Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

KIỂM, MÓN CHAY ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI MIỀN TÂY



Là người miền Tây hoặc có dây mơ rễ má với miền Tây chắc ai cũng có một lần nếm qua món KIỂM. Món này vị béo và hơi ngọt nhưng không phải là món ngọt vì được dọn lên ăn trong bữa ăn chính cũng với các món mặn khác. Nhưng đây cũng không phải là món mặn vì nó có vị ngọt tuy không ngọt như chè hay các loại bánh ngọt khác.

Hồi mình còn nhỏ, mỗi lần ăn được kiểm nhân đám giỗ hay đám cúng v.v... là mỗi lần thấy kiểm được nấu bằng nguyên liệu khác, chỉ có điểm chung là có nước cốt dừa và hơi ngọt. Mình hỏi người lớn thì được giải thích rằng ai muốn nấu sao thì nấu, muốn để gì cũng được. Chính vì không biết món kiểm tại sao "muốn nấu sao thì nấu" nên mình chưa bao giờ nấu kiểm.

Sau nhiều phen tìm hiểu thì mình mới biết rằng, kiểm là món ăn chay mà nhà chùa ở miền Tây thường nấu mỗi khi có đám tiệc gì đó. Chùa ngày xưa nghèo, mỗi lầm có đám cúng gì ở chùa thì Phật tử đem rau củ quả... đồ ăn tới chùa và nấu cúng. Ai có gì đem nấy. Thường là người đem món này người đem món khác, mỗi thứ một ít... Nấu món gì với nhiều nguyên liệu mà mỗi thứ một ít? món gì có thể tận dụng hết rau, củ, quả, dừa... mà dễ ăn? Thế là món kiểm ra đời.

Món kiểm được nấu với các loại củ, quả, hạt và nước cốt dừa. Không nấu bằng rau lá. Củ có thể là khoai lang, khoai mì, khoai môn... quả có thể là bầu, bí đao, bí rợ, mướp..., hạt có thể là đậu phộng, hạt sen.... Chất đạm thì có tàu hũ, tàu hũ ky.... Có chi dùng nấy. Các nguyên liệu được nấu chín vắt nước cốt dừa vô cho béo, nêm chút đường chút muối, để chút bột báng cho hơi sệt là thành món kiểm. Khi múc ra dọn thì tùy vùng mà người ta rắc lên ít cánh bông trang, bông vạn thọ hoặc chút đậu phộng rang.

Từ chùa món kiểm lan ra ngoài cộng đồng. Trong từng gia đình, tùy người nội trợ và ý thích của người trong nhà mà món kiểm được nấu với nguyên liệu khác nhau. Nấu món kiểm không thể nấu nồi nhỏ vì nhiều nguyên liệu, mỗi thứ một ít cũng thành nhiều nên kiểm hay được nấu trong đám tiệc chay, nếu nấu ăn trong gia đình thì hàng xóm sẽ luôn được chia sẻ.

Ngày nay ở miền Tây rằm lớn người ta hay nấu đồ ăn bố thí. Món ngon, dễ nấu, đủ chất dinh dưỡng dễ phát vì không lích kích chính là món kiểm. Rằm tháng bảy muốn ăn kiểm "quơ" đâu cũng có.

Vậy nên, tới giờ mình vẫn chưa bao giờ nấu kiểm!

Hình: món kiểm trong đám giỗ của gia tộc ngày 14-7 vừa qua. Mấy chén đầu bàn là kiểm.



Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

BIẾT GÌ MÀ NÓI!

Bạn mình bảo: ừ, thì mình giỏi chuyên môn, giỏi tám chuyện này kia, nhưng chuyện quốc gia đại sự thì... mình quá bé nhỏ, mình biết gì đâu mà ý kiến ý cò. 

Thì đúng rồi không ai có thể giỏi hết mọi mặt, thông thạo hết mọi nghề, biết hết mọi chuyện. NHƯNG chuyện quốc gia đại sự, có phải là dân "ngu" không biết gì thì không được quyền có ý kiến?


Ở các nước dân chủ phương Tây, người dân được tự do bầu cử và ứng cử vào các chức vụ trong bộ máy nhà nước để lo chuyện quốc gia đại sự. Người có khả năng, có hiểu biết về chính trị, có tài... tự thấy mình có thể lo chuyện quốc gia thì đứng ra ứng cử. Nhân dân được quyền tự do chọn lựa người mà mình thấy thích hợp với quan điểm của mình, thấy tin tưởng vào tài năng hoặc trí tuệ hoặc đức độ của họ thì mình bầu để họ thay mình lo chuyện quốc gia đại sự. Xong thì dân khỏe, có người mình tin tưởng để lo thay cho mình. 


Nếu chẳng may người mình lựa chọn không được như ý thì sau một nhiệm kỳ, thường là bốn năm thì ta có thể hạ bệ người đó mà bầu người khác ta cảm thấy tin tưởng hơn, thích hợp hơn. Nếu người ta chọn có làm sai thì cũng là do ta không sáng suốt lựa chọn chứ không phải ai đó áp đặt ta.


Tuy là bộ máy điều hành quốc gia được dân bầu chọn, có thể thay dân quyết định vận mệnh quốc gia. Thế nhưng, với những vấn đề trọng đại thì những người đại diện đó cũng không thể tự quyết mà phải hỏi ý toàn dân, tức là TRƯNG CẦU DÂN Ý. Thí dụ như nước Anh quyết định rời khỏi EU là do kết quả trưng cầu dân ý, dân muốn như vậy.


Ở nước ta, đảng CS tự mình giành quyền lãnh đạo, tự mình quyết hết mọi việc. Nếu đảng quyết sai thì dân chịu chứ đảng cũng không hề chịu trách nhiệm. Đúng lý, khi dân không tin tưởng ở đảng thì đảng phải có bổn phận làm cho dân tin, thuyết phục dân chứ không phải là cãi chày cãi cối và chụp mũ những người phản đối là "phản động". Với những chuyện  như cho thuê đặc khu hay là "mềm dẻo" với bạn vàng trong vấn đề biển Đông, đều là chuyện trọng đại. Đất nước là của cả dân tộc chứ không phải là của riêng đảng, muốn cắt đất bán nước gì cũng phải trưng cầu dân ý.


Thế nhưng đảng cứ hành xử độc đoán thì dân đương nhiên phải có ý kiến ý cò. Dù bị chụp mũ, bị trấn áp, bị bỏ tù, thậm chí bị giết chết thì cũng vẫn có người muốn có ý kiến ý cò! Vấn đề không phải là nói sai hay nói đúng, là biết hay không biết, là ngu hay khôn... mà là QUYỀN ĐƯỢC NÓI.


Chúng ta dù bé nhỏ, dù năng lực kém cỏi, dù kiến thức hạn chế nhưng mình là con dân nước Việt, mình vẫn phải quan tâm và lên tiếng về những vấn đề quốc gia đại sự. Để lỡ sau này có mất nước thì ta cũng không phải hối tiếc rằng đã không cố gắng hết sức để ngăn chặn điều đó.

  

CÚNG TRAI TĂNG là gì

TRAI, tiếng Phạn là Posadha, nghĩa là khi đã qua giờ ngọ (12 giờ trưa) không được ăn nữa. TĂNG là các vị tỳ kheo, các vị sư. TRAI không phải là CHAY xin chớ hiểu lầm. Thời đức Phật Thích Ca còn tại thế, ngài và các vị tăng ni dùng cơm mỗi ngày một bữa, vào giờ ngọ. Để chuyên tâm tu hành thì các ngài nhận sự cúng dường của các vị "thí chủ" . Một là để có nhiều thời gian tu hành, hai là khi nhận bố thí của thí chủ thì phải lo tu hành chăm chỉ, không được lười biếng. Buổi sáng các sư ôm bình bát đi khất thực (xin ăn). Các vị thí chủ dâng cúng thức ăn cho chư tăng gọi là CÚNG TRAI TĂNG. Có những vị thí chủ giàu có, làm bữa cơm tại nhà mời tất cả tăng đoàn đến thọ thực cũng gọi là cúng trai tăng. Cúng dường thức ăn cho người tu hành để họ có thể yên tâm tinh tấn tu học, tạo phước cho bá tánh chúng sanh là một việc nên làm của Phật tử tại gia. Hành động cúng dường chư tăng hay CÚNG TRAI TĂNG vì vậy tạo công đức vô lượng. Sau này, các sư hệ Phật giáo Bắc tông không còn đi khất thực nên người ta không cúng trai tăng cho các vị ở ngoài đường được mà chỉ còn cúng trai tăng bằng cách nấu một bữa cơm mời các vị, có thể làm ở chùa hoặc ở nhà tùy điều kiện của thí chủ. Và sau này nữa, thì cúng TRAI TĂNG ngoài việc cúng dường bữa cơm thì các thí chủ còn cúng thêm các phẩm vật dùng hàng ngày như y, áo, khăn, các vật dụng cá nhân khác... và cúng tiền. Vì là cúng TRAI tăng nên các thí chủ cúng tiền và các phẩm vật trong thời gian các sư THỌ TRAI. Vì cúng trai tăng trong giờ thọ trai nên có những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cảnh các vị sư ngồi thọ trai (dùng cơm trưa), các thí chủ xếp hàng đứng quanh cầm phong bì (tiền) chờ để lần lượt cúng trai tăng. Những người khác đạo không rành về nghi thức cúng trai tăng bèn lên tiếng chỉ trích vì họ hiểu sai, họ tưởng các vị thí chủ đang đứng "hầu" các vị sư dùng cơm. Vậy nên, không hiểu rõ thì tốt nhất là đừng chỉ trích phê bình, vì sẽ tạo khẩu nghiệp không đáng có.

LỄ VU LAN: CÚNG TRAI TĂNG CÓ Ý NGHĨA GÌ?

Thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, đệ tử của Phật là ngài Mục Kiền Liên tu hành tinh tấn, chứng quả A la hán và chứng được lục thông (sáu phép thần thông). Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông nhìn khắp sáu cõi thì thấy mẹ ngài là bà Thanh Đề bị đọa làm ngạ quỷ (quỷ đói). Ngài đem bát cơm dâng mẹ thì bà Thanh Đề, dù đang bị đọa nhưng tâm tham vẫn chưa dứt, bà tay cầm bát cơm, tay kia che lại để khỏi bị kẻ khác tranh phần, cho nên ngay lúc đó bát cơm của bà hóa thành lửa đỏ do tâm tham của bà.

Ngài Mục Kiền Liên bèn cầu cứu Đức Phật, xin Phật chỉ dạy cách nào cứu mẹ. Phật dạy rằng ngài Mục Kiền Liên không thể một mình cứu mẹ dù ngài có thần thông cao nhất thời ấy. Để cứu mẹ ngài phải nhờ thần lực của mười phương tăng.

Phật dạy, vào ngày Tự Tứ, là ngày các vị chư tôn đức vừa xong ba tháng an cư kiết hạ và làm lễ Tự Tứ (phát lồ sám hối) nên ngày đó chư tăng ni tụ hội đầy đủ. Ngày tự tứ chính là ngày rằm tháng bảy. Phật dạy vào ngày đó ngài Mục Liền Liên sắm sửa thức ăn, đồ dùng cúng dường chư tôn đức và nhờ sức chú nguyện của các vị để giúp cho mẹ ngài thoát khỏi kiếp bị đọa ngạ quỷ. Và nhờ thần lực chú nguyện của chư tôn đức mà mẹ ngài, bà Thanh Đề đã giác ngộ, buông bỏ các chấp trước. Khi bà giác ngộ rời mê thì lập tức bà thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ mà được sanh lên cảnh giới tốt lành hơn.

Vì sự tích ngài Mục Liên cứu mẹ như trên mà ngày nay, đến ngày rằm tháng bảy các chùa thường tổ chức cho Phật tử cúng TRAI TĂNG để nhờ pháp lực của các vị chư tôn đức tăng, ni cầu nguyện cho cha mẹ đã quá vãng được sanh vào cõi lành hoặc cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, trường thọ. Vì thế mà gọi là lễ Vu Lan báo hiếu.

Đức Phật dạy rằng các vị chư tôn đức đầy đủ đạo đức, phạm hạnh thanh tịnh, cầu nguyện mới có kết quả. Vì người nhiễm ô tội lỗi, giới đức không trọn vẹn, không thể thuyết phục được người trên nhân gian, thì sẽ không đủ tư cách thay mặt cho người tín chủ, để cúng dường, liên hệ với chư Phật ở thế giới tâm linh.

Và quan trọng nhất, người cúng dường trai tăng cũng phải có đời sống lương thiện đạo đức đúng theo lời Phật dạy hàng Phật tử tại gia. Người cúng dường phải cúng dường với tâm thanh tịnh, phẩm vật cúng dường cũng phải thanh tịnh chứ không cần tốn kém rườm rà. Tiền của có được từ những việc làm bất chánh, trộm cướp, lừa gạt mà đem cúng dường thì chỉ gây thêm tội, nghiệp. Chư Phật chẳng bao giờ thọ nhận các phẩm vật, tiền bạc không thanh tịnh ấy.

Đạo cũng như đời, những việc làm "thấy trước mắt" đều dễ thực hiện. Để đạt được "tâm thanh tịnh" mới là điều khó nhất.

HÌnh: Em của ngày hôm qua (lễ Vu Lan năm 2015)