Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

ĐẠO VĂN

 

Đạo là từ gốc Hán, thường gọi là từ Hán- Việt. (Từ Hán Việt là gì thì có học ở chương trình phổ thông, lớp 8 hay lớp 9 gì đó, quên rồi. Ai có bắt bẻ chỗ "từ Hán Việt" thì kiếm sách giáo khoa coi lại nha, vì tui bị hạch hỏi vụ "từ Hán Việt" rồi nên nói trước luôn).
Đạo, có nhiều chữ đạo là từ Hán Việt
Đạo 導 là dẫn, đưa, chỉ đạo có trong các từ thường dùng: chỉ đạo, chủ đạo, lãnh đạo, tiền đạo, đạo diễn, (học) phụ đạo....
Đạo 道 là con đường, là đạo lý, và cũng có một nghĩa giống chữ đạo ở trên. Thường thấy trong các từ: đạo đức, đàm đạo, đạo hạnh, đạo sĩ, đạo pháp, hướng đạo, quỹ đạo, xích đạo, an bần lạc đạo v.v....
Đạo 盜 là trộm cắp, tên trộm, kẻ trộm. Thường thấy trong các từ: đạo tặc, cường đạo, đạo chích, đạo văn. Trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung tiên sinh có nhân vật "đại đạo thái hoa dâm tặc" Điền Bá Quang, là tên trộm bự chuyên "hái hoa" (bắt cóc phụ nữ). Nhân vật này vừa đạo, vừa tặc luôn!
ĐẠO VĂN theo từ điển Nguyễn Quốc Hùng là "lấy thơ văn người khác làm của mình". Đây có lẽ là định nghĩa ngắn gọn và chính xác. Trong giới học hành, khoa bảng có định nghĩa thế nào là đạo văn trong các công trình nghiên cứu hay bài báo khoa học thì mình không bàn ở đây. Tui chỉ nói chuyện đạo văn trên cõi mạng này.
Tại sao người ta đạo văn:
1- Vì văn thơ đó hay nên người ta mới lấy, lấy làm của mình để được người khen.
2- Đạo vì không viết nổi mà muốn phô trương, gọi là lực bất tòng tâm.
3- Vốn là viết lách không tệ, nhưng những lĩnh vực mình không thông thạo thì thôi, đạo cho nhanh, để được tiếng thông kim bác cổ.
Đạo văn cách nào?
1- Copy y chang không ghi nguồn hay ghi tác giả.
2- Có ghi tác giả bên dưới bài mà không dẫn link, khi có người khen anh/ chị viết hay quá trời quá đất thì làm thinh hoặc nói bâng quơ: không có chi!
3- Copy rồi chỉnh sửa thêm bớt chút ít, có người thêm bớt 1% rồi mạnh dạn ghi tên mình. Có người xào xáo nhiều hơn nhưng cũng giống nguyên tác 80-90% vì khó sửa cho hay hơn. Có người đạo một câu hay nhứt hoặc một ý hay nhứt trưng lên bảng chữ to hoặc nhét khéo léo vô bài của mình.
Tui khi đọc một bài (nghi) đạo văn mà hay thì sẽ cố gắng tìm nguyên tác để đọc cho chính xác và không khui chuyện đạo hay không đạo văn.
Nếu bài tui mà bị đạo, dù ít hay nhiều gì thì tui cũng không thích, và sẽ block người đó. Vì nếu còn dây dưa sẽ sanh chuyện, làm mình nổi tâm sân si không tốt.
Hình: đứng trước biển mà sao tâm lượng mình vẫn hẹp hòi!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét