Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Tại sao Mỹ Tho, Trung Lương ngập giữa mùa hạn?

 

Các nhà quản lý cống đập và chính quyền và báo chí nói là do "biến đổi khí hậu", do "thời tiết cực đoan", do "nước biển dâng". Nghe vậy mà có ai hiểu gì không? Nếu cao nhân nào hiểu thì vui lòng giải thích tường tận, thí dụ nước biển dâng bao nhiêu so với hồi không ngập. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây ra bão, lụt, hạn hay gì? và các hiện tượng thời tiết đó ảnh hưởng thế nào đến chuyện ngập thành phố Mỹ Tho
Quả thật các cụm từ trên rất là tuyệt diệu để mà đổ thừa. Nói chung chung mập mờ như vậy để đổ thừa cho chuyện ngập lụt, thiếu nước ngọt, đất nứt, xì phèn... trong mùa hạn năm 2024 này và cả những năm trước.
NƯỚC BIỂN DÂNG LÀ GÌ?
Cái này ai muốn tìm hiểu thì tra cứu, tài liệu có đầy trên mạng. Năm 1993 nước biển dâng 1,7milimet một năm. Hiện nay tốc độ dâng nhanh hơn: 4,3 milimet một năm. Với tốc độ này thì đến đầu thiên niên kỷ mới đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm trong nước 1/3. Nước biển dâng là dâng chứ không có dâng lên rồi rút xuống.
Nước biển lên xuống mỗi ngày gọi là THỦY TRIỀU.
Khoản 23 Điều 3 Luật Khí tượng thủy văn 2015 có quy định như sau:
"Nước biển dâng là sự dâng lên của mực nước đại dương trung bình do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó KHÔNG BAO GỒM TRIỀU CƯỜNG, nước dâng do bão và các tác động tự nhiên khác".
Vậy hai lần nước ngập Mỹ Tho vừa qua do TRIỀU CƯỜNG chứ không phải do nước biển dâng.
Triều cường là từ mà báo chí và nhà nước gọi, còn dân đồng bằng thì gọi là CON NƯỚC RONG. Nước rong đã có từ hồi xưa rồi mà sao hồi xưa không ngập bây giờ ngập? Người xưa xây đô thị Mỹ Tho đã tính đến thủy triều, nên chọn chỗ không ngập khi thủy triều lớn. Tự nhiên bây giờ nước rong thành triều cường, gây ngập?
Thủy triều ngoài biển ảnh hưởng mực nước sông Cửu Long rất xa lên tận Nam Vang. Thủy triều lên thì nước sông lên cao, gọi là nước lớn, thủy triều xuống thì nước sông thấp xuống gọi là nước ròng.
Trên sông Tiền đoạn qua Mỹ Tho người ta đắp ba cái đập ngăn nước sông Tiền chảy vào sông, kinh nhánh, để ngăn mặn. Từ phía biển đi lên thì đập đầu tiên là trên kinh Chợ Gạo, đập thứ hai trên sông Bảo Định và đập thứ ba trên kinh Nguyễn Tấn Thành. Nước sông không chảy vào vào kinh rạch nhánh, không chia bớt nước được nên lúc nước rong tức triều cường thì tràn bờ mà ngập lên thành phố Mỹ Tho. Ngã ba Trung Lương gần vàm sông Bảo Định bị ngập lút gây kẹt xe.
Không phải chỉ Mỹ Tho ngập, các thành phố khác ở miền Tây cũng ngập, thí dụ Cần Thơ, cũng ngập do triều cường. Cùng một câu hỏi: sao ngày xưa triều cường không ngập mà giờ ngập? NHƯ TRÊN ĐÃ NÓI, KHÔNG PHẢI DO NƯỚC BIỂN DÂNG. Vậy do đâu???



1 nhận xét:

  1. Bài của chị gợi ý cho tôi tra cứu lại 1 số số liệu về thủy văn mà tôi còn thắc mắc. Mực nước triều cao nhất sông Sài Gòn tại Sài Gòn khoảng 1800mm, nhưng mực nước cao nhất sông Vàm Cỏ khu vực giữa Đức Hòa và Bến Lức khoảng 1300mm so với cao độ 0mm Quốc gia (Hòn Dấu).. và cách nay 20, 30 năm thì mực nước như thế nào? Ngày xưa Miền Nam dùng cao độ Mũi Nai làm cao độ Quốc Gia, vậy 0.00m Hòn Dấu và 0.00m Mũi Nai có trùng nhau không hay có chênh lệch...chênh lệch thì bao nhiêu mm???

    Trả lờiXóa