Hổm rày tui ít viết, có vài bạn bè nhắn tin hỏi thăm. Cám ơn các anh chị em quan tâm.
Muốn viết thì phải tốn chút công phu, thời gian. Vậy mà có người còn chê là tui chỉ ngồi nhà hỏi em Gồ!
Ừ thì đi, mới đi Tịnh Biên, vùng không có đê bao. Nước đã rút cạn rồi, chuẩn bị vào mùa khô hạn!
HẾT MÙA NƯỚC!
Ngày rằm tháng chín là ngày nước lên đỉnh điểm, sau đó sẽ rút dần. Thời điểm ấy gọi là "nước phân đồng". Từ đó đến rằm tháng mười là nước rút cạn đồng, là mùa "cá ra".
Cá theo dòng nước lên đồng, tung tăng ở đó mấy tháng, khi nước rút thì cá theo nước xuống kinh, ra sông. Không ra kịp sẽ bị chết cạn trên đồng khi nước rút hết.
Người ta lợi dụng lúc nước rút chặn lưới ở chỗ vàm mương chảy ra kinh rạch, kinh rạch chảy ra sông để bắt cá. (Vàm là chỗ ngã ba sông, kinh, rạch, nơi dòng nhỏ đổ ra dòng lớn).Trên ruộng có đìa thì khơi thông dòng nước chảy vào đìa để cá vào. Khi nước trên đồng cạn thì cá cũng mắc kẹt trong đìa, tùy ý chủ đìa muốn xử lúc nào thì xử.
Mùa cá ra cũng là mùa làm mắm. Chính vì có mùa nước nổi, mùa cá ra mà xứ Châu Đốc là xứ mắm nổi tiếng. Cá linh, cá sặc, cá chốt, cá trèn, cá lóc.... nhiều nhiều các loại cá có thể làm mắm. Thông dụng nhứt là mắm cá linh, dùng để làm mắm kho (mà giờ vô nhà hàng sang chảnh biến thành lẩu mắm), mắm chưng. Cá linh mùa nước không tính bằng ký mà tính bằng giạ, như giạ lúa giạ gạo. Xứ nước nổi có câu "rẻ như cá linh" để chỉ thứ gì nhiều mà rẻ. "Lềnh như cá linh" để chỉ cái gì nhiều thật nhiều như cá linh lềnh (bềnh) trong nước mùa cá ra.
Mùa này là mùa ủ cá linh làm nước mắm, vì cá nhiều và rẻ. Thế nhưng đi chợ quê chẳng thấy rẻ cũng chẳng thấy nhiều là đủ biết cá nhiều hay ít rồi. Dân xứ cá giờ cũng ăn nước mắm hóa chất Nam Ngư như ai thôi!
Mùa nước nổi xưa bị gán tên mùa lụt nên đắp đê bao. Giờ thì nước nổi lại được lăng xê quá xá. Nhưng đê bao vẫn còn, đồng ruộng trong đê lúa đang chín, ngoài đê thì nước mới rút. Cá ra loe ngoe không đủ bán chợ, nói chi làm mắm. Báo đài thì chụp hình mùa nước đẹp thơ mộng lãng mạn, nông dân thì vẫn nghèo dù trong đê hay ngoài đê cũng vậy.
Vùng nước nổi là đồng bằng, không có trũng nha. Nước ngập lên vì sông không chảy kịp trong mùa nước lớn, hết mùa nước thì nước tự động rút tuột xuống sông. Muốn chứa nước lại như một vài "chuyên gia" gợi ý thì phải đào hồ hoặc đắp đập chứ vùng nước nổi nó hổng có tự nhiên chứa được nước, hổng có là "túi nước" như các "chuyên gia" hiểu lầm nha. Như Biển Hồ Campuchia mới đúng là "túi nước".
Đã hết mùa mưa, sắp tới mùa khô hạn. Báo chí lại có đề tài "hạn mặn" để đưa tin. Người nông dân thì hết ngày dài lại đêm thâu cố gắng chống chọi để sống sót trên mảnh đất mang tiếng là màu mỡ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét