Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

ĐI TU


Đi tu trong Phật Giáo, hiểu theo dân gian là vô chùa xuống tóc, quy y. Nói theo Phật pháp là "xuất gia". Các tu sĩ xuất gia được gọi chung là tỳ kheo. Cũng quy y Tam Bảo mà tu tập ở nhà thì gọi là cư sĩ.
Những người bàng quan với Phật pháp thường nghĩ ai thất tình thất chí mới đi tu. Mà bàng quan hay có quan tâm thì cũng hiểu đi tu là sống đời khổ hạnh, không gia đình, không thú vui trần thế.
Tỳ kheo phải giữ 250 giới, tỳ kheo ni 348 giới. Mỗi ngày ăn một bữa. Sáng thức dậy lúc 3 giờ để công phu khuya. Ngày 4-6 thời công phu. Thường xuyên phải tụng giới để không phạm giới, phải thường xuyên lạy sám hối v.v...
Với cư sĩ tại gia thì có pháp tu "bát quan trai" trong một hai ngày. Trong ngày thọ bát quan trai thì người cư sĩ phải giữ tám giới:
1 Không sát sinh
2 Không trộm cắp
3 Không tà dâm
4 Không nói dối
5 Không uống rượu
6 Không trang điểm, đeo trang sức, múa hát hoặc xem múa hát
7 Không ngồi nằm giường cao tốt sang trọng
8 Không ăn phi thời (là không ăn gì ngoài bữa ăn ngọ)
Các tỳ kheo, tỳ kheo ni phải giữ các giới như trên và vài ba trăm giới, mọi lúc mọi nơi chứ không phải một vài ngày như cư sĩ thọ bát quan trai.
Vì sao đi tu? Đi tu để thoát khổ, trước cho bản thân và sau là giúp đỡ chúng sanh cùng thoát khổ.
Đức Phật là một hoàng tử sống trong nhung lụa, vợ đẹp con khôn nhưng ngài bỏ tất cả đi tìm đạo. Trong 6 năm trời ngài tu khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè nên cơ thể suy kiệt, sắp chết. Khi đó có một mục nữ (cô gái nuôi gia súc) dâng cho ngài chén sữa dê. Ngài uống hết chén sữa, khỏe lại và từ bỏ lối tu khổ hạnh ép xác. Ngài đứng lên, vượt qua sông Ni liên thiền đi đến gốc cây bồ đề ngồi thiền định trong 49 ngày thì chứng quả Vô Thượng Bồ Đề (Quả vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác).
Sau khi chứng quả vị Phật, ngài tiếp tục đi khất thực, chỉ ăn ngày một bữa, không có trú xứ nhứt định. Trong 49 năm trời sau khi thành đạo ngài là một Du Tăng đi khắp nơi thuyết pháp độ sanh.
Tại sao đức Phật là một hoàng tử giàu có mà phải đi ăn xin, trong khi ngài có của cải để có thể "ở không ăn" mà tu, khỏi xin xỏ ai hết.
Đức Phật dạy đệ tử đi khất thực để hạ bớt cái tôi, giảm bớt bản ngã. Xin ăn của đàn na tín thí là mắc nợ họ, phải trả bằng cách tinh cần tu tập, không được lơ là. Ai là Phật tử đều biết ăn của đàn na tín thí mà lười biếng thì phải mang lông đội sừng mà trả.
Sau này tỳ kheo hệ Phật giáo đại thừa không đi khất thực nhưng cũng sống bằng tiền cúng dường của đàn na tín thí, cũng phải tinh tấn tu tập không được xao lãng.
Đi tu ở chùa, khất thực hoặc không khất thực mà sống đời phạm hạnh, giữ giới và tu tập tinh tấn, tức là làm một tỳ kheo chân tu là một việc rất khó khăn. Người tu thường gặp nhiều chướng ngại, để vượt qua và giữ vẹn đường tu là rất khó.
Đạo Phật có 84.000 pháp môn, tức là rất nhiều (con số 84.000 là tượng trưng). Trong đó tu hạnh Đầu Đà là pháp môn khó nhứt. Ngài Ca Diếp là đệ tử được Phật truyền y bát, là người tu hạnh Đầu Đà suốt cuộc đời. Ngài Ca Diếp chỉ xin ăn ở những nhà nghèo khổ nhứt để tạo phước duyên cho họ biết đến Phật pháp.
Và Đức Phật khi đã thành đạo, khi đi khất thực vẫn bị người chửi mắng, sỉ nhục. Có lần ngài còn bị vu là làm cho một kỹ nữ có bầu. Đức Phật đã chứng quả vị chánh đẳng chánh giác mà còn phải trải qua kiếp nạn huống gì là phàm tăng đang trên đường tu tập.
Hình: tượng ngài Ca Diếp trong một ngôi chùa ở Kontum.
Ps:
* Tui có lúc muốn xuất gia nhưng tự thấy mình không đủ định lực sống đời phạm hạnh của tỳ kheo ni nên đành làm cư sĩ tại gia.
* Cầu chúc thầy Minh Tuệ không bị ma nữ quấy phá.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét