Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

Các đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long cách nhau 60km do thủy triều sông Cửu Long?

 



Đang viết về đề tài nước ở châu thổ Cửu Long thì gặp bài này. Bài báo lý giải khoảng cách 60km giữa các đô thị ở miền Cửu Long là do con nước lớn ròng trên sông Cửu Long. Mỗi ngày hai lần thủy triều lên xuống, tức là 6 tiếng nước lên 6 tiếng nước xuống. Thủy triều lên nước sông chảy ngược, thủy triều xuống nước sông chảy xuôi, vận tốc sông là 10km/h. Ghe tàu miền sông nước sẽ đợi con nước mà đi xuôi theo nước chảy. Đi xuôi 6 tiếng sẽ ngừng lại nghỉ, đợi qua con nước ngược thì đi tiếp. Mỗi đoạn như vậy 6 tiếng đi được 60km thì nghỉ, lâu dần thành đô thị bên bờ. Vậy nên các đô thị miền này cách nhau 60km.
Dòng sông chảy xuôi và chảy ngược vận tốc khác nhau chứ không đều 10km/h, và vận tốc cũng khác nhau ở đoạn gần biển và xa biển. Thí dụ vận tốc dòng chảy của sông sẽ khác nhau ở Châu Đốc và ở Cần Thơ. Cứ cho là vận tốc dòng sông đều đều 10km/h thì ghe tàu đi sẽ có buồm hoặc có chèo, có máy chứ không phải thả trôi theo dòng nước để mà qua 6 tiếng thì đi được 60km. Thực tế thì ghe tàu nếu canh con nước để đi xuôi dòng thì vận tốc sẽ là 10km+ . Vì vậy con số 60km có một đô thị chỉ là trùng hợp.
Trong bài nêu các thành phố: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, trong đó Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng nằm bên hữu ngạn sông Hậu. Bạc Liêu và Cà Mau ở bán đảo Cà Mau. Từ Bạc Liêu đi Cà Mau thủy triều chịu ảnh hưởng hai phía biển Đông và Tây nên không giống thủy triều trên sông Tiền, sông Hậu.
Vậy các đô thị dọc theo sông Tiền thì sao? trong bài không có nói đến! Dọc theo sông Tiền từ trên biên giới xuống biển là Tân Châu, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long. Từ Vĩnh Long theo nhánh sông Mỹ Tho sẽ tới Mỹ Tho. Sông này đổ ra biển bằng hai cửa Tiểu, của Đại. Gò Công nằm phía bắc sông Cửa Tiểu.
Từ Vĩnh Long theo sông Hàm Luông thì tới Bến Tre. Từ Vĩnh Long theo sông Cổ Chiên thì tới Trà Vinh.
Tóm tắt: Tân Châu----> Hồng Ngự----> Cao Lãnh--->Sa Đéc---> Vĩnh Long.
Vĩnh Long---> Mỹ Tho ---> Gò Công
Vĩnh Long---> Bến Tre
Vĩnh Long--->Trà Vinh
KHoảng cách các đô thị trên sông Tiền như sau:
Tân Châu- Hồng Ngự : 35km
Hồng Ngự- Cao Lãnh: 57km
Cao Lãnh - Sa Đéc: 32km.
Sa Đéc - Vĩnh Long: 27km.
Vĩnh Long- Mỹ Tho: 75km, Mỹ Tho- Gò Công: 41km.
Vĩnh Long - Bến Tre: 72km
Vĩnh Long - Trà Vinh: 65km.
Có hai đô thị có khoảng cách xấp xỉ 60km nhưng đường thủy giữa các đô thị này chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Đông và Tây nên không giống thủy triều trên sông Cửu Long, là:
Long Xuyên - Rạch Giá : 61km
Rạch giá - Vị Thanh: 61km.
Hình1: Bản đồ các đô thị trên sông Tiền.
1- Tân Châu, 2 Hồng Ngự, 3 Cao Lãnh, 4 Sa Đéc, 5 Vĩnh Long, 6 Mỹ Tho, 7 Gò Công, 8 Bến Tre, 9 Trà Vinh.
Hình 2: 1 Long Xuyên, 2 Rạch Giá, 3 Vị Thanh

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Tại sao Mỹ Tho, Trung Lương ngập giữa mùa hạn?

 

Các nhà quản lý cống đập và chính quyền và báo chí nói là do "biến đổi khí hậu", do "thời tiết cực đoan", do "nước biển dâng". Nghe vậy mà có ai hiểu gì không? Nếu cao nhân nào hiểu thì vui lòng giải thích tường tận, thí dụ nước biển dâng bao nhiêu so với hồi không ngập. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây ra bão, lụt, hạn hay gì? và các hiện tượng thời tiết đó ảnh hưởng thế nào đến chuyện ngập thành phố Mỹ Tho
Quả thật các cụm từ trên rất là tuyệt diệu để mà đổ thừa. Nói chung chung mập mờ như vậy để đổ thừa cho chuyện ngập lụt, thiếu nước ngọt, đất nứt, xì phèn... trong mùa hạn năm 2024 này và cả những năm trước.
NƯỚC BIỂN DÂNG LÀ GÌ?
Cái này ai muốn tìm hiểu thì tra cứu, tài liệu có đầy trên mạng. Năm 1993 nước biển dâng 1,7milimet một năm. Hiện nay tốc độ dâng nhanh hơn: 4,3 milimet một năm. Với tốc độ này thì đến đầu thiên niên kỷ mới đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước 1/3. Nước biển dâng là dâng chứ không có dâng lên rồi rút xuống.
Nước biển lên xuống mỗi ngày gọi là THỦY TRIỀU.
Khoản 23 Điều 3 Luật Khí tượng thủy văn 2015 có quy định như sau:
"Nước biển dâng là sự dâng lên của mực nước đại dương trung bình do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó KHÔNG BAO GỒM TRIỀU CƯỜNG, nước dâng do bão và các tác động tự nhiên khác".
Vậy hai lần nước ngập Mỹ Tho vừa qua do TRIỀU CƯỜNG chứ không phải do nước biển dâng.
Triều cường là từ mà báo chí và nhà nước gọi, còn dân đồng bằng thì gọi là CON NƯỚC RONG. Nước rong đã có từ hồi xưa rồi mà sao hồi xưa không ngập bây giờ ngập? Người xưa xây đô thị Mỹ Tho đã tính đến thủy triều, nên chọn chỗ không ngập khi thủy triều lớn. Tự nhiên bây giờ nước rong thành triều cường, gây ngập?
Thủy triều ngoài biển ảnh hưởng mực nước sông Cửu Long rất xa lên tận Nam Vang. Thủy triều lên thì nước sông lên cao, gọi là nước lớn, thủy triều xuống thì nước sông thấp xuống gọi là nước ròng.
Trên sông Tiền đoạn qua Mỹ Tho người ta đắp ba cái đập ngăn nước sông Tiền chảy vào sông, kinh nhánh, để ngăn mặn. Từ phía biển đi lên thì đập đầu tiên là trên kinh Chợ Gạo, đập thứ hai trên sông Bảo Định và đập thứ ba trên kinh Nguyễn Tấn Thành. Nước sông không chảy vào vào kinh rạch nhánh, không chia bớt nước được nên lúc nước rong tức triều cường thì tràn bờ mà ngập lên thành phố Mỹ Tho. Ngã ba Trung Lương gần vàm sông Bảo Định bị ngập lút gây kẹt xe.
Không phải chỉ Mỹ Tho ngập, các thành phố khác ở miền Tây cũng ngập, thí dụ Cần Thơ, cũng ngập do triều cường. Cùng một câu hỏi: sao ngày xưa triều cường không ngập mà giờ ngập? NHƯ TRÊN ĐÃ NÓI, KHÔNG PHẢI DO NƯỚC BIỂN DÂNG. Vậy do đâu???



Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ HẠN, MẶN, LŨ Ở MIỀN TÂY

  Hỏi: MIỀN TÂY HIỆN NAY CÓ KHÔ NƯỚC KHÔNG?

Câu trả lời là KHÔNG.

Bạn ở Sài Gòn, bạn ở miền Đông đều nóng không chịu nổi, thì miền Tây cũng vậy, vì đang là đỉnh điểm của mùa nóng. Nhưng bạn thấy sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có cạn nước không? Người Sài Gòn có thiếu nước không? 

Thì hai nhánh sông Tiền và sông Hậu vẫn đang đầy nước từ sông cái cho đến kinh rạch đều vẫn đủ nước. Chỗ tôi là vùng tứ giác Long Xuyên, hữu ngạn sông Hậu, tỉnh An Giang mới thu hoạch lúa Đông Xuân xong, đang xuống giống vụ Hè Thu. Nóng thì nóng nhưng làm ruộng vẫn làm, và nước vẫn đủ (500 anh em ai ở vùng này vô xác nhận)

Miệt vườn, tức những vùng đất ven hai dòng sông: Cần Thơ, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre... không thiếu nước tưới cây. Nếu không sợ nóng mà đi du lịch miền Tây lúc này thì khu du lịch nào cũng vẫn hoạt động, không bị thiếu nước, kể cả vùng gần biển ở Bến Tre.

Hỏi: MẶN XÂM NHẬP DO NĂM NAY NẮNG HẠN KÉO DÀI PHẢI KHÔNG?

Câu trả lời là KHÔNG

Mặn xâm nhập là do mùa kiệt lưu lượng dòng chảy của sông yếu, thủy triều lên nước biển đẩy ngược vào sông. Tuy hiện nay ta đang bị hạn vì mưa trễ nhưng lưu lượng nước sông không phải là do mưa hay nắng Ở ĐÂY mà phụ thuộc nhiều vào lượng nước trên thượng nguồn. Vậy nên năm nay tuy nắng nóng kéo dài hơn năm 2020 mà mặn không xâm nhập sâu bằng năm ấy. (Trong bài về ngọt hóa Gò Công tôi có nói rõ về xâm nhập mặn)

Năm 2020 mới qua Tết là ở vùng "ngọt hóa" Ba Lai, cách biển 20 km nước mặn không tắm giặt được, cây trái chết vật vã.  Năm nay cho tới tận lúc này nước vẫn còn dùng giặt rửa được, uống tạm cũng được (bà con tôi ở vùng này nên tôi biết rõ)

Và quan trọng là ĐANG LÚC NÀY, vẫn hạn nhưng tỉnh Tiền Giang tuyên bố mặn đã giảm và mở cống ngăn mặn. Cách nay một tháng, đúng lý thì độ mặn phải ít hơn lúc này vì mới vào mùa kiệt, lượng nước sông còn nhiều hơn lúc này mà la lên "hạn mặn" rồi đóng cống hết thảy khiến trong đồng khô nước, nứt nẻ. Giờ cuối mùa kiệt là lúc mặn lấn sâu nhứt mà lại tuyên bố mặn giảm trên sông Tiền??? (xem bài báo theo link dưới comment)

Hỏi: VẬY TẠI SAO GÒ CÔNG, U MINH THƯỢNG RUỘNG KHÔ NỨT KHÔ NẺ, DÂN THIẾU NƯỚC NGỌT?

Là vì các đập ngăn mặn. Đập ngăn mặn trên kinh Chợ Gạo (vùng ngọt hóa Gò Công) đóng lại hồi mới qua Tết (đầu mùa kiệt). Nếu hôm nay đập ngăn mặn lớn thứ hai ở miền Tây phải mở vì "mặn đã giảm trên sông Tiền", vậy trước đây một hai tháng chắc chắn độ mặn trên sông Tiền phải thấp hơn lúc cuối mùa kiệt như thế này. 

Đầu mùa kiệt vội vã đóng cống ngăn mặn khi nước chưa mặn khiến cho vùng Gò Công thiếu nước ngọt, khô hạn nứt nẻ, dân trở tay không kịp.

Đập Cái Lớn Cái Bé thì ngăn mặn ở biển Tây. Ngăn mặn và thiếu nước ngọt nên vùng U Minh Thượng đất khô nứt nẻ xì phèn là hiển nhiên.

HỎI: NẾU KHÔNG NGĂN MẶN THÌ SAO?

Thì vùng bị mặn xâm nhập sẽ là nước lợ. Như vùng ngọt hóa Ba Lai, cống đập Ba Lai vô dụng, cả vùng bị nhiễm mặn trong mùa kiệt cũng đâu có sao, từ xưa vẫn vậy. Tới mùa mưa thì nước ngọt trở lại, lại trồng lúa.

Nếu không ngăn mặn thì cây trái, lúa... sẽ bị thất thu. Đó là vì cố tăng vụ lúa trên vùng có thể bị mặn. Tính trên lý thuyết bao nhiêu hecta hưởng lợi vì không nhiễm mặn nhưng thực tế thiếu nước ngọt lúa chết thì ém, không tính thiệt hại. Ruộng đồng nứt nẻ xì phèn thì ém không tính thiệt hại, Bao nhiêu nguồn lợi thủy sản bị thất thu vì cái đập cũng ém luôn. 

Và bây giờ giữa cao điểm "hạn mặn" thì tuyên bố mặn trên sông Tiền đã giảm để mở cống! Lý do thực là gì???

Đập Cái Lớn Cái Bé ở hướng biển Tây thì khác biển Đông. Thủy triều biển Tây thấp hơn biển Đông, và chế độ triều là nhật triều (ngày một lần) nên dòng chảy ngước từ biển vào sông yếu hơn bên biển Đông nhiều. Theo tỉnh Kiên Giang thì  năm nay mặn xâm nhập vào sông Cái Lớn có thể 47-57km (là xâm nhập nhiều, sâu) nếu không đóng cống. Bên biển Đông thủy triều lên cao hơn, mặn xâm nhập mạnh hơn nhưng tỉnh Tiền Giang tuyên bố sông Tiền đang giảm mặn. Vậy tin ai đây???

Sông Cái Lớn vậy còn  kinh Vĩnh Tế thì sao? Kinh Vĩnh Tế nối từ sông Hậu ra biển Tây, kinh dài  87km. Nếu mặn xâm nhập từ biển Tây theo mức độ ở sông Cái Lớn thì sẽ vào hơn 2/3 chiều dài kinh. Mà kinh này đưa nước sông Hậu vào tứ giác Long Xuyên. Đến nay vùng lúa tứ giác Long Xuyên vẫn bình thường. May phước! chưa ai nghĩ ra chuyện đắp đập ngăn mặn ở kinh Vĩnh Tế.

Để giải bài toán NƯỚC ở đồng bằng phải đặt lại vấn đề, không thể cứ NGĂN MẶN mà không đủ nước ngọt, để thiệt haị chồng lên thiệt hại. Đập đã xây thì khó phá bỏ, sẽ như đeo cục nợ... đời!

(còn tiếp về LŨ)

Hình:




Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

MIỀN TÂY: VÙNG CHÂU THỔ BỊ TÀN PHÁ (bài 6)

 ĐẬP SÔNG CÁI LỚN CÁI BÉ: THẤT BẠI ĐƯỢC THẤY TRƯỚC.

Như các bài trước đã nói, vùng đồng bằng Cửu Long lấy nước ngọt tưới cho vườn ruộng là từ sông Tiền, sông Hậu. Ở bán đảo Cà Mau có thêm các sông Cái Lớn từ Vị Thanh , sông Cái Bé từ Giồng Riềng, cả hai sông đổ ra biển Tây, chỗ Rạch Giá. Hai con sông này nối với sông Hậu nhờ hệ thống kinh được đào từ hồi thời "thực dân' Pháp,"đế quốc" Mỹ. Phía mũi Cà Mau thì hệ thống sông kinh rạch chằng chịt nối hai bờ biển Đông Tây. 

Thuận theo tự nhiên thì mùa mưa nước sông nhiều, chảy mạnh, thủy triều ở biển đẩy ngược vào sông không nhiều, nên mùa mưa nước sông ngọt ra tới gần biển. Mùa kiệt nước sông chảy yếu, nước biển xâm nhập sâu vào dòng sông, gọi là "hạn mặn". Người xưa trồng lúa trồng cây nuôi tôm nuôi cá, đánh bắt tôm cá tự nhiên đều dựa theo mùa vụ, nước sông, nước mưa, nước ngọt, nước lợ nước mặn theo mùa, thích hợp lúc nào thì làm lúc ấy, không bắt thiên nhiên phải theo ý con người.

Các công trình thủy lợi NGỌT HÓA ở đồng bằng Cửu Long đều là muốn đi ngược tự nhiên. Mùa nước mặn, nước lợ mà vẫn muốn trồng lúa, vẫn muốn trồng cây ăn trái nhạy cảm với nước mặn. Vậy là đắp đập ngăn nước mặn từ biển vào, và phía trong đập, theo lý thuyết là nước ngọt. Nước ngọt này sẽ tưới hoa màu vườn ruộng. Bi kịch là đây: nước ngọt không đủ khiến cho lòng sông và các chi lưu của sông cạn nước, lưu vực sông cũng bị khô nứt. Rồi chuyện phải đến ruộng đất khô cạn sẽ bị xì phèn lên. Đất khô gây nứt nẻ, sập đường đi, sập bờ kinh. 

Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau lần trước đã bị tình trạng xì phèn lở đất, mùa kiệt phải mở cống cho nước mặn vào trám phèn, ngăn lở, hóa ra cống đập vô tác dụng. Mùa mưa thì dòng chảy bị ngăn nghẽn khiến trong đập bị ô nhiễm vì nước mưa không rút được nhanh. (Thử tưởng tượng chỉ một cái nhà mà bị mưa làm ngập vài ngày là ô nhiễm rồi, huống chi cả một vùng đọng nước, không thoát được).

Dự án ngọt hóa Cà Mau khi trước đã thất bại, cống đập vô dụng, âu thuyền bỏ hoang, thì đến năm 2018 "ai đó" lại vẽ ra dự án đập sông Cái Lớn Cái Bé, cũng với cơ sở lý luận y chang như dự án ngọt hóa Cà Mau lần trước, chỉ khác hơn là lần này vùng ngọt hóa nhỏ lại. Tuy bị nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia độc lập nhưng dự án vẫn được tiến hành và đưa vào sử dụng năm 2022. 

Năm nay đập Cái Lớn Cái Bé đóng ngăn mặn thành công, mà trong đồng thì không có nước ngọt thì làm sao "giữ ngọt". Đồng ruộng kinh rạch khô queo xác xơ, đường đi nứt, sụp. Huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) mới công bố thiên tai. Thiên tai là hạn hán ư? Hạn hán mà cứ để nước mặn xâm nhập thì bất quá ngưng một mùa lúa, chờ mùa mưa thì làm lại, có chết "thằng tây" nào. Đắp đập ngăn sông làm khô nước, đồng ruộng xì phèn nứt né, đường sụp, cầu gãy. Đắp đập mà không có nước ngọt thì mùa lúa cũng tiêu, mà thêm đất sụp xì phèn  gây hậu quả nghiêm trọng, hết mùa hạn mặn cũng không khắc phục nổi. Vậy thiên tai này do hạn hán hay do đắp đập.

Dân miền Tây thích sông sâu nước chảy. Nước sông nước hồ có đặc tính tự làm sạch. Nước có lưu thông thì mới có sự sống, nước bị ngăn dòng là trái tự nhiên, phản khoa học. Nhứt là khi ngăn dòng mà không có nghiên cứu thấu đáo dựa trên cơ sở khoa học thì thất bại là việc hiển nhiên. Nhìn lại, toàn bộ các dự án "ngọt hóa" từ Gò Công, Ba Lai đến Cà Mau đều thất bại thê thảm, hậu quả nhãn tiền chứ không cần đợi "hết nhiệm kỳ". 

Dân có biết không? dân biết nhưng thấp cổ bé họng làm sao nói? Nhà khoa học mà còn nói không lại với các đỉnh cao trí tuệ thì dân nào có cửa. Tuy nhiên dân không nói mà sẽ làm. Dân Cà Mau bửa đập phá cống là một thí dụ.

HÌnh: Bản đồ khu vực dự án đập Cái Lớn Cái Bé, huyện U Minh Thượng (viền đỏ) cặp sông Cái Lớn đang công bố thiên tai.

Bài báo công bố thiên tai




Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

MIỀN TÂY: VÙNG CHÂU THỔ BỊ TÀN PHÁ (bài 5)

 Bài 5: CÁC CÔNG TRÌNH NGỌT HÓA THẤT BẠI;

NGỌT HÓA BÁN ĐẢO CÀ MAU

Bán đảo Cà Mau là vùng trên bản đồ, từ vạch tím về phía Nam, đến mũi Cà Mau. Từ vạch tím lên phía bắc là vùng Thốt Nốt, Cần Thơ là miệt vườn sông sâu nước chảy vườn tốt ruộng tốt từ hồi xửa xưa, không cần làm thêm thủy lợi gì nữa.

Trong bán đảo Cà Mau có mấy vùng khác nhau về thổ nhưỡng, chế độ thủy văn, hệ sinh thái. Vùng Mũi Cà Mau, (trên bản đồ là địa phận tỉnh Cà Mau) có các con sông đổ ra biển Đông, biển Tây (vịnh Thái Lan). Vùng này kinh rạch chằng chịt, nước sông chịu ảnh hường của thủy triều hai phía biển. Khi thủy triều lên nước biển hai phía Đông Tây chảy vào sông và gặp nhau ở vùng mà người địa phương gọi là vùng "giáp nước". Vì thủy triều biển Đông cao hơn biển Tây nên vùng giáp nước lệch về phía Tây. Hiện nay còn địa danh cầu Giáp Nước. Mùa khô thì nước mặn vô sâu nội địa nhưng mùa mưa thì nước ngọt, nước lợ. Vùng này xưa kia là rừng đước rừng tràm. Sau khi khai phá (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) thì người ta trồng lúa trong mùa mưa nước ngọt, mùa nắng thì nuôi tôm cá quảng canh, tức là cuối mùa mưa sau khi thu hoạch lúa thì cho nước mặn tràn vô, đem theo cá tôm giống. Giữ nước lại nuôi trong vài tháng, khi tới mùa kiệt, nước mặn nhiều thì đánh bắt lên bán và để ruộng tự nhiên chờ đến khi mưa xuống đủ ngọt lại trồng lúa. Đại khái là giống như mô hình lúa tôm bây giờ nhưng nuôi,trồng hoàn toàn tự nhiên. 

Vùng phía đông bắc tỉnh Cà Mau tức là Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, từ thời "thực dân" Pháp họ đã đào nhiều kinh dẫn nước từ sông Hậu vô. Kinh Xà No từ rạch Cần Thơ tới sông Cái Lớn ở Vị Thanh (đường số 1 trên bản đồ). Ngã Bảy, Ngã Năm là nơi bảy con kinh, năm con kinh từ đó tỏa đi khắp miền Hậu Giang. Kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp từ Ngã Bảy tới Cà Mau, đi qua Ngã Năm (đường số 2 trên bản đồ). Nhờ hệ thống kinh đào này mà vùng Bạc Liêu được khai phá trở thành vùng đất ruộng cò bay thẳng cánh. Điền chủ ở Bạc Liêu là đại điền chủ so với các điền chủ ở Gò Công, Trà Vinh... là những vùng đất "cũ" khai phá từ trước. Công tử Bạc Liêu giàu có cũng nhờ cha là đại điền chủ xứ Bạc Liêu. Từ đầu thế kỷ 20 cho tới trước 1945 lượng lúa xuất cảng của miền Tây cứ tăng theo thời gian.

Dưới thời "đế quốc Mỹ", nhờ luật Người Cày Có Ruộng của VNCH và khoa học Canh Nông được áp dụng mà nghề nông ở vùng bán đảo Cà Mau này phát triển vượt bực. Máy cày, máy bơm nước rất phổ biến. Cho đến trước 1975 thì vùng Ba Xuyên ( Bạc Liêu, Sóc Trăng) có sản lượng lúa cao nhứt miền Tây.

TẠI SAO SAU '75 lại bị thiếu đói? Dài dòng lắm, do chính sách hợp tác hóa sai lầm, do ngăn sông cấm chợ nên vật tư nông nghiệp không lưu thông phân phối được, do cao ngạo nghỉ chơi với đế quốc nên bị cấm vận v.v... nên vùng châu thổ phì nhiêu mà sản xuất lúa gạo bị thiếu ăn, còn tệ hơn thời thực dân Pháp!

Sau khi "mở cửa" năm '86  thì chỉ mấy năm thôi, là năm '89 ta đã lần đầu tiên xuất khẩu gạo sau ngày "giải phóng". Trong mấy năm ngắn ngủi từ khi mở cửa đến khi xuất khẩu gạo đảng ta chưa kịp làm công trình thủy lợi gì ở miền Tây, cũng chưa kịp chỉ đạo gì mà sản lượng lúa vẫn tăng cao. Đang thiếu ăn mà đi đến xuất khẩu gạo thì các đỉnh cao trí tuệ choáng ngợp, bèn nghĩ cách sao cho lượng gạo xuất khẩu được nhiều hơn. Từ đó mới nảy ra các công trình thủy lợi: đê bao "chống lũ" ở tứ giác Long Xuyên, "ngọt hóa" khắp nơi từ bán đảo Cà Mau tới Bến Tre, Gò Công, tất cả là để tăng sản xuất lúa vụ ba. Ở tứ giác Long Xuyên thì bao đê để làm lúa vụ ba luôn trong mùa nước nổi. Những vùng bị nước mặn xâm nhập thành nước lợ trong mùa kiệt thì phải đắp đập ngăn nước biển, phải "ngọt hóa" để làm lúa trong mùa kiệt mới chịu. Tất cả cho sản xuất lúa! 

LÀM SAO ĐỂ NGỌT HÓA?

Nhìn bán đảo Cà Mau, hai bên là biển, phía đông bắc là sông Hậu. Muốn ngăn nước mặn thì phải bịt kín hết những lối thông ra biển, mà ở vùng kinh rạch chằng chịt, đi đường thủy nhiều hơn đường bộ thì việc này khá tốn kém.  Khi đắp đập như vậy thì mực nước hai bên đập sẽ chênh lệch nên phải xây âu thuyền thì thuyền bè mới đi qua được chỗ nước chênh lệch đó. Dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau với rất nhiều cống, đập và một âu thuyền Tắc Thủ, tốn kém nhiều tiền của nhưng thất bại từ trong trứng nước.

VÌ SAO THẤT BẠI?

Vào những năm 199s, dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau được triển khai. Hệ thống cống đập xây lên nhưng nông dân không đồng tình. Xây đập ngăn mặn nhưng nước ngọt không đủ, trồng lúa không trúng mùa mà nuôi tôm không được. Thêm nữa sông rạch bị bít đường chảy gây ô nhiễm nguồn nước. Cuối năm 1998 nông dân Cà Mau hè nhau phá cống bửa đập để lấy nước mặn vào nuôi tôm. Trước áp lực của nông dân, năm 2000 Chính Phủ đã ra nghị quyết cho phép chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang nuôi tôm. Thế là dự án ngọt hóa chết yểu. Vậy mà âu thuyền Tắc Thủ, một hạng mục của dự án ngọt hóa vẫn được khởi công vào năm sau, năm 2001 với kinh phí 80 tỉ đồng lúc đó, từ khi khánh thành là bỏ hoang luôn cho tới bây giờ, trở thành đống sắt thép mục nát!

Những cống đập đã xây thì cứ bỏ ngỏ, nhưng cũng gây ách tắc dòng chảy, nhiều nơi bị bồi lắng, bị ô nhiểm vì nước chưa thoát ra được đã chảy trở vô. Đường giao thông thủy cũng bị trở ngại vì các đập này, nhưng nông dân Cà Mau rất thông minh, họ đã sáng chế một hệ thống ròng rọc kéo ghe thuyền qua đập trong vòng một nốt nhạc!

(còn tiếp kỳ sau: Tái khởi động "ngọt hóa" Cà Mau bằng dự án đập sông Cái Lớn Cái Bé: thất bại được thấy trước)

Hình: Bán đảo Cà Mau




Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

MIỀN TÂY: VÙNG CHÂU THỔ BỊ TÀN PHÁ

CÁC CÔNG TRÌNH "NGỌT HÓA" THẤT BẠI

1/ CỐNG ĐẬP BA LAI

Miền châu thổ sông Cửu Long có nhiều vùng, khác nhau thổ nhưỡng, chế độ thủy văn, về mức độ cao ráo hay trũng thấp. 

MIỆT VƯỜN LÀ GÌ

Là vùng được khai thác đầu tiên trong quá trình mở đất. Các vùng đất cao ven sông rạch là nơi lý tưởng để cất nhà, lập vườn. ĐÀO MƯƠNG LÊN LIẾP là một kỹ thuật làm vườn rất khoa học của dân miền Tây. đào mương lấy đất đắp lên liếp. Liếp rộng hẹp tùy loại cây trồng. Trong một mảnh vườn thì các liếp , mương song song nhau, và mương luôn luôn thông ra sông rạch. Nước từ sông rạch ra vô mang phù sa cho vườn. Mạt liếp cao hơn nước mương chừng 4-5 tấc nên hầu như là không phải tưới vườn. Mỗi năm vét bùn (là phù sa lắng xuống) dưới mương đắp lên mặt liếp một lần, gọi là bồi vườn. Trong miệt vườn cũng có ruộng xen kẽ, chứ không có cánh đồng cò bay thẳng cánh. Nếu đủ tài lực thì người ta sẽ "lên vườn" tức là đào mương lên liếp để lập vườn. Vườn cho huê lợi cao hơn ruộng. Dân miệt vườn ai cũng có mảnh vườn của mình, không có chuyện dân miệt vườn cho thuê hay đi thuê vườn để trồng trọt. Người ta cất nhà trên một liếp vườn, thường là quay mặt ra sông rạch.

Như đã nói bài trước, miệt vườn vùng gần biển thì sẽ có mùa nước lợ, người ta trồng dừa. Lên xa biển hơn, nước ngọt quanh năm thì trồng cam, xoài, vú sữa, sầu riêng v.v... Vùng nước ngọt thì người ta uống nước sông. Vùng có vài tháng nước lợ thì hứng nước mưa uống. Nước tắm giặt thì cuối mùa mưa người ta đắp một cái đập trong một con mương vườn sát nhà để giữ nước ngọt trong con mương đó mà xài. Các con mương khác trong vườn vẫn thông với sông rạch. Hết mùa hạn thì phá đập ra để lấy nước sông trở lại

Ở chỗ đất GIỒNG thì đào giếng lấy nước ngọt. Giếng đào 5-10m là có nước. Đất giồng gần biển cũng đào được giếng nước ngọt quanh năm.Trong miệt vườn có nhiều địa danh GIỒNG : Giồng Trôm, Giồng Tre, Giồng Trường, Giồng Quéo...

Nói chung là dân miệt vườn không thiếu nước ngọt, nước cho canh tác và nước uống. 

ĐẬP BA LAI

Là cái đập xây để chặn nước mặn từ biển vào sông Ba Lai. Dự án "ngọt hóa" cho miệt vườn hai bên sông Ba Lai, từ sông Cửa Đại đến sông Hàm Luông gồm các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại và Thành phố Bến Tre, nghĩa là hơn một nửa tỉnh Bến Tre. Đập được khởi công năm 2000 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2002.

Bến Tre là tỉnh ven biển, sông bao bọc khắp phía. Từ xưa người dân đã sinh sống trồng trọt cày cấy, đánh bắt tôm cá v.v...thuận theo sự xoay vần  tự nhiên của mưa nắng, con nước. Nước ngọt thì làm gì, nước lợ làm gì, mưa trồng gì, nắng trồng gì thì nông dân đã thành thuộc. Tự nhiên bây giờ "ngọt hóa" hết thảy, rồi nói nhờ ngọt hóa mà thau chua rử phèn gì đó. Có chua có phèn đâu mà thau mà rửa???

Ngăn dòng chảy sông làm cho những người làm nghề đóng đáy thất thu nặng nề. Nước bị ngăn lại làm cho miệt vườn không còn là nơi sông sâu nước chảy, liếp vườn hết phù sa, mương vườn thành nơi ao tù nước đọng. Ngọt hóa không làm tăng năng suất cho vuờn cho ruộng, cũng không chuyển đổi được từ cây dừa sang cây sầu riêng. Chỗ đang nuôi tôm thì nước không đủ mặn để nuôi, chỗ đang làm muối thì nước không đủ mặn để làm muối, đành thất nghiệp!

Ủa, tai sao cứ phải ngọt hóa để trồng lúa, trái cây? Giá lúa rẻ mạt, có tăng thêm bao nhiêu đi nữa thì cũng đâu thêm được nhiêu tiền. (Bán bao nhiêu tấn lúa mới mua được một cái Iphone?) mà đổi lại hệ sinh thái bị đảo lộn, kinh kế của người dân bị đảo lộn, và nếu nhận ra sai lầm thì không thể vãn hồi được!

Nhưng ngọt hóa cũng đâu có thành công, không biết do kỹ thuật đắp đập hay do gì khác mà rồi nước mặn cũng vô tuốt luốt. Năm 2016, 2020 ở quê nội tôi xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm ở trong vùng ngọt hóa, mà cũng bị "hạn mặn" gay gắt như ai ở vùng không được ngọt hóa!

Lắm lúc tôi cũng suy nghĩ, hay là chuyện ngọt hóa này có ẩn tình gì chăng?

Trên đây là tôi nói theo thực tế tai nghe mắt thấy vì tôi quê Bến Tre. Người dân thấp cổ bé họng nói ai nghe? Nhưng hồi năm 2018 một số nhà khoa học độc lập có lên tiếng đòi đánh giá hiệu quả của cống đập Ba Lai sau 16 năm vận hành để rút kinh nghiệm cho những dự án ngọt hóa khác sắp triển khai, nhưng tất cả đều bị bỏ qua, và lại một dự án ngọt hóa mới toanh vừa hoàn thành trong năm 2022 ở Kiên Giang.

(Còn tiếp: Ngọt hóa bán Đảo Cà Mau, đã thất bại nhưng vẫn xây đập tiếp)

HÌnh: Vùng ngọt hóa của đập Ba Lai 

Cù lao đánh dấu sao: sáu tháng nước ngọt sáu tháng nước mặn. Trên cù lao có giếng nước ngọt quanh năm. Tôi đã đi đến cù lao đó.






Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

MIỀN TÂY: VÙNG CHÂU THỔ BỊ TÀN PHÁ

Bài 3: VÙNG "NGỌT HÓA" THIẾU NƯỚC NGỌT, VÌ ĐÂU?

"HẠN MẶN" là gì?

Biển Đông của Việt Nam có chế độ thủy triều là "bán nhật triều", nghĩa là một ngày có hai lần thủy triều lên/xuống (điều này đã được học trong bài địa lý hồi tiểu học). Giờ thủy triều lên xuống thay đổi mỗi ngày tùy theo vị trí của mặt trăng đối với trái đất. Mỗi tháng có hai lần thủy triều lên cao nhứt là vào đầu tháng và giữa tháng âm lịch, (là lúc mặt trăng gần trái đất nhứt), dân miền Tây gọi là CON NƯỚC RONG, từ mới bây giờ gọi là TRIỀU CƯỜNG.

Mỗi ngày khi thủy triều lên, nước biển dâng cao thì nước từ cửa biển sẽ chảy ngược vào sông một đoạn, và làm nước sông và các kinh rạch gần biển dâng lên cao một chút, dân trong vùng gọi là nước lớn, độ một giờ sau thủy triều xuống, nước sông chảy lại chảy ra biển, dân trong vùng gọi là nước ròng. Vùng có con nước lớn ròng ở miền Tây là vùng gần biển Đông của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Phía vịnh Thái Lan (biển Tây) có Cà Mau, Rạch Giá, Kiên Giang. Thủy triều biển Tây thấp hơn thủy triều biển Đông.

Vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, lưu lượng nước sông Cửu Long lớn, mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau lưu lượng nước nhỏ bằng phân nửa hoặc ít hơn khi mùa mưa (Lưu lượng là thể tích nước chảy trong một giây, ở đây nói trung bình cho cả mùa). Hiểu nôm na lưu lượng là nước nhiều/ít làm dòng chảy sông mạnh/ yếu.

HỒI XƯA, mùa mưa lưu lượng nước lớn, dòng sông chảy mạnh ra biển, khi thủy triều lên nước biển đẩy ngược vào sông không được bao xa thì nước ròng lại bị đẩy ra nên mùa mưa nước sông ngọt hầu như tới sát cửa biển. Mùa kiệt thì khi thủy triều lên nước mặn đẩy vô sông xa hơn, nhưng cách biển 20km thì suốt mùa kiệt là nước lợ, dân gọi "nước pha chè", uống không ngon nhưng vẫn uống được, tắm giặt cũng được, không bị rít. Cây dừa vẫn sống khỏe, cho trái bình thường.

Khoảng 10 năm trở lại đây, do thượng nguồn sông từ Trung Quốc xuống Miến Điện, Lào, Thái lan...có nhiều đập thủy điện và do vài lý do khác nên lượng nước sông Cửu Long trong mùa kiệt ít hẳn, khiến dòng chảy sông yếu lại, khi thủy triều lên thì nước biển đẩy sâu hơn vào dòng sông, và càng cuối mùa kiệt thì nước mặn càng đẩy sâu hơn, từ mới bây giờ báo chí gọi là HẠN MẶN.

Năm 2016 là năm hạn mặn khốc liệt, nhưng năm 2020 khốc liệt hơn. Năm 2020 trên sông Hàm Luông (là một cửa của sông Tiền) nước mặn lên tới Cái Mơn (chỗ đánh dấu ngôi sao trong bản đồ) là nơi mà nước ngọt quanh năm từ hồi "mở cõi" đến nay, khiến cho cây sầu riêng, là đặc sản của vùng Cái Mơn chết sạch. Vùng Cái Mơn từ đó không còn là vùng cây trái ngọt lành nữa rồi dù không phải năm nào nước mặn cũng xâm nhập tới!

VÌ SAO "NGỌT HÓA" không hiệu quả?

Ngọt hóa là từ mới, để chỉ các dự án ngăn nước mặn vô vườn ruộng, để bảo vệ lúa và cây trồng. Dự án ngọt hóa ở vùng châu thổ Cửu Long nhiều vô kể. Dự án lớn có: "Ngọt hóa bán đảo Cà Mau", "dự án cống đập Ba Lai", "dự án ngọt hóa Gò Công". Mới nhứt có dự án "ngọt hóa vùng sông Cái Lớn Cái Bé". Các dự án này tôi sẽ nói kỹ hơn ở các bài sau. Hôm nay nói về dự án ngọt hóa Gò Công, vì hiện nay Gò Công đang bị hạn mặn khốc liệt, báo chí la làng, người vùng khác nghe tưởng cả miền Tây đang chết khô.

Vùng dự án ngọt hóa Gò Công là ngọt hóa vùng từ kinh Chợ Gạo về phía đông, bao gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công và Gò Công Đông (xem bản đồ). Các kinh rạch nối ra sông Cửa Tiểu (phía dưới) và sông Vàm Cỏ (phía trên) đều xây cống đập để ngăn nước mặn vào khu vực.

Năm hạn mặn 2020 mặn xâm nhập sâu tới Cái Mơn, cách cửa biển khoảng 60 cây số. Quê nội tôi ở Hưng Nhượng Bến Tre cách biền khoàng 20 cây số (chỗ đánh dấu trái tim trên bản đồ) nước mặn không tắm giặt được. Năm nay, tới thời điểm này (20-04-2024) ở xã Hưng Nhượng quê tôi nước vẫn pha chè, còn tắm giặt được, chỉ không uống được mà thôi. Vậy mà sao năm nay vùng ngọt hóa Gò Công lại bị "hạn mặn" khốc liệt hơn năm 2020?

Nhìn vào bản đồ ta thấy những kinh rạch trong vùng ngọt hóa lấy nước ngọt từ sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Khi nước sông mặn thì đóng cống lại để ngăn mặn. Như đã nói ở phần trên, nước sông mặn theo thủy triều, khi thủy triều lên thì nước biển đẩy vào, khi triều xuống thì nước ngọt trên nguồn đẩy xuống, nước mặn lui ra chứ không phải mặn suốt ngày đêm. Vận hành cống thì canh lúc nước triền xuống mở cống cho nước ngọt vào, khi triều lên thì đóng cống cho nước mặn không xâm nhập. Một ngày có hai lần thủy triều lên xuống, mỗi lần 2 tiếng từ khi nước chảy ngược đến lúc nước chảy xuôi, tính ra là thời gian sông chảy ngược ngắn hơn khi chảy xuôi rất nhiều.

Không biết do "quan trắc" độ mặn (đo độ mặn) ở cửa cống sai hay do đóng cống trước để ngăn mặn cho chắc mà lượng nước lấy vô đồng thiếu, khiến cho cả vùng vốn dùng nước ngọt từ sông Vàm Cỏ và sông Tiền để tưới ruộng vườn mà ĐỘT NHIÊN bị ngăn dòng nước khiến cho nông dân trở tay không kịp. Đến lúc kinh rạch, vườn ruộng nội vùng bị khô nứt nẻ thì lại sinh nạn xì phèn ở ruộng và lở đất bờ kinh rạch. Lúc này canh mở đóng cống để lấy nước ngọt thì cũng đã muộn màng, vì nước đã mặn nhiều hơn (nhưng đài báo đang ca ngợi đội ngũ canh cống). Nước uống dễ tiếp tế chứ nước cho ruộng vườn thì không thể nào khắc phục kip!

Dù vì lý do gì đi nữa thì dự án ngọt hóa Gò Công đã thất bại hoàn toàn ở mùa kiệt năm nay. Ngăn mặn nhưng ngăn luôn nước ngọt thì thật là vô ích. Ở xã Hưng Nhượng (Bến Tre) quê tôi, gần biển hơn vùng Chợ Gạo, Gò Công Tây mà mùa kiệt năm nay nước mặn chưa đủ ảnh hưởng đến vườn dừa. Nước uống từ nước mưa tích trong mùa mưa cũng còn đủ. Thế nhưng thành phố Bến Tre, Châu Thành Bến Tre, những chỗ xa biển hơn quê tôi nhưng xài nước máy thì nước đều bị nhiễm mặn vì lấy nước từ sông lớn.

(Bài tôi viết từ kinh nghiệm thực tế của người dân vùng châu thổ, không phải bài nghiên cứu khoa học nên tôi không dẫn các số liệu vì sẽ rườm rà, khó nắm bắt. Nếu muốn thì bạn đọc có thể tra cứu độ xâm nhập mặn các năm 2016, 2020, 2024 để biết thêm chi tiết.)

Hình: Bản đồ vùng ngọt hóa Gò Công và các địa điểm có nhắc trong bài.

(còn tiếp Bài 4: các "miệt" ở vùng châu thổ Cửu Long, người dân lấy nước ngọt ở đâu)