Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Trồng cây gì ở châu thổ Cửu Long? (2)

 

Mùa nắng vừa qua, tháng 3,4 năm 2024, các tỉnh ven biển của đồng bằng Cửu Long đồng loạt kêu rên thiếu nước vì "hạn mặn". Có nơi còn công bố thiên tai luôn mới ghê.
Nhắc lại về chuyện mặn xâm nhập, là câu chuyện thường niên của đồng bằng. Mùa khô thì nước mặn vô sông nhiều, mùa mưa thì mặn vô không nổi, sông ngọt tới cửa biển luôn.
Cây lúa là loài cây không chịu được độ mặn. Mà lúa là cây chủ lực của đồng bằng từ thời mới khai phá. Các điền chủ Nam Kỳ thời xưa giàu là nhờ xuất cảng gạo. Nhờ lúa gạo mà xứ Bạc Liêu có công tử Bạc Liêu giàu tới nỗi đốt tiền nấu chè!
Vậy hồi xưa đồng bằng có bị mặn xâm nhập không? Có chứ sao không. Mùa mặn xâm nhập thì bỏ ruộng đó cho cá tôm vô, để bắt, hoặc nuôi trong đìa tới cuối mùa khô, tức là lúc hạn, mặn nhiều nhứt thì thu hoạch. Xứ Cà Mau, Bạc Liêu nổi tiếng về mắm lóc mắm đồng là nhờ bắt cá trong mùa không trồng lúa. Mắm Châu Đốc cũng nổi tiếng là nhờ cá bắt trong mùa nước nổi, khi chưa đắp đê.
Trồng lúa một mùa, để một mùa bắt tôm cá mà vẫn rất giàu. Cá tôm xưa nay bán đều có giá. Nước mặn vô rồi ra, không làm đất nhiễm mặn. Ngày nay người ta làm ruộng một vụ lúa và một vụ tôm ra gạo ST nức tiếng tầm quốc tế luôn.
Ngày nay "ngăn mặn" mà không có nước ngọt thế chỗ làm cho đất khô nứt nẻ. Đất khô quá mà khô giữa mùa mặn, túng thế phải xả nước mặn vô, vậy là đất ngấm nước mặn, hết mùa mặn vẫn không rửa được. Vậy đất nhiễm mặn là do thủy hại, không phải thiên tai.
Mùa hạn, mặn 2024 vừa qua có một số nơi lúa bị chết. Tại cố trồng lúa nơi nước bị mặn mà ngăn mặn thất bại nên mới vậy. Năm sau không trồng lúa nữa là êm chuyện, vì xét ra trồng thêm một vụ lúa nông dân mệt mỏi chống chọi mà không khá giả hơn. Ở tầm quốc gia thì chi phí chống mặn chắc nhiều hơn lợi ích thu được.
Về cây ăn trái thì năm nay không nơi nào bị chết cây. Kêu thiên tai mà cây vẫn cho trái, mấy tháng qua trái cây đồng bằng vẫn dồi dào, không bị suy suyễn gì. Có thiên tai nào mà không để lại hậu quả?
Như bài trước đã nói, các cây yếu chịu mặn như sầu riêng thì không nên trồng nơi có thể bị mặn. Sầu riêng tuy giá cao nhưng cũng đòi hỏi chăm sóc đúng kỹ thuật, đầu tư nhiều vốn liếng. Thêm nữa, sầu riêng giá cao vì xuất khẩu sang TQ. Nếu lúc nào không xuất khẩu được chắc tơi tả như thanh long đã bị. Mít được trồng đại trà từ miền Đông sang miền Tây cũng vì xuất khẩu được sang TQ rất nhiều.
Cây chịu mặn có nhiều loại có giá trị cao nếu được chế biến để có giá trị gia tăng: dừa, mãng cầu xiêm, sơ ri v.v... Nước cốt dừa lon, nước dừa uống, dầu dừa... made in VN đã có trong siêu thị nhưng chưa đặc sắc. Mứt mãng cầu, nước mãng cầu cũng có nhưng chưa nhiều chưa phủ hết thị trường nội địa. Sơ ri thì có một nhà máy của Nhật chế biến trái sơri, đặt ở Gò Công, nhưng cũng chỉ tiêu thụ sơ ri ở Gò Công và Bến Tre lân cận Gò Công.
Đất Cửu Long nhiều vùng, thích nhiều cây trồng khác nhau chứ đâu nhứt thiết phải ngăn mặn để trồng lúa trồng sầu riêng. Cây khóm rất ưa đất phèn. Đất càng phèn khóm càng ngọt, mà khóm chế biến được biết bao nhiêu thức ăn ngon: mứt khóm, khóm sấy dẻo, nước khóm đóng hộp v.v... nhưng bán tươi là chủ yếu. Cây me chịu hạn, chịu ngập, chịu mặn đều tốt, mứt me, ô mai me rất ngon nhưng me chủ yếu bán vắt nấu canh chua 😆. Chùm ruột chịu hạn, chịu lợ, mứt chùm ruột rất ngon, nhưng không ai trồng chùm ruột để làm kinh tế vì rẻ rề bán cho ai!
Tóm lại, làm nông không phải dễ làm giàu. Thịt heo, thịt gà, trứng... là nhu cầu hàng ngày của toàn dân, sức tiêu thụ rất lớn mà nông dân chăn nuôi cũng đâu có dễ làm giàu. Trồng cây cũng vậy, bán cho ai, giá cả bao nhiêu mới quan trọng chứ cây gì chịu mặn thì ai chẳng biết. Nhà khoa học nào mà bây giờ phân tích, chứng minh cây này cây nọ chịu mặn tốt thì phải kèm theo giá trị kinh tế nữa mới áp dụng được. Chứ nói cây dừa cây tre cây me v.v... chịu mặn thì nông dân ai chẳng biết.
(Còn tiếp)
Bài 1: nước ngọt, nước mặn, nước lợ
Bài 2: Đồng khô rạch cạn
Bài 3: Trồng cây gì?
Hình: cây sa pô chê là loại cây chịu mặn tốt, trái rất ngon ngọt. Sinh tố sa pô chê ngon tuyệt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét