Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

CHÙA ĐÌNH MIẾU ĐỀN

 CHÙA, ĐÌNH, MIẾU, ĐỀN


CHÙA là nơi thờ các vị Phật, là nơi mà các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni (tu sĩ Phật Giáo) tu học và hành đạo. Hành đạo là giúp các chúng sinh có duyên với Phật pháp y theo pháp của Phật để giải thoát khỏi khổ đau. Chùa chỉ thờ các vị Phật, Bồ tát, không thờ thần linh.

ĐÌNH là một kiến trúc không thể thiếu của làng quê Việt xưa. Đình ở miền Tây thờ các bậc TIỀN HIỀN, HẬU HIỀN của làng (miền Tây không có khái niệm Thành hoàng). Tiền hiền là người có công khai khẩn, qui dân lập ấp. Hậu hiền là người có công xây dựng phát triển làng. 

ĐÌNH có một ban điều hành gọi là BAN QUÝ TẾ. Mỗi năm đình có nhiều lễ cúng, mỗi khi có lễ cúng thì có rước gánh hát bội về hát. Đình Bình Mỹ gần nhà mình mỗi năm có hội đua ghe. 

Từ nhà mình trong vòng bán kính 3km có tới ba cái đình. Hồi cách mạng vô đình bị trưng dụng làm trường học, không còn được thờ cúng. Sau này thì cách mạng trả lại đình cho dân, việc cúng đình lại được tiếp tục 😅😅😅

MIẾU hay MIỂU là nơi thờ thần, thờ ma hay thờ bất cứ thứ gì mà người ta muốn thờ. Thí dụ miếu thờ Quan Công, miếu thờ Bà Chúa Xứ, miếu thờ người chết vì tai nạn giao thông. Đôi khi người ta nhầm lẫn gọi miếu là chùa, miếu thờ ông Quan Công gọi là chùa Ông, miếu thờ bà chúa xứ gọi là chùa Bà. Một khúc đường chưa tới 1km từ nhà mình có 2 cái miếu thờ ven đường thờ người tử nạn vì tai nạn giao thông.

ĐỀN là nơi thờ các vị anh hùng có công với nước. Hồi nhỏ mình học sử Hai Bà Trưng trầm mình ở sông Hát giang, dân làng ở đó lập đền thờ Hai Bà trên bờ sông Hát. Có một ông tên Vũ Công Duệ, chết ở cửa biển Thần Phù, được dân lập đền thờ. ( mà ông Duệ này làm gì thì hết nhớ rồi, học hồi lớp 2 lớp 2 lận)

Miền Tây ít có ĐỀN. Ở chỗ mình có một vị anh hùng chống Pháp được dân thờ. Dân ở đây cung kính gọi ông là Đức Quản Cơ Trần Văn Thành. Quản Cơ là chức vụ của ông. Hoặc gọi ông là Đức Cố Quản. Ngày giỗ của ông gọi là ngày Vía Đức Cố.

Dân địa phương không gọi nơi thờ ngài Trần Văn Thành là Đền thờ, dù đó đúng là một cái đền thờ. Gọi là gì mời mọi người đoán nha.

(Dân địa phương huyện nhà tỉnh nhà không được tham gia giải đáp nha, vì biết quá rồi. Ai chưa biết thì đoán hihihi. Chính bản thân mình cũng không biết chắc, phải hỏi một người sống gần "đền" ấy.)
Hình: một cái đình và một cái miếu ở xứ mình.

GIẢI ĐÁP: Dân địa phương gọi là DINH ĐỨC CỐ  

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

 BÁNH CÚNG

Hôm nay hơi rảnh, soạn đồ làm bánh cúng. Làm thì làm còn có cúng được không thì chưa biết, vì đây là lần thứ hai mình làm bánh này, cũng coi như là đang mò mẫm.
Nguyên liệu làm bánh có bột gạo, bột năng, nước cốt dừa, nước cốt lá dứa, đường. Bánh gói bằng lá chuối, cột bằng dây xé từ lá chuối. Cây sậy làm khuôn quấn lá chuối để gói bánh.
Lá chuối phơi cho hơi dẻo nhưng không quá khô sẽ gói không được. Quấn lá chuối thành cái ống, một đầu kín một đầu hở. Bột pha lỏng như bột bánh xèo, rót vô cái ống lá làm sẵn, bẻ đầu lá xuống cột lại là xong. Đem luộc 15p bánh chín.
Cái khó nhất là quấn khuôn lá sao cho kín để rót bột vào không bị chảy tè le. May quá, lần này mình làm không bị chảy cái nào 😅😅
Giờ đang luộc bánh, xong vớt ra để nguội, mai mới biết ngon dở.
Hình: bánh gói xong, được đúng 10 cái, sắp đem luộc.

<iframe src="https://www.facebook.com/plugins/video.php?height=314&href=https%3A%2F%2Fwww.facebook.com%2F1620456182%2Fvideos%2F10222794039912493%2F&show_text=false&width=560" width="560" height="314" style="border:none;overflow:hidden" scrolling="no" frameborder="0" allowfullscreen="true" allow="autoplay; clipboard-write; encrypted-media; picture-in-picture; web-share" allowFullScreen="true"></iframe>
<iframe src="https://www.facebook.com/plugins/video.php?height=314&href=https%3A%2F%2Fwww.facebook.com%2F1620456182%2Fvideos%2F10222794041912543%2F&show_text=false&width=560" width="560" height="314" style="border:none;overflow:hidden" scrolling="no" frameborder="0" allowfullscreen="true" allow="autoplay; clipboard-write; encrypted-media; picture-in-picture; web-share" allowFullScreen="true"></iframe>

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

ÔNG ĐỊA, THẦN TÀI

 

Dân quê ở xứ tui (miền Tây) thờ ông ĐỊA chứ không có thờ thần tài. Trang thờ ông ĐỊA đặt dưới đất, hướng mặt ra phía cửa. Ông Địa tức là Thổ Địa, là vị thần cai quản đất đai, tất nhiên là ông quản luôn các thứ ở trên đất 😅😅😅
Quanh năm suốt tháng ông Địa được cúng trái cây, mà thường là nải chuối. Nhà có việc gì xảy ra, như rớt, lạc đồ vật, có chuyện bất hòa, đi thi, xuất hành làm gì người ta cũng đều "vái ông Địa", và thường cũng chỉ hứa cúng tạ ơn ông nải chuối.
Hồi còn nhỏ, mình rất rất thường nghe người xung quanh, hàng xóm nói vái ông địa chuyện này chuyện kia. Mình nghĩ bụng, ổng dễ tánh ghê, cái gì cũng vái mà cúng thì có một thứ chuối, cúng hoài.
Mình chữa bệnh cho cún với miu, rất thường gặp thân chủ nói vầy: bữa nay nó hết bệnh rồi cô. Hôm nó bịnh nặng quá tui vái ông Địa cho nó khỏe lợi tui cúng nải chuối. Vậy mà linh ghê cô ơi. 😆😆😆
Người có buôn bán thì mới có thờ thần Tài chung với bàn thờ ông Địa. Cúng thần Tài mỗi tháng hai lần, mùng 2, 16 âm lịch. Cúng gì cũng được nhưng mình thấy người ta hay cúng gà luộc nguyên con.
Chuyện ngày vía thần Tài mùng 10 tháng Giêng, mới du nhập ở đâu về mấy năm gần đây chứ trước giờ xứ tui không có. Mùng 10 dân bản xứ cũng không có đi mua vàng.
Sáng mùng 10 loa xã cũng lên một bài sự tích thần tài, mà nghe ra là thần tài ở bên Tàu. Chắc người làm chương trình sợt trên mạng rồi bê vô phát chứ không suy nghĩ gì sâu xa.
Kể sự tích thần Tài xong thì loa hát một bài hát về thần Tài, mà bài hát dở quá, nghe xong mừng hết hồn vì thoát nạn bị tra tấn lỗ tai 😅.
Nhà mình có bàn thờ ông Địa và thần Tài luôn, vì trước đây gia đình chồng có buôn bán. Mình là Phật tử, chỉ thờ Phật, không thờ Thần, nhưng vì ông Địa và thần Tài ngự trong nhà đã lâu, trước khi mình vào nhà nên mình vẫn thắp nhang và cúng trái cây cho các ông ấy, nhưng không cầu xin gì cả.
(Đây là bài viết theo thực tế mắt thấy tai nghe, có thể không giống sách viết)
Hình: bánh cúng, một loại bánh để... cúng ở miền Tây. Bánh làm bằng bột gạo, theo mình thì ngon tuyệt
Bánh này mới gói xong, chưa luộc. Người làm bánh mới làm lần đầu, bánh chưa được đẹp như ý.