Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Nước Cửu Long như hiện nay, trồng cây gì?

 

Tóm tắt về nguồn nước sông Cửu Long như sau. Trước nay nước sông là nguồn nuôi sống đồng bằng. Nước sông có mùa: mùa nước lớn vào tháng 8 đến tháng 11. Nước lớn nhưng không gây lũ vì có biển hồ Tonle Sap điều tiết nước nên nước chỉ dâng lên từ từ tạo nên mùa nước nổi ở vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười gần biên giới. Mùa nước lớn thì dòng chảy mạnh nên thủy triều ở biển không đẩy nước mặn vào sông. Nước sông ngọt tận cửa biển.
Mùa nước kiệt từ tháng 1 đến tháng 4 dòng chảy sông yếu nên khi thủy triều ở biển lên thì nước mặn đẩy vào sông, nước mặn vào sâu hay không tùy theo năm. Từ tháng 5 đến tháng 8 nước sông chảy mạnh dần nhưng chưa gây ngập. Tháng 12 nước mặn cũng xâm nhập nhưng chưa sâu.
Chuyện nước mặn xâm nhập hay "lũ" đã có từ lâu và dân đồng bằng đã thích nghi với những điều đó. Tự dưng đắp đê ngăn lũ, đắp đập ngăn mặn làm xáo trộn hệ sinh thái, thủy lợi mà lợi đâu không thấy! Rồi bây giờ nguồn nước có bị tác động xấu thì đổ thừa "biến đổi khí hậu" là gọn.
Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng, gây các hiện tượng thời tiết cực đoan và làm nước biển dâng.
Trước mắt thì nước biển dâng chưa làm ngập bất kỳ chỗ nào ở đồng bằng. Nước ngập do thủy triều vài ba tiếng, ngập do mưa mà không thoát nước được thì không phải là nước biển dâng.
Thời tiết cực đoan gây nắng nóng kéo dài hồi tháng 3-4 vừa rồi, làm nước mặn xâm nhập sâu hơn nhưng không phải hạn hán. Khắp đồng bằng không có nơi nào cây chết vì thiếu nước, trừ những chỗ thủy lợi "ngăn mặn" mà không có "ngọt" để giữ nên gây thiếu nước (bài trước nói kỹ).
Ở huyện cù lao Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang (sát Gò Công) mùa nắng vừa rồi chính quyền đã công bố thiên tai vì thiếu nước sinh hoạt. Nước sinh hoạt lấy từ sông mà sông bị mặn nên "bó tay" la rằng thiên tai. Nước sông năm nào cũng mặn, vì không chuẩn bị nguồn nước máy nên mới ra nông nỗi. Nước sinh hoạt thiếu nhưng cây trồng không sao, chứng tỏ cái "thiên tai" này là nói quá lên thôi. Xứ cù lao này trồng mãng cầu xiêm, trồng sả và nhiều loại cây trồng khác thích hợp thổ nhưỡng. Vì đây là cù lao nên không thể làm thủy lợi ngăn mặn như bên Gò Công, nhờ vậy mà không hại đến cây trồng.
Cây gì chịu mặn tới đâu là người nông dân rành sáu câu. Cứ để tự nhiên cho người ta trồng cây thích hợp là ổn.
Thế nhưng, cây trồng thích hợp thổ nhưỡng có khi lại rẻ tiền, thu nhập thấp, nên nông dân loay hoay thay đổi là vì vậy, chứ không phải không biết cây gì thích hợp.
Thí dụ sầu riêng là cây chịu mặn kém, cần nhiều nước nhưng không chịu úng. Trồng sầu riêng bán được giá cao nhưng trồng nơi không thích hợp thì công chăm sóc, phân thuốc phải nhiều, sẽ "đội vốn". Vậy mà ở Cà Mau có vườn sầu riêng. Vườn sầu riêng này do chủ vườn tự ngăn mặn chứ không phải nhờ thủy lợi "ngọt hóa". Vì thổ nhưỡng không thích hợp nên chất lượng sầu riêng sẽ không bằng sầu riêng Long Khánh chẳng hạn. Nếu đem bán trên thị trường sẽ khó cạnh tranh với sầu riêng xứ khác, về giá cả lẫn chất lượng.
Nước sông cũng ít dần trong những năm gần đây, vì các đập thủy điện ở thượng nguồn, và kinh đào Phù Nam lại làm tăng mối lo dòng sông bị "mất nước". Với tình trạng sắp, sẽ thiếu nước thì chuyện đắp đê bao là quá sai lầm, công trình thủy lợi chống lũ "Xà no- Ô môn" là quá sai lầm, vì có lũ đâu mà chống.
Lo sợ thiếu nước mà lại khuyến khích trồng lúa trồng sầu riêng là những cây cần nhiều nước ngọt nhứt. Đắp đê bao để làm ba vụ lúa, "ngọt hóa" chỗ này chỗ kia để làm ba vụ lúa, ngăn mặn chỗ này chỗ kia để trồng sầu riêng v.v... vừa tốn công tốn của vừa gây hại đủ thứ.
Việc nhà nước cần làm là có chiến lược đối phó với việc (sẽ) thiếu nước. Trữ nước ở đâu, dẫn nước thế nào chứ không chỉ nói chung chung thiếu nước do biến đổi khí hậu rồi tiếp tục ngăn mặn mà không có ngọt để giữ, tiếp tục khuyến khích làm ba vụ lúa khiến tiêu hao nhiều nước, tiếp tục khuyến khích trồng thêm sầu riêng trong bối cảnh nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, nước ngọt này càng thiếu.
(Còn tiếp)
Bài 1: nước ngọt, nước mặn, nước lợ
Bài 2: Đồng khô rạch cạn
Hình: huyện cù lao Tân Phú Đông, phía đông (tay phải) là biển


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét