Hôm nay là ngày Rằm tháng chín âm lịch, theo kinh nghiệm của người dân vùng nước nổi thì nước dâng lên từ từ suốt từ tháng sáu tháng bảy, đến hôm nay là ngày con nước rong giữa tháng chín mực nước ngang đâu thì giữ đó, sẽ không dâng lên thêm nữa trong thời gian tới. Mực nước giữ nguyên trong thời gian ngắn rồi từ từ rút xuống. Thời điểm nước hết lên mà chưa rút gọi là NƯỚC PHÂN ĐỒNG.
Mực nước lúc "phân đồng" năm nay thấp, chỉ ở mức báo động một. Mà năm nay vẫn như những năm trước, đồng ruộng vẫn có đê bao, lúa vẫn đang xanh rì, cây dừa cây xoài vẫn được "bảo vệ" để không bị ngập.
Vùng ngoài đê bao là "bìa chéo" diện tích không đáng kể so với trong đê. Ngoài đê thì năm nào cũng ngập, nhiều hoặc ít. Năm nay báo chí tự nhiên sực nhớ hay sao mà ca ngợi mùa nước nổi quá trời làm người ở xa tưởng đâu xứ nước nổi đã phá đê bỏ đập!
Nếu đã bao đê một vùng lớn thì ngoài đê sẽ ngập nhiều nếu so với ngập cả trong, ngoài. Mà ngoài đê năm nay nước thấp chứng tỏ lượng nước trên nguồn về không nhiều, sông Mekong ít nước trong mùa nước đổ là có thật!
Nước ngập vùng đầu nguồn sông Tiền sông Hậu không phải do vùng này trũng, thấp mà là do nước sông về nhiều, chảy không kịp nên tràn bờ. Khi nước rút là rút cái rẹt ra sông, nếu không bị chặn lại thì nước rút khô đồng rất nhanh. Nước rút nhanh hơn khi nước lên rất nhiều.
Cho nên nếu có ai đó cho rằng không đắp đê bao để nước tràn vô tự do, góp phần giữ nước cho mùa khô là hiểu lầm. Phải có hồ có trũng mới giữ nước được (như hồ Tonle Sap - Biển Hồ) chứ không thì nước rút tuột xuống sông hết, chỗ nào đâu mà giữ! Nước dù lớn dù nhỏ thì trong tháng mười cũng rút cạn đồng, có đâu mà để cho mùa khô!
Đồng Tháp Mười cũng có vài chỗ trũng, mùa khô xem xép nước chứ cũng không chứa được bao nhiêu nước. Qua lúc nước phân đồng thì Đồng Tháp Mười cũng dần bị rút nước ra sông như ai thôi!
Cho nên chuyện trữ nước cho mùa khô là phải xây đập, làm hồ chứa chứ không tự nhiên mà giữ được ở hai "túi nước" trong mùa nước là Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười như lời "đồn đại". Nếu thật sự đắp đập để cho hai vùng này thành hồ chứa thì mất béng diện tích lúa cao sản của hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Bài toán này khó giải trên thực tế!
Năm nay mùa nước nổi mực nước thấp báo hiệu mùa kiệt sắp tới mặn sẽ xâm nhập sâu. Nước nổi, nước kiệt, mặn xâm nhập, đắp đê ngăn mặn, đắp đê ngăn "lũ"... cứ xà quần xà quần không hiệu quả. Hây da! Tui là nông dân miền Tây cũng rầu lòng lắm thay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét