Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

LỊCH SỬ NAM KỲ TRONG TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH


Từ hồi tôi còn học tiểu học, mới biết đọc chữ rành thì đã biết ham đọc sách đọc truyện. Nhà tôi có một cái tủ sách, ba mẹ đi làm vắng nhà, tôi ở nhà lấy sách ra đọc suốt, ít đi ra ngoài chơi với bạn bè. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh mà tôi đọc đầu tiên là cuốn "Cha con nghĩa nặng". Hồi nhỏ đọc thì biết cốt truyện có hậu, thấy văn chương y xì như cách bà ngoại tôi nói chuyện hàng ngày chứ không có gì lạ. Sau đó, khi lớn lên học trung học, đại học thì không có truyện của ông để đọc nữa nên dần quên lãng.
Sau này tiểu thuyết của ông được in lại tôi cũng có mua được một số cuốn, và đọc online trên mạng thì thấy thích thú vì lịch sử miền Nam của mình hiển hiện qua từng trang sách. Nhưng từ ngữ trong truyện có nhiều từ đã lâu không cón nghe thấy nữa nhưng tôi hiểu hết vì tôi sống với bà ngoại từ nhỏ đến khi lập gia đình. Bà ngoại tôi khi xưa là con gái điền chủ, là dâu của ông Hương Cả nên những chuyện kể trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh với tôi không hề lạ.
Càng đọc lại tiểu thuyết của ông càng thấy dân Nam Kỳ hồi nửa đầu thế kỷ 20 đã được sống trong một chế độ thật văn minh, theo kịp văn mình của Âu Tây thời đó.
Ruộng đất có giấy tờ sổ bộ đàng hoàng, có "quan kinh lý" được đào tạo bài bản đo ruộng đất thực tế cho khớp với sổ sách. Nhà nước muốn trưng dụng đất của dân để làm công trình công ích thì có bồi thường giá rất cao. Công ty tư nhân muốn mua đất của dân để làm kinh doanh thì phải thương lượng.
Việc hộ tịch đều có giấy tờ: giấy hôn thú, giấy khai sanh, giấy khai tử. ĐÀn ông hay đàn bà đều có quyền đệ đơn ra tòa để xin "phá hôn thú" (ly dị).
Tranh chấp tài sản, tranh chấp dân sự đều đưa ra tòa xử. Trạng sư (luật sư) có vai trò quan trọng và được kính nể. Muốn làm "trạng sư" hoặc "quan tòa" (thẩm phán) hoặc quan "biện lý" (viện kiểm sát) phải học trường luật ở Hà Nội chứ không phải học tại chức mà có thể làm được. Thực dân trọng trình độ bằng cấp chứ không xét lý lịch để bổ nhiệm.
Con nhà nghèo mà học giỏi có thể xin được học bổng của nhà nước mà học lên cao. Học giỏi có bằng cấp ra thì được bổ nhiệm đi làm việc là có thể đổi đời.
Nhà thương lớn, trường học lớn đều có ở mỗi tỉnh. ở huyện ở xã cũng có trường công có thầy giáo hoặc cô giáo được đào tạo trong trường sư phạm về dạy học. Lương thầy giáo cô giáo đủ cho thầy cô sống mức sống trung lưu so với thời ấy.
Ở Sài Gòn vào năm 1923 đã có Nhà Thương Chợ Rẫy trị bệnh trị thương miễn phí cho người nghèo. Có nhà bảo sanh cho sản phụ sanh và nằm miễn phí 10 ngày.
Người dân nếu chí thú làm ăn thì cũng khá chứ không đến nỗi nghèo đói. Nhiều người khi trẻ thì nghèo mà sau vài chục năm làm lụng thì cũng có được nhiều ruộng, trở thành điền chủ. Thợ máy giỏi nghề mở tiệm sửa xe lần hồi cũng trở thành ông chủ.
Tuy vậy điền chủ hoặc thương gia giàu có mà không biết tính toán hoặc không gặp thời thì cũng lụn bại. Điền chủ vay tiền mua ruộng mà gặp năm thất mùa, lúa rẻ thì cũng phá sản như thường. Thời ấy điền chủ hay thương gia đều làm ăn theo "cơ chế thị trường".
Thời năm 1930 mà ở các vùng quê đã có người sắm xe hơi cho thuê chẳng kém gì thời nay. Nhà giàu không mua xe thì thuê xe đi thoải mái. Phương tiện giao thông có xe lửa, xe đò, tàu đò. Đường bộ xe hơi khắp Nam kỳ lục tỉnh đều xây dựng xong, lên tới Nam Vang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét