Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

NGỤY BIỆN: MÀY CŨNG VẬY, HỌ CŨNG VẬY, Ở ĐÂU CŨNG VẬY!


Dư lựn diên với thanh niên yêu đảng hay sử dụng ngụy biện này.
Tấm hình cậu tham tán gì đó ngủ gục há hốc trong phiên họp ở LHQ, ràng ràng như vậy nhưng nhiều bạn dư luận viên cũng binh được. Mấy bản nói nguyên thủ nước khác cũng ngủ đầy ra đó. Tưởng chỉ dư lựn (dô) diên mới nói vậy chứ dè đâu báo đảng cũng nói vậy luôn (link dưới còm). Đó là ngụy biện "HỌ CŨNG VẬY" để đánh lạc hướng chuyện chính.
Dù "họ cũng vậy" thật đi nữa thì chuyện ngủ gục cũng không vì thế mà bớt xấu hổ, bớt nhục quốc thể. Không phải người ta sai, người ta xấu thì mình có thể... sai theo và nói tui vô tội. Mình nhan sắc xấu xí mà có đem Thị Nở ra che thì cũng đâu có hết xấu.
Nếu có ai chất vấn về việc đảng "lỡ" tàn sát người vô tội trong cuộc CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT hay trong Tết Mậu Thân thì lập tức dư lựn diên không trả lời thẳng mà quay qua nói Mỹ cũng vậy, thảm sát bla bla bla, bom B52, chất độc da cam này kia..... Cho dù Mỹ có giết nửa thế giới thì tội lỗi của "đảng ta" trong CCRD trong Tết Mậu Thân cũng đâu có biến mất được.
Nói chuyện TT Phúc cắm đầu "tập đọc" ở diễn đàn LHQ thì lập tức có thanh niên yêu đảng chỉ trích TT Trump có máy "nhắc chữ" trước mặt chứ hay ho gì. TT Trump dù tệ hay dốt thì TT Phúc vẫn là chóp bu của tập đoàn đỉnh cao trí tệ chứ có cao quý hơn được chút nào đâu.
Nói đến nạn tham nhũng đang phá hoại đất nước thì các bạn dư lựn diên liền cao giọng rằng nước nào chẳng có tham nhũng. Nước nào có tham nhũng thì mặc kệ người ta chứ chẵng lẽ vì nước nào cũng có tham nhũng thì nạn tham những ở nước mình thành thơm tho trong sạch, không cần phải loại trừ sao.
Cho nên nếu gặp phải luận điệu ngụy biện này thì chúng ta đừng để bị đánh lạc hướng rồi quay sang tranh cãi vô bổ mà quên đi vấn đề chính cần trình bày.

NÔNG DÂN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ THOÁT NGHÈO


Nhiều người bảo mình rằng lo làm việc của mình đi, sao cứ "nói xấu" đảng và nhà nước hoài. Làm thì làm mà nói thì nói chứ, vừa làm vừa nói mà. Mình luôn tự hào là công dân gương mẫu: làm việc chăm chỉ, đóng thuế đầy đủ, LUÔN tuân thủ pháp luật, thấy nhà nước sai thì lên tiếng. Vậy là mình làm quá nhiều rồi đấy chứ?
Cách nay 10 năm mình đã viết về nông dân rất nhiều. Mười năm qua nông dân vẫn là thành phần nghèo nhất trong xã hội, vẫn là thành phần "mong manh dễ vỡ" nhất. Chính mình cũng là nông dân, may mắn hơn nhiều nông dân khác là mình được học hành đàng hoàng. Mình nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt, trồng lúa, trồng khoai, trồng đậu.... đủ hết đó nên mình xưng là nông dân là rất chính xác, hổng phải nhận bừa. (mà nuôi lần lượt, trồng lần lượt chứ hổng phải một lúc mà nuôi trồng nhiêu đó).
Phải thừa nhận rằng, nông dân muốn khá thì phải học hành. Nhưng học hành thời nay phải tốn tiền nhiều, nông dân gặp nhiều khó khăn hơn các thành phần khác khi nuôi con đi học. Con của nông dân không được học bổng hay ưu đãi gì trong việc học hành, tự gia đình lo là chính. Quá khó khăn thì các "mạnh thường quân" giúp đỡ, dân tự lo với nhau chứ nhà nước không quản.
Chỉ nhiêu đó thôi, chỉ có việc lo học là trong tầm tay của nông dân, còn các chính sách vĩ mô vi mô như quy hoạch các vùng sản xuất, nghiên cứu và tạo giống cây trồng vật nuôi mới, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thuốc thú y v.v... đều nằm ngoài tầm tay của nông dân. Nhưng những vấn đề trên bị nhà nước thả nổi từ lâu cho nên tất cả các ngành phục vụ cho nông nghiệp kể trên hầu như là ngoại nhập.
Nhưng học hành đàng hoàng rồi sao? cũng không dễ vươn lên bằng nông nghiệp. Nếu ai có quan tâm nông nghiệp, đọc Fb của nhà báo Kim Hạnh sẽ thấy những trang trại lớn, những công ty lớn trong ngành nông nghiệp được những cá nhân có vốn, có kiến thức về nông nghiệp thành lập và điều hành đã và đang bị vô số rào cản từ chính sách nhà nước khiến họ khó thể phát triển, khó thể cạnh tranh. Doanh nghiệp và nhà báo kêu gào khản cổ mà các thông tư quái ác chặn cổ ngành nông nghiệp vẫn cứ trơ trơ.
Còn nông dân có học mà cò con như mình thì thua luôn, cứ trôi theo dòng đời trôi nổi của giá cả nông sản, phó mặc hên xui mà xui nhiều hên ít. Nông dân ít học hơn, không rành kỹ thuật thì còn bị vướng vòng xoáy dịch bệnh chìm nổi mà chìm nhiều hơn nổi.
Nên tóm lại, làm nông dân là sẽ từ nghèo tới mạt. Trừ khi là quan chức lui về quê xây biệt phủ vui thú điền viên thì không kể.

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

NÔNG DÂN KHỔ: ĐẢNG & NHÀ NƯỚC "NO" HAY AI "NO"


Với một đất nước nông nghiệp như VN, 70% dân số là nông dân,(hoặc ngư dân) sống ở nông thôn thì hầu như mỗi người dân ai cũng có họ hàng gia đình liên quan đến nông nghiệp.
Mấy chục năm nay dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, trình độ kỹ thuật ngành nông nghiệp và mức sống của nông dân của nước ta cứ lẹt đà lẹt đẹt hạng chót trong khu vực cũng như trên thế giới. (Đừng có đưa ra số lượng xuất khẩu gạo cá tôm gì đó để nói là "nông nghiệp phát triển", cái này cần nhiều thời gian và giấy mực để nói, giờ không bàn)
Điệp khúc được mùa rớt giá là một nỗi ám ảnh với nông dân. Rồi "lời đồn" trồng cây này có "giá trị kinh tế", nuôi con kia "làm giàu làm cho nông dân cứ đổ xô đi trồng, đi nuôi... rồi kêu gọi giải cứu, cứ thế mãi khiến cả xã hội đều ngao ngán.
Có nhiều người lý luận rằng tất cả là tại nông dân tham và ngu, nghe có lợi là làm, không chịu nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu mà cứ nhắm mắt làm bừa nên thất bại là phải rồi. Mong muốn nuôi con gì trồng con gì để làm giàu là mong muốn chính đáng không phải là tham. Tìm hiểu nghiên cứu thị trường thì đâu có phải là chức năng nhiệm vụ "chính trị" của nông dân đâu mà bảo họ ngu. Việc nghiên cứu thị trường và cảnh báo, khuyến cáo cho nông dân là việc của chính quyền.
Tôi là nông dân và ở nông thôn. Tôi may mắn được ăn học nhiều hơn các "đồng nghiệp" nông dân của tôi. Thế nhưng giờ kêu tôi dự đoán giá lúa, giá cá, giá tôm, giá trứng gà, trứng vịt, giá rau quả trái cây, thịt heo thịt gà v.v... thì tôi chịu thua không làm sao dự đoán nổi. Kêu tôi dự đoán nhu cầu tiêu thụ lúa gạo hay trái cam trái quýt trái xoài để lên kế hoạch sản xuất thì tôi cũng điếc ngắc luôn. Vậy thử hỏi làm sao mà những vị đồng nghiệp nông dân của tôi có thể dự đoán hay dự tính gì cho được.
Lại thêm tivi và báo chí cứ nhắm mắt nhắm mũi bơm thổi vô tội vạ. Xem tivi thì hôm nay ca ngợi trồng cam xoàn thu bặc trăm triệu, mai thì nuôi gà đồi gà vườn gì đó mà thành tỷ phú. Trồng khoai lang Nhật, trồng bông điên điển, nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà gì cũng "làm giàu không khó"
Nếu có những nông dân giàu len nhờ trúng giá thì đó không phải là họ dự đoán giỏi mà hoàn toàn do may mắn. Trúng giá cũng khong lời nhiều như những ngành nghề công nghiệp hay dịch vụ. Chỉ một lần thất bát là tiền bạc đội nón ra đi.
Nông dân làm gì cũng tự lo, muốn vay vốn ưu đãi cũng phải lót tay mới được. Mua vật tư, phân thuốc, thức ăn gia súc phải ghi nợ tới mùa trả lãi cao.... Bao nhiêu nỗi khổ treo trên đầu nông dân có ai biết cho. Ruộng đất bề bề vậy chứ trong nhà khô máu là chuyện rất thường.
link dưới còm: người trồng tiêu đang điêu đứng)
(còn tiếp: nông dân phải làm gì?)

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

ĐÈN ĐOM ĐÓM


Tôi không biết là nhà báo viết bài nịnh vua rằng hồi nhỏ vua học bài bằng đèn đom đóm có biết con đóm đóm ra làm sao hay không. Tôi chắc rằng nếu là dân thành thị thì 100% ông (bà) ấy không biết con đom đóm.
Hồi nhỏ tôi thường được về quê vào mỗi dịp hè. Quê tôi ở Bến Tre, xung quanh nhà là vườn dừa xen một vài cây ổi, cây mận. Buổi tối thỉnh thoảng thấy đom đóm trong vườn nhưng rất ít. Đom đóm lập lòe nhiều nhất là ở rặng bần mọc cặp mé sông, cách nhà tôi một khoảng xa.
Hồi nhỏ tôi hay nhiều chuyện. Khi đọc truyện ông Mạc Đĩnh Chi học bằng đèn đom đóm tôi thích lắm. Tôi háo hức chờ dịp về quê để làm đèn đom đóm. Con nít mà, ban ngày mê chơi không nhớ để chuẩn bị sẵn vỏ trứng vịt (vì trứng vịt ở quê dễ kiếm), tới khi đêm xuống thấy đom đóm mới nhớ ra. Vậy là cũng đi bắt đom đóm, không có hột vịt thì bỏ vô bịch ny lon xong vô nhà thổi tắt đèn dầu đặng đọc sách. Tính hễ đọc được thì mai sẽ làm cái đèn hột vịt đom đóm đàng hoàng tử tế.
Má ơi, tay cầm cái bịch đom đóm mấy chục con lập lòe, thổi tắt đèn cái tối hù, đưa bàn tay ra cũng không thấy ngón nói chi là thấy chữ. Cũng tại vì quá tin theo sách, tưởng đâu đèn đom đóm ngon lành nên không chuẩn bị hộp quẹt hay đèn đóm gì khác. Nếu không nhờ cái đèn dầu hột vịt nhỏ xíu trên bàn thờ chắc là hết thấy đường mò để đốt đèn trở lại luôn.
Sau lần đó tôi hỏi mẹ tôi là sao sách nói học bằng đèn đom đóm được mà con làm vậy thì không thấy đường. Bỏ bịch ny lon còn không thấy thì bỏ vô vỏ trứng làm sao thấy được. Mẹ tôi giải thích rằng sách vở hư cấu để ca ngợi tính kiên trì và lòng hiếu học của ông Mạc Đĩnh Chi mà thôi. Thực tế là ổng cũng có những đức tính đó cho nên là con nhà nghèo mà học hành đỗ đạt nên người.
Chuyện qua lâu rồi tôi cũng quên mất tiêu. Nay thấy bài báo nịnh quá nịnh tức thì nhớ lại hồi nhỏ mình cũng toan học bằng đèn đom đóm hahaha!

NGƯỜI CỘNG SẢN VÔ MINH


Người Phật tử khi qua đời thì mời chư Tăng (Ni) làm lễ tụng kinh cầu siêu khi làm đám ma, Tùy gia đình sẽ mới sư tụng kinh cầu siêu mỗi tuần, khi 49 ngày, khi giáp năm và khi xả tang.
Người Công Giáo cũng có nghi lễ đọc kinh cầu nguyện trong suốt quá trình khi sắp tắt hơi cho đến khi an táng (hoặc hỏa táng) xong. Người chủ trì lễ là một vị Linh mục.
Người Cộng Sản xưng là mình theo chủ nghĩa "duy vật biện chứng", là người vô thần. Họ từng đuổi sư ni về hoàn tục khi chiếm được miền Nam năm 1975. Họ từng phá chùa, đốt chùa, đàn áp giáo dân và phá nhà thờ v.v. ở cả hai miền Nam, Bắc. Họ rêu rao "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" và ra sức bài trừ tôn giáo và dán cho tôn giáo cái nhãn là "mê tín dị đoan".
Người Cộng Sản sống vì mục đích "đấu tranh giai cấp", sống để giành cho được "bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình". Họ dùng bạo lực trấn áp thẳng tay "kẻ thù giai cấp" và hiện nay thì đàn áp thẳng tay những người vạch ra tội lỗi của cộng sản, gắn cho người nói sự thật danh hiệu "bọn phản động".
Người CS không bao giờ biết hay nghĩ đến lời Phật dạy phải "từ bi hỉ xả", không bao giờ biết hay nghĩ đến lời Phật dạy phải sửa tâm cho giảm bớt tham lam, sân hận, ganh ghét, kiêu ngạo v.v... Họ chỉ thấy chùa là để vô đó cầu xin van vái để ĐƯỢC phần mình. Vậy nên quan chức cộng sản đua nhau xây chùa cúng chùa để mua phước đức. Họ thấy Phật tử qua đời có nghi thức cầu siêu thì có thể họ nghĩ là Phật có thể "kéo" người mất đó siêu thoát lên thiên đàng.
Một người khi còn sinh tiền không hề biết làm theo lời Phật dạy mà chỉ toàn làm việc xấu, tham lam, tranh giành, đấu đá, giết hại, không biết thương yêu đồng loại, chỉ biết được phần mình thì khi chết dù Phật có muốn "kéo" cũng không cứu được. Tất cả là theo luật nhân quả.
Trong đạo Phật không có cái gọi là "Lễ tưởng niêm". Các vị sư ngoan ngãn ngồi làm "lễ tưởng niệm" là vì các vị bị "pháp thế gian" lôi kéo, không làm đúng theo lời Phật dạy, không giữ được ĐẠO.
Người sống làm rình rang Lễ tưởng niệm, các vị đầu tròn áo vuông ngồi đông nghẹt cho có TỤ, tất cả chỉ để cho người sống (tưởng là) "vinh dự" còn người chết thì vẫn theo nghiệp báo của mình mà trả quả.
Người CS dùng bạo lực để làm mưa làm gió ở thế gian, họ cũng muốn dùng quyền lực và tiền bạc thao túng cả Phật và cõi âm. Họ tham lam, làm ác mà muốn được siêu thăng, gì họ cũng muốn mà tưởng là muốn thì mua được, đó chính là VÔ MINH vậy.
Hình: lạng trên mụm

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

LỊCH SỬ NAM KỲ TRONG TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH


Từ hồi tôi còn học tiểu học, mới biết đọc chữ rành thì đã biết ham đọc sách đọc truyện. Nhà tôi có một cái tủ sách, ba mẹ đi làm vắng nhà, tôi ở nhà lấy sách ra đọc suốt, ít đi ra ngoài chơi với bạn bè. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh mà tôi đọc đầu tiên là cuốn "Cha con nghĩa nặng". Hồi nhỏ đọc thì biết cốt truyện có hậu, thấy văn chương y xì như cách bà ngoại tôi nói chuyện hàng ngày chứ không có gì lạ. Sau đó, khi lớn lên học trung học, đại học thì không có truyện của ông để đọc nữa nên dần quên lãng.
Sau này tiểu thuyết của ông được in lại tôi cũng có mua được một số cuốn, và đọc online trên mạng thì thấy thích thú vì lịch sử miền Nam của mình hiển hiện qua từng trang sách. Nhưng từ ngữ trong truyện có nhiều từ đã lâu không cón nghe thấy nữa nhưng tôi hiểu hết vì tôi sống với bà ngoại từ nhỏ đến khi lập gia đình. Bà ngoại tôi khi xưa là con gái điền chủ, là dâu của ông Hương Cả nên những chuyện kể trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh với tôi không hề lạ.
Càng đọc lại tiểu thuyết của ông càng thấy dân Nam Kỳ hồi nửa đầu thế kỷ 20 đã được sống trong một chế độ thật văn minh, theo kịp văn mình của Âu Tây thời đó.
Ruộng đất có giấy tờ sổ bộ đàng hoàng, có "quan kinh lý" được đào tạo bài bản đo ruộng đất thực tế cho khớp với sổ sách. Nhà nước muốn trưng dụng đất của dân để làm công trình công ích thì có bồi thường giá rất cao. Công ty tư nhân muốn mua đất của dân để làm kinh doanh thì phải thương lượng.
Việc hộ tịch đều có giấy tờ: giấy hôn thú, giấy khai sanh, giấy khai tử. ĐÀn ông hay đàn bà đều có quyền đệ đơn ra tòa để xin "phá hôn thú" (ly dị).
Tranh chấp tài sản, tranh chấp dân sự đều đưa ra tòa xử. Trạng sư (luật sư) có vai trò quan trọng và được kính nể. Muốn làm "trạng sư" hoặc "quan tòa" (thẩm phán) hoặc quan "biện lý" (viện kiểm sát) phải học trường luật ở Hà Nội chứ không phải học tại chức mà có thể làm được. Thực dân trọng trình độ bằng cấp chứ không xét lý lịch để bổ nhiệm.
Con nhà nghèo mà học giỏi có thể xin được học bổng của nhà nước mà học lên cao. Học giỏi có bằng cấp ra thì được bổ nhiệm đi làm việc là có thể đổi đời.
Nhà thương lớn, trường học lớn đều có ở mỗi tỉnh. ở huyện ở xã cũng có trường công có thầy giáo hoặc cô giáo được đào tạo trong trường sư phạm về dạy học. Lương thầy giáo cô giáo đủ cho thầy cô sống mức sống trung lưu so với thời ấy.
Ở Sài Gòn vào năm 1923 đã có Nhà Thương Chợ Rẫy trị bệnh trị thương miễn phí cho người nghèo. Có nhà bảo sanh cho sản phụ sanh và nằm miễn phí 10 ngày.
Người dân nếu chí thú làm ăn thì cũng khá chứ không đến nỗi nghèo đói. Nhiều người khi trẻ thì nghèo mà sau vài chục năm làm lụng thì cũng có được nhiều ruộng, trở thành điền chủ. Thợ máy giỏi nghề mở tiệm sửa xe lần hồi cũng trở thành ông chủ.
Tuy vậy điền chủ hoặc thương gia giàu có mà không biết tính toán hoặc không gặp thời thì cũng lụn bại. Điền chủ vay tiền mua ruộng mà gặp năm thất mùa, lúa rẻ thì cũng phá sản như thường. Thời ấy điền chủ hay thương gia đều làm ăn theo "cơ chế thị trường".
Thời năm 1930 mà ở các vùng quê đã có người sắm xe hơi cho thuê chẳng kém gì thời nay. Nhà giàu không mua xe thì thuê xe đi thoải mái. Phương tiện giao thông có xe lửa, xe đò, tàu đò. Đường bộ xe hơi khắp Nam kỳ lục tỉnh đều xây dựng xong, lên tới Nam Vang.

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

BỆNH VIÊM TỤY CẤP


Lần đầu tiên tôi biết đến bệnh viêm tụy cấp (VTC) là hồi năm 2011. Lúc ấy một anh bạn đồng nghiệp của tôi bị bệnh đó và qua đời đột ngột khiến tất cả người thân lẫn bạn bè đều bàng hoàng. Anh ấy là người rất biết giữ sức khỏe, đi khám bệnh định kỳ đều đặn và có bệnh dù nhẹ cũng đi SG khám, chữa chứ không khám chữa ở tỉnh.
Khi anh khởi phát bệnh VTC chỉ có triệu chứng đau bụng thì anh đi khám ở bệnh viện TA ở SG là bệnh viện tư ảnh thường khám chữa bệnh. Bệnh viện không chẩn đoán ra bệnh VTC nên cho thuốc uống rồi dặn 2 tuần sau tái khám. Chưa hết 2 tuần mà bệnh ngày càng nhiều nên vợ ảnh đưa ảnh lên BV TA khám lại. Bệnh viện cho nhập viện nhưng bệnh cứ ngày một nặng nên mấy ngày sau vợ ảnh chuyển viện cho ảnh qua BV Y Dược. Tại đây Bs chẩn đoán là ảnh bị VTC nhưng cũng thông báo với vợ ảnh là quá muộn rồi. Ảnh bị hôn mê và sau đó vài ngày thì qua đời, hưởng dương 55 tuổi. Gia đình ảnh rất giàu, vợ ảnh đã năn nỉ BS cứu ảnh dù giá nào chỉ cũng lo được ...
Lần thứ hai tôi nghe về bệnh VTC là một cô bạn thân bị bệnh. Cô đang đi làm thì bị sốt và đau bụng, cấp tốc nhập viện V. (bệnh viện tư). Bs chẩn đoán là bệnh VTC và lập tức mổ ngay. Sau ba tuần thì cô ấy khỏi bệnh. Bs bảo cô đã rất may mắn được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lần thứ ba tôi nghe về bệnh VTC là chuyện người mẹ bị mất đứa con trai 19 tuổi ở BVCR vì bệnh này. Sau đó thì thành lớn chuyện, chửi mắng nhau ... dậy sóng.
Tôi cũng chỉ đọc câu chuyện trên mạng thôi và thấy những điểm như thế này:
1/ Bệnh viện Đồng Nai chẩn đoán là bệnh VTC, cấp tốc chuyển lên BVCR. Bác sĩ nào cũng biết đó là bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh nhân không được cấp cứu ngay khi mới được chuyển đến. Điểm này không thấy BVCR giải thích vì sao. Thử đứng ở vị trí người mẹ, khi con đã chết thì sẽ ân hận không nguôi, sẽ giận dữ vì con mình không được cấp cứu kịp thời. Ai cũng có tâm lý đó mà thôi.
2/ Khi người mẹ đưa câu chuyện lên FB thì BVCR họp báo để phản bác lại, đó cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng Bs Hồ Thanh Bình khi trả lời báo chí lại lồng vô hai chi tiết một là bà mẹ bỏ con cho dì của bé nuôi từ lúc bé 2 tuổi và hai là bà mẹ "thậm thụt" đưa tiền. Chi tiết mẹ bỏ con là không đúng, còn chuyệ "thậm thụt" thì cũng dễ hiểu. Con nguy kịch quá bà mẹ quay cuồng bấu víu được chỗ nào thì bấu víu. Tiền cũng là một chỗ bấu víu của bà. Điều này có thể thông cảm được.
Chúng ta sống ở VN, dù giàu hay nghèo thì cũng phải gánh chịu một nền y tế nhiều "vấn đề". Vậy ta nên từ những chuyện đã xảy ra mà rút ra bài học cho mình.
Thứ nhất là nên tự tìm hiểu về nhưng bệnh nguy hiểm kiểu như bệnh VTC để khi bản thân hoặc người nhà có bệnh thì có hướng xử lý kịp thời. (chọn Bv, nhờ Bs v.v...)
Thứ hai là với bệnh cần cấp cứu gấp thì không nên đưa đến BVCR vì bệnh viện này đã rất quá tải. Dù có là người nhà Bs hay ông nọ bà kia thì cũng bó tay khi BV đã đầy ứ, không biết phải "nhét" bệnh nhân vô chỗ nào. BS giỏi cũng bất lực mà thôi.
Thứ ba là cần tìm sẵn một bác sĩ mà ta có thể tin tưởng để được tư vấn kịp thời khi bị bệnh nguy cấp. Để khi việc đã rồi thì có nói gì nữa thì cũng đã mất người thân. Càng nói càng đẩy chuyện đi xa mà không giải quyết được gì.
Còn những chuyện khác như tại sao Bv quá tải, tại sao nhập thuốc giả, tại sao nhân viên y tế nhận tiền v.v ... thì thân phận bệnh nhân như em không trả lời được.
Sống ở xứ thiên đường thì tốt nhất là đừng có bệnh.

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

ĂN THỊT CHÓ: XIN HÃY LÀM NGƯỜI VĂN MINH


NGƯỜI VĂN MINH tôi muốn nói ở đây là người hành động theo ý muốn, thói quen, sở thích..v.v...của bản thân, tóm lại là người hành động vì lợi ích của bản thân mình nhưng KHÔNG XÂM HẠI ĐẾN LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI KHÁC.
Bạn thích ăn thịt chó vì lý do abcxyz gì đó thì là việc của bạn, tôi không bình luận vấn đề đó. Nhưng khi bạn ăn thịt chó bán ở quán, làm từ những con chó bị bắt trộm thì bạn là người "tiêu thụ đồ gian". Bạn sử dụng đồ do người khác phạm tội mà có, tức là bạn đã là một người không văn minh vậy.
Luật pháp của nước ta quy định là người sử dụng hoặc buôn bán đồ gian dù biết hay không biết đó là đồ gian thì cũng có tội. Tang vật sẽ bị tịch thu, người sử dụng hoặc buôn bán tang vật trộm cắp bị xử phạt thì tùy theo giá trị của những món đồ đó.
Bạn ăn thịt chó bị trộm là bạn "kích cầu" cho bọn trộm chó hăng hái hoạt động hơn. Không có cầu thì làm sao có cung. Bạn mở báo ra xem, mỗi ngày có biết bao nhiêu vụ trộm chó, mỗi năm người Việt tiêu thụ bao nhiêu con chó. Mỗi tháng, mỗi năm có bao nhiêu kẻ trộm chó bị đánh chết, có bao nhiêu khổ chủ vì giành giật với bọn trộm chó mà bị chúng đánh, đá, đập, chích điện... chết.
Bạn có thể nói.. ơ tôi đâu có biết là chó trộm hay chó ở trại nuôi chó thịt? Vậy trại nuôi chó thịt ở đâu? mỗi năm xuất được bao nhiêu con chó? hàng triệu con chó lên dĩa mỗi năm thì ở đâu ra?
Sống trong xã hội hiện đại, để làm người văn minh thì phải theo luật lệ của xã hội văn minh chứ không phải theo thói rừng rú, được phần mình còn thì mặc kệ người khác sống hay chết. Bạn thích xài túi xách hàng hiệu và bạn mua một chiếc túi xách giả hàng hiệu, đó là bạn đã xâm phạm quyền lợi của hãng sản xuất và những người tiêu dùng khác. Bạn xách chiếc túi giả hiệu nhập cảnh Châu Âu xem, bạn sẽ thấy người ta xử lý bạn theo luật lệ của quốc tế như thế nào.
Vậy thì, nếu bạn thích ăn thịt chó thì bạn cứ ăn thịt chó bạn nuôi hoặc bạn mua chứ đừng ăn thịt chó bị trộm, vì như vậy bạn đã vì miếng ăn của mình mà làm tổn hại đến tinh thần, tình cảm và vật chất của những người bị trộm chó. Đôi khi làm tổn hại tính mạng của họ luôn.
Về phía chính quyền, muốn xử lý các quán thịt chó thì quá dễ. Cứ tra nguồn gốc chó rồi xử theo tội tiêu thụ đồ gian là các quán phải dẹp tiệm thôi. Không cần phải lý luận đạo đức tình cảm gì kiểu "chó là bạn không phải thức ăn" hay "để trưng bộ mặt nhân văn" với khách du lịch. Chính quyền cứ ứng xử VĂN MINH bằng cách xử theo luật hiện hành tội tiêu thụ đồ gian là lập tức sẽ chuyển biến "văn hóa" ăn thịt chó chứ có gì khó đâu.
P/s chẳng biết minh wạ hình gì, chẳng lẽ minh wạ dĩa thịt chó!

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

VÌ SAO LÀ ĐI "KHÁM BÁC SĨ" mà không phải là ĐI "BÁC SĨ KHÁM"


Hôm nay đọc trên trang của Bác sĩ Nhàn Lê thấy có vụ "khám bác sĩ" này. Ai là người miền Nam đều biết rằng "đi khám bác sĩ" là đi tới cho bác sĩ khám. Nếu xét theo ngữ pháp tiếng Việt thì nói vậy là sai. Phải nói đi bác sĩ khám (bệnh) chứ mình đâu có khám cho bác sĩ đâu mà cứ kêu khám bác sĩ khám bác sĩ hoài tội bác sĩ quá!
Hồi xưa mình còn nhỏ học tiểu học rất hay thắc mắc. Có lần mình cũng thắc mắc với mẹ mình chuyện đi khám bác sĩ rằng sao lại nói khám bác sĩ, mình đâu có khám cho bác sĩ đâu mẹ. Mẹ mình là một cô giáo tiểu học thời VNCH, mẹ mình giải thích vầy, mình còn nhớ tới giờ.
Mẹ mình nói bác sĩ Tây Y ở VN mới có hồi đầu thế kỷ 20. Trước đó người mình có bệnh thì đi đến thầy thuốc Bắc hoặc thuốc Nam. Đi thầy như vậy không gọi là "đi khám bệnh" mà gọi là "Đi COI MẠCH". Nếu thầy có bán thuốc luôn thì gọi là đi COI MẠCH HỐT THUỐC. Nếu thầy không có bán thuốc thì thày RA TOA rồi người bệnh cầm toa đó đến tiệm thuốc bắc mà HỐT THUỐC.
Tây y không dùng từ coi mạch mà dùng từ KHÁM. Hồi xưa nói đi COI MẠCH thì bây giờ nói đi KHÁM . Nhưng KHÁM còn có nghĩa khác nếu nói đi khám không thì không rõ nên nói KHÁM BÁC SĨ là gọn.
Đó là ý kiến cá nhân của mẹ mình hồi nẳm, giải thích cho đứa con nhỏ là mình.
Còn giờ mình thêm chút ý có liên quan:
Ở miền Nam hồi trước phòng khám tư của bác sĩ kêu là PHÒNG MẠCH. (Phòng khám trong Bv thì không kều phòng mạch). Câu mình hay nghe người lớn nói là: Ông Bác sĩ A có phòng mạch ở địa chỉ X... Bây giờ ở miền Tây thỉnh thoảng cũng còn tấm bảng hiệu: Phòng mạch BS .....
Nếu xét nghĩa thì bác sĩ đâu có "coi mạch" như thầy thuốc ngày xưa mà gọi là phòng mạch? Vậy là do thói quen, tập quán mà thôi. Nói PHÒNG MẠCH sẽ gần gũi dễ hiểu với người dân hơn là PHÒNG KHÁM.
Người miền Tây đi đến thầy coi ngày cưới gả, làm nhà, khai trương v.v... hoặc đi coi bói thì đều nói là đi COI THẦY. Nói kiểu này cũng giống như nói đi KHÁM BÁC SĨ ở trên vậy.

THỜI ĐẠI "RỰC RỠ" Bài 1: THẾ NÀO LÀ VĂN MINH


Các từ ngữ như VĂN MINH, VĂN HÓA, NHÂN VĂN v.v... và song song đó là các từ "kém văn minh", "vô văn hóa", "vô học" v.v... được sử dụng rất rất rất thường xuyên để "dạy bảo" nhau, để mắng mỏ nhau, phê phán nhau ngoài đời cũng như trên mạng XH nhưng có được mấy người hay dùng những từ đó "lắng lòng" lại để suy ngẫm xem, thế nào là văn minh, văn hóa hay nhân văn gì đó.
Con người là cũng là động vật nhưng là động vật cao cấp, khác với tất cả các loài động vật khác ở chỗ con người có suy nghĩ, có lý trí để điều khiển hành vi chứ không hành động CHỈ theo bản năng như các loài động vật khác.
Trong thế giới động vật bản năng sinh tồn là bản năng mạnh mẽ nhất. Con các con vật đều có bản năng dùng tất cả sức mạnh của bản thân để giành giật các nhu cầu sự sống cho mình, như thức ăn, nước uống, bạn tình v.v... Sự tranh giành này kết quả là mạnh được yếu thua, đối thủ chết thì ta mới sống, đối thủ mất thì ta mới được.
Trong sự tranh giành sự sống của động vât, TA là trung tâm, ta được, ta sống, ta tồn tại là ĐÚNG, còn tất cả "bọn khác" không phải TA thì bọn chúng sống chết hay được mất không quan trọng.
Con người trải qua hàng ngàn năm tiến hóa từ mông muội tới văn minh. Thời mông muội thì không bàn tới ở đây. Chúng ta ngày nay ở vào thời đại văn minh thì ỨNG XỬ VĂN MINH là phải như thế nào? Nếu kể cụ thể thì hành vi thì quá dài dòng, theo tôi thì ỨNG XỬ VĂN MINH là làm bất cứ việc gì CÓ LỢI CHO MÌNH MÀ KHÔNG XÂM HẠI ĐẾN QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI KHÁC.
Con người, theo bản năng luôn muốn thu vén lợi ích cho mình. Điều này bình thường, nhưng làm điều LỢI MÌNH HẠI NGƯỜI là không được, là không văn minh.
Pháp luật, chính quyền của một quốc gia văn minh chính là để gìn giữ cho mọi người luôn văn minh, không để cho bất kỳ người nào vì lợi ích của mình mà làm tổn hại đến người khác.
Để một người biết hành xử văn minh thì người đó phải được dạy dỗ từ nhỏ, dạy ở gia đình, dạy ở nhà trường. Theo lý mà nói, học càng cao sẽ càng văn minh hơn vì người học cao sẽ biết nhiều "quy luật", nhiều "luật lệ" hơn nên sẽ biết được điều gì mình làm sẽ xâm hại đến quyền lợi của người khác. Từ chỗ biết thế nào là văn minh đi đến ỨNG XỬ VĂN MINH là một đoạn đường dài.
KHÔNG biết ứng xử văn minh thì bản thân mình cũng bị ảnh hưởng, vì người bị mình tổn hại chắc chắn sẽ "trả đũa" lại mà thôi.
Những ứng xử không văn minh của dân ta như khạc nhổ lung tung, không giữ vệ sinh chung, chen lấn giành giật giẫm đạp, ồn ào nơi công cộng, đút lót, chạy chọt v.v... đâu phải chỉ do tính cách người Việt mà là do giáo dục có vấn đề, có vấn đề từ lâu rồi nên giờ mới gây ra hậu quả như vậy.
Kỳ sau: NGÀNH GIÁO DỤC KÉM VĂN MINH

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

TỰ HÀO KHÔNG


Mình có một cô bạn, biết nhau hồi nẳm, vào một ngày tháng 9 của năm một ngàn chín trăm hồi đó. Sau này cổ mới nhắc lại vào cái ngày đầu tiền tụi mình gặp nhau ở sân chữ U của Đại Học Nông Nghiệp 4, cái làm cổ ấn tượng nhất về mình là đôi guốc màu đỏ. (Hahaha mình chẳng nhớ hồi đó mình mặc cái gì mang cái gì nữa á!)
Tụi mình học chung lớp, ở chung phòng nội trú (dù nhà cổ ở Thủ Đức, gần xịch trường mà cũng bày đặt lãnh cái giường nội trú!). Hây da, giờ kể lại kỷ niệm năm năm học chung ấy chắc kể tới khuya quá! Mà hồi đó tụi mình cũng cãi lộn ì xèo, giận nhau nhiều phen lắm chứ....
Ra trường bạn bè mỗi đứa một nơi, lần đầu tiên mình gặp lại cổ là sau 12 năm ra trường. Năm đó cổ vẫn còn làm cái nghề tụi mình học được ở trường ĐH. Sau đó lại mỗi đứa một nơi tất bật với gia đình, với công việc, với mưu sinh... đến 20 năm sau khi ra trường thì lớp mình mới lần đầu tiên họp mặt.
Cô bạn của mình lúc ấy đã làm một nghề khác hoàn toàn. Mình nghe vậy biết vậy chứ không có đủ thời gian tâm sự nhiều với cổ để hỏi han tường tận nhưng vẫn biết là cổ thành công, vậy là vui rồi. Lòng cũng rất thắc mắc không hiểu vì sao con bạn của mình dám đổi nghề, đổi nghề được và thành công khi đã vào tuổi trung niên.
Mới năm ngoái 2017, bọn con gái lớp mình hồi ấy nay đã nhiều "đứa" có sui. Bọn mình cùng đi chơi với nhau một chuyến thật vui. Chuyến đi do cô bạn "đổi nghề" ấy tổ chức. Hai ngày cùng ăn cùng ngủ cùng quậy với nhau, nghe cổ kể chuyện (và nghe các bạn khác kể chuyện, mình sẽ viết sau) mới thấy oh! mình có một nhỏ bạn quá xức xắc mà nào giờ không biết để mà... lợi dụng (hahaha)
Năm nay 2018, sau 30 năm tụi mình ra trường, cổ đạt được một thành tựu xuất sắc. Yêu và ngưỡng mộ cổ quá trời luôn á.
Mở ngoặc lạc đề chút xíu: đọc bài phỏng vấn ông Gs Hồ Ngọc Đại ổng nói ổng tự hào nhất là cậu học trò làm nghề sửa xe chứ không phải Gs Ngô Bảo Châu. Tưởng sao, thì ra cậu đó có mấy bằng đại học, đi du học về nhưng làm nghề sửa xe vì cậu ấy thích. Ông kết luận dạy được học trò làm điều mình thích là ông tự hào. Mình nghĩ rằng người như cậu học trò ấy, hay người như cô bạn của mình, dù học với ai, dù được dạy bằng phương pháp nào thì họ cũng sẽ đi con đường họ muốn và họ sẽ tỏa sáng thôi. Thầy cô may mắn có một người học trò như họ. Có lẽ ai làm thầy cô cũng mong muốn có người học trò như vậy.
Mình là bạn của cô ấy thì sao? Thì mình TỰ HÀO quá chứ còn sao nữa.
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=706227143091289&set=a.118908145156528&type=3&theater

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

KHÔNG ĐỀ


Hổm rày rộn ràng cái vụ dạy chữ Việt theo "công nghệ" làm phụ huynh cả nước đầu váng mắt hoa chẳng biết đường nào mà lần!
Giữa rừng ý kiến ý cò nháo nhào thì vài nhà đại trí thức nói vầy: nhờ học trường thực nghiệm mà Gs Ngô Bảo Châu thành danh. Nhờ học trường thực nghiệm mà con tôi thành bác sĩ, giảng viên. Mình đọc cái vụ này liền liên tưởng đến cái trường cấp 2 ở cái xứ hóc bà tó của miền Tây mà con mình, em mình từng học, nếu xét về thành tích cho ra lò những con người thành danh thành tài thì chắc không thua kém cái trường thực nghiệm danh giá kia đâu.
Nói trường cấp 2 vì hệ thống trường thực nghiệm chỉ tới cấp 2 và xét trong vòng 40 năm thôi vì trường thực nghiệm mới hoạt động 40 năm.
Ngôi trường gần nhà tôi rất nhỏ, hiện nay mỗi năm cho ra trường từ 250-300 em hs lớp 9. Vài chục năm trước thì còn ít hơn nữa. Tuy trường nhỏ như vậy nhưng những hs xuất thân từ trường này trở thành ông nọ bà kia rất nhiều. Giám đốc sở có, phó giám đốc sở có, phó chủ tịch huyện có, các trưởng phòng ở huyện có nhiều, bí thư chủ tịch các xã ...
Bác sĩ trưởng khoa, giảng viện các đại học... đều có. Mấy năm gần đây cũng có học sinh giành được học bổng đi học ở Singapore và làm việc trong một công ty lớn ở Sing. Học sinh đoạt học bổng du học Mỹ cũng có. Học sinh đi du học tự túc cũng có.
Vậy tôi nói nhờ trường có phương pháp dạy hay mà học sinh "thành đạt" nhiều thì có ai tin không ta? Nói đúng ra, nhóm quan chức là chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những hs xuất thân từ đó mà "thành đạt". Vậy, lý luận theo kiểu các ông khoe con ông thành đạt nhờ học CNGD thì tôi có thể nói, học trường chỗ tôi ra có cơ hội cao để làm quan chức. Được chứ sao không!

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

PHỤ HUYNH BIẾT GÌ MÀ LÊN TIẾNG


Phụ huynh (hay người giám hộ) của trẻ là người thay trẻ quyết định hầu hết mọi vấn đề của trẻ vì chúng chưa đủ sức để tự quyết định. Từ việc ăn ngủ hàng ngày thế nào đến việc chăm sóc sức khỏe phòng bệnh chữa bệnh ra sao cho đến việc học hành, học trường nào, học với thầy cô nào, học chương trình nào v.v...
Việc học của trẻ là việc quan trọng, bậc cha mẹ nào cũng quan tâm và muốn con mình có điều kiện học hành tốt nhất. Giữa chương trình CNGD và chương trình hiện hành thì phụ huynh chọn chương trình nào?
Nếu nói chương trình thực nghiệm GD được phụ huynh đồng tình ủng hộ, cho con học 40 năm nay rồi, đã "sản xuất" ra biết bao "nhân tài", thành đạt đáng ngưỡng mộ. Các vị phụ huynh muốn cho con học còn không kịp chứ ở đó mà phản đối thì chỉ là nói một nửa sự thật.
Ở miền Nam trước đây không có CNGD của ông Hồ Ngọc Đại nhưng đã có biết bao nhiêu nhà khoa học, nhà bác học thành danh trong nước và nước ngoài, thí dụ như nhà Vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh. (muốn biết thêm thì Google) nên cái lý lẽ học CNGD sẽ "thành đạt" là không đúng
Tiếp nữa là trường dạy xuyên suốt chương trình CNGD chỉ có ở Hà Nội và Hồ Chí Minh và mỗi nơi chỉ có một trường. Phụ huynh muốn cho con học hay không học ở trường đó là quyền lựa chọn của họ. Giờ tự nhiên bộ đưa mỗi một môn học vần lớp 1 ÁP ĐẶT mấy chục tỉnh thành PHẢI DẠY THEO. Dạy xong lớp 1 lên lớp 2 là trở về chương trình cũ. Như vậy liệu có ăn khớp, có đồng bộ về kiến thức giữa hai hệ cũ và mới hay không?
Phụ huynh ở miền Tây như tôi chẳng hạn, dù muốn cho con học chương trình CNGD "hay ho tiến bộ lấy hs làm trung tâm" gì đó thì cũng không có trường mà học. Nếu vẫn học theo chương trình cũ thì tôi không muốn chỉ học mới mỗi một môn đánh vần ở lớp 1, lên lớp 2 lại "chắp vá" mới sách cũ, thì liền bị những người "am hiểu, thông thái" mắng cho, rằng chống lại sự tiến bộ, chống lại sự thay đổi, không cầu tiến, tiêu cực quá v.v.. Tóm lại, một phụ huynh nông dân thấp cổ bé họng thiếu hiểu biết thì sẽ không được quyền lựa chọn con mình học cái gì, học chương trình nào, dù đó là quyền hợp pháp của mình. Mình là cha mẹ mà, mình đóng thuế nuôi bộ GD và đóng thuế cho các ông làm "dự án' mà. Dù dốt hay ngu thì mình cũng vẫn có quyền lựa chọn trong việc học hành của con mình chứ. Mình ngu chọn sai trường, sai chương trình thì chỉ con mình bị ảnh hưởng, đâu có ảnh hưởng đến toàn bộ con nít của "thiên hạ" đâu mà chửi mình ta!
(Kỳ sau: một ngôi trường rất siêu đẳng, học trò học ở đó ra thành đạt vô số: quan chức đầu ngành, đầu tỉnh, đầu huyện. Tệ cũng chánh văn phòng, trưởng phòng. Tệ nữa là hiệu trưởng các cấp. Còn bác sĩ kỹ sư thì không đếm xuể. Đó là trường nào vậy? Hahah hổng biết mình bật mí thì trường đó có bị phụ huynh chen sập cổng hông ta???)

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

NGỒI BUỒN GIỞ SÁCH ĐỌC CHƠI...


Có mấy trang sách lớp 1 chương trình công nghệ giáo dục trên mạng nè, mình yêu tiếng Việt lắm, nên thấy chữ thấy tiếng "sai sai" là cứ muốn nói thôi.
Phương pháp của bác Hồ Ngọc Đại, cho là có cơ sở khoa học đi, nhưng mà nhân lực dưới tay bác thế nào? Người soạn sách và người dạy thế nào?
Sách có những từ không có nghĩa gì cả: THIA LIA, THÌA LÌA, QUẰM QUẶP, khuýp khuỳm khuỵp…Bạn tin không? Nếu không tin tôi đố bạn đặt câu với những từ đó. Có bao nhiêu thầy cô giáo biết rằng những từ này vô nghĩa?
Tôi thấy có người giải thích rằng đưa những từ đó vào để thấy rằng phương pháp này đọc được là các em viết được. NHƯNG, thực tế không có những tiếng đó thì các em cần gì đọc, cần gì viết cho nó rối trí thêm.
Có những từ MAY RA DÙNG ĐƯỢC nhưng cũng không hay và tối nghĩa như từ QUẰN QUẶN, QUỆN NHAU. Bạn thử đặt câu với các từ này là biết liền.
Có bài ca dao thế này:
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó QUỆN NHAU đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhện hỡi mày đi đàng nào.
Đặt trong ngữ cảnh bài ca dao thì ai cũng hiểu. Tôi cho rằng từ QUỆN ở đây là để vần với từ NHỆN ở trên thôi, chứ thực tế từ này không dùng ở đâu khác.
Cũng như câu thơ của bà Hồ Xuân Hương:
"Dê CỎN buồn tình húc giậu thưa".
(đây là cách dùng từ tài tình của bà)
Ai cũng hiểu nhưng bình thường thì không ai dùng dê cỏn. Không thể dạy chữ, vẽ con dê con rồi chú thích dê cỏn là SAI. Chữ cỏn thường là phải đi chung với chữ con: cỏn con.
Từ QUẶN thì có nghĩa là đau QUẶN, ai cũng hiểu, nhưng QUẰN QUẶN ???
CÓ từ không sai nhưng quá đặc thù vùng miền, từ LAI là chở. Để dạy vần AI thì quá trời chữ thông dụng hơn, học sinh dễ hiểu hơn và từ đó dễ nhớ hơn.
----------
Nói thêm về từ gần nghĩa gần âm với từ QUỆN ở trên. Ở miền Nam có từ RÙ QUẾN. Từ này có nghĩa là dụ dỗ, quyến rũ cho người ta tin mình, người ta nghe theo mình, làm theo mình, đi theo mình. Thường dùng nhất là để chỉ trai gái RÙ QUẾN nhau. Cũng có thể dùng trong trường hợp khác. RÙ QUẾN có nghĩa xấu.
Thí dụ: (má nói với con gái) Mày đừng có nghe lời thằng đó rù quến rồi đi theo nó, tao từ mầy luôn à.
(vợ than thở) Chồng tui bị bạn bè rù quến đi cả tuần rồi chưa về.
----------
Sách GK tiếng Việt hệ thường (không phải công nghệ GD) cũng sai rất nhiều. Vụ con CHUỘT lấy con QUẠ đẻ ra con RƠI là một thí dụ. (Vụ Con Rơi này lấy ý của fb Võ Thu Phương)

HỌC CHỮ VUÔNG TRÒN TAM GIÁC CÓ SAI KHÔNG?


CHỮ là công cụ để ghi lại TIẾNG NÓI (ngôn ngữ). Chữ tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm) ghi tiếng nói theo nghĩa chứ không theo âm. Ngày xưa nước ta dùng chữ hán rồi chữ Nôm để ghi chép.
Ngày nay ta có chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ là chữ ghi âm nên để sáng tạo ra chữ quốc ngữ thì cha Đắc Lộ (và các cộng sự về sau này) phải phân tích, phải tìm hiểu TIẾNG VIỆT về mặt NGỮ ÂM. Cấu tạo của âm này ra sao, âm kia thế nào, âm nào là nguyên âm, nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, phụ âm đầu, phụ âm cuối v.v... Rồi sau đó mới dùng chữ cái Latin QUY ĐỊNH chữ này ghi âm này, chữ kia ghi âm nọ...v.v... Đó là tóm tắt quá trình sáng tạo ra chữ quốc ngữ, SÁNG TẠO ra một CÔNG CỤ mới để ghi lại TIẾNG VIỆT.
Chúng ta là người sử dụng chữ quốc ngữ, là sử dụng công cụ mới này. Chúng ta chỉ cần học QUY TẮC SỬ DỤNG chứ không cần học cái quá trình LÀM RA CÔNG CỤ.
Nhìn trong đời sống ta thấy tất cả CÔNG CỤ đều như thế. Người sáng tạo ra thì phải nắm rõ mục đích yêu cầu và sau đó nghiên cứu lý thuyết rồi dựa trên cơ sở lý thuyết mới làm ra được một công cụ mới. Người sử dụng chỉ học cách sử dụng công cụ cho thành thạo là có hiệu quả, không cần học về mớ lý thuyết cao siêu để làm ra công cụ đó.
Trở lại chữ Việt, cách dạy theo cục vuông tròn, âm vị, âm tiết, âm tố gì đó ... là đi lại con đường phân tích tiếng Việt ngày xưa cha Đắc Lộ đã đi. Con đường đó chỉ cần thiết với những nhà nghiên cứu, với những người muốn cải tiến công cụ (chữ viết) chứ hoàn toàn vô ích với người sử dụng, càng vô ích với trẻ em.
Các đệ tử của ông Đại cứ đưa ra mớ lý thuyết rối rắm rồi chê bai người ta không hiểu. Bạn lái xe hơi bạn có cần học nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong hay không? Bạn xài computer bạn có cần phải học ngôn ngữ lập trình hay không?
Người ta cười cợt mấy ô vuông tròn không phải là cười cợt mớ lý thuyết cao siêu kia mà chính là cười cợt cái chỗ đem mớ lý thuyết đó ra áp dụng sai chỗ!

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

HỌC ĐỂ BIẾT ĐỌC CHỮ VIỆT DỄ HAY KHÓ?


Xin thưa là RẤT DỄ, không cần phải thông minh xuất chúng hay là trí nhớ siêu việt gì cả thì cũng có thể học nhiều nhất là ba tháng là biết đọc trơn tru, không còn phải ngập ngừng "đánh vần".
Những người đề xướng phương pháp dạy chữ theo "công nghệ giáo dục" có hai lý lẽ để bênh vực phương pháp này:
Một là: phương pháp này khoa học lắm đó, rồi xổ ra nào là âm vị, âm tố gì đó rối tinh rối mù, dạy trẻ phải có năm bước từ bước 1 tới bước 5 v.v...xong đắc ý hỏi: hiểu chưa? chưa hiểu hả? đã bảo là không hiểu thì đừng có nói, giáo sư tiến sĩ chữ nghĩa đầy đầu mới sáng tác ra được phương pháp hay như vậy đó.
Đó là một kiểu ngụy biện, phủ đầu người ta bằng mớ lý thuyết cao siêu (mà không chắc là đúng hay sai!). Cũng giống như bạn xài smartphone, bạn có thể chê là chụp hình không nét, điện thoại chạy chậm. Nếu hãng sản xuất ra cái smartphone mà phủ đầu bạn rằng có biết pixel là gì không, có biết phone này chụp hình bao nhiêu pixel không, có biết ngôn ngữ lập trình của phone này là ABCXYZ tiên tiến hiện đại nhất không? Không biết hả? Không biết thì đừng có nói! Họ mà nói vậy xem có bị chửi tắt bếp không
Hai là: dạy kiểu "công nghệ" này học sinh mau biết đọc, bao nhiêu học sinh học "công nghệ" đó cũng giỏi như ai. GS Ngô Bảo Châu đó. giỏi ghê chưa?
Đây cũng là ngụy biện. Dạy kiểu cũ cũng một học kỳ đầu lớp một là học sinh đọc được hết, Phương pháp mới này có hơn gì. Bao nhiêu người học đọc theo kiểu cũ thành danh sao không nói.
Tôi lúc nhỏ chỉ đi theo mẹ tôi là cô giáo tiểu học vào lớp mẹ dạy mấy tháng(vì nhà không có ai trông) mà biết chữ. Tới tuổi vào lớp 1 thì cô giáo chưng hửng vì tôi đã biết đọc biết viết biết làm toán nên cho tôi lên thẳng lớp 2. Cô nói cho tôi ngồi lớp 1 tôi sẽ chán học. Học bạ tiểu học của tôi không có năm lớp 1. Vậy chữ Việt khó hay dễ học?
Con tôi hai đứa, tôi không dạy trước gì cả, để đi học lớp một mới học chữ, và toàn là cô dạy, tôi không dạy thêm bớt gì cả. Cả hai đứa nửa học kỳ đầu lớp một là lấy truyện tranh Doremon đọc bập bõm, chữ nào không biết hỏi mẹ. Cuối học kỳ một là đọc truyện Doremon ro ro, vừa đọc vừa cười ha hả.
Có thể bạn cho rằng tôi thông minh, con tôi sáng dạ nên học chữ nhanh. Không phải vậy, người sáng dạ hay tối dạ gì cũng học 3 tháng là biết đọc biết viết. Tôi lập nghiệp ở nông thôn, người làm của tôi nhiều đứa không biết chữ. Tôi phải dạy chữ cho tụi nó để cầm giấy đi giao hàng, nhận tiền, đọc bảng hiệu v.v.... Tôi dạy đứa nào cũng 1-2 tháng là xong, biết đọc biết viết rành. Biết tự ghi giấy, ghi bảng giao việc, nhận việc. (Tuy nhiên chính tả thì sai lên sai xuống.)
Rồi nói dạy theo công nghệ này học sinh biết "luật chính tả". Hahaha tưởng gì, đó là biết khi nào viết k, khi nào viết c. Viết đúng âm đầu gh g ; ng, ngh. Cái này "học trò" xóa mù chữ của tui cũng viết đúng. Rồi nói đọc đúng thì viết đúng. Một cô giáo ở Đồng Tháp chỉ chữ "kiến" đọc kiến (chứ không đọc kiếng như người miền Nam). Vậy khi các em học sinh đó nói (chứ không phải đọc) con kiếng thì các em viết chữ gì?
Tương tự, bảo một học sinh ngoài Bắc lẫn lộn N, L đọc chữ viết trên giấy "nan giải" thì nó sẽ đọc đúng. Nhưng bào nó tự nói "lan giải" rồi viết thì nó sẽ lúng túng, không thể nói gì viết đó mà đúng được.
Tóm lại là phương pháp "công nghệ" không có ưu điểm vượt trội hơn phương pháp cũ trong việc dạy chữ cho học sinh thì hà cớ gì phải đổ tiền bạc ra "cải cách", "thực nghiêm" để bị ăn chửi. Hỏi tức là đã trả lời vậy.
Tôi post một đoạn video cô giáo ở Đồng Tháp dạy chữ theo pp mới. Cô ĐỌC giọng Bắc. Cô có thể dạy hs ĐỌC giọng Bắc nhưng làm sao dạy tụi nhỏ NÓI giọng Bắc được. thấy cô uốn giọng đọc dấu "ngã" mà tội nghiệp cô quá. Chú ý: hai người phát thanh viên đọc giọng miền Nam.https://www.facebook.com/DongThapTVonline/videos/331818587387988/?hc_location=ufi

TÍCH CỰC - TIÊU CỰC


Bạn mình nói, đọc những gì mình viết sao thấy tiêu cực quá. Ừ, tiêu cực thì tiêu cực chứ biết sao giờ, vì mình viết sự thật mà. Có thể mình lầm vì đó là ý chủ quan của mình, "chủ quan" nghĩa là là "mình thấy". Mình thấy những chuyện tiêu cực thì mình nói tiêu cực, nếu bạn thấy những chuyện mình nói là không tiêu cực hoặc tích cực thì đó là cái thấy của bạn, cái thấy (quan) của mình và của bạn đâu nhất thiết phải giống nhau.
Ai có quen biết mình đều biết, mình không phải là con người tiêu cực. Mình luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan. Mình luôn hành động tích cực và lạc quan. Nhưng lạc quan và tích cực không có nghĩa là luôn nhìn đời bằng cặp kính màu hồng, không có nghĩa là thờ ơ với sự tiêu cực nếu sự tiêu cực đó không liên can tới mình.
Mình nghĩ rằng mình lên tiếng về những tiêu cực thì đó chính là hành động tích cực. Cho nên, mình mong rằng các bạn mình suy nghĩ tích cực lên, đừng có cho răng tại đọc nhưng gì mình viết mà bạn trở nên tiêu cực.
Hình này là tích cực hay tiêu cực?

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

SÁCH GIÁO KHOA DẠY CHỮ VIỆT TIẾNG VIỆT: SAI và KỲ THỊ MIỀN NAM


Mình mới coi một cái clip, cười mệt luôn.
Nội dung cái clip đó là một anh chàng người miền Tây bắt bẻ sách giáo khoa tiếng Việt, có lẽ là lớp 1. Anh chàng này chắc ít học nên nhiều chữ anh ấy không hiểu. Anh ấy không hiểu thì con nít lớp một ở miền Tây sẽ chắc chắn không hiểu.
Anh ấy muốn phê là phê những chữ, tiếng dạy cho con nít lớp một là khó hiểu (mà theo anh ấy là SAI). Cho nên, anh ấy phê phán đúng chứ không sai, dù anh ấy ít học. Anh ấy chỉ phê theo cảm tính chứ không biết giải thích. Mình sẽ giải thích "giùm" anh ấy!
CHỮ SAI:
Gà QUÉ: anh ấy không hiểu con gà qué là con gà gì. Thật ra GÀ QUÉ là từ ghép, QUÉ là từ cổ chỉ con gà, giống như chợ búa, búa là từ cổ chỉ cái chợ. Từ ghép "gà qué" này không chỉ cụ thể một con gà nào hay một giống gà nào, nó tương tự như "chợ búa" không chỉ cụ thể một cái chợ nào, hay là "nhà cửa" không chỉ cụ thể một cái nhà hay một cái cửa nào.
Thí dụ: Nhà không có gà qué gì để đãi khách.
Trưa trờ trưa trật rồi mà chưa chợ búa cơm nước gì hết.
Nhà cửa sao mà để dơ bẩn quá vậy nè.
Cái sai ở đây là vẽ con gà rồi ghi chữ gà qué là sai, ghi chữ GÀ thôi là đủ rồi. Nếu vẽ một cái chợ mà ghi chợ búa thì người ta sẽ ngơ ngác tưởng cái chợ đó tên búa. Vẽ một cái nhà mà ghi nhà cửa cũng sai hoàn toàn ý nghĩa của từ nhà cửa vậy.
Tóm lại, chữ GÀ QÚE là có nhưng tác giả sách không hiểu rõ nghĩa của từ này nên mới vẽ con gà và chú thích là gà qué.
Ì RA: Từ Ì này là động từ, mà ít khi dùng riêng. Nói ngồi ì, nằm ì, đứng ì thì sẽ đễ hiểu hơn là Ì RA. Mà vẽ cái hình Ì RA lại càng khó hiểu. Giống như ĐI RA, LÀM RA tự nhiên bốc hai chữ đó RIÊNG RA rồi vẽ hình minh họa thì người lớn cũng khó hiểu chứ nói gì con nít 6 tuổi.
CHÚ Ỉ:
ỉ là tên một giống heo, giống heo này ở miền Bắc chứ miền Nam không có, cho nên từ đúng phải là chú lợn ỉ hay chú heo ỉ chứ chú ỉ là không đủ nghĩa.
Anh chàng miền Tây kia nhờ nhìn hình mà biết là con heo hahaha. Dạy CHÚ Ỉ cũng là một cách dạy kỳ thị các từ miền Nam.
TỪ ĐẶC TRƯNG MIỀN BẮC
Kê: miền Tây không có hạt kê, chợ không có bán hạt kê nên người dân không biết. Ai có học có đọc sách thêm thì biết "giấc mộng kê vàng", biết hạt kê qua sách vở. Con nít miền Tây 6 tuổi chắc chắn không biết.
Ngóe: người miền Nam có học mới biết thành ngữ giết người như ngóe chứ không biết con ngóe là con gì. Người ít học thì hoàn toàn không biết NGÓE. Nhờ nhìn hình biết là con nhái. Con nít miền Nam 6 tuổi chắc chắn không biết, khó tưởng tượng.
TỪ ÍT DÙNG
Y CỤ là dụng cụ y khoa, từ không thông dụng, dễ làm cho con nít lẫn lộn, thí dụ y phục, y nguyên hai chữ y này nghĩa khác nhau mà thường gặp hơn, giờ thêm y cụ nghĩa khác nữa, trẻ em 6 tuổi chưa cần phải phân biệt, dạy nhiều chữ không cần thiết quá nó dễ bị rối trí.
(Đọc hết sách GK từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ thấy rõ sự kỳ thị với từ ngữ, tiếng nói của miền Nam. Mai sẽ viết tiếp về sự kỳ thị này.)
https://www.facebook.com/vietnamese.tv/videos/552044865251320/?hc_location=ufi

VÌ SAO "CỜ LỜ MỜ VỜ"


Mấy hôm nay dân tình rần rần trên mạng vụ đánh vần theo "công nghệ giáo dục". Người phản đối thì nhiều lý lẽ nói chung là họ bảo đánh vần kỳ cục, trẻ con học vào ngu luôn.
Người bênh vực thì nói tìm hiểu chưa mà nói, khoa học lắm đó. Tụi nhỏ học vậy cũng đọc chữ được như thường. Kìa Gs Ngô Bảo Châu hồi xưa học đánh vần như vậy mà sau này thành gs toán đó, thấy chưa!
Tôi nghe chính ông Hồ Ngọc Đại thì ổng bảo rằng đây là đánh vần theo âm chứ không phải theo chữ. Vì đánh vần theo âm nên ba chữ C, K, Q đều ghi âm "cờ" nên phải đánh vần là "cờ" hết thảy.
Ổng còn nói học đánh vần kiểu của ổng học sinh mau biết đọc, viết đúng chính tả hơn và không tái mù chữ. Nhưng phương pháp này cao siêu phụ huynh không biết dạy đâu, để cô giáo dạy. Ổng nói nhiều nhưng tôi tóm tắt mấy ý chính như vậy.
Trước hết, cách đánh vần theo âm đã có từ trước chứ không phải mới có. Bảng chữ cái Việt, ,mỗi chữ có một tên: thí dụ chữ A, B, C tên là A, Bê, Xê. Chữ A ghi âm A, chữ Bê (B) ghi âm Bờ, chữ Xê (C) ghi âm Cờ.
Hồi mình học chữ, đánh vần chữ BA là A-BỜ-A-BA, chữ HO là O-HỜ-O-HO, chữ QUA là A-QUỜ-A -QUA nhưng tên các chữ cái trên vẫn đọc là Bê (B), Xê (C), Hát (H) Cu (Q).
Sau này, thời "cách mạng" con mình học cũng đánh vần như vậy, nhưng các con lại được dạy đọc tên chữ bằng âm của chữ đó, nên mới có cách đọc A Bờ Cờ. Dạy như vậy là người viết sách giáo khoa không phân biệt được chữ và âm, cho nên mới có những chuyện cười ra nước mắt:
Đài truyền hình chuyên đọc cờ lờ mờ vờ nhưng GDP sao không đọc GỜ ĐỜ PỜ, VTV sao không đọc VỜ TỜ VỜ, HTV sao không đọc HỜ TỜ VỜ. WTO đọc rất mắc cười là vê kép tê ô.
Và chuyện vừa mắc cười vừa đáng xấu hổ là ông TT giữa bàn dân thiên hạ đọc CỜ LỜ MỜ VỜ. Ổng người Quảng Nam, lớn tuổi hơn tôi, không biết ổng học tiểu học ở miền Nam hay miền BẮc mà dốt quá mạng!
Trở lại cách đánh vần "công nghệ", đánh vần theo âm là đúng nhưng ông gom Q, C, K vô một âm là sai. chữ Qua và chữ Cua không thể nào đọc giống nhau được.
Đánh vần là giai đoạn đầu học chữ, khoảng một học kỳ (3 tháng) là xong, sau đó các em biết đọc thành thạo rồi thì không còn đánh vần nữa. Học đánh vần kiểu mới kiểu cũ gì cũng vậy thôi vì bản chất chữ Việt là dễ học, nếu ông nói học đánh vần kiểu của ông mau biết đọc hơn thì bao lâu, một tháng thì biết đọc? có số liệu chứng mình không hay ông tự nói?
Nói ít sai chính tả hơn ông có số liệu chứng minh không? Viết đúng chính tả là một kỹ năng, phải tập luyện trong 5 năm tiểu học, mà phải tập luyện đúng cách thì mới có thể viết đúng chính tả. Thời tôi học đánh vàn kiểu cũ đấy mà học tới lớp năm là viết đúng chính tả hết. Thời cách mạng sau này thì ôi thôi, học tới cử nhân mà viết sai chính tả như mới xóa mù chữ!
Chuyện ông nói đánh vần kiểu ông ít tái mù chữ càng nực cười. Đọc thông viết thạo là kỹ năng. Khi đọc thông rồi và mỗi ngày đi học, tập đọc chữ thì không thể nào "quên" được. Tái mù chỉ khi học lớp 1, lớp 2 xong rồi nghỉ học và cả đời không cầm đến sách báo. Nước ta giờ đã phổ cập tới lớp 9 rồi thì sao mà tái mù được.
(Chuyện học tới lớp 6 mà chưa biết đọc là chuyện chỉ có ở nền giáo dục xã nghĩa mà thôi, lớp một thầy cô dạy sao mà không biết chữ nhưng vì thành tích phải cho lên lớp 2, lên lớp 2 người ta học đọc học viết câu cú thì em chưa biết chữ sao học được, lại đẩy lên lớp 3, cái này không phải là tái mù chữ mà chính là hậu quả của bệnh thành tích)
Chuyện ông nói phụ huynh không biết dạy lại càng nực cười. Chữ Việt dễ chứ không khó. Ông làm cho nó khó tức là biến cái đơn giản thành phức tạp. Khi xưa tôi học lớp 6, em tôi học lớp ba, nó viết bài học thuộc lòng:
Đống Đa xưa BẢY chiến trường
Tôi thay mẹ kiểm bài của nó, chẳng cần xem sách tôi cũng biết chữ BẢY là sai, BÃI mới đúng. Nó nằng nặc không phục nói "cô em dạy vậy, chị hổng biết bằng cô" (hahaha). Sau đó giở sách ra thì nó mới tâm phục khẩu phục. Môn gì không biết chứ chữ Việt mà người đọc thông viết thạo không biết dạy cho người mù chữ hoặc ít chữ là chuyện vô lý!
Tôi là người trọng sự học, kính trọng những người học cao, kiến thức uyên bác. Nhưng với những người 'TRÍ THỨC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA" thì tôi rất nghi ngờ. Tôi không dám quơ đũa cả nắm nhưng nhưng qua những gì đã thấy thì không thể không nghi ngờ. Cụ Nguyễn Lân cây đa cây đề của những trí thức XHCN mà soạn từ điển tiếng Việt sai be bét, người thường không có kiến thức sâu rộng gì đọc cũng thấy sai. ÔNg Hồ Ngọc Đại khoe bằng cấp "nhất thế giới" nhưng phương pháp "công nghệ giáo dục" của ông thì ông chẳng đưa ra được nghiên cứu khoa học nào để làm bằng chứng. Ông chỉ tự nói là phương pháp của ông hay thế này, cao siêu thế kia mà chẳng đưa ra được một số liệu nào, một nghiên cứu nào để chứng minh. Thí dụ nghiên cứu trên bao nhiêu hs học theo PP cũ, qua 5 năm 10 năm thì tái mù thế này, viết chính tả thế kia, giỏi toán thế nọ. So sách với số hs tương đương học PP của ông thì thấy các số liệu trên đều cao hơn có ý nghĩa...)
Vậy nên người ta chửi, người ta nghi ngờ sự cải cách này là để bán sách, là để ngu dân, là để v.v... thì cũng không phải là thiếu cơ sở.
P/s
(Chữ Anh cũng có tên của chữ cái, và âm của chữ cái vậy thôi, Chữ A, B, C tiếng Anh tên là Ê, Bi, Xi Và Chữ A ghi âm /ei/ và / / chữ Bi ghi âm Bờ /b/ chữ Xi (C) ghi âm xờ /s/ (center) âm cờ /k/ computer v.v... tiếng Anh mình võ vẽ nên có thể không chính xác lắm về các âm))

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

GIỌNG BẮC GIỌNG NAM (2)


Ông lội cõng bà lội lội qua sông
Con cá gô bỏ dô gổ nhảy gột gột
Người phát âm hai câu trên, miền Bắc lẫn lộn âm đầu L và N, miền Nam phát âm R thành G bị coi là người quê mùa, dốt nát vì sao?
Vì hồi xưa, hồi trước "cách mạng" người có đi học và học cao thì dù xuất thân từ những vùng phát âm sai những âm đó cũng sẽ không bao giờ phát âm sai.
Những vùng phát âm sai chỉ là phần nhỏ so với cả vùng miền lớn. Thí dụ cả miền Bắc chỉ có vài tỉnh (và chỉ một vài địa phương trong tỉnh) lẫn lộn N và L. Miền Nam thì chỉ dân miền Tây (một số địa phương ở miền Tây) phát âm âm R thành G.
Những địa phương không phát âm sai thì dù đi học hay không thì vẫn phát âm đúng nhưng đã có đi học thì NHẤT THIẾT phải phát âm đúng.
Hồi xưa, lúc chưa có "cách mạng" bậc tiểu học có giờ "tập đọc". Học sinh phải đứng lên đọc bài tập đọc to, rõ. Phải phát âm chính xác từng từ và sau đó học nghĩa của những từ mới trong bài tập đọc đó, học chính tả của những từ mới, học thành ngữ có liên quan đến những từ mới.
Các bài tập đọc có nội dung và từ mới nâng cao dần dần từ lớp 1 đến lớp 5. Học xong lớp năm là học sinh phải đọc thông viết thạo, phát âm chính xác. Tự viết được một bài văn diễn tả được ý của mình.
Thời ấy KHÔNG BAO GIỜ có chuyện, một công chức, một nhân viên văn phòng viết sai đọc trật. Cô giáo thầy giáo hay quan chức lại càng không bao giờ viết sai, đọc sai hay phát âm sai.
Ở miền Nam, nghệ sĩ cải lương có thể học nhiều hoặc học ít nhưng khi họ diễn cải lương thì họ phát âm TUYỆT ĐỐI ĐÚNG. Muốn biết giọng Nam chuẩn là như thế nào thì coi cải lương.
Nếu bạn đi đến nhà người yêu, tặng ba người yêu "chai gụ" thì chắc chắn sẽ nhận được cái cười tủm tỉm và sự đánh giá rằng bạn là người ít học.
Thời ấy không bao giờ có chuyện một ông bộ trưởng "lói" trật hay một ông thủ tướng đọc diễn văn cờ lờ mờ vờ.
Có học thật sự không phải là bằng cấp chất đầy tủ, là lời khoe khoang trí tuệ đỉnh cao, mà người có học thật sự phải được rèn luyện từ bậc tiểu học. Vậy nên, chương trình cải cách giáo dục, cái cách cách đánh vần, cải cách chữ viết luôn được tất cả mọi người quan tâm và có ý kiến... trăm chiều.
(Bài tới: CỜ LỜ MỜ VỜ, cách đánh vần theo công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại có gì hay?)

GIỌNG BẮC GIỌNG NAM

Hồi xưa, khi chưa có chữ quốc ngữ thì chữ Nôm để ghi tiếng Việt. Chữ Nôm là chữ tượng hình nhìn chữ đọc ra âm. Vì chữ tượng hình chứ không ghi âm nên đọc ra đúng nghĩa là được
Thí dụ chữ 𡗶 đọc là "trời" hay "giời" hay "chời" tùy vùng miền, hiểu đúng nghĩa là (ông) TRỜI là được.
Chữ 𥯌 là (cây) TRE, miền Bắc đọc là CHE, miền Nam đọc là TRE miễn hiểu đúng nghĩa là cây tre là được.
Chữ 瞞 là (mê)MAN miền bắc đọc là MAN, miền Nam đọc là MANG hiểu đúng nghĩa là mê MAN là được.
Chữ tượng hình cũng có quy tắc chính tả, quy tắc chính tả dựa theo nghĩa. Thí dụ cùng là âm TƯ nhưng 资 TƯ bản chữ viết khác hoàn toàn với chữ 諮 TƯ vấn.
Sau này khi có chữ quốc ngữ thì vì chữ quốc ngữ là chữ ghi âm nên quy tắc chính tả khác đi, vừa dựa theo âm vừa dựa theo nghĩa.
Thí dụ, người Bắc đọc CHE nhưng nếu là cây tre thì phải viết TRE, nếu là che chở thì viết CHE.
Người nam đọc MANG nhưng nếu là mê man thì viết MAN mà mang vác thì phải viết MANG.
Nếu xét theo chính tả của chữ quốc ngữ hiện đại thì người miền Bắc hay miền Nam đều có những từ đọc không đúng chính tả.
Thí dụ, người Nam đọc không phân biệt được các âm đầu V, D, Gi. VƠ, DƠ, GIƠ đều đọc giống nhau
Không phân biệt âm đầu HU (HO) với âm đầu QU như HOA, QUA đọc giống nhau, HUỆ QUỆ đọc giống nhau, HUÊ, QUÊ đọc giống nhau
Không phân biệt các âm cuối N và NG như LAN và LANG đọc giống nhau. Không phân biệt âm cuối C và T như VIỆT và VIỆC đọc giống nhau. Không phân biệt âm cuối T và CH như ÍT và ÍCH đọc giống nhau.
Và đọc không phân biệt được hỏi, ngã.
Còn người Bắc thì không phân biệt âm đầu TR và CH trái CHANH và bức TRANH đọc giống nhau. Không phân biệt âm đầu R và GI giỏi GIANG và rảnh RANG đọc giống nhau.
Người Bắc không đọc phân biệt được âm đầu S và X, SƯƠNG mù với XƯƠNG cốt đọc giống nhau.
Người Bắc đọc không phân biệt vần IU, ƯU, ƯƠU HIU quạnh, về HƯU, con HƯƠU đọc giống nhau.
Chính tả là quy ước cho chữ viết để ai đọc cũng HIỂU ĐÚNG. Còn tiếng nói là thói quen của vùng miền, không thể nói giọng miền này chuẩn hơn giọng miền kia. Chuẩn là dựa theo chuẩn nào? nếu dựa theo chuẩn chính tả thì một là chính tả có sau tiếng nói, hai là miền nào cũng có lỗi phát âm sai chính tả.
Nếu lấy giọng một miền làm chuẩn thì vô nghĩa, vì làm sao sửa giọng cho các vùng miền khác. Còn nói "chuẩn" khơi khơi thì nói làm gì?
(Còn tiếp kỳ sau: Vì sao cả hai miền đều có nhiều từ phát âm sai chính tả nhưng chỉ một vài lỗi phát âm sai bị coi là "ngọng", là "quê mùa"