Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

BÃO YAGI có ảnh hưởng đến châu thổ Cửu Long hay không?

 

Hồi 7-9 cơn bão Yagi đổ bộ vô Hạ Long, Quảng Ninh, sau cơn bão có mưa lớn gây ngập lụt lở đất ở miền Bắc.
Ở lưu vực sông Mekong thuộc Trung Quốc cũng bị mưa lớn do ảnh hưởng bão Yagi. Lượng nước mưa khổng lồ ấy đang gây ngập lụt ở Lào, Thái Lan, mức độ lụt lội chưa từng có trong vòng 30 năm nay. Và lượng nước khổng lồ ấy đang di chuyển xuống hạ lưu, và được "dự báo" là sẽ gây ngập lụt ở đồng bằng Cửu Long trong đầu tháng 10, vì nước lũ của sông kết hợp với con nước rong (triều cường) đầu tháng 9 âm lịch.
Sông Mekong là con sông lớn, phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua sáu nước: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Sông dài, lưu vực rộng, mùa mưa bão thì nước sông cũng dâng lên theo những cơn mưa, rồi cuồn cuộn đổ xuống hạ lưu.
Sông Cửu Long là đoạn cuối của sông Mekong, chảy trên đất Việt. Mùa nước sông đổ về gây ngập đồng bằng thì người miền Tây gọi là mùa nước nổi. Dù thượng nguồn hứng chịu bao nhiêu cơn mưa bão nhưng nước Cửu Long bao đời nay không hề dâng lên theo lượng nước của từng cơn mưa bão. Nước sông cứ "nổi" rất đúng thời gian, rút xuống cũng rất đúng kỳ. Mùa nước không hề bất chợt mà là có chu kỳ rõ ràng, chính xác.
Nước bắt đầu nổi từ mùng 5 tháng 5 âm lịch, nước lên từ từ ngày vài ba phân, lúc lên nhanh cũng chỉ vài ba tấc một ngày. Nước lên tới cuối tháng 8 hoặc giữa tháng 9 âm lịch là đỉnh điểm, rồi nước rút cũng từ từ. Thời gian nước nổi khoảng ba tháng. Đỉnh điểm nước cao thấp tùy năm, mà năm nay là năm nước rất kém).
Tại sao sông Cửu Long không có lũ tức thời khi mưa lớn, rồi nước rút sau vài ba ngày giống như các con sông ở miền Bắc, miền Trung? Tại sao nước lụt dâng từ từ và rút cũng từ từ chứ không hung dữ bạo phát bạo tàn như các dòng sông khác?
Đó là do ở Campuchia có Biển Hồ Tonle Sap. Biển Hồ là một hồ nước ngọt tự nhiên, diện tích mùa khô là 10.000km2, mùa nước diện tích có thể lên đến 16.000km2 (theo Wiki). Trong mùa nước đổ, nước sông Mekong chảy tới Nam Vang sẽ theo dòng sông Tonle Sap chảy vào Biển Hồ. Ở thủ đô Nam Vang có quảng trường bốn nhánh sông chính là chỗ này: một nhánh là dòng chính sông Mekong từ trên nguồn xuống, một nhánh là sông Tonle Sap chảy vào Biển Hồ, hai nhánh còn lại chảy vào Việt Nam là sông Tiền, sông Hậu.
Nhờ Biển Hồ là cái túi chứa nước lũ từ thượng nguồn về nên từ cái ngã tư sông ấy dòng sông trở nên hiền hòa. Nước lũ chứa vào Biển Hồ và một phần chảy vào miền Tây, làm thành mùa nước nổi. Mùa kiệt thì nước Biển Hồ từ từ theo sông Tonle Sap chảy ra ngã tư và xuống sông Tiền sông Hậu. Nước sông Cửu Long mùa kiệt được cung cấp 50% từ nước Biển Hồ.
Năm nay 2024, tuy năm Thìn bão lụt nhưng mực nước sông Cửu Long thấp, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Tại sao thấp thì để các nhà khoa học lên tiếng: tại mưa trên nguồn ít hay tại đập thủy điện hay tại gì đó...
Giờ là thời điểm nước cao nhứt trong năm, rồi sẽ rút dần. Nếu tuần sau nước từ mưa bão Yagi xuống tới hạ lưu thì nó cũng chỉ làm ngập Biển Hồ thêm một chút, làm mấy chỗ nước nổi ngập thêm nhiều lắm là ba tấc nước thôi!
Tóm lại là năm nay nước kém, nước do bão Yagi có xuống thì cũng chảy vào Biển Hồ nên cũng không làm đồng nước cao thêm là mấy. Năm ngoái nước kết hợp triều cường không ngập quốc lộ thì năm nay cũng sẽ không ngập.
Nước Biển Hồ năm nay không nhiều thì mùa kiệt năm sau sông Cửu Long sẽ thiếu nước, nếu mùa khô kéo dài thì điệp khúc "hạn mặn" sẽ tiếp tục. Hy vọng năm sau mùa mưa đến sớm.
Hình: cánh đồng ngập nước sát biên giới Việt - Cam. Xa xa là đất Cam.


Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

MÙA NƯỚC NỔI 2024

 

Hôm nay là ngày 19-9-2024 nhằm ngày 17-8 năm Giáp Thìn. Ở xứ tui, miền Tây đầu nguồn sông Tiền sông Hậu, vùng Tứ Giác Long Xuyên là đang giữa mùa nước nổi.
Nói "mùa nước" hay "mùa nước nổi" là nói theo thói quen thôi, chứ cái gọi là mùa nước giờ đã thành dĩ vãng rồi. Tại sao ư? Nhiều lý do lắm, phải một chục bài mới kê đủ (đã viết, mời xem theo link cuối bài).
Thời điểm hiện tại là thời điểm nước sông Cửu Long cao nhứt trong năm, hồi xưa thì nước tràn đồng, cả một vùng đồng ruộng cò bay thẳng cánh thành biển nước mênh mông. Con nước triều sắp tới 30-8 al cộng với nước từ nguồn xuống sẽ là mức nước cao nhứt trong mùa nước, rồi sau đó nước sẽ rút xuống lần lần, dù nước lớn tới đâu thì tới tháng 10 al nước cũng rút cạn đồng.
Vùng Tứ Giác Long Xuyên tuy bị "trên" ép đắp đê bao để làm lúa ba vụ nhưng cũng có những lõm cánh đồng nhỏ không có đê bao, nước tràn vô tự do. Tuy vậy năm nay những cánh đồng đó tới giờ này nước vẫn cạn xìu, chứng tỏ nước năm nay không có lớn.
Nước nổi ở miền Tây không gọi là lũ được, vì nó dâng lên từ từ vài ba tháng, không chảy xiết không cuốn trôi. Thế nhưng đi xuồng ghe trên đồng nước nổi có nguy hiểm không? Có, vì khi đó đồng là biển nước mênh mông không bến bờ, không nhà cửa, sâu 2-4m, nếu gặp mưa giông lốc xoáy gây sóng to làm chìm xuồng thì dễ chết nếu không có người cứu. Dù biết bơi mà bơ vơ giữa biển nước thì cũng nguy hiểm.
Các anh chị em miền Tây vô đây cập nhật xem xứ mình nước ngập tới đâu rồi nha.
Link bài về mùa nước
Hình1: nước chỉ hơi ngập đồng, nơi không có đê.
H2: một dụng cụ bắt cá trên dòng kinh mùa nước nổi (đố 500 ace miền Tây đó gọi là cái gì).



Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

ĐẠO VĂN

 

Đạo là từ gốc Hán, thường gọi là từ Hán- Việt. (Từ Hán Việt là gì thì có học ở chương trình phổ thông, lớp 8 hay lớp 9 gì đó, quên rồi. Ai có bắt bẻ chỗ "từ Hán Việt" thì kiếm sách giáo khoa coi lại nha, vì tui bị hạch hỏi vụ "từ Hán Việt" rồi nên nói trước luôn).
Đạo, có nhiều chữ đạo là từ Hán Việt
Đạo 導 là dẫn, đưa, chỉ đạo có trong các từ thường dùng: chỉ đạo, chủ đạo, lãnh đạo, tiền đạo, đạo diễn, (học) phụ đạo....
Đạo 道 là con đường, là đạo lý, và cũng có một nghĩa giống chữ đạo ở trên. Thường thấy trong các từ: đạo đức, đàm đạo, đạo hạnh, đạo sĩ, đạo pháp, hướng đạo, quỹ đạo, xích đạo, an bần lạc đạo v.v....
Đạo 盜 là trộm cắp, tên trộm, kẻ trộm. Thường thấy trong các từ: đạo tặc, cường đạo, đạo chích, đạo văn. Trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung tiên sinh có nhân vật "đại đạo thái hoa dâm tặc" Điền Bá Quang, là tên trộm bự chuyên "hái hoa" (bắt cóc phụ nữ). Nhân vật này vừa đạo, vừa tặc luôn!
ĐẠO VĂN theo từ điển Nguyễn Quốc Hùng là "lấy thơ văn người khác làm của mình". Đây có lẽ là định nghĩa ngắn gọn và chính xác. Trong giới học hành, khoa bảng có định nghĩa thế nào là đạo văn trong các công trình nghiên cứu hay bài báo khoa học thì mình không bàn ở đây. Tui chỉ nói chuyện đạo văn trên cõi mạng này.
Tại sao người ta đạo văn:
1- Vì văn thơ đó hay nên người ta mới lấy, lấy làm của mình để được người khen.
2- Đạo vì không viết nổi mà muốn phô trương, gọi là lực bất tòng tâm.
3- Vốn là viết lách không tệ, nhưng những lĩnh vực mình không thông thạo thì thôi, đạo cho nhanh, để được tiếng thông kim bác cổ.
Đạo văn cách nào?
1- Copy y chang không ghi nguồn hay ghi tác giả.
2- Có ghi tác giả bên dưới bài mà không dẫn link, khi có người khen anh/ chị viết hay quá trời quá đất thì làm thinh hoặc nói bâng quơ: không có chi!
3- Copy rồi chỉnh sửa thêm bớt chút ít, có người thêm bớt 1% rồi mạnh dạn ghi tên mình. Có người xào xáo nhiều hơn nhưng cũng giống nguyên tác 80-90% vì khó sửa cho hay hơn. Có người đạo một câu hay nhứt hoặc một ý hay nhứt trưng lên bảng chữ to hoặc nhét khéo léo vô bài của mình.
Tui khi đọc một bài (nghi) đạo văn mà hay thì sẽ cố gắng tìm nguyên tác để đọc cho chính xác và không khui chuyện đạo hay không đạo văn.
Nếu bài tui mà bị đạo, dù ít hay nhiều gì thì tui cũng không thích, và sẽ block người đó. Vì nếu còn dây dưa sẽ sanh chuyện, làm mình nổi tâm sân si không tốt.
Hình: đứng trước biển mà sao tâm lượng mình vẫn hẹp hòi!


Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2024

ĐI TU, LÀM GIÀU VÀ HỌC TIẾN SĨ!

 

Tui viết đây là với tư cách và hiểu biết của một Phật tử.
Tu sĩ Phật giáo, là các vị Tăng, Ni là hàng Phật tử xuất gia. Xuất gia là rời bỏ gia đình, vô chùa để chuyên tâm tu tập, tu cho bản thân và đồng thời "độ" (trợ giúp) các chúng sanh muốn tu tập.
Tăng là một trong Tam Bảo của Phật Giáo: Phật, Pháp, Tăng. Nếu không có Tăng Bảo thì Phật pháp sẽ không được hoằng dương và truyền thừa cho đến ngày nay. Các vị Tăng sĩ sống bằng cách đi khất thực (xưa) và nhận tiền cúng dường (nay) của bá tánh.
Kinh Phật nói một hột cơm của thí chủ nặng như núi Tu Di, nếu ăn cơm cúng dường mà không lo tu tập đúng Chánh Pháp thì phải mang lông đội sừng (tức làm thân trâu ngựa) mà trả. Đó là luật nhân quả mà Phật tử đều biết.
Người tu chỉ có nhiệm vụ là TU và hoằng pháp. Hoằng pháp không chỉ là thăng tòa giảng pháp mà phải bằng chính công phu tu tập và oai nghi, trì giới nghiêm mật của người tu.
Làm sao nhận biết chân tu hay giả tu,? làm sao biết ai tu đúng chánh pháp, ai tà pháp? Rất đơn giản. Ai giữ giới nghiêm mật là chân tu. Những giới cơ bản dễ nhận biết như sát sanh, trộm cắp, nói dối, tà dâm, uống rượu. Còn tu đúng chánh pháp là phải làm tiêu mòn bản ngã. Tu mà bồi đắp thêm bản ngã thì là tà pháp.
Sư Wang, người mới bị khui học TS Luật chỉ trong hai năm, mà học thẳng từ ĐH lên TS luôn. Từ ĐH mà được đặc cách học lên TS phải là người ưu tú trong việc học, trăm người có một. Trong khi sư Wang thì chỉ có bằng cấp ba bổ túc vào năm 30 tuổi. Ba mươi tuổi mới có bằng phổ thông thì là học không giỏi rồi, mà tá hỏa hơn nữa khi bằng đó là bằng giả. Học chưa hết phổ thông thì sao đủ trình độ, đủ kiến thức để học bậc cao hơn.
Anh Wang đã phạm giới NÓI DỐI. Đem bằng giả gạt người. Đây là tội lớn, vì cố ý phạm và không hề sám hối.
Đã đi tu thì không được đi học các bằng cấp thế gian, trừ khi đã học trước khi xuất gia. Học lấy bằng cấp thế gian là "si", là ham danh, vì việc đó không có lợi ích gì cho sự tu hành mà chỉ để khoe khoang, để nâng cái tôi, tức là vun bồi bản ngã.
Ông Wang phạm giới không phải giờ mới đổ bể. Ai có quan tâm đều biết chuyện sư phụ của ông Wang là hòa thượng TTT đã trục xuất ông ta ra khỏi sư môn và cảnh cáo rằng Wang và những người theo Wang sẽ đọa địa ngục.
Chuyện bê bối phạm giới, háo danh của sư Wang quá lộ liễu mà sao ông ta vẫn có nhiều đệ tử. Vì chúng sanh luôn muốn ai đó giúp giải quyết các vấn đề của mình: đi chùa đi miếu cầu Phật cầu Thần linh ban này ban nọ. Đi thi thì cúng bái, sờ đầu rùa, nghèo thì bỏ tiền học các lớp làm giàu, khó khăn vướng mắc thì theo các lớp chữa lành, rồi coi bói, coi phong thủy... đủ các thứ.
Mà đạo Phật là cái đạo mà người theo phải học pháp và tự mình hành pháp, tự đi và tự đến chứ không cầu xin vị Phật hay Bồ Tát nào ban cho cái gì hết.
Theo Phật mà hiểu cúng dường để "mua" phước là hiểu rất thô thiển. Đọc kinh để hiểu kinh và làm theo lời kinh, nghe pháp để hiểu pháp và hành pháp chứ không phải đơn giản ngồi nghe thầy giảng pháp là có phước, tụng kinh mỗi ngày hai lần là có phước.
Vì chúng sanh mê tín nhiều hơn chánh tín nên những người như sư Wang mới có cơ hội làm giàu và học tiến sĩ và khoe khoang không ngại ngùng.
Những giả sư phải bị vạch trần, đó không phải là đánh phá Phật giáo mà chính là chấn hưng Phật giáo. Khi không còn chùa to Phật lớn, không còn người cúng tiền mê tín thì sư giả sẽ bỏ tu. Những vị chân tu vẫn còn đó thì Phật giáo tự nhiên sẽ tốt đẹp trở lại.
Hình: một ngôi chùa rất nhỏ chỉ có vài vị sư chân tu, đạm bạc.


Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

NƯỚC SINH HOẠT Ở CHÂU THỔ CỬU LONG xưa và nay


Con người ở đâu cũng vậy, muốn sinh sống một nơi nào đó thì điều kiện cần đầu tiên là phải có nước. Nước để uống và sinh hoạt, để trồng trọt và chăn nuôi. Nước để duy trì sự sống.
Sa mạc khô cằn nên cũng hoang vắng không người ở. Châu thổ Cửu Long là vùng đất xanh tươi trù phú, mật độ dân cư cao thì tất nhiên là do có đầy đủ nước uống nước xài các thứ.
Hồi xưa xửa xừa xưa từ thời mở cõi thì cư dân đồng bằng uống nước gì tắm nước gì? Thì nước sông nước giếng và nước mưa. Nước sông Cửu Long, như các bài trước đã nói, mỗi năm có một mùa ba tháng bị nước biển vô làm sông mặn (lợ) một đoạn từ cửa biển vào một đoạn xa gần tùy năm. Ngoài vùng nước ngọt, nước lợ thì còn có vùng nước phèn. Vùng Đồng Tháp Mười nước kinh trong xanh, sông Vàm Cỏ nước "xanh biêng biếc" cũng là do phèn nhiều.
Ở vùng nước sông ngọt quanh năm và có mùa nước nổi như An Giang thì chuyện có nước sinh hoạt cũng không phải dễ dàng. Từ sông có nhiều kinh dẫn nước vô đồng. Dân An Giang cất nhà dọc theo đường lộ, dọc bờ kinh để tiện cất nhà sàn. Tắm giặt thì xuống bến, nước uống thì gánh lên nhà. Nhà tôi bên bờ sông Hậu, ngay bến sông, từ nhà xuống tới bến chừng 50 thước, hồi xưa phải gánh nước lên nhà, băng qua lộ, rất cực. Nếu ở cách xa sông thì càng cực hơn. Hồi những năm 199s Unicef có làm giếng khoan công cộng cho những nơi xa sông, nhưng đều thất bại, các "cây nước" bị bỏ hoang và dần "mất tích".
Ở miệt ruộng như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau tuy gần biển nhưng nếu không có kinh rạch thông với biển thì nước mặn không vô, cũng không có nước ngọt mùa nắng. Ở ruộng lúa thì người ta đào một cái đìa lớn để mùa cạn cá có chỗ gom lại, gần Tết thì thu hoạch. Ở chỗ cất nhà thì người ta đào hai cái đìa hai bên lấy đất đắp nền nhà, một cái đìa lấy nước sinh hoạt, một cái để trâu bò uống, tắm v.v... Xứ ruộng cò bay thẳng cánh nên đìa dù lớn cũng không chiếm diện tích là mấy. Đìa luôn có chủ chứ không phải là đìa công cộng.
Ở miệt vườn nước ngọt thì nước ở mương vườn quanh năm ngập tràn tha hồ xài. Miệt vườn có mùa nước lợ như Bến Tre thì trước mùa nước lợ người ta đắp bít một con mương vườn không để nhiễm mặn, để lấy nước giặt, rửa, tưới rau kiểng trong mùa lợ.
Vùng nước phèn thì người ta ít sinh sống, chỉ khai phá lui tới trồng trọt. Trong Đồng Tháp Mười vẫn nhiều chỗ còn rất thưa thớt dân cư.
Tất cả các "miệt" kể trên thì ngoài nước sông người ta luôn hứng nước mưa để uống. Quan niệm xưa cho rằng nước mưa rất ngọt mát. Ở vùng đất giồng thì đào giếng, nước rất tốt. Giếng hộc có xây thành để lấy nước sinh hoạt. Giếng để tưới thì đào rộng miệng thoai thoải để dễ lên xuống gánh nước tưới.
Tôi dân miền Tây, đã thấy đìa ở Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu. Thấy giếng tưới (giống cái hình nón ngược, có mạch nước quanh năm). Thấy kinh nước phèn ở Đồng Tháp Mười, thấy lu, mái, kiệu chứa nước mưa. Nếu các mô tả trên có gì thiếu sót thì nhờ 500 anh chị em dân miền Tây bổ sung giùm
(Còn tiếp: nước sinh hoạt hiện nay)
Hình: nhà tui bên bến sông



Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Trồng cây gì ở châu thổ Cửu Long? (2)

 

Mùa nắng vừa qua, tháng 3,4 năm 2024, các tỉnh ven biển của đồng bằng Cửu Long đồng loạt kêu rên thiếu nước vì "hạn mặn". Có nơi còn công bố thiên tai luôn mới ghê.
Nhắc lại về chuyện mặn xâm nhập, là câu chuyện thường niên của đồng bằng. Mùa khô thì nước mặn vô sông nhiều, mùa mưa thì mặn vô không nổi, sông ngọt tới cửa biển luôn.
Cây lúa là loài cây không chịu được độ mặn. Mà lúa là cây chủ lực của đồng bằng từ thời mới khai phá. Các điền chủ Nam Kỳ thời xưa giàu là nhờ xuất cảng gạo. Nhờ lúa gạo mà xứ Bạc Liêu có công tử Bạc Liêu giàu tới nỗi đốt tiền nấu chè!
Vậy hồi xưa đồng bằng có bị mặn xâm nhập không? Có chứ sao không. Mùa mặn xâm nhập thì bỏ ruộng đó cho cá tôm vô, để bắt, hoặc nuôi trong đìa tới cuối mùa khô, tức là lúc hạn, mặn nhiều nhứt thì thu hoạch. Xứ Cà Mau, Bạc Liêu nổi tiếng về mắm lóc mắm đồng là nhờ bắt cá trong mùa không trồng lúa. Mắm Châu Đốc cũng nổi tiếng là nhờ cá bắt trong mùa nước nổi, khi chưa đắp đê.
Trồng lúa một mùa, để một mùa bắt tôm cá mà vẫn rất giàu. Cá tôm xưa nay bán đều có giá. Nước mặn vô rồi ra, không làm đất nhiễm mặn. Ngày nay người ta làm ruộng một vụ lúa và một vụ tôm ra gạo ST nức tiếng tầm quốc tế luôn.
Ngày nay "ngăn mặn" mà không có nước ngọt thế chỗ làm cho đất khô nứt nẻ. Đất khô quá mà khô giữa mùa mặn, túng thế phải xả nước mặn vô, vậy là đất ngấm nước mặn, hết mùa mặn vẫn không rửa được. Vậy đất nhiễm mặn là do thủy hại, không phải thiên tai.
Mùa hạn, mặn 2024 vừa qua có một số nơi lúa bị chết. Tại cố trồng lúa nơi nước bị mặn mà ngăn mặn thất bại nên mới vậy. Năm sau không trồng lúa nữa là êm chuyện, vì xét ra trồng thêm một vụ lúa nông dân mệt mỏi chống chọi mà không khá giả hơn. Ở tầm quốc gia thì chi phí chống mặn chắc nhiều hơn lợi ích thu được.
Về cây ăn trái thì năm nay không nơi nào bị chết cây. Kêu thiên tai mà cây vẫn cho trái, mấy tháng qua trái cây đồng bằng vẫn dồi dào, không bị suy suyễn gì. Có thiên tai nào mà không để lại hậu quả?
Như bài trước đã nói, các cây yếu chịu mặn như sầu riêng thì không nên trồng nơi có thể bị mặn. Sầu riêng tuy giá cao nhưng cũng đòi hỏi chăm sóc đúng kỹ thuật, đầu tư nhiều vốn liếng. Thêm nữa, sầu riêng giá cao vì xuất khẩu sang TQ. Nếu lúc nào không xuất khẩu được chắc tơi tả như thanh long đã bị. Mít được trồng đại trà từ miền Đông sang miền Tây cũng vì xuất khẩu được sang TQ rất nhiều.
Cây chịu mặn có nhiều loại có giá trị cao nếu được chế biến để có giá trị gia tăng: dừa, mãng cầu xiêm, sơ ri v.v... Nước cốt dừa lon, nước dừa uống, dầu dừa... made in VN đã có trong siêu thị nhưng chưa đặc sắc. Mứt mãng cầu, nước mãng cầu cũng có nhưng chưa nhiều chưa phủ hết thị trường nội địa. Sơ ri thì có một nhà máy của Nhật chế biến trái sơri, đặt ở Gò Công, nhưng cũng chỉ tiêu thụ sơ ri ở Gò Công và Bến Tre lân cận Gò Công.
Đất Cửu Long nhiều vùng, thích nhiều cây trồng khác nhau chứ đâu nhứt thiết phải ngăn mặn để trồng lúa trồng sầu riêng. Cây khóm rất ưa đất phèn. Đất càng phèn khóm càng ngọt, mà khóm chế biến được biết bao nhiêu thức ăn ngon: mứt khóm, khóm sấy dẻo, nước khóm đóng hộp v.v... nhưng bán tươi là chủ yếu. Cây me chịu hạn, chịu ngập, chịu mặn đều tốt, mứt me, ô mai me rất ngon nhưng me chủ yếu bán vắt nấu canh chua 😆. Chùm ruột chịu hạn, chịu lợ, mứt chùm ruột rất ngon, nhưng không ai trồng chùm ruột để làm kinh tế vì rẻ rề bán cho ai!
Tóm lại, làm nông không phải dễ làm giàu. Thịt heo, thịt gà, trứng... là nhu cầu hàng ngày của toàn dân, sức tiêu thụ rất lớn mà nông dân chăn nuôi cũng đâu có dễ làm giàu. Trồng cây cũng vậy, bán cho ai, giá cả bao nhiêu mới quan trọng chứ cây gì chịu mặn thì ai chẳng biết. Nhà khoa học nào mà bây giờ phân tích, chứng minh cây này cây nọ chịu mặn tốt thì phải kèm theo giá trị kinh tế nữa mới áp dụng được. Chứ nói cây dừa cây tre cây me v.v... chịu mặn thì nông dân ai chẳng biết.
(Còn tiếp)
Bài 1: nước ngọt, nước mặn, nước lợ
Bài 2: Đồng khô rạch cạn
Bài 3: Trồng cây gì?
Hình: cây sa pô chê là loại cây chịu mặn tốt, trái rất ngon ngọt. Sinh tố sa pô chê ngon tuyệt.



Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Nước Cửu Long như hiện nay, trồng cây gì?

 

Tóm tắt về nguồn nước sông Cửu Long như sau. Trước nay nước sông là nguồn nuôi sống đồng bằng. Nước sông có mùa: mùa nước lớn vào tháng 8 đến tháng 11. Nước lớn nhưng không gây lũ vì có biển hồ Tonle Sap điều tiết nước nên nước chỉ dâng lên từ từ tạo nên mùa nước nổi ở vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười gần biên giới. Mùa nước lớn thì dòng chảy mạnh nên thủy triều ở biển không đẩy nước mặn vào sông. Nước sông ngọt tận cửa biển.
Mùa nước kiệt từ tháng 1 đến tháng 4 dòng chảy sông yếu nên khi thủy triều ở biển lên thì nước mặn đẩy vào sông, nước mặn vào sâu hay không tùy theo năm. Từ tháng 5 đến tháng 8 nước sông chảy mạnh dần nhưng chưa gây ngập. Tháng 12 nước mặn cũng xâm nhập nhưng chưa sâu.
Chuyện nước mặn xâm nhập hay "lũ" đã có từ lâu và dân đồng bằng đã thích nghi với những điều đó. Tự dưng đắp đê ngăn lũ, đắp đập ngăn mặn làm xáo trộn hệ sinh thái, thủy lợi mà lợi đâu không thấy! Rồi bây giờ nguồn nước có bị tác động xấu thì đổ thừa "biến đổi khí hậu" là gọn.
Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng, gây các hiện tượng thời tiết cực đoan và làm nước biển dâng.
Trước mắt thì nước biển dâng chưa làm ngập bất kỳ chỗ nào ở đồng bằng. Nước ngập do thủy triều vài ba tiếng, ngập do mưa mà không thoát nước được thì không phải là nước biển dâng.
Thời tiết cực đoan gây nắng nóng kéo dài hồi tháng 3-4 vừa rồi, làm nước mặn xâm nhập sâu hơn nhưng không phải hạn hán. Khắp đồng bằng không có nơi nào cây chết vì thiếu nước, trừ những chỗ thủy lợi "ngăn mặn" mà không có "ngọt" để giữ nên gây thiếu nước (bài trước nói kỹ).
Ở huyện cù lao Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang (sát Gò Công) mùa nắng vừa rồi chính quyền đã công bố thiên tai vì thiếu nước sinh hoạt. Nước sinh hoạt lấy từ sông mà sông bị mặn nên "bó tay" la rằng thiên tai. Nước sông năm nào cũng mặn, vì không chuẩn bị nguồn nước máy nên mới ra nông nỗi. Nước sinh hoạt thiếu nhưng cây trồng không sao, chứng tỏ cái "thiên tai" này là nói quá lên thôi. Xứ cù lao này trồng mãng cầu xiêm, trồng sả và nhiều loại cây trồng khác thích hợp thổ nhưỡng. Vì đây là cù lao nên không thể làm thủy lợi ngăn mặn như bên Gò Công, nhờ vậy mà không hại đến cây trồng.
Cây gì chịu mặn tới đâu là người nông dân rành sáu câu. Cứ để tự nhiên cho người ta trồng cây thích hợp là ổn.
Thế nhưng, cây trồng thích hợp thổ nhưỡng có khi lại rẻ tiền, thu nhập thấp, nên nông dân loay hoay thay đổi là vì vậy, chứ không phải không biết cây gì thích hợp.
Thí dụ sầu riêng là cây chịu mặn kém, cần nhiều nước nhưng không chịu úng. Trồng sầu riêng bán được giá cao nhưng trồng nơi không thích hợp thì công chăm sóc, phân thuốc phải nhiều, sẽ "đội vốn". Vậy mà ở Cà Mau có vườn sầu riêng. Vườn sầu riêng này do chủ vườn tự ngăn mặn chứ không phải nhờ thủy lợi "ngọt hóa". Vì thổ nhưỡng không thích hợp nên chất lượng sầu riêng sẽ không bằng sầu riêng Long Khánh chẳng hạn. Nếu đem bán trên thị trường sẽ khó cạnh tranh với sầu riêng xứ khác, về giá cả lẫn chất lượng.
Nước sông cũng ít dần trong những năm gần đây, vì các đập thủy điện ở thượng nguồn, và kinh đào Phù Nam lại làm tăng mối lo dòng sông bị "mất nước". Với tình trạng sắp, sẽ thiếu nước thì chuyện đắp đê bao là quá sai lầm, công trình thủy lợi chống lũ "Xà no- Ô môn" là quá sai lầm, vì có lũ đâu mà chống.
Lo sợ thiếu nước mà lại khuyến khích trồng lúa trồng sầu riêng là những cây cần nhiều nước ngọt nhứt. Đắp đê bao để làm ba vụ lúa, "ngọt hóa" chỗ này chỗ kia để làm ba vụ lúa, ngăn mặn chỗ này chỗ kia để trồng sầu riêng v.v... vừa tốn công tốn của vừa gây hại đủ thứ.
Việc nhà nước cần làm là có chiến lược đối phó với việc (sẽ) thiếu nước. Trữ nước ở đâu, dẫn nước thế nào chứ không chỉ nói chung chung thiếu nước do biến đổi khí hậu rồi tiếp tục ngăn mặn mà không có ngọt để giữ, tiếp tục khuyến khích làm ba vụ lúa khiến tiêu hao nhiều nước, tiếp tục khuyến khích trồng thêm sầu riêng trong bối cảnh nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, nước ngọt này càng thiếu.
(Còn tiếp)
Bài 1: nước ngọt, nước mặn, nước lợ
Bài 2: Đồng khô rạch cạn
Hình: huyện cù lao Tân Phú Đông, phía đông (tay phải) là biển