Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

VỀ QUÊ ĐÁM GIỖ

 CƯNG

    Rằm tháng chạp là ngày giỗ ông nội mình. Ông bà nội mình mất sớm, mất cùng năm, cách nhau 2 tháng, lúc ba mình mới lên bảy tuổi và chú Út mình 5 tuổi. Các chị em của ba mình mồ côi, đùm bọc nương tựa nhau mà sống, rồi cũng trưởng thành và nên người. Có lẽ vì mồ côi nên các cô mình, tức là chị của ba mình rất thương em và thương luôn lũ cháu là tụi mình. Mỗi năm hai lần đám giỗ ông và bà là đại gia đình mình lại đoàn tụ, vui thật là vui.

     Ba mình thứ chín, dưới ba mình là chú út. Vì vậy trong anh chị em họ thì mình vai em hết thảy, chỉ được làm chị của con chú Út thôi. Mỗi lần về quê là thấy mình như trẻ lại, vì được làm em. Các anh chị của mình dù lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình đều xưng anh, xưng chị và kêu mình bằng "cưng". Chỉ khi về quê mình mới được "cưng" nhiều như vậy. 
     Hồi mình 20 tuổi còn đang đi học, về quê các anh chị hỏi: "cưng cứ đi học hoài dzị, chừng nào mới lấy chồng?". Bây giờ thì các anh chị lại hỏi: "Chừng nào cưng mần sui? thằng con của cưng lớn bộn rồi, cưới vợ cho nó được rồi đa!". Vui ghê. 
 MẤT QUẦN GIỮA ĐÊM
     Mỗi lần về quê đám giỗ mình đi hai ngày, ngủ lại một đêm. Mình hay ngủ ở nhà anh hai, là con bác mình. Nhà anh rộng, có sân để đậu xe. Nhà rộng có chỗ ngủ nhưng chú tài xế cứ thích ngủ trong xe chứ không chịu vô nhà. Xe đậu ngoài sân ngay cạnh phòng mình ngủ. Anh hai chủ nhà ngủ phòng phía sau, hơi xa một chút. Tối đó mấy anh em ngồi tám chuyện tới 12 giờ mới đi ngủ. Mình đang ngủ ngon lành bỗng nghe tiếng người kêu lớn :
 - Anh hai ơi anh hai
Mình giật mình, nghĩ thầm khách khứa gì của anh hai mà kêu réo sớm dữ vậy, thiệt bất lịch sự... thì nghe tiếp:
 - Anh hai ơi em bị mất cái quần rồi!
 Úi trời! chuyện gì đây!? Mình tốc dậy chạy ra thì... chú tài vừa bị ăn trộm lấy mất cái quần. Chú ngủ trong xe, cởi quần dài để bên cạnh, hé hé kiếng xe cho thoáng. Chú nói thằng trộm vừa lấy xong, vì chú đang ngủ nghe tiếng tít tít liền choàng dậy, thì ra là thằng trộm bấm vào cái chìa khoá xe trong cái quần đó làm chiếc xe kêu lên tiếng tít tít. Anh hai và anh xã mình ồ lên vì hai người đều nghe thấy tiếng tít tít đó mà nhất thời không biết là tiếng gì. Thế là cả ba người đàn ông, anh hai, anh xã mình và chú tài túa đi tìm tên trộm. Cổng trước khoá nên nó chỉ có thể leo rào bên hông vào. BA người rọi đèn pin tới lui tìm kiếm một lúc thấy không động tĩnh gì nên anh hai ra lấy xe đi báo công an xã.
 Trong túi quần chú tài xế có chìa khoá xe, bóp giấy tờ và vài ba trăm ngàn. Mất chìa khoá xe là phiền nhất. Anh xã mình đã bắt đầu tính các phương cánh giải quyết trong khi chú tài vẫn rọi đèn pin, đi tới đi lui tìm kiếm... thì may quá, chú phát hiện cái quần bị thằng trộm "dụt" lại trên đám cỏ sát bờ rào. Xem lại thì chìa khoá còn y, giấy tờ còn y, tiền biến mất. 
 Thiệt hú hồn! Cả nhà đều thức hết không ngủ lại được. Chị hai bèn pha cà phê cho mấy anh em uống và ... tám chiện tiếp chứ biết làm gì!
 Buổi chiều trên đường về mình chọc chú tài: "Ummm, nếu viết bài báo: khi tài xế mất quần chắc là hấp dẫn lắm". Chú tài im ru không nói gì nhưng khi về gần đến nhà chú rụt rè bảo: "chị ơi, viết bài báo đó chắc người ta cười lắm đó!". "Hahaha, báo nào mà đăng mấy chuyện vậy em ơi!". Chú ta thở phào nhẹ nhõm, mà chắc chú hổng biết mình viết trên Phây!
 Hình về đám giỗ hồi nẳm. Hình năm nay còn để trong máy, chưa lấy ra!
 
 
"CƯNG"
 
December 15th (Lunar) is my grandfather's death anniversary. He and grandma died early and only two months apart within same year, when my dad was seven and my uncle five. Dad, uncle and aunts were orphans who took care and looked after each other. They grew up strong and wise. Being orphans, my aunts love her brothers and nephews as their own children. My great family always unite and have a really fun time twice each year on grandma and grandpa's death anniversaries.
 
Dad is the ninth child, and my uncle is the last one. So of all my cousins I'm almost the youngest. Everytime I visit home, it makes me happy to be the young child of my great family. This is the only place where everyone calls me "cung", or lil'sister.
 
When I was 20, my cousins kept asking me: "Why study so hard? When will CUNG (you) marry?" Now they continue asking: "When will CUNG's (your) son marry? He's getting old. He needs a wife now". So fun.
 
(to be continued)
 
(Đang học tiếng Anh nên tập dịch...)

NÔNG DÂN CHẤT LƯỢNG CAO

 (Bài viết từ năm 2009, tới giờ ngành nông nghiệp vẫn tệ như cũ, không khá lên chút nào, huhuhu)

 
Chính phủ vừa “đặt hàng” Bộ NN-PTNT, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH thực hiện chương trình mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu “lão nông tri điền” trong cả nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một chủ trương đúng nhằm đào tạo ra đội ngũ “nông dân chất lượng cao” để thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để chương trình khả thi thì cần cân nhắc kỹ về nội dung thực hiện, chọn trúng đối tượng để không lặp lại những bài học đã mắc phải trong nhiều năm qua.
Trong nhiều cuộc bàn thảo về đề án đào tạo 1 triệu “nông dân chất lượng cao”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, mục tiêu mà chương trình đặt ra phải là trang bị cũng như đào tạo cho nông dân có tay nghề cụ thể, có tri thức và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu từ nông nghiệp, chứ không phải làm… cán bộ nông nghiệp hoặc sau đó lại “ly nông”.(xem tiếp ở đây)
 
Đọc bài báo này không thể không có mấy lời bàn, vì tui vốn là nông dân chất lượng …không cao.
Không biết là các quan nhà mình có nói kiểu “ý tại ngôn ngoại” hay không, chứ thiệt tình tui không hiểu nổi cái ý tưởng “đào tạo nông dân chất lượng cao” siêu việt này.
 
Tình trạng nông dân nghèo, khổ là do họ ít học, điều đó đúng. Họ ít học nên không thể kiếm một việc làm khá hơn, đành phải làm nông, đành phải chịu kiếp nghèo. Nếu có học mà quay đầu về quê làm nông, mười phần hết chín là không thể cất đầu lên nổi.
 
Cho một anh kỹ sư trồng trọt đi về làm ruộng, mà anh ấy làm giàu được mới là chuyện lạ. Cho dù anh ấy là nhà giàu, có 10 công ruộng (diện tích ruộng bình quân của người làm nông ở tỉnh tui là 1,5 công/người, số liệu tôi tự tính) anh ấy nuôi vợ con không đói rách là may. Nếu cho một anh kỹ sư thủy sản về nuôi cá tra, ba sa có thể anh ấy sẽ làm giàu được ở những năm trước (mà nông dân nuôi vẫn làm giàu được, không cứ gì phải là kỹ sư), nhưng từ đầu năm 2008 đến giờ “của thiên trả địa” hết, biết bao người nuôi cá đã phá sản, bán ao, bán ruộng, bán nhà vẫn không đủ tiền trả nợ. Họ thua lỗ do những nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của họ. Những người trụ được thường là người có gốc gác dây mơ rễ má với chính quyền, với công ty thủy sản (của nhà nước), với nhà máy thức ăn (cũng của nhà nước), được nhiều ưu tiên về thông tin, về quyền mua, bán, chứ phó thường dân thì đành chịu chết. Các ngành khác như trồng cà phê, cao su, nuôi heo, nuôi gà… cũng tương tự như vậy, nông dân có khá hay không không phải chỉ do bản thân họ giỏi hay dở, phần này có, mà ít, cái chính là do cách quản lý điều hành của nhà nước quá tệ. Cà phê có giá: nông dân giàu, cà phê xuống giá: bó tay. Heo gà không bị bệnh dịch: nông dân có ăn, dịch bệnh xảy ra: bó tay.
 
Đào tạo người nông dân chất lượng cao có thể bằng được người kỹ sư nông nghiệp hay không, trong khi đội ngũ kỹ sư có sẵn thì ngành nông nghiệp không biết tận dụng, sử dụng sai chỗ, không hiệu quả. Chuyện này nói hết cho cả ngành nông nghiệp thì rất dài dòng nên tui chỉ nói về ngành chăn nuôi mà thôi.
Trong ngành chăn nuôi, khâu nuôi để sản xuất ra thịt là khâu cuối cùng, đơn giản nhất, không cần học nhiều cũng làm được. Ở các nước có nền chăn nuôi phát triển, nông dân chỉ cần làm theo những quy trình được kỹ sư thiết kế sẵn (cho từng vùng, miền, ngay cả cho từng trại) từ quy cách xây dựng chuồng trại cho tới quy trình chủng ngừa, quy trình cho ăn v.v… đều có sẵn, nông dân chỉ việc làm theo. Nếu có trục trặc thì họ có thể nhờ những nhà chuyên môn giúp đỡ (có thù lao). Nuôi một lứa gà sáu tuần, một lứa heo từ ba tháng rưỡi đến bốn tháng, xuất chuồng, đếm tiền.
 
Nhưng muốn khâu cuối cùng này vận hành suôn sẻ, ra sản phẩm tốt thì phải có nhiểu khâu trước đó, đòi hỏi kỹ thuật cao, tay nghề cao, phải có đầu tư tiền bạc, phải có chuyên gia giỏi mới làm được. Đó là các việc: chọn giống và tạo giống mới, trong ngành gọi là “công tác giống”; nghiên cứu và chế tạo vaccine, thuốc thú y; nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn gia súc. Rất tiếc là ở nước ta hiện nay, các khâu “tiền đề” cho một ngành chăn nuôi phát triển này không có hoặc có rất ít.
Toàn bộ giống heo, giống gà ta đều phải nhập:
Dòng (ông bà) cha—> ông —> cha
Dòng (ông bà) mẹ —> bà—> mẹ
Cha x Mẹ —> F1
Con lai thế hệ F1 chỉ dùng nuôi thịt không làm giống được, nếu đem làm giống thì thế hệ F2, F3 sẽ bị phân ly và thoái hóa, không còn giữ được các đặc tính ban đầu.
 
Ngành chăn nuôi của ta phải nhập các con giống ông bà, khi các con giống ông bà này hết đời thì phải nhập con giống khác, cứ thế. Còn làm thế nào để sản xuất được giống ông bà thì là bí quyết của người ta, chúng ta không thèm nghiên cứu, không làm!
Toàn bộ nguyên liệu thuốc thú y đều nhập, nguyên liệu thức ăn gia súc (TAGS) chỉ trừ tấm, còn lại đều nhập, kể cả cám và bắp. Các công ty sản xuất thuốc thú y, TAGS chỉ là nhập nguyên liệu về pha chế ra thôi. Vaccine thì trong nước chỉ sản xuất được ba loại vaccine cho heo, bốn loại cho gà, hai loại cho vịt, còn lại đều phải nhập.
 
Vậy là những công đoạn quan trọng, nhiều chất xám thì ta nhường cho ngoại quốc hốt bạc, ta chỉ làm công đoạn gia công đơn giản cuối cùng, mà trong đó, những người trung gian như hãng sản xuất thuốc thú y, hãng sản xuất thức ăn, các đại lý thuốc, đại lý thức ăn hốt bạc phần lớn, người chăn nuôi chỉ còn miếng bánh vụn, dù là kỹ sư chất lượng cao đi mần chăn nuôi thì cũng vậy thôi, không khá hơn được.
 
Nhưng ở công đoạn đơn giản cuối cùng này ta làm cũng không nên thân. Quy trình chích ngừa: không có, trạm thú y nào cũng làm theo chỉ đạo của cấp trên, giống nhau mọi lúc mọi nơi. Quy trình chích ngừa phải được vạch ra tùy tình hình dịch tễ của địa phương, của trại chăn nuôi, cân nhắc với nhiều yếu tố khác, nên phải thay đổi tùy thời điểm chứ không thể cố định. Tui biết chắc hầu hết cán bộ thú y cấp huyện (nói chung, chứ không riêng gì ở địa phương nào) không thể (và không được phép) đưa ra được một quy trình chủng ngừa hợp lý cho gia súc trong địa bàn mình quản lý. Mà cái quy trình chích ngừa này mới chính là cốt lõi của sự phòng bịnh trên đàn gia súc. Vậy nên không lạ khi dịch bệnh cứ trở đi trở lại năm này qua năm khác.
 
Huyện, xã nào cũng có cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông nhưng thực tế nông dân khó nhờ cậy. Tui thấy cứ biến cái trạm thú y thành nơi tư vấn cho người chăn nuôi (tư vấn có thu phí, có chịu trách nhiệm) coi bộ ích lợi hơn nhiều, khỏi cần tốn tiền đào tạo nông dân chất lượng cao làm chi.
 
Như vậy tui thấy hai nhân vật chính trong cái đề án nông dân chất lượng cao là Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng NN Cao Đức Phát hoặc là không hiểu gì về tình hình nông nghiệp nông thôn và nông dân ta hiện nay, hoặc là hiểu mà vẫn thực hiện đề án với một mục đích sâu xa nào khác, chứ không phải mục đích giúp nông dân làm giàu. Nói các ngài không hiểu gì về nông nghiệp nước nhà thì vô lý, vậy thì các ngài làm việc này với mục đích gì???