Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

ẤN ĐỘ DU KÝ: thành phố Kolkata

 Kolkata là thành phố đầu tiên chúng tôi đến thăm trong chuyến du lịch Ấn Độ đầu xuân 2015.

Kolkata, tên cũ là Calcutta, là một thành phố lớn nằm ở phía đông của Ấn Độ, ven vịnh Bengan. Calcutta xưa là thủ đô của Ấn độ thuộc Anh, đã từng là trung tâm văn hoá, kinh tế và chính trị của Ấn độ.
 
Nơi đây không có di tích của đức Phật nhưng chúng tôi ghé qua để thăm viếng Viện Bảo Tàng Indian Museum, nơi trưng bày hai viên Xá Lợi của đức Phật. Theo các tài liệu khảo cổ ghi nhận thì đây chắc chắn là xá lợi THẬT. ( Một số xá lợi trưng bày ở các nơi khác không xác nhận được chắc chắn là xá lợi thật vì quá trình khai quật khảo cổ, thu mẫu có nhiều sai sót).
 
Viện bảo tàng Indian Museum là một viện bảo tàng lớn và quan trọng, dược thành lập đã 200 năm. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật quý giá. Những phiến đá được chạm khắc tinh xảo được tìm thấy từ những ngôi đền cổ, những bảo tháp thờ xá lợi Phật.... Những hình ảnh chạm khắc trong đá tinh tế, tinh xảo đến từng nụ cười, từng nếp áo... đã cho chúng ta thấy hình ảnh sinh hoạt xã hội thời đức Phật tại thế: cách ăn mặc, xe cộ, voi ngựa, tôn ti trật tự trong xã hội, sinh hoạt trong cung vua (thời đức Phật còn là thái tử)...
 
Các tượng Phật trưng bày ở đây rất đẹp và rất khác với tượng Phật mà ta thường thấy ở Việt Nam. ĐẶc biệt tất cả tượng Phật Di Lặc đều thon thả, đẹp trai, có tượng còn có râu ... nói chung khác hẳn tượng Phật Di Lặc mập mạp tươi cười theo Trung quốc và Việt NAm.
 
 
Kolkata cũng là thành phố quê hương của đại thi hào Tagore, người đã được giải Nobel văn chương năm 1913. Tagore được sinh ra trong một gia đình quý tộc giàu có thuộc giai cấp Bà la môn (là giai cấp cao nhất trong hệ thống phân chia giai cấp ở Ấn độ). Ông viết văn làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ- tiếng Bengali và ông tự dịch ra tiếng Anh. Ngôi nhà của ông ngày xưa giờ là nhà lưu niệm Tagore.
 
Kolkata cũng là nơi hoạt động của mẹ Teresa từ khi bà đến Ấn độ cho đến cuối đời. Hiện nay ở đây có mộ của mẹ Teresa, có di tích "nhà thương" mà khi xưa bà thành lập để cứu giúp dân nghèo.
 
Thành phố Kolkata hôm nay có những đường phố lớn, cầu vượt hiện đại nhưng vẫn còn những "di tích" sống động của vài thế kỷ trước, đó là xe người kéo, chỉ duy nhất còn sót lại ở thành phố này.
HÌnh1: Tượng Phật Di Lặc
Hình 2: chiêm bái Xá lợi Phật
Hình 3: mộ mẹ Teresa
Hình 4: Nhà lưu niệm Tagore
Hình 5: Xe kéo

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

ẤN ĐỘ DU KÝ: mục đích và lộ trình

 Để dễ dàng theo dõi chuyến đi, mình sẽ trình bày về mục đích và lộ trình. Muốn hiểu về mục đích chuyến đi, trước tiên phải nói sơ qua về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. 

 
Đức Phật Thích Ca là con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada. Vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích ca, làm vua ở thành Ca Tỳ La Vệ. Khi hoàng hậu Mada mang thai gần đến ngày sinh thì bà đi về quê nhà để sinh nở theo tục lệ thời đó. Đi được nửa đường, đến vườn Lâm Tì Ni thì hoàng hậu hạ sinh thái tử Sĩ ĐẠt Ta ( Siddhartha Gautama), chính là đức Phật sau này. Sau khi hạ sinh thái tử bảy ngày thì hoàng hậu Mada qua đời. Thái tử được di mẫu là bà Kiều Đàm nuôi dưỡng.
 
Thái tứ Sĩ Đạt Ta lớn lên trong thành Ca tỳ la vệ, ngài cưới công chúa Da du đà la làm vợ và sinh được một con trai là La Hầu La. Năm 29 tuổi thái tử Sĩ ĐẠt Ta rời kinh thành ra đi tìm đạo, tìm con đường giải thoát chúng sanh khỏi các khổ đau sanh già bệnh chết. Ngài đã tu khổ hạnh 6 năm, mỗi ngày chỉ ăn một hột mè, sức khoẻ suy kiệt. Khi ấy ngài được một mục nữ (cô gái chăn dê) dâng lên một bát sữa. Ngài thọ nhận bát sữa, sau đó xuống sông Ni Liên thiền rửa mặt và từ bỏ con đường tu khổ hạnh. Ngài vượt sông đi đến cội bồ đề. Tại đây ngài ngồi thiền trong 49 ngày và đắc quả thành Phật.
 
Sau khi chứng đắc, đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển nước Ba la nại. Năm người này chính là năm đệ tử đầu tiên của đức Phật. Và từ đó, đức Phật đã đi thuyết pháp suốt 45 năm. Hai nơi đức Phật lưu lại nhiều nhất, thuyết nhiều bài kinh nhất là thành Vương Xá nước Ma Kiệt ĐÀ và thành Xá Vệ nước Kiều Tát La (đó là hai nước lớn thời Phật tại thế). Ở thành Vương Xá đức Phật thường giảng pháp tại núi Linh Thứu (núi Kỳ Xà Quật) và lưu lại ở vườn Trúc Lâm. Còn ở Xá Vệ thì ngài hay ở tại vườn Kỳ Viên. 
 
Sau khi Phật thành đạo 7 năm thì ngài về thăm quê hương. ngài đã thu nhận nhiều vương tôn công tử dòng họ Thích Ca vào tăng đoàn, trong đó có ngài A Nan là em họ đức Phật và La Hầu La, con trai đức Phật. Đức Phật cũng cho phép thành lập ni đoàn, thu nhận di mẫu Kiều Đàm, công chúa Da du đà la. Hai vị ni sư đặc biệt này sau đều đắc quả A la hán.
 
Khi đức Phật còn tại thế thì dòng họ Thích ca của ngài đã bị hoạ diệt tộc. Vua Lưu Ly nước Kiều Tát La đã đem quân đánh và tàn sát hết dòng họ Thích, thành Ca tỳ la vệ coi như bị xoá sổ. 
 
Năm Đức Phật 80 tuổi ngài xả bỏ báo thân và nhập Niết bàn. Nơi ngài chọn để nhập niết bàn là rừng cây sa la ở Câu thi Na. Nhục thân Đức Phật được các đệ tử hoả thiêu và sau đó xá lợi Phật được chia thành tám phần, cho tám nước quanh vùng đem về xây bảo thảp thờ phụng. Sau khi phật nhập diệt 200 năm, vua A Dục, một vị vua rất sùng đạo Phật đã lấy một phần xá lợi trong bảy bảo tháp để chia ra cất giữ trong hàng ngàn bảo tháp xây mới.
 
Tất cả những điều trên được rút ra từ các kinh điển Phật giáo. Trong kinh có đầy đủ tên tuổi, địa danh... nhưng với thời gian hơn 2500 năm từ ngày Phật đản sinh. tất cả các di tích, bảo tháp, thành quách đều đã bị vùi lấp dưới những lớp bụi thời gian. Thành cổ, tháp xưa nay đã thành bình địa. Rất may, sau khi Phật nhập diệt 200 năm, vua A Dục đã cho cắm trụ đá có khắc chữ đánh dấu những di tích có liên quan đến đức Phật. Vào thế kỷ thứ bảy sau công nguyên, năm 629 ngài Huyền Trang (Trung Quốc) đã làm một cuộc du hành từ Trường An sang Ấn Độ. Ngài đã ghi chép tỉ mỉ vị trí các di tích của Phật mà ngài đã đến chiêm bái, kể cả các trụ đá của vua A Dục. Năm 1193, đội quân Hồi giáo tràn vào Ấn độ đã phá huỷ hết các di tích Phật giáo, khiến các di tích này chìm vào quên lãng!
 
NHờ các trụ đá của vua A Dục còn sót lại và dựa vào các ghi chép của ngài Huyền Trang mà vào thế kỷ 19. người Anh đã tiến hành khảo cổ các di tích Phật giáo. Qua việc khảo cổ người ta đã xác định được vị trí chính xác của các địa danh quan trọng có liên quan đến cuộc đời đức Phật: thành Ca tỳ la vệ, vườn Lâm tì ni, vườn Lộc Uyển, rừng Sala ở Câu thi na....
 
Là người Phật tử chắc ai cũng mong một lần được đến quê hương đức Phật, lần theo những địa danh có dấu chân Ngài. Vậy nên, chuyến hành hương xuân Ất Mùi này, đoàn chúng tôi bốn người đã theo lộ trình như sau:
 
1- Kolkata: chiêm bái xá lợi Phật ở viện bảo tàng Indian Museum
2- Varanasi: thăm vườn LỘC UYỂN nơi Phật giảng bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo.
3 -Bodhgaya: thăm Bồ đề đạo tràng, nơi đức Phật thành đạo. 
4- Kusinaga: Câu thi na, nơi đức Phật nhập niết bàn và nơi làm lễ trà tỳ (hoả thiêu).
5- Lumbini: vườn Lâm tì ni nơi đức Phật đản sinh.
6- thành Catỳ la vệ quê hương họ Thích ca, thăm nơi dòng họ Thích ca bị tàn sát.
 
Ngoài các điểm chính như trên chúng tôi còn ghé thăm các bảo tháp xá lợi Phật đã khai quật và chưa khai quật, ghé thăm thành Vương Xá (núi Linh thứu, vờn Trúc Lâm), thành Xá vệ (vườn Kỳ thọ Cấp cô độc viên) là hai nơi Phật lưu lại nhiều nhất lúc sinh thời. 
 
Và đã đến Ấn độ chúng tôi không quên thăm đền Taj Mahal nổi tiếng, thăm thủ đô New Delhi. Và bạn Phú NT, một thành viên chủ chốt trong đoàn đã đưa chúng tôi tham dự lễ hội Holi (của đạo Hindu) ngay tại chính quê hương của lễ hội này.
 
(Viết xong chẳng biết đưa hình nào cho hơp!)