả đời, gia đình con cái đói khổ nheo nhóc và thất học (vì lý lịch) thì các bạn có căm thù không? Nhưng nhân dân miền Nam quả thật là rất hiền lành, họ đã chịu đựng và vượt qua tất cả để NHIỀU LẦN phải làm lại từ đầu.

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

THỜI ĐÓI KHÁT


Hồi trước năm 1975 có nằm mơ hoặc có trí tưởng tượng phong phú đến mấy thì dân miền Nam cũng không thể ngờ rằng có một ngày dân xứ mình không có đủ gạo ăn. Đói sao được khi mà đất phương Nam đồng ruộng phì nhiêu, cò bay thẳng cánh. Từ hồi thời Pháp thuộc đã lừng danh là xứ xuất cảng lúa gạo. Ấy vậy mà cái điều không tưởng đó đã xảy ra không lâu sau ngày miền Nam bị phỏng.
Mấy hôm nay thấy mọi người nhắc lại thời đó, mà toàn nhắc về dân thành thị bị cải tạo tư sản, tịch thu nhà cửa, tiền bạc, cơ sở sản xuất chứ không thấy nhắc về công cuộc cải tạo nông nghiệp. Có công có nông mới đủ bộ liên minh công nông của các ông. Tôi gốc là dân quê nên biết nhiều chuyện về cải tạo nông nghiệp thời đó, sẵn đây ôn cố tri tân luôn một thể.
Song song với cải tạo tư sản ở thành thị thì các ông cầm quyền cũng cải tạo nông nghiệp ở nông thôn. Nông nghiệp miền Nam thời 1975 phát triển và trình độ canh tác khá tiên tiến. Nhờ chính sách "người cày có ruộng" từ thời đệ nhất cộng hòa kéo dài đến thời đệ nhị cộng hòa mà hầu hết nông dân miền Nam đều là trung nông, có ruộng đất. Nhiều gia đinh sắm được máy cày, cày cho gia đình và cày mướn cho xóm giềng. Một số vùng nông dân đã sử dụng giống lúa ngắn ngày, gọi là lúa thần nông để thay cho giống lúa mùa dài ngày, tăng vụ lúa lên 2 vụ thay vì một vụ như xưa.
Khi các ông cộng sản cầm quyền thì bắt dân phải giao ruộng đất để làm "tập đoàn sản xuất", máy cày máy xới gì cũng phải giao hết cho tập đoàn. Tập đoàn có ban bệ đầy đủ. Tập đoàn viên đi làm theo tiếng kẻng, có chấm công. Cuối mùa thì lúa nộp cho nhà nước theo chỉ tiêu, lúa còn lại chia cho tập đoàn viên theo công điểm.
Ở đâu cũng có người siêng kẻ biếng. Người siêng đâu muốn mình làm cho kẻ biếng ăn nên vô tập đoàn thì ai cũng làm biếng như ai. Có giai thoại kể rằng anh nọ đang giơ cây cuốc lên cuốc đất thì kẻng hết giờ. Anh ta liền thu cuốc lại chứ không "nỡ" bổ xuống nhát cuốc rồi nghỉ! Lúa giống xấu, gạo dở, cỏ lên chung với lúa mà "tập đoàn viên" đâu có siêng lội nhổ cỏ nên gạo thời ấy đầy bông cỏ là vậy.
Hậu quả là chỉ sau một vài năm hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp thì lúa gạo miền Nam làm ra không đủ ăn. . Dân xứ lúa như An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu ... thì còn đủ gạo ăn cầm cự khỏi ăn độn chứ dân xứ dừa xứ cá như Bến Tre, Trà Vinh... cũng phải ăn độn khoai lang khoai mì. Dân thành thị thì được nhà nước "bao cấp", bán cho bo bo với bột mì ăn độn mệt nghỉ.

EM TỨC QUÁ, cái đồ GATO!


Em là một Hót Mama ở cái làng nhỏ tên gọi làng Mít các bác ạ. Quá trình lột xác của em từ một gái nghèo làng Mít trở thành Hót Mama như ngày nay có thể viết được một quyển sách dầy đấy các bác, chuyện này em sẽ viết sách hầu các bác sau.
Kể sơ cho các bác nghe, em hiện là chủ của một hệ thống thương hiệu Mít ở làng Mít. Trung tâm thương mại là Mít cơm căn hộ cao cấp thì Mít hơm. Trường học thì có Mít cun, siêu thị thì Mít mạc, du lịch giải trí thì có Mít bơn, Y tế sức khỏe thì có Mít méc. Túm cái cho gọn là dân làng Mít cần dùng cái gì thì hệ thống Mít của em đều cung cấp được. Nhà giàu làng Mít sử dụng các dịch vụ của em đều khen nức nở rằng em có tâm và có tầm, hệ thống dịch vụ của em không thua gì dịch vụ của bọn giãy chết.
Các bác nghĩ xem, ở cái làng mà đất đai là sở hữu toàn dân, đất nông nghiệp mà dân với già làng còn tranh giành với nhau tưng bừng thì em toàn được giao đất vàng đất kim cương ở nơi thị tứ, nếu em không có "tầm" thì sao già làng chịu giao cho em.
Có thể nói em đang ở đỉnh cao danh vọng và quyền lực (mềm) ở làng Mít, tên em cũng được một số làng lân cận biết đến nhưng em vẫn chưa hả dạ. Em quyết đưa tên làng Mít vươn xa tới... chân trời. Sau khi suy nghĩ và được sự động viên của các già làng, em bèn quyết định lập một nhà hàng, với một món ăn đặc sắc mang thương hiệu Mít. Món này em đặt tên là Mít - Ngon.
Sau bao ngày chuẩn bị, cũng tới ngày món Mít ngon ra mắt. Món này bản chất nó là một món thập cẩm với nguyên liệu và đầu bếp đều nhập từ làng Tây. Này nhé, nguyên liệu chính là xúc xích làng Đức em đặt mua chính chủ. Đầu bếp em mời từ làng Ý, còn gia vị sốt xiếc linh tinh thì em nhập của làng Chai nà. Tới ngày khai trương thì đầu bếp đem xúc xích Đức ra bày lên dĩa, trang trí rau củ quả nhập từ nhiều làng khác rồi rưới sốt của làng Chai nà lên là xong món Mít ngon.
Kha kha, cả làng Mít đều vui mừng hớn hở tự hào về món Mít ngon do em sáng tạo. Thế mà có đứa cả đời chưa biết ăn ngon dám bảo rằng món Mít ngon toàn là do hàng ngoại đem về bày lên dĩa, dù đầu bếp ngoại thiết kế trình bày cái dĩa nhưng bếp nhà hàng em đâu có nổi lửa nấu ra món này. Nói như vậy là quá thiếu hiểu biết, nói thẳng ra là ngu.
Các bác nghĩ xem có nhà hàng nào dù ở làng Tây hay làng Mỹ đi nữa mà không phải mua nguyên liệu tứ xứ chứ đâu có tự làm ra được nguyên liệu. Nhà hàng càng lớn càng phải mua nhiều nguyên liệu, hàng trăm hàng ngàn thứ chứ đâu phải mua vài chục thứ như em. Nhà hàng lớn cỡ nào cũng chỉ có đầu bếp và nồi chảo là của nhà hàng, còn thì phải mua tất. Nhà hàng của em chẳng qua là không dùng đến nồi chảo thôi chứ thứ gì cũng có cả.
Có đứa còn nói toàn mua đồ làm sẵn không thì giá thành cao, bán sao được. Phải tự nấu thì mới có lời chứ. Ôi dào, em là Hót Mama có già làng chống lưng, lời hay lỗ với em không quan trọng, quan trọng là thương hiệu làng Mít được vươn xa cơ. Bọn chúng đều là bọn GATO em không thèm chấp đâu các bác.
Báo cho các bác mừng, em có kế hoạch mỗi năm sản xuất ra 250 ngàn dĩa Mít -ngon, các bác nhớ ủng hộ em nha. Nếu không có tiền ăn Mít- ngon thì các bác ủng hộ tinh thần cho em, ca ngợi nhiều vào, chủ yếu để tỏ rõ lòng tự hào của dân làng Mít các bác nhé. Yêu các bác.

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

AI CŨNG CÓ LÚC SAI
Nhưng người cộng sản thì luôn đúng
Mấy hôm nay, nhân khi ông Đỗ Mười đi đoàn tụ với Các Mác Lê Nin, nhân dân miền Nam bỗng nhớ lại cái thời bị cải tạo tư sản mà ông Đỗ Mười là chủ xị cuộc "cải tạo" này.
Tự nhiên công xưởng, cửa hàng, nhà cửa của người ta cái nhào vô kiểm kê, niêm phong, và tịch thu hết, xong đuổi người ta đi kinh tế mới. Chính vì trận cải tạo này mà kinh tế miền Nam gần chết, người dân miền Nam đau khổ phải nhắm mắt liều chết vượt biển ra đi, tạo nên làn sóng "boat people" rúng động cả thế giới.
Sau khi trói tay trói chân nhân dân miền Nam không cho hoạt động tự do trong các ngành kinh tế, công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp một thời gian thấy dân thì đói mà đảng thì ngáp coi bộ không xong thì các ông mới mở trói ra cho người ta làm ăn trở lại, mà các ông gọi bằng danh từ mỵ dân là "đổi mới".
Xiết cổ nền kinh tế gần chết rồi nới ra cho nó thở, nó hoạt động rồi ngồi tự khen với nhau, ồ chúng ta thiệt là thiên tài, biết đổi mới.
Các ông lại tiếp tục tự ca ngợi mình tới mây xanh. Không bao giờ các ông nhận sai.
Trong đạo Phật có nghi thức sám hối. Sám hối là nhận thấy lỗi sai của mình, nói ra và hứa không tái phạm nữa thì mới thật sự là sám hối.
Các ông luôn tìm cớ bao biện cho mình thì dù có 500 hay 5000 ông sư tụng kinh cũng không giảm bớt được nghiệp mà các ông đã gây tạo.

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

BỘ GIÁO DỤC LOAY HOAY


Bộ độc quyền soạn và in sách GK. Cách thiết kế sách về nội dung và hình thức đều nhằm mục đích thu lợi thật nhiều. Phụ huynh và học sinh kêu ca quá, nên đùng một cái bộ ra lệnh không cho học sinh viết vào sách giáo khoa.
Bộ trả lương cho giáo viên không đủ sống nên họ phải dạy thêm. Giáo viên có người này người khác, có người tự trọng, có người ép hs học thêm... bộ khó quản lý vậy là bày ra đủ kiểu cấm dạy thêm, đăng ký dạy thêm v.v.. mà cái gốc vẫn không giải quyết được.
Ngành giáo dục hiện nay quá nhiều vấn đề. Ai ở cương vị nào cũng đều có bức xúc, từ người quản lý đến thầy cô giáo đến học sinh và phụ huynh. Sai đâu sửa đó, sửa đâu sai đó mà cái gốc vấn đề không sửa thì không giải quyết được gì.
Trong hệ thống mà người kém cỏi không bị loại bỏ, người giỏi phải nhẫn nhục mà sống thì làm sao mà khá nổi. Vụ cô giáo suốt một thời gian dài không mở miệng giảng bài là một thí dụ cho sự thối nát kỳ lạ của ngành giáo dục. Chuyện như vậy mà khi học sinh phản ảnh lên thì bị bà hiệu trưởng cho rằng em đã làm mất danh tiếng của trường (!). Tôi cũng biết ở một ngôi trường khác cũng tại HCM, có một cô giáo dạy văn cấp 3 vô lớp chỉ ngồi nhắn tin và cười tủm tỉm, không giảng bài mà chỉ cho hs chép bài. Học trò cũng đành chịu trận xầm xì với nhau rồi thôi.
Em tôi là giáo viên dạy toán, dạy giỏi nên bị dạy nhiều giờ nhất trong tổ: ngoài dạy những lớp thường như các giáo viên khác thì cô luôn phải dạy cho đội tuyển (để đi thi) học sinh giỏi và dạy lớp dở nhất của khối . Việc làm trong giờ đã lấy hết sức lực của cô ấy nhưng cô vẫn phải dạy thêm 1, 2 lớp ngoài giờ mới đủ trang trải cuộc sống. Cô tâm sự với tôi rằng điều ước lớn nhất của em là lương đủ sống để khỏi phải dạy thêm.
Thầy cô, hiệu trưởng v.v... không phải ai cũng giữ được tư cách đạo đức của nhà giáo cho nên học sinh và phụ huynh cũng nhân đó mà coi thường thầy cô nên phụ huynh xông vào trường hành hung thầy cô như chốn không người đã thành chuyện thường ngày ở huyện. ĐÃ vậy mà giờ Bộ (hay sở gì đó) lại ra lịnh là đánh hoặc phạt hs thì thầy cô bị phạt tiền!!!!
Nhưng phụ huynh giàu có và có điều kiện thì cho con học trường quốc tế, trường tư và đi du học. Thầy cô giáo thật giỏi và có điều kiện thì đi dạy trường quốc tế trường tư lương cao. ĐA số những thân phận học sinh và thầy cô bình thường đành cứ phải ngụp lặn trong tuyệt vọng, chờ lâu lâu bộ "giật mình" ra một cái lệnh trời ơi để xoa dịu dư luận. Dạy và học trong tâm trạng dè chừng lẫn nhau, bức xúc thường trực thì không biết tương lai các mầm non sẽ ra sao, tương lai đất nước sẽ về đâu???

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

NGỤY BIỆN: MÀY CŨNG VẬY, HỌ CŨNG VẬY, Ở ĐÂU CŨNG VẬY!


Dư lựn diên với thanh niên yêu đảng hay sử dụng ngụy biện này.
Tấm hình cậu tham tán gì đó ngủ gục há hốc trong phiên họp ở LHQ, ràng ràng như vậy nhưng nhiều bạn dư luận viên cũng binh được. Mấy bản nói nguyên thủ nước khác cũng ngủ đầy ra đó. Tưởng chỉ dư lựn (dô) diên mới nói vậy chứ dè đâu báo đảng cũng nói vậy luôn (link dưới còm). Đó là ngụy biện "HỌ CŨNG VẬY" để đánh lạc hướng chuyện chính.
Dù "họ cũng vậy" thật đi nữa thì chuyện ngủ gục cũng không vì thế mà bớt xấu hổ, bớt nhục quốc thể. Không phải người ta sai, người ta xấu thì mình có thể... sai theo và nói tui vô tội. Mình nhan sắc xấu xí mà có đem Thị Nở ra che thì cũng đâu có hết xấu.
Nếu có ai chất vấn về việc đảng "lỡ" tàn sát người vô tội trong cuộc CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT hay trong Tết Mậu Thân thì lập tức dư lựn diên không trả lời thẳng mà quay qua nói Mỹ cũng vậy, thảm sát bla bla bla, bom B52, chất độc da cam này kia..... Cho dù Mỹ có giết nửa thế giới thì tội lỗi của "đảng ta" trong CCRD trong Tết Mậu Thân cũng đâu có biến mất được.
Nói chuyện TT Phúc cắm đầu "tập đọc" ở diễn đàn LHQ thì lập tức có thanh niên yêu đảng chỉ trích TT Trump có máy "nhắc chữ" trước mặt chứ hay ho gì. TT Trump dù tệ hay dốt thì TT Phúc vẫn là chóp bu của tập đoàn đỉnh cao trí tệ chứ có cao quý hơn được chút nào đâu.
Nói đến nạn tham nhũng đang phá hoại đất nước thì các bạn dư lựn diên liền cao giọng rằng nước nào chẳng có tham nhũng. Nước nào có tham nhũng thì mặc kệ người ta chứ chẵng lẽ vì nước nào cũng có tham nhũng thì nạn tham những ở nước mình thành thơm tho trong sạch, không cần phải loại trừ sao.
Cho nên nếu gặp phải luận điệu ngụy biện này thì chúng ta đừng để bị đánh lạc hướng rồi quay sang tranh cãi vô bổ mà quên đi vấn đề chính cần trình bày.

NÔNG DÂN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ THOÁT NGHÈO


Nhiều người bảo mình rằng lo làm việc của mình đi, sao cứ "nói xấu" đảng và nhà nước hoài. Làm thì làm mà nói thì nói chứ, vừa làm vừa nói mà. Mình luôn tự hào là công dân gương mẫu: làm việc chăm chỉ, đóng thuế đầy đủ, LUÔN tuân thủ pháp luật, thấy nhà nước sai thì lên tiếng. Vậy là mình làm quá nhiều rồi đấy chứ?
Cách nay 10 năm mình đã viết về nông dân rất nhiều. Mười năm qua nông dân vẫn là thành phần nghèo nhất trong xã hội, vẫn là thành phần "mong manh dễ vỡ" nhất. Chính mình cũng là nông dân, may mắn hơn nhiều nông dân khác là mình được học hành đàng hoàng. Mình nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt, trồng lúa, trồng khoai, trồng đậu.... đủ hết đó nên mình xưng là nông dân là rất chính xác, hổng phải nhận bừa. (mà nuôi lần lượt, trồng lần lượt chứ hổng phải một lúc mà nuôi trồng nhiêu đó).
Phải thừa nhận rằng, nông dân muốn khá thì phải học hành. Nhưng học hành thời nay phải tốn tiền nhiều, nông dân gặp nhiều khó khăn hơn các thành phần khác khi nuôi con đi học. Con của nông dân không được học bổng hay ưu đãi gì trong việc học hành, tự gia đình lo là chính. Quá khó khăn thì các "mạnh thường quân" giúp đỡ, dân tự lo với nhau chứ nhà nước không quản.
Chỉ nhiêu đó thôi, chỉ có việc lo học là trong tầm tay của nông dân, còn các chính sách vĩ mô vi mô như quy hoạch các vùng sản xuất, nghiên cứu và tạo giống cây trồng vật nuôi mới, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thuốc thú y v.v... đều nằm ngoài tầm tay của nông dân. Nhưng những vấn đề trên bị nhà nước thả nổi từ lâu cho nên tất cả các ngành phục vụ cho nông nghiệp kể trên hầu như là ngoại nhập.
Nhưng học hành đàng hoàng rồi sao? cũng không dễ vươn lên bằng nông nghiệp. Nếu ai có quan tâm nông nghiệp, đọc Fb của nhà báo Kim Hạnh sẽ thấy những trang trại lớn, những công ty lớn trong ngành nông nghiệp được những cá nhân có vốn, có kiến thức về nông nghiệp thành lập và điều hành đã và đang bị vô số rào cản từ chính sách nhà nước khiến họ khó thể phát triển, khó thể cạnh tranh. Doanh nghiệp và nhà báo kêu gào khản cổ mà các thông tư quái ác chặn cổ ngành nông nghiệp vẫn cứ trơ trơ.
Còn nông dân có học mà cò con như mình thì thua luôn, cứ trôi theo dòng đời trôi nổi của giá cả nông sản, phó mặc hên xui mà xui nhiều hên ít. Nông dân ít học hơn, không rành kỹ thuật thì còn bị vướng vòng xoáy dịch bệnh chìm nổi mà chìm nhiều hơn nổi.
Nên tóm lại, làm nông dân là sẽ từ nghèo tới mạt. Trừ khi là quan chức lui về quê xây biệt phủ vui thú điền viên thì không kể.

