Nhà sàn là nhà "có chân", sàn nhà cách mặt đất một khoảng cao hoặc thấp tùy nhu cầu của gia chủ. Đi lên nhà sàn phải có cầu thang.
Người Thượng ở Tây Nguyên ở nhà sàn chắc ai cũng biết, nhưng người miền Tây, đồng bằng Cửu Long ở nhà sàn thì lại ít người biết!
Dân miền Tây ở nhà sàn vì có mùa nước nổi. Chỉ vùng nước nổi đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp mới có nhà sàn. Xuôi về hạ lưu, các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang và các timhr ven biển đều không thấy có nhà sàn. À, trừ khi người ta cất nhà trên ao, hồ, kinh, rạch, sông thì phải cất nhà sàn. Hồi xưa Sài gòn cũng nhà sàn chi chít trên kinh rạch!
Ở miệt vườn không có mùa nước nổi thì người ta cất nhà trong vườn, xa xa mới có một cái nhà vì vườn ai cũng lớn, tính bằng công bằng mẫu, không có cảnh nhà cửa san sát nhau như phố thị.
Thế nhưng ở vùng nước nổi người ta không ai cất nhà trơ trọi ở giữa đồng trên mảnh đất của mình, mà nhà cửa luôn cất dọc theo đường lộ, theo bờ kinh, cũng san sát nhau không thua gì nơi phố thị. Vì sao vậy?
Vì khi nước lên, cánh đồng thành biển nước, không thể cất nhà trơ trọi giữa đồng sẽ bị sóng, gió nguy hiểm. Khi mùa khô về thì giữa đồng lại không có nước sinh hoạt.
Các đô thị trong vùng nước nổi như Tân Châu, Hồng Ngự, Châu Đốc v.v... đều được lập ở những vùng đất cao tự nhiên hoặc do tôn tạo để mùa nước không ngập hoặc ngập chút ít. Các con đường trong vùng nước nổi cũng được đắp cao để không ngập.
Các con kinh xáng khi được đào thì đất đổ lên hai bờ kinh sẽ được sửa sang thành đường giao thông không ngập nước, và dân cư liền cất nhà cặp theo đường lộ. Cất nhà sàn cao bằng mặt lộ là không bị ngập.
Nhà sàn của người trung nông vùng nước nổi rất vững chãi và đẹp. Nhà có thể cất kiểu sắp đọi hoặc chữ đinh, sàn ván, lợp ngói. Cột sàn gọi là cây "nống" (hay "nóng"?) Làm bằng đá hoặc xây xi măng. Các cột nhà bằng gỗ được đặt trên các đầu nống này mà không cần kết dính bằng xi măng hay gì khác, giống như kê cột trên tán của nhà trệt. Nhà sàn sẽ tự vững chắc trên bộ nống nhờ chính sức nặng của nó.
Nếu nhà sàn trơ trọi giữa đồng mà nước lớn gần mặt sàn thì sóng đánh từ dưới sàn lên có thể nâng luôn cái nhà rời khỏi bộ nóng. Nhưng nếu cất nhà dựa lộ thì sóng vô bị lộ chắn lại, không lớn nên nhà sẽ an toàn.
Nhà tui là nhà sàn, kiểu chữ đinh. Trước nhà là quốc lộ, sau là đồng ruộng nước nổi. Nhà cất cao bằng mặt lộ, sân đắp cao bằng lộ nên từ trước vào nhà không cần cầu thang. Năm 2000 nước rất cao, quốc lộ nhiều đoạn bị ngập nên sau đó đường được nâng lên hơn một thước, nhà thấp hơn đường nên phải nâng lên bằng đường.
Nhà dọc đường quốc lộ hay "trong kinh" thì bây giờ người ta cũng xây nhà lầu nhà đúc như thành phố. Nhà sàn chưa bị dẹp để xây mới cũng còn kha khá. Nhà tui là một trong những nhà sàn đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét