Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

HẾT MÙA NƯỚC!

 Hổm rày tui ít viết, có vài bạn bè nhắn tin hỏi thăm. Cám ơn các anh chị em quan tâm.

Muốn viết thì phải tốn chút công phu, thời gian. Vậy mà có người còn chê là tui chỉ ngồi nhà hỏi em Gồ!
Ừ thì đi, mới đi Tịnh Biên, vùng không có đê bao. Nước đã rút cạn rồi, chuẩn bị vào mùa khô hạn!
HẾT MÙA NƯỚC!
Ngày rằm tháng chín là ngày nước lên đỉnh điểm, sau đó sẽ rút dần. Thời điểm ấy gọi là "nước phân đồng". Từ đó đến rằm tháng mười là nước rút cạn đồng, là mùa "cá ra".
Cá theo dòng nước lên đồng, tung tăng ở đó mấy tháng, khi nước rút thì cá theo nước xuống kinh, ra sông. Không ra kịp sẽ bị chết cạn trên đồng khi nước rút hết.
Người ta lợi dụng lúc nước rút chặn lưới ở chỗ vàm mương chảy ra kinh rạch, kinh rạch chảy ra sông để bắt cá. (Vàm là chỗ ngã ba sông, kinh, rạch, nơi dòng nhỏ đổ ra dòng lớn).Trên ruộng có đìa thì khơi thông dòng nước chảy vào đìa để cá vào. Khi nước trên đồng cạn thì cá cũng mắc kẹt trong đìa, tùy ý chủ đìa muốn xử lúc nào thì xử.
Mùa cá ra cũng là mùa làm mắm. Chính vì có mùa nước nổi, mùa cá ra mà xứ Châu Đốc là xứ mắm nổi tiếng. Cá linh, cá sặc, cá chốt, cá trèn, cá lóc.... nhiều nhiều các loại cá có thể làm mắm. Thông dụng nhứt là mắm cá linh, dùng để làm mắm kho (mà giờ vô nhà hàng sang chảnh biến thành lẩu mắm), mắm chưng. Cá linh mùa nước không tính bằng ký mà tính bằng giạ, như giạ lúa giạ gạo. Xứ nước nổi có câu "rẻ như cá linh" để chỉ thứ gì nhiều mà rẻ. "Lềnh như cá linh" để chỉ cái gì nhiều thật nhiều như cá linh lềnh (bềnh) trong nước mùa cá ra.
Mùa này là mùa ủ cá linh làm nước mắm, vì cá nhiều và rẻ. Thế nhưng đi chợ quê chẳng thấy rẻ cũng chẳng thấy nhiều là đủ biết cá nhiều hay ít rồi. Dân xứ cá giờ cũng ăn nước mắm hóa chất Nam Ngư như ai thôi!
Mùa nước nổi xưa bị gán tên mùa lụt nên đắp đê bao. Giờ thì nước nổi lại được lăng xê quá xá. Nhưng đê bao vẫn còn, đồng ruộng trong đê lúa đang chín, ngoài đê thì nước mới rút. Cá ra loe ngoe không đủ bán chợ, nói chi làm mắm. Báo đài thì chụp hình mùa nước đẹp thơ mộng lãng mạn, nông dân thì vẫn nghèo dù trong đê hay ngoài đê cũng vậy.
Vùng nước nổi là đồng bằng, không có trũng nha. Nước ngập lên vì sông không chảy kịp trong mùa nước lớn, hết mùa nước thì nước tự động rút tuột xuống sông. Muốn chứa nước lại như một vài "chuyên gia" gợi ý thì phải đào hồ hoặc đắp đập chứ vùng nước nổi nó hổng có tự nhiên chứa được nước, hổng có là "túi nước" như các "chuyên gia" hiểu lầm nha. Như Biển Hồ Campuchia mới đúng là "túi nước".
Đã hết mùa mưa, sắp tới mùa khô hạn. Báo chí lại có đề tài "hạn mặn" để đưa tin. Người nông dân thì hết ngày dài lại đêm thâu cố gắng chống chọi để sống sót trên mảnh đất mang tiếng là màu mỡ...
Hình1: nước đã rút trên cánh đồng ngoài đê.
H2: trong đê lúa đang chín vàng. Hai cánh đồng ở Tịnh Biên, cách nhau con kinh Tha La.



Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

NHÀ SÀN


Nhà sàn là nhà "có chân", sàn nhà cách mặt đất một khoảng cao hoặc thấp tùy nhu cầu của gia chủ. Đi lên nhà sàn phải có cầu thang.
Người Thượng ở Tây Nguyên ở nhà sàn chắc ai cũng biết, nhưng người miền Tây, đồng bằng Cửu Long ở nhà sàn thì lại ít người biết!
Dân miền Tây ở nhà sàn vì có mùa nước nổi. Chỉ vùng nước nổi đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp mới có nhà sàn. Xuôi về hạ lưu, các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang và các timhr ven biển đều không thấy có nhà sàn. À, trừ khi người ta cất nhà trên ao, hồ, kinh, rạch, sông thì phải cất nhà sàn. Hồi xưa Sài gòn cũng nhà sàn chi chít trên kinh rạch!
Ở miệt vườn không có mùa nước nổi thì người ta cất nhà trong vườn, xa xa mới có một cái nhà vì vườn ai cũng lớn, tính bằng công bằng mẫu, không có cảnh nhà cửa san sát nhau như phố thị.
Thế nhưng ở vùng nước nổi người ta không ai cất nhà trơ trọi ở giữa đồng trên mảnh đất của mình, mà nhà cửa luôn cất dọc theo đường lộ, theo bờ kinh, cũng san sát nhau không thua gì nơi phố thị. Vì sao vậy?
Vì khi nước lên, cánh đồng thành biển nước, không thể cất nhà trơ trọi giữa đồng sẽ bị sóng, gió nguy hiểm. Khi mùa khô về thì giữa đồng lại không có nước sinh hoạt.
Các đô thị trong vùng nước nổi như Tân Châu, Hồng Ngự, Châu Đốc v.v... đều được lập ở những vùng đất cao tự nhiên hoặc do tôn tạo để mùa nước không ngập hoặc ngập chút ít. Các con đường trong vùng nước nổi cũng được đắp cao để không ngập.
Các con kinh xáng khi được đào thì đất đổ lên hai bờ kinh sẽ được sửa sang thành đường giao thông không ngập nước, và dân cư liền cất nhà cặp theo đường lộ. Cất nhà sàn cao bằng mặt lộ là không bị ngập.
Nhà sàn của người trung nông vùng nước nổi rất vững chãi và đẹp. Nhà có thể cất kiểu sắp đọi hoặc chữ đinh, sàn ván, lợp ngói. Cột sàn gọi là cây "nống" (hay "nóng"?) Làm bằng đá hoặc xây xi măng. Các cột nhà bằng gỗ được đặt trên các đầu nống này mà không cần kết dính bằng xi măng hay gì khác, giống như kê cột trên tán của nhà trệt. Nhà sàn sẽ tự vững chắc trên bộ nống nhờ chính sức nặng của nó.
Nếu nhà sàn trơ trọi giữa đồng mà nước lớn gần mặt sàn thì sóng đánh từ dưới sàn lên có thể nâng luôn cái nhà rời khỏi bộ nóng. Nhưng nếu cất nhà dựa lộ thì sóng vô bị lộ chắn lại, không lớn nên nhà sẽ an toàn.
Nhà tui là nhà sàn, kiểu chữ đinh. Trước nhà là quốc lộ, sau là đồng ruộng nước nổi. Nhà cất cao bằng mặt lộ, sân đắp cao bằng lộ nên từ trước vào nhà không cần cầu thang. Năm 2000 nước rất cao, quốc lộ nhiều đoạn bị ngập nên sau đó đường được nâng lên hơn một thước, nhà thấp hơn đường nên phải nâng lên bằng đường.
Nhà dọc đường quốc lộ hay "trong kinh" thì bây giờ người ta cũng xây nhà lầu nhà đúc như thành phố. Nhà sàn chưa bị dẹp để xây mới cũng còn kha khá. Nhà tui là một trong những nhà sàn đó.
Hình 1: những cây nống dưới sàn nhà tui
H2: sàn ván nhà tui, hai miếng ván màu sáng là mới thay gần đây.
H3: đường lên nhà sàn (nhà người ta)





Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

MÙA NƯỚC NỔI: "NƯỚC PHÂN ĐỒNG" là gì?


Hôm nay là ngày Rằm tháng chín âm lịch, theo kinh nghiệm của người dân vùng nước nổi thì nước dâng lên từ từ suốt từ tháng sáu tháng bảy, đến hôm nay là ngày con nước rong giữa tháng chín mực nước ngang đâu thì giữ đó, sẽ không dâng lên thêm nữa trong thời gian tới. Mực nước giữ nguyên trong thời gian ngắn rồi từ từ rút xuống. Thời điểm nước hết lên mà chưa rút gọi là NƯỚC PHÂN ĐỒNG.
Mực nước lúc "phân đồng" năm nay thấp, chỉ ở mức báo động một. Mà năm nay vẫn như những năm trước, đồng ruộng vẫn có đê bao, lúa vẫn đang xanh rì, cây dừa cây xoài vẫn được "bảo vệ" để không bị ngập.
Vùng ngoài đê bao là "bìa chéo" diện tích không đáng kể so với trong đê. Ngoài đê thì năm nào cũng ngập, nhiều hoặc ít. Năm nay báo chí tự nhiên sực nhớ hay sao mà ca ngợi mùa nước nổi quá trời làm người ở xa tưởng đâu xứ nước nổi đã phá đê bỏ đập!
Nếu đã bao đê một vùng lớn thì ngoài đê sẽ ngập nhiều nếu so với ngập cả trong, ngoài. Mà ngoài đê năm nay nước thấp chứng tỏ lượng nước trên nguồn về không nhiều, sông Mekong ít nước trong mùa nước đổ là có thật!
Nước ngập vùng đầu nguồn sông Tiền sông Hậu không phải do vùng này trũng, thấp mà là do nước sông về nhiều, chảy không kịp nên tràn bờ. Khi nước rút là rút cái rẹt ra sông, nếu không bị chặn lại thì nước rút khô đồng rất nhanh. Nước rút nhanh hơn khi nước lên rất nhiều.
Cho nên nếu có ai đó cho rằng không đắp đê bao để nước tràn vô tự do, góp phần giữ nước cho mùa khô là hiểu lầm. Phải có hồ có trũng mới giữ nước được (như hồ Tonle Sap - Biển Hồ) chứ không thì nước rút tuột xuống sông hết, chỗ nào đâu mà giữ! Nước dù lớn dù nhỏ thì trong tháng mười cũng rút cạn đồng, có đâu mà để cho mùa khô!
Đồng Tháp Mười cũng có vài chỗ trũng, mùa khô xem xép nước chứ cũng không chứa được bao nhiêu nước. Qua lúc nước phân đồng thì Đồng Tháp Mười cũng dần bị rút nước ra sông như ai thôi!
Cho nên chuyện trữ nước cho mùa khô là phải xây đập, làm hồ chứa chứ không tự nhiên mà giữ được ở hai "túi nước" trong mùa nước là Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười như lời "đồn đại". Nếu thật sự đắp đập để cho hai vùng này thành hồ chứa thì mất béng diện tích lúa cao sản của hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Bài toán này khó giải trên thực tế!
Năm nay mùa nước nổi mực nước thấp báo hiệu mùa kiệt sắp tới mặn sẽ xâm nhập sâu. Nước nổi, nước kiệt, mặn xâm nhập, đắp đê ngăn mặn, đắp đê ngăn "lũ"... cứ xà quần xà quần không hiệu quả. Hây da! Tui là nông dân miền Tây cũng rầu lòng lắm thay!
Hình 1: nước nổi trên đồng ngoài đê bao, cái vó đặt trên dòng kinh mấy cây lơ thơ là bờ kinh.
H2: đồng lúa xanh rì trong đê bao
H3: nhà sàn trong vùng nước nổi xưa, giờ trong đê bao, hết ngập lâu rồi!





Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Một chục là bao nhiêu?

 

Một chục là mười chứ nhiêu mà hỏi. Nếu người xứ khác mà lần đầu đến Sài Gòn rồi xuống miền Tây mà mua trái cây thì sẽ ngỡ ngàng vì một chục không phải là mười.
Nhưng đó là chuyện hồi xưa, hai ba chục năm trước. Hay nói gọn hơn là hồi thế kỷ trước! Hồi đó trái cây ở miền Tây người ta đong đếm chứ ít khi cân. Ở nhà vườn bán trái cây cho lái thì tính cần xé, trừ dừa là tính chục. Trái cây bán lẻ ở chợ thì đa số đều tính chục, trái nhỏ như chùm ruột, sơ ri thì đong bằng lon hoặc lít, trái lớn hơn như chôm chôm, nhãn thì cân ký. Đu đủ, bán trái, chuối bán nải, sầu riêng bán trái hay ký thì không nhớ rõ.
Mà chục trái cây ở miền Tây thì luôn là hơn mười. Ở Sài gòn, xuống Long An, Mỹ Tho, Bến Tre thì chục mười hai. Qua Mỹ Thuận thì chục mười bốn, mười sáu. Tới Cao Lãnh thì chục mười tám luôn! Hồi đó đi qua bắc Cao Lãnh sẽ thấy người ta bán xoài, bày một chục xoài trên cái mâm hoặc cái rổ, chất đầy vun mấy lớp rất đẹp, rất bắt mắt. Khách mua trả giá xong thì người bán sẽ chất chục xoài mười tám trái vô bịch cho khách, có độn một mớ lá chuối khô chống giập.
Các loại bánh quê như bánh ú, bánh ít, bánh tét, bánh dừa, bánh bò, bánh da lợn v.v... lò bánh làm bỏ sỉ cho người bán lẻ ở chợ hoặc bán dạo cũng tính chục mười hai. Đi bán lẻ một chục sẽ lời được hai cái.
Có thứ gì một chục trơn không thêm hay không? Có, đó là trứng gà trứng vịt. Một chục hột vịt lộn là mười trứng thôi, ai đòi thêm là người bán chưng hửng đó!
Bây giờ trái cây lớn nhỏ gì cũng bán ký, hết bán chục lâu rồi. Mà cũng không thấy người ta mua cam đi thăm bịnh hay mua xoài đi đám giố như hồi xưa nữa. À, còn duy nhứt một thứ trái còn bán chục là trái dừa bán tại vườn cho lái, chục mười hai. Ra chợ bán lẻ thì bán trái, mua mười thì tính mười, mười hai tính mười hai chứ không tính chục mười hai đâu nha.
(Viết nhân đọc thấy một bài ai đó nói về miền Tây mua chục trứng được 12 🤣🤣🤣)
Hình: tui hai chục tuổi (chục Cao Lãnh), một lần đi Vũng Tàu.


Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

BÃO YAGI có ảnh hưởng đến châu thổ Cửu Long hay không?

 

Hồi 7-9 cơn bão Yagi đổ bộ vô Hạ Long, Quảng Ninh, sau cơn bão có mưa lớn gây ngập lụt lở đất ở miền Bắc.
Ở lưu vực sông Mekong thuộc Trung Quốc cũng bị mưa lớn do ảnh hưởng bão Yagi. Lượng nước mưa khổng lồ ấy đang gây ngập lụt ở Lào, Thái Lan, mức độ lụt lội chưa từng có trong vòng 30 năm nay. Và lượng nước khổng lồ ấy đang di chuyển xuống hạ lưu, và được "dự báo" là sẽ gây ngập lụt ở đồng bằng Cửu Long trong đầu tháng 10, vì nước lũ của sông kết hợp với con nước rong (triều cường) đầu tháng 9 âm lịch.
Sông Mekong là con sông lớn, phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua sáu nước: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Sông dài, lưu vực rộng, mùa mưa bão thì nước sông cũng dâng lên theo những cơn mưa, rồi cuồn cuộn đổ xuống hạ lưu.
Sông Cửu Long là đoạn cuối của sông Mekong, chảy trên đất Việt. Mùa nước sông đổ về gây ngập đồng bằng thì người miền Tây gọi là mùa nước nổi. Dù thượng nguồn hứng chịu bao nhiêu cơn mưa bão nhưng nước Cửu Long bao đời nay không hề dâng lên theo lượng nước của từng cơn mưa bão. Nước sông cứ "nổi" rất đúng thời gian, rút xuống cũng rất đúng kỳ. Mùa nước không hề bất chợt mà là có chu kỳ rõ ràng, chính xác.
Nước bắt đầu nổi từ mùng 5 tháng 5 âm lịch, nước lên từ từ ngày vài ba phân, lúc lên nhanh cũng chỉ vài ba tấc một ngày. Nước lên tới cuối tháng 8 hoặc giữa tháng 9 âm lịch là đỉnh điểm, rồi nước rút cũng từ từ. Thời gian nước nổi khoảng ba tháng. Đỉnh điểm nước cao thấp tùy năm, mà năm nay là năm nước rất kém).
Tại sao sông Cửu Long không có lũ tức thời khi mưa lớn, rồi nước rút sau vài ba ngày giống như các con sông ở miền Bắc, miền Trung? Tại sao nước lụt dâng từ từ và rút cũng từ từ chứ không hung dữ bạo phát bạo tàn như các dòng sông khác?
Đó là do ở Campuchia có Biển Hồ Tonle Sap. Biển Hồ là một hồ nước ngọt tự nhiên, diện tích mùa khô là 10.000km2, mùa nước diện tích có thể lên đến 16.000km2 (theo Wiki). Trong mùa nước đổ, nước sông Mekong chảy tới Nam Vang sẽ theo dòng sông Tonle Sap chảy vào Biển Hồ. Ở thủ đô Nam Vang có quảng trường bốn nhánh sông chính là chỗ này: một nhánh là dòng chính sông Mekong từ trên nguồn xuống, một nhánh là sông Tonle Sap chảy vào Biển Hồ, hai nhánh còn lại chảy vào Việt Nam là sông Tiền, sông Hậu.
Nhờ Biển Hồ là cái túi chứa nước lũ từ thượng nguồn về nên từ cái ngã tư sông ấy dòng sông trở nên hiền hòa. Nước lũ chứa vào Biển Hồ và một phần chảy vào miền Tây, làm thành mùa nước nổi. Mùa kiệt thì nước Biển Hồ từ từ theo sông Tonle Sap chảy ra ngã tư và xuống sông Tiền sông Hậu. Nước sông Cửu Long mùa kiệt được cung cấp 50% từ nước Biển Hồ.
Năm nay 2024, tuy năm Thìn bão lụt nhưng mực nước sông Cửu Long thấp, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Tại sao thấp thì để các nhà khoa học lên tiếng: tại mưa trên nguồn ít hay tại đập thủy điện hay tại gì đó...
Giờ là thời điểm nước cao nhứt trong năm, rồi sẽ rút dần. Nếu tuần sau nước từ mưa bão Yagi xuống tới hạ lưu thì nó cũng chỉ làm ngập Biển Hồ thêm một chút, làm mấy chỗ nước nổi ngập thêm nhiều lắm là ba tấc nước thôi!
Tóm lại là năm nay nước kém, nước do bão Yagi có xuống thì cũng chảy vào Biển Hồ nên cũng không làm đồng nước cao thêm là mấy. Năm ngoái nước kết hợp triều cường không ngập quốc lộ thì năm nay cũng sẽ không ngập.
Nước Biển Hồ năm nay không nhiều thì mùa kiệt năm sau sông Cửu Long sẽ thiếu nước, nếu mùa khô kéo dài thì điệp khúc "hạn mặn" sẽ tiếp tục. Hy vọng năm sau mùa mưa đến sớm.
Hình: cánh đồng ngập nước sát biên giới Việt - Cam. Xa xa là đất Cam.


Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

MÙA NƯỚC NỔI 2024

 

Hôm nay là ngày 19-9-2024 nhằm ngày 17-8 năm Giáp Thìn. Ở xứ tui, miền Tây đầu nguồn sông Tiền sông Hậu, vùng Tứ Giác Long Xuyên là đang giữa mùa nước nổi.
Nói "mùa nước" hay "mùa nước nổi" là nói theo thói quen thôi, chứ cái gọi là mùa nước giờ đã thành dĩ vãng rồi. Tại sao ư? Nhiều lý do lắm, phải một chục bài mới kê đủ (đã viết, mời xem theo link cuối bài).
Thời điểm hiện tại là thời điểm nước sông Cửu Long cao nhứt trong năm, hồi xưa thì nước tràn đồng, cả một vùng đồng ruộng cò bay thẳng cánh thành biển nước mênh mông. Con nước triều sắp tới 30-8 al cộng với nước từ nguồn xuống sẽ là mức nước cao nhứt trong mùa nước, rồi sau đó nước sẽ rút xuống lần lần, dù nước lớn tới đâu thì tới tháng 10 al nước cũng rút cạn đồng.
Vùng Tứ Giác Long Xuyên tuy bị "trên" ép đắp đê bao để làm lúa ba vụ nhưng cũng có những lõm cánh đồng nhỏ không có đê bao, nước tràn vô tự do. Tuy vậy năm nay những cánh đồng đó tới giờ này nước vẫn cạn xìu, chứng tỏ nước năm nay không có lớn.
Nước nổi ở miền Tây không gọi là lũ được, vì nó dâng lên từ từ vài ba tháng, không chảy xiết không cuốn trôi. Thế nhưng đi xuồng ghe trên đồng nước nổi có nguy hiểm không? Có, vì khi đó đồng là biển nước mênh mông không bến bờ, không nhà cửa, sâu 2-4m, nếu gặp mưa giông lốc xoáy gây sóng to làm chìm xuồng thì dễ chết nếu không có người cứu. Dù biết bơi mà bơ vơ giữa biển nước thì cũng nguy hiểm.
Các anh chị em miền Tây vô đây cập nhật xem xứ mình nước ngập tới đâu rồi nha.
Link bài về mùa nước
Hình1: nước chỉ hơi ngập đồng, nơi không có đê.
H2: một dụng cụ bắt cá trên dòng kinh mùa nước nổi (đố 500 ace miền Tây đó gọi là cái gì).



Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

ĐẠO VĂN

 

Đạo là từ gốc Hán, thường gọi là từ Hán- Việt. (Từ Hán Việt là gì thì có học ở chương trình phổ thông, lớp 8 hay lớp 9 gì đó, quên rồi. Ai có bắt bẻ chỗ "từ Hán Việt" thì kiếm sách giáo khoa coi lại nha, vì tui bị hạch hỏi vụ "từ Hán Việt" rồi nên nói trước luôn).
Đạo, có nhiều chữ đạo là từ Hán Việt
Đạo 導 là dẫn, đưa, chỉ đạo có trong các từ thường dùng: chỉ đạo, chủ đạo, lãnh đạo, tiền đạo, đạo diễn, (học) phụ đạo....
Đạo 道 là con đường, là đạo lý, và cũng có một nghĩa giống chữ đạo ở trên. Thường thấy trong các từ: đạo đức, đàm đạo, đạo hạnh, đạo sĩ, đạo pháp, hướng đạo, quỹ đạo, xích đạo, an bần lạc đạo v.v....
Đạo 盜 là trộm cắp, tên trộm, kẻ trộm. Thường thấy trong các từ: đạo tặc, cường đạo, đạo chích, đạo văn. Trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung tiên sinh có nhân vật "đại đạo thái hoa dâm tặc" Điền Bá Quang, là tên trộm bự chuyên "hái hoa" (bắt cóc phụ nữ). Nhân vật này vừa đạo, vừa tặc luôn!
ĐẠO VĂN theo từ điển Nguyễn Quốc Hùng là "lấy thơ văn người khác làm của mình". Đây có lẽ là định nghĩa ngắn gọn và chính xác. Trong giới học hành, khoa bảng có định nghĩa thế nào là đạo văn trong các công trình nghiên cứu hay bài báo khoa học thì mình không bàn ở đây. Tui chỉ nói chuyện đạo văn trên cõi mạng này.
Tại sao người ta đạo văn:
1- Vì văn thơ đó hay nên người ta mới lấy, lấy làm của mình để được người khen.
2- Đạo vì không viết nổi mà muốn phô trương, gọi là lực bất tòng tâm.
3- Vốn là viết lách không tệ, nhưng những lĩnh vực mình không thông thạo thì thôi, đạo cho nhanh, để được tiếng thông kim bác cổ.
Đạo văn cách nào?
1- Copy y chang không ghi nguồn hay ghi tác giả.
2- Có ghi tác giả bên dưới bài mà không dẫn link, khi có người khen anh/ chị viết hay quá trời quá đất thì làm thinh hoặc nói bâng quơ: không có chi!
3- Copy rồi chỉnh sửa thêm bớt chút ít, có người thêm bớt 1% rồi mạnh dạn ghi tên mình. Có người xào xáo nhiều hơn nhưng cũng giống nguyên tác 80-90% vì khó sửa cho hay hơn. Có người đạo một câu hay nhứt hoặc một ý hay nhứt trưng lên bảng chữ to hoặc nhét khéo léo vô bài của mình.
Tui khi đọc một bài (nghi) đạo văn mà hay thì sẽ cố gắng tìm nguyên tác để đọc cho chính xác và không khui chuyện đạo hay không đạo văn.
Nếu bài tui mà bị đạo, dù ít hay nhiều gì thì tui cũng không thích, và sẽ block người đó. Vì nếu còn dây dưa sẽ sanh chuyện, làm mình nổi tâm sân si không tốt.
Hình: đứng trước biển mà sao tâm lượng mình vẫn hẹp hòi!