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

NÔNG DÂN KHỔ: ĐẢNG & NHÀ NƯỚC "NO" HAY AI "NO"


Với một đất nước nông nghiệp như VN, 70% dân số là nông dân,(hoặc ngư dân) sống ở nông thôn thì hầu như mỗi người dân ai cũng có họ hàng gia đình liên quan đến nông nghiệp.
Mấy chục năm nay dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, trình độ kỹ thuật ngành nông nghiệp và mức sống của nông dân của nước ta cứ lẹt đà lẹt đẹt hạng chót trong khu vực cũng như trên thế giới. (Đừng có đưa ra số lượng xuất khẩu gạo cá tôm gì đó để nói là "nông nghiệp phát triển", cái này cần nhiều thời gian và giấy mực để nói, giờ không bàn)
Điệp khúc được mùa rớt giá là một nỗi ám ảnh với nông dân. Rồi "lời đồn" trồng cây này có "giá trị kinh tế", nuôi con kia "làm giàu làm cho nông dân cứ đổ xô đi trồng, đi nuôi... rồi kêu gọi giải cứu, cứ thế mãi khiến cả xã hội đều ngao ngán.
Có nhiều người lý luận rằng tất cả là tại nông dân tham và ngu, nghe có lợi là làm, không chịu nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu mà cứ nhắm mắt làm bừa nên thất bại là phải rồi. Mong muốn nuôi con gì trồng con gì để làm giàu là mong muốn chính đáng không phải là tham. Tìm hiểu nghiên cứu thị trường thì đâu có phải là chức năng nhiệm vụ "chính trị" của nông dân đâu mà bảo họ ngu. Việc nghiên cứu thị trường và cảnh báo, khuyến cáo cho nông dân là việc của chính quyền.
Tôi là nông dân và ở nông thôn. Tôi may mắn được ăn học nhiều hơn các "đồng nghiệp" nông dân của tôi. Thế nhưng giờ kêu tôi dự đoán giá lúa, giá cá, giá tôm, giá trứng gà, trứng vịt, giá rau quả trái cây, thịt heo thịt gà v.v... thì tôi chịu thua không làm sao dự đoán nổi. Kêu tôi dự đoán nhu cầu tiêu thụ lúa gạo hay trái cam trái quýt trái xoài để lên kế hoạch sản xuất thì tôi cũng điếc ngắc luôn. Vậy thử hỏi làm sao mà những vị đồng nghiệp nông dân của tôi có thể dự đoán hay dự tính gì cho được.
Lại thêm tivi và báo chí cứ nhắm mắt nhắm mũi bơm thổi vô tội vạ. Xem tivi thì hôm nay ca ngợi trồng cam xoàn thu bặc trăm triệu, mai thì nuôi gà đồi gà vườn gì đó mà thành tỷ phú. Trồng khoai lang Nhật, trồng bông điên điển, nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà gì cũng "làm giàu không khó"
Nếu có những nông dân giàu len nhờ trúng giá thì đó không phải là họ dự đoán giỏi mà hoàn toàn do may mắn. Trúng giá cũng khong lời nhiều như những ngành nghề công nghiệp hay dịch vụ. Chỉ một lần thất bát là tiền bạc đội nón ra đi.
Nông dân làm gì cũng tự lo, muốn vay vốn ưu đãi cũng phải lót tay mới được. Mua vật tư, phân thuốc, thức ăn gia súc phải ghi nợ tới mùa trả lãi cao.... Bao nhiêu nỗi khổ treo trên đầu nông dân có ai biết cho. Ruộng đất bề bề vậy chứ trong nhà khô máu là chuyện rất thường.
link dưới còm: người trồng tiêu đang điêu đứng)
(còn tiếp: nông dân phải làm gì?)

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

ĐÈN ĐOM ĐÓM


Tôi không biết là nhà báo viết bài nịnh vua rằng hồi nhỏ vua học bài bằng đèn đom đóm có biết con đóm đóm ra làm sao hay không. Tôi chắc rằng nếu là dân thành thị thì 100% ông (bà) ấy không biết con đom đóm.
Hồi nhỏ tôi thường được về quê vào mỗi dịp hè. Quê tôi ở Bến Tre, xung quanh nhà là vườn dừa xen một vài cây ổi, cây mận. Buổi tối thỉnh thoảng thấy đom đóm trong vườn nhưng rất ít. Đom đóm lập lòe nhiều nhất là ở rặng bần mọc cặp mé sông, cách nhà tôi một khoảng xa.
Hồi nhỏ tôi hay nhiều chuyện. Khi đọc truyện ông Mạc Đĩnh Chi học bằng đèn đom đóm tôi thích lắm. Tôi háo hức chờ dịp về quê để làm đèn đom đóm. Con nít mà, ban ngày mê chơi không nhớ để chuẩn bị sẵn vỏ trứng vịt (vì trứng vịt ở quê dễ kiếm), tới khi đêm xuống thấy đom đóm mới nhớ ra. Vậy là cũng đi bắt đom đóm, không có hột vịt thì bỏ vô bịch ny lon xong vô nhà thổi tắt đèn dầu đặng đọc sách. Tính hễ đọc được thì mai sẽ làm cái đèn hột vịt đom đóm đàng hoàng tử tế.
Má ơi, tay cầm cái bịch đom đóm mấy chục con lập lòe, thổi tắt đèn cái tối hù, đưa bàn tay ra cũng không thấy ngón nói chi là thấy chữ. Cũng tại vì quá tin theo sách, tưởng đâu đèn đom đóm ngon lành nên không chuẩn bị hộp quẹt hay đèn đóm gì khác. Nếu không nhờ cái đèn dầu hột vịt nhỏ xíu trên bàn thờ chắc là hết thấy đường mò để đốt đèn trở lại luôn.
Sau lần đó tôi hỏi mẹ tôi là sao sách nói học bằng đèn đom đóm được mà con làm vậy thì không thấy đường. Bỏ bịch ny lon còn không thấy thì bỏ vô vỏ trứng làm sao thấy được. Mẹ tôi giải thích rằng sách vở hư cấu để ca ngợi tính kiên trì và lòng hiếu học của ông Mạc Đĩnh Chi mà thôi. Thực tế là ổng cũng có những đức tính đó cho nên là con nhà nghèo mà học hành đỗ đạt nên người.
Chuyện qua lâu rồi tôi cũng quên mất tiêu. Nay thấy bài báo nịnh quá nịnh tức thì nhớ lại hồi nhỏ mình cũng toan học bằng đèn đom đóm hahaha!

NGƯỜI CỘNG SẢN VÔ MINH


Người Phật tử khi qua đời thì mời chư Tăng (Ni) làm lễ tụng kinh cầu siêu khi làm đám ma, Tùy gia đình sẽ mới sư tụng kinh cầu siêu mỗi tuần, khi 49 ngày, khi giáp năm và khi xả tang.
Người Công Giáo cũng có nghi lễ đọc kinh cầu nguyện trong suốt quá trình khi sắp tắt hơi cho đến khi an táng (hoặc hỏa táng) xong. Người chủ trì lễ là một vị Linh mục.
Người Cộng Sản xưng là mình theo chủ nghĩa "duy vật biện chứng", là người vô thần. Họ từng đuổi sư ni về hoàn tục khi chiếm được miền Nam năm 1975. Họ từng phá chùa, đốt chùa, đàn áp giáo dân và phá nhà thờ v.v. ở cả hai miền Nam, Bắc. Họ rêu rao "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" và ra sức bài trừ tôn giáo và dán cho tôn giáo cái nhãn là "mê tín dị đoan".
Người Cộng Sản sống vì mục đích "đấu tranh giai cấp", sống để giành cho được "bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình". Họ dùng bạo lực trấn áp thẳng tay "kẻ thù giai cấp" và hiện nay thì đàn áp thẳng tay những người vạch ra tội lỗi của cộng sản, gắn cho người nói sự thật danh hiệu "bọn phản động".
Người CS không bao giờ biết hay nghĩ đến lời Phật dạy phải "từ bi hỉ xả", không bao giờ biết hay nghĩ đến lời Phật dạy phải sửa tâm cho giảm bớt tham lam, sân hận, ganh ghét, kiêu ngạo v.v... Họ chỉ thấy chùa là để vô đó cầu xin van vái để ĐƯỢC phần mình. Vậy nên quan chức cộng sản đua nhau xây chùa cúng chùa để mua phước đức. Họ thấy Phật tử qua đời có nghi thức cầu siêu thì có thể họ nghĩ là Phật có thể "kéo" người mất đó siêu thoát lên thiên đàng.
Một người khi còn sinh tiền không hề biết làm theo lời Phật dạy mà chỉ toàn làm việc xấu, tham lam, tranh giành, đấu đá, giết hại, không biết thương yêu đồng loại, chỉ biết được phần mình thì khi chết dù Phật có muốn "kéo" cũng không cứu được. Tất cả là theo luật nhân quả.
Trong đạo Phật không có cái gọi là "Lễ tưởng niêm". Các vị sư ngoan ngãn ngồi làm "lễ tưởng niệm" là vì các vị bị "pháp thế gian" lôi kéo, không làm đúng theo lời Phật dạy, không giữ được ĐẠO.
Người sống làm rình rang Lễ tưởng niệm, các vị đầu tròn áo vuông ngồi đông nghẹt cho có TỤ, tất cả chỉ để cho người sống (tưởng là) "vinh dự" còn người chết thì vẫn theo nghiệp báo của mình mà trả quả.
Người CS dùng bạo lực để làm mưa làm gió ở thế gian, họ cũng muốn dùng quyền lực và tiền bạc thao túng cả Phật và cõi âm. Họ tham lam, làm ác mà muốn được siêu thăng, gì họ cũng muốn mà tưởng là muốn thì mua được, đó chính là VÔ MINH vậy.
Hình: lạng trên mụm

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

LỊCH SỬ NAM KỲ TRONG TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH


Từ hồi tôi còn học tiểu học, mới biết đọc chữ rành thì đã biết ham đọc sách đọc truyện. Nhà tôi có một cái tủ sách, ba mẹ đi làm vắng nhà, tôi ở nhà lấy sách ra đọc suốt, ít đi ra ngoài chơi với bạn bè. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh mà tôi đọc đầu tiên là cuốn "Cha con nghĩa nặng". Hồi nhỏ đọc thì biết cốt truyện có hậu, thấy văn chương y xì như cách bà ngoại tôi nói chuyện hàng ngày chứ không có gì lạ. Sau đó, khi lớn lên học trung học, đại học thì không có truyện của ông để đọc nữa nên dần quên lãng.
Sau này tiểu thuyết của ông được in lại tôi cũng có mua được một số cuốn, và đọc online trên mạng thì thấy thích thú vì lịch sử miền Nam của mình hiển hiện qua từng trang sách. Nhưng từ ngữ trong truyện có nhiều từ đã lâu không cón nghe thấy nữa nhưng tôi hiểu hết vì tôi sống với bà ngoại từ nhỏ đến khi lập gia đình. Bà ngoại tôi khi xưa là con gái điền chủ, là dâu của ông Hương Cả nên những chuyện kể trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh với tôi không hề lạ.
Càng đọc lại tiểu thuyết của ông càng thấy dân Nam Kỳ hồi nửa đầu thế kỷ 20 đã được sống trong một chế độ thật văn minh, theo kịp văn mình của Âu Tây thời đó.
Ruộng đất có giấy tờ sổ bộ đàng hoàng, có "quan kinh lý" được đào tạo bài bản đo ruộng đất thực tế cho khớp với sổ sách. Nhà nước muốn trưng dụng đất của dân để làm công trình công ích thì có bồi thường giá rất cao. Công ty tư nhân muốn mua đất của dân để làm kinh doanh thì phải thương lượng.
Việc hộ tịch đều có giấy tờ: giấy hôn thú, giấy khai sanh, giấy khai tử. ĐÀn ông hay đàn bà đều có quyền đệ đơn ra tòa để xin "phá hôn thú" (ly dị).
Tranh chấp tài sản, tranh chấp dân sự đều đưa ra tòa xử. Trạng sư (luật sư) có vai trò quan trọng và được kính nể. Muốn làm "trạng sư" hoặc "quan tòa" (thẩm phán) hoặc quan "biện lý" (viện kiểm sát) phải học trường luật ở Hà Nội chứ không phải học tại chức mà có thể làm được. Thực dân trọng trình độ bằng cấp chứ không xét lý lịch để bổ nhiệm.
Con nhà nghèo mà học giỏi có thể xin được học bổng của nhà nước mà học lên cao. Học giỏi có bằng cấp ra thì được bổ nhiệm đi làm việc là có thể đổi đời.
Nhà thương lớn, trường học lớn đều có ở mỗi tỉnh. ở huyện ở xã cũng có trường công có thầy giáo hoặc cô giáo được đào tạo trong trường sư phạm về dạy học. Lương thầy giáo cô giáo đủ cho thầy cô sống mức sống trung lưu so với thời ấy.
Ở Sài Gòn vào năm 1923 đã có Nhà Thương Chợ Rẫy trị bệnh trị thương miễn phí cho người nghèo. Có nhà bảo sanh cho sản phụ sanh và nằm miễn phí 10 ngày.
Người dân nếu chí thú làm ăn thì cũng khá chứ không đến nỗi nghèo đói. Nhiều người khi trẻ thì nghèo mà sau vài chục năm làm lụng thì cũng có được nhiều ruộng, trở thành điền chủ. Thợ máy giỏi nghề mở tiệm sửa xe lần hồi cũng trở thành ông chủ.
Tuy vậy điền chủ hoặc thương gia giàu có mà không biết tính toán hoặc không gặp thời thì cũng lụn bại. Điền chủ vay tiền mua ruộng mà gặp năm thất mùa, lúa rẻ thì cũng phá sản như thường. Thời ấy điền chủ hay thương gia đều làm ăn theo "cơ chế thị trường".
Thời năm 1930 mà ở các vùng quê đã có người sắm xe hơi cho thuê chẳng kém gì thời nay. Nhà giàu không mua xe thì thuê xe đi thoải mái. Phương tiện giao thông có xe lửa, xe đò, tàu đò. Đường bộ xe hơi khắp Nam kỳ lục tỉnh đều xây dựng xong, lên tới Nam Vang.

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

BỆNH VIÊM TỤY CẤP


Lần đầu tiên tôi biết đến bệnh viêm tụy cấp (VTC) là hồi năm 2011. Lúc ấy một anh bạn đồng nghiệp của tôi bị bệnh đó và qua đời đột ngột khiến tất cả người thân lẫn bạn bè đều bàng hoàng. Anh ấy là người rất biết giữ sức khỏe, đi khám bệnh định kỳ đều đặn và có bệnh dù nhẹ cũng đi SG khám, chữa chứ không khám chữa ở tỉnh.
Khi anh khởi phát bệnh VTC chỉ có triệu chứng đau bụng thì anh đi khám ở bệnh viện TA ở SG là bệnh viện tư ảnh thường khám chữa bệnh. Bệnh viện không chẩn đoán ra bệnh VTC nên cho thuốc uống rồi dặn 2 tuần sau tái khám. Chưa hết 2 tuần mà bệnh ngày càng nhiều nên vợ ảnh đưa ảnh lên BV TA khám lại. Bệnh viện cho nhập viện nhưng bệnh cứ ngày một nặng nên mấy ngày sau vợ ảnh chuyển viện cho ảnh qua BV Y Dược. Tại đây Bs chẩn đoán là ảnh bị VTC nhưng cũng thông báo với vợ ảnh là quá muộn rồi. Ảnh bị hôn mê và sau đó vài ngày thì qua đời, hưởng dương 55 tuổi. Gia đình ảnh rất giàu, vợ ảnh đã năn nỉ BS cứu ảnh dù giá nào chỉ cũng lo được ...
Lần thứ hai tôi nghe về bệnh VTC là một cô bạn thân bị bệnh. Cô đang đi làm thì bị sốt và đau bụng, cấp tốc nhập viện V. (bệnh viện tư). Bs chẩn đoán là bệnh VTC và lập tức mổ ngay. Sau ba tuần thì cô ấy khỏi bệnh. Bs bảo cô đã rất may mắn được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lần thứ ba tôi nghe về bệnh VTC là chuyện người mẹ bị mất đứa con trai 19 tuổi ở BVCR vì bệnh này. Sau đó thì thành lớn chuyện, chửi mắng nhau ... dậy sóng.
Tôi cũng chỉ đọc câu chuyện trên mạng thôi và thấy những điểm như thế này:
1/ Bệnh viện Đồng Nai chẩn đoán là bệnh VTC, cấp tốc chuyển lên BVCR. Bác sĩ nào cũng biết đó là bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh nhân không được cấp cứu ngay khi mới được chuyển đến. Điểm này không thấy BVCR giải thích vì sao. Thử đứng ở vị trí người mẹ, khi con đã chết thì sẽ ân hận không nguôi, sẽ giận dữ vì con mình không được cấp cứu kịp thời. Ai cũng có tâm lý đó mà thôi.
2/ Khi người mẹ đưa câu chuyện lên FB thì BVCR họp báo để phản bác lại, đó cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng Bs Hồ Thanh Bình khi trả lời báo chí lại lồng vô hai chi tiết một là bà mẹ bỏ con cho dì của bé nuôi từ lúc bé 2 tuổi và hai là bà mẹ "thậm thụt" đưa tiền. Chi tiết mẹ bỏ con là không đúng, còn chuyệ "thậm thụt" thì cũng dễ hiểu. Con nguy kịch quá bà mẹ quay cuồng bấu víu được chỗ nào thì bấu víu. Tiền cũng là một chỗ bấu víu của bà. Điều này có thể thông cảm được.
Chúng ta sống ở VN, dù giàu hay nghèo thì cũng phải gánh chịu một nền y tế nhiều "vấn đề". Vậy ta nên từ những chuyện đã xảy ra mà rút ra bài học cho mình.
Thứ nhất là nên tự tìm hiểu về nhưng bệnh nguy hiểm kiểu như bệnh VTC để khi bản thân hoặc người nhà có bệnh thì có hướng xử lý kịp thời. (chọn Bv, nhờ Bs v.v...)
Thứ hai là với bệnh cần cấp cứu gấp thì không nên đưa đến BVCR vì bệnh viện này đã rất quá tải. Dù có là người nhà Bs hay ông nọ bà kia thì cũng bó tay khi BV đã đầy ứ, không biết phải "nhét" bệnh nhân vô chỗ nào. BS giỏi cũng bất lực mà thôi.
Thứ ba là cần tìm sẵn một bác sĩ mà ta có thể tin tưởng để được tư vấn kịp thời khi bị bệnh nguy cấp. Để khi việc đã rồi thì có nói gì nữa thì cũng đã mất người thân. Càng nói càng đẩy chuyện đi xa mà không giải quyết được gì.
Còn những chuyện khác như tại sao Bv quá tải, tại sao nhập thuốc giả, tại sao nhân viên y tế nhận tiền v.v ... thì thân phận bệnh nhân như em không trả lời được.
Sống ở xứ thiên đường thì tốt nhất là đừng có bệnh.

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

ĂN THỊT CHÓ: XIN HÃY LÀM NGƯỜI VĂN MINH


NGƯỜI VĂN MINH tôi muốn nói ở đây là người hành động theo ý muốn, thói quen, sở thích..v.v...của bản thân, tóm lại là người hành động vì lợi ích của bản thân mình nhưng KHÔNG XÂM HẠI ĐẾN LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI KHÁC.
Bạn thích ăn thịt chó vì lý do abcxyz gì đó thì là việc của bạn, tôi không bình luận vấn đề đó. Nhưng khi bạn ăn thịt chó bán ở quán, làm từ những con chó bị bắt trộm thì bạn là người "tiêu thụ đồ gian". Bạn sử dụng đồ do người khác phạm tội mà có, tức là bạn đã là một người không văn minh vậy.
Luật pháp của nước ta quy định là người sử dụng hoặc buôn bán đồ gian dù biết hay không biết đó là đồ gian thì cũng có tội. Tang vật sẽ bị tịch thu, người sử dụng hoặc buôn bán tang vật trộm cắp bị xử phạt thì tùy theo giá trị của những món đồ đó.
Bạn ăn thịt chó bị trộm là bạn "kích cầu" cho bọn trộm chó hăng hái hoạt động hơn. Không có cầu thì làm sao có cung. Bạn mở báo ra xem, mỗi ngày có biết bao nhiêu vụ trộm chó, mỗi năm người Việt tiêu thụ bao nhiêu con chó. Mỗi tháng, mỗi năm có bao nhiêu kẻ trộm chó bị đánh chết, có bao nhiêu khổ chủ vì giành giật với bọn trộm chó mà bị chúng đánh, đá, đập, chích điện... chết.
Bạn có thể nói.. ơ tôi đâu có biết là chó trộm hay chó ở trại nuôi chó thịt? Vậy trại nuôi chó thịt ở đâu? mỗi năm xuất được bao nhiêu con chó? hàng triệu con chó lên dĩa mỗi năm thì ở đâu ra?
Sống trong xã hội hiện đại, để làm người văn minh thì phải theo luật lệ của xã hội văn minh chứ không phải theo thói rừng rú, được phần mình còn thì mặc kệ người khác sống hay chết. Bạn thích xài túi xách hàng hiệu và bạn mua một chiếc túi xách giả hàng hiệu, đó là bạn đã xâm phạm quyền lợi của hãng sản xuất và những người tiêu dùng khác. Bạn xách chiếc túi giả hiệu nhập cảnh Châu Âu xem, bạn sẽ thấy người ta xử lý bạn theo luật lệ của quốc tế như thế nào.
Vậy thì, nếu bạn thích ăn thịt chó thì bạn cứ ăn thịt chó bạn nuôi hoặc bạn mua chứ đừng ăn thịt chó bị trộm, vì như vậy bạn đã vì miếng ăn của mình mà làm tổn hại đến tinh thần, tình cảm và vật chất của những người bị trộm chó. Đôi khi làm tổn hại tính mạng của họ luôn.
Về phía chính quyền, muốn xử lý các quán thịt chó thì quá dễ. Cứ tra nguồn gốc chó rồi xử theo tội tiêu thụ đồ gian là các quán phải dẹp tiệm thôi. Không cần phải lý luận đạo đức tình cảm gì kiểu "chó là bạn không phải thức ăn" hay "để trưng bộ mặt nhân văn" với khách du lịch. Chính quyền cứ ứng xử VĂN MINH bằng cách xử theo luật hiện hành tội tiêu thụ đồ gian là lập tức sẽ chuyển biến "văn hóa" ăn thịt chó chứ có gì khó đâu.
P/s chẳng biết minh wạ hình gì, chẳng lẽ minh wạ dĩa thịt chó!

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

VÌ SAO LÀ ĐI "KHÁM BÁC SĨ" mà không phải là ĐI "BÁC SĨ KHÁM"


Hôm nay đọc trên trang của Bác sĩ Nhàn Lê thấy có vụ "khám bác sĩ" này. Ai là người miền Nam đều biết rằng "đi khám bác sĩ" là đi tới cho bác sĩ khám. Nếu xét theo ngữ pháp tiếng Việt thì nói vậy là sai. Phải nói đi bác sĩ khám (bệnh) chứ mình đâu có khám cho bác sĩ đâu mà cứ kêu khám bác sĩ khám bác sĩ hoài tội bác sĩ quá!
Hồi xưa mình còn nhỏ học tiểu học rất hay thắc mắc. Có lần mình cũng thắc mắc với mẹ mình chuyện đi khám bác sĩ rằng sao lại nói khám bác sĩ, mình đâu có khám cho bác sĩ đâu mẹ. Mẹ mình là một cô giáo tiểu học thời VNCH, mẹ mình giải thích vầy, mình còn nhớ tới giờ.
Mẹ mình nói bác sĩ Tây Y ở VN mới có hồi đầu thế kỷ 20. Trước đó người mình có bệnh thì đi đến thầy thuốc Bắc hoặc thuốc Nam. Đi thầy như vậy không gọi là "đi khám bệnh" mà gọi là "Đi COI MẠCH". Nếu thầy có bán thuốc luôn thì gọi là đi COI MẠCH HỐT THUỐC. Nếu thầy không có bán thuốc thì thày RA TOA rồi người bệnh cầm toa đó đến tiệm thuốc bắc mà HỐT THUỐC.
Tây y không dùng từ coi mạch mà dùng từ KHÁM. Hồi xưa nói đi COI MẠCH thì bây giờ nói đi KHÁM . Nhưng KHÁM còn có nghĩa khác nếu nói đi khám không thì không rõ nên nói KHÁM BÁC SĨ là gọn.
Đó là ý kiến cá nhân của mẹ mình hồi nẳm, giải thích cho đứa con nhỏ là mình.
Còn giờ mình thêm chút ý có liên quan:
Ở miền Nam hồi trước phòng khám tư của bác sĩ kêu là PHÒNG MẠCH. (Phòng khám trong Bv thì không kều phòng mạch). Câu mình hay nghe người lớn nói là: Ông Bác sĩ A có phòng mạch ở địa chỉ X... Bây giờ ở miền Tây thỉnh thoảng cũng còn tấm bảng hiệu: Phòng mạch BS .....
Nếu xét nghĩa thì bác sĩ đâu có "coi mạch" như thầy thuốc ngày xưa mà gọi là phòng mạch? Vậy là do thói quen, tập quán mà thôi. Nói PHÒNG MẠCH sẽ gần gũi dễ hiểu với người dân hơn là PHÒNG KHÁM.
Người miền Tây đi đến thầy coi ngày cưới gả, làm nhà, khai trương v.v... hoặc đi coi bói thì đều nói là đi COI THẦY. Nói kiểu này cũng giống như nói đi KHÁM BÁC SĨ ở trên vậy.

THỜI ĐẠI "RỰC RỠ" Bài 1: THẾ NÀO LÀ VĂN MINH


Các từ ngữ như VĂN MINH, VĂN HÓA, NHÂN VĂN v.v... và song song đó là các từ "kém văn minh", "vô văn hóa", "vô học" v.v... được sử dụng rất rất rất thường xuyên để "dạy bảo" nhau, để mắng mỏ nhau, phê phán nhau ngoài đời cũng như trên mạng XH nhưng có được mấy người hay dùng những từ đó "lắng lòng" lại để suy ngẫm xem, thế nào là văn minh, văn hóa hay nhân văn gì đó.
Con người là cũng là động vật nhưng là động vật cao cấp, khác với tất cả các loài động vật khác ở chỗ con người có suy nghĩ, có lý trí để điều khiển hành vi chứ không hành động CHỈ theo bản năng như các loài động vật khác.
Trong thế giới động vật bản năng sinh tồn là bản năng mạnh mẽ nhất. Con các con vật đều có bản năng dùng tất cả sức mạnh của bản thân để giành giật các nhu cầu sự sống cho mình, như thức ăn, nước uống, bạn tình v.v... Sự tranh giành này kết quả là mạnh được yếu thua, đối thủ chết thì ta mới sống, đối thủ mất thì ta mới được.
Trong sự tranh giành sự sống của động vât, TA là trung tâm, ta được, ta sống, ta tồn tại là ĐÚNG, còn tất cả "bọn khác" không phải TA thì bọn chúng sống chết hay được mất không quan trọng.
Con người trải qua hàng ngàn năm tiến hóa từ mông muội tới văn minh. Thời mông muội thì không bàn tới ở đây. Chúng ta ngày nay ở vào thời đại văn minh thì ỨNG XỬ VĂN MINH là phải như thế nào? Nếu kể cụ thể thì hành vi thì quá dài dòng, theo tôi thì ỨNG XỬ VĂN MINH là làm bất cứ việc gì CÓ LỢI CHO MÌNH MÀ KHÔNG XÂM HẠI ĐẾN QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI KHÁC.
Con người, theo bản năng luôn muốn thu vén lợi ích cho mình. Điều này bình thường, nhưng làm điều LỢI MÌNH HẠI NGƯỜI là không được, là không văn minh.
Pháp luật, chính quyền của một quốc gia văn minh chính là để gìn giữ cho mọi người luôn văn minh, không để cho bất kỳ người nào vì lợi ích của mình mà làm tổn hại đến người khác.
Để một người biết hành xử văn minh thì người đó phải được dạy dỗ từ nhỏ, dạy ở gia đình, dạy ở nhà trường. Theo lý mà nói, học càng cao sẽ càng văn minh hơn vì người học cao sẽ biết nhiều "quy luật", nhiều "luật lệ" hơn nên sẽ biết được điều gì mình làm sẽ xâm hại đến quyền lợi của người khác. Từ chỗ biết thế nào là văn minh đi đến ỨNG XỬ VĂN MINH là một đoạn đường dài.
KHÔNG biết ứng xử văn minh thì bản thân mình cũng bị ảnh hưởng, vì người bị mình tổn hại chắc chắn sẽ "trả đũa" lại mà thôi.
Những ứng xử không văn minh của dân ta như khạc nhổ lung tung, không giữ vệ sinh chung, chen lấn giành giật giẫm đạp, ồn ào nơi công cộng, đút lót, chạy chọt v.v... đâu phải chỉ do tính cách người Việt mà là do giáo dục có vấn đề, có vấn đề từ lâu rồi nên giờ mới gây ra hậu quả như vậy.
Kỳ sau: NGÀNH GIÁO DỤC KÉM VĂN MINH

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

TỰ HÀO KHÔNG


Mình có một cô bạn, biết nhau hồi nẳm, vào một ngày tháng 9 của năm một ngàn chín trăm hồi đó. Sau này cổ mới nhắc lại vào cái ngày đầu tiền tụi mình gặp nhau ở sân chữ U của Đại Học Nông Nghiệp 4, cái làm cổ ấn tượng nhất về mình là đôi guốc màu đỏ. (Hahaha mình chẳng nhớ hồi đó mình mặc cái gì mang cái gì nữa á!)
Tụi mình học chung lớp, ở chung phòng nội trú (dù nhà cổ ở Thủ Đức, gần xịch trường mà cũng bày đặt lãnh cái giường nội trú!). Hây da, giờ kể lại kỷ niệm năm năm học chung ấy chắc kể tới khuya quá! Mà hồi đó tụi mình cũng cãi lộn ì xèo, giận nhau nhiều phen lắm chứ....
Ra trường bạn bè mỗi đứa một nơi, lần đầu tiên mình gặp lại cổ là sau 12 năm ra trường. Năm đó cổ vẫn còn làm cái nghề tụi mình học được ở trường ĐH. Sau đó lại mỗi đứa một nơi tất bật với gia đình, với công việc, với mưu sinh... đến 20 năm sau khi ra trường thì lớp mình mới lần đầu tiên họp mặt.
Cô bạn của mình lúc ấy đã làm một nghề khác hoàn toàn. Mình nghe vậy biết vậy chứ không có đủ thời gian tâm sự nhiều với cổ để hỏi han tường tận nhưng vẫn biết là cổ thành công, vậy là vui rồi. Lòng cũng rất thắc mắc không hiểu vì sao con bạn của mình dám đổi nghề, đổi nghề được và thành công khi đã vào tuổi trung niên.
Mới năm ngoái 2017, bọn con gái lớp mình hồi ấy nay đã nhiều "đứa" có sui. Bọn mình cùng đi chơi với nhau một chuyến thật vui. Chuyến đi do cô bạn "đổi nghề" ấy tổ chức. Hai ngày cùng ăn cùng ngủ cùng quậy với nhau, nghe cổ kể chuyện (và nghe các bạn khác kể chuyện, mình sẽ viết sau) mới thấy oh! mình có một nhỏ bạn quá xức xắc mà nào giờ không biết để mà... lợi dụng (hahaha)
Năm nay 2018, sau 30 năm tụi mình ra trường, cổ đạt được một thành tựu xuất sắc. Yêu và ngưỡng mộ cổ quá trời luôn á.
Mở ngoặc lạc đề chút xíu: đọc bài phỏng vấn ông Gs Hồ Ngọc Đại ổng nói ổng tự hào nhất là cậu học trò làm nghề sửa xe chứ không phải Gs Ngô Bảo Châu. Tưởng sao, thì ra cậu đó có mấy bằng đại học, đi du học về nhưng làm nghề sửa xe vì cậu ấy thích. Ông kết luận dạy được học trò làm điều mình thích là ông tự hào. Mình nghĩ rằng người như cậu học trò ấy, hay người như cô bạn của mình, dù học với ai, dù được dạy bằng phương pháp nào thì họ cũng sẽ đi con đường họ muốn và họ sẽ tỏa sáng thôi. Thầy cô may mắn có một người học trò như họ. Có lẽ ai làm thầy cô cũng mong muốn có người học trò như vậy.
Mình là bạn của cô ấy thì sao? Thì mình TỰ HÀO quá chứ còn sao nữa.
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=706227143091289&set=a.118908145156528&type=3&theater