Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

NƯỚC SINH HOẠT Ở CHÂU THỔ CỬU LONG xưa và nay


Con người ở đâu cũng vậy, muốn sinh sống một nơi nào đó thì điều kiện cần đầu tiên là phải có nước. Nước để uống và sinh hoạt, để trồng trọt và chăn nuôi. Nước để duy trì sự sống.
Sa mạc khô cằn nên cũng hoang vắng không người ở. Châu thổ Cửu Long là vùng đất xanh tươi trù phú, mật độ dân cư cao thì tất nhiên là do có đầy đủ nước uống nước xài các thứ.
Hồi xưa xửa xừa xưa từ thời mở cõi thì cư dân đồng bằng uống nước gì tắm nước gì? Thì nước sông nước giếng và nước mưa. Nước sông Cửu Long, như các bài trước đã nói, mỗi năm có một mùa ba tháng bị nước biển vô làm sông mặn (lợ) một đoạn từ cửa biển vào một đoạn xa gần tùy năm. Ngoài vùng nước ngọt, nước lợ thì còn có vùng nước phèn. Vùng Đồng Tháp Mười nước kinh trong xanh, sông Vàm Cỏ nước "xanh biêng biếc" cũng là do phèn nhiều.
Ở vùng nước sông ngọt quanh năm và có mùa nước nổi như An Giang thì chuyện có nước sinh hoạt cũng không phải dễ dàng. Từ sông có nhiều kinh dẫn nước vô đồng. Dân An Giang cất nhà dọc theo đường lộ, dọc bờ kinh để tiện cất nhà sàn. Tắm giặt thì xuống bến, nước uống thì gánh lên nhà. Nhà tôi bên bờ sông Hậu, ngay bến sông, từ nhà xuống tới bến chừng 50 thước, hồi xưa phải gánh nước lên nhà, băng qua lộ, rất cực. Nếu ở cách xa sông thì càng cực hơn. Hồi những năm 199s Unicef có làm giếng khoan công cộng cho những nơi xa sông, nhưng đều thất bại, các "cây nước" bị bỏ hoang và dần "mất tích".
Ở miệt ruộng như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau tuy gần biển nhưng nếu không có kinh rạch thông với biển thì nước mặn không vô, cũng không có nước ngọt mùa nắng. Ở ruộng lúa thì người ta đào một cái đìa lớn để mùa cạn cá có chỗ gom lại, gần Tết thì thu hoạch. Ở chỗ cất nhà thì người ta đào hai cái đìa hai bên lấy đất đắp nền nhà, một cái đìa lấy nước sinh hoạt, một cái để trâu bò uống, tắm v.v... Xứ ruộng cò bay thẳng cánh nên đìa dù lớn cũng không chiếm diện tích là mấy. Đìa luôn có chủ chứ không phải là đìa công cộng.
Ở miệt vườn nước ngọt thì nước ở mương vườn quanh năm ngập tràn tha hồ xài. Miệt vườn có mùa nước lợ như Bến Tre thì trước mùa nước lợ người ta đắp bít một con mương vườn không để nhiễm mặn, để lấy nước giặt, rửa, tưới rau kiểng trong mùa lợ.
Vùng nước phèn thì người ta ít sinh sống, chỉ khai phá lui tới trồng trọt. Trong Đồng Tháp Mười vẫn nhiều chỗ còn rất thưa thớt dân cư.
Tất cả các "miệt" kể trên thì ngoài nước sông người ta luôn hứng nước mưa để uống. Quan niệm xưa cho rằng nước mưa rất ngọt mát. Ở vùng đất giồng thì đào giếng, nước rất tốt. Giếng hộc có xây thành để lấy nước sinh hoạt. Giếng để tưới thì đào rộng miệng thoai thoải để dễ lên xuống gánh nước tưới.
Tôi dân miền Tây, đã thấy đìa ở Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu. Thấy giếng tưới (giống cái hình nón ngược, có mạch nước quanh năm). Thấy kinh nước phèn ở Đồng Tháp Mười, thấy lu, mái, kiệu chứa nước mưa. Nếu các mô tả trên có gì thiếu sót thì nhờ 500 anh chị em dân miền Tây bổ sung giùm
(Còn tiếp: nước sinh hoạt hiện nay)
Hình: nhà tui bên bến sông



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét