Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

BẾN TRE MIỀN ĐẤT TÔI YÊU

 (Bài viết năm 2008)

Bến Tre là một tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía tây và tây nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía đông giáp biển, với bờ biển dài 60 cây số. Thị xã Bến Tre chỉ cách Sài Gòn 85 cây số nhưng Bến Tre vẫn là một xứ sở bị cách biệt và nghèo nàn so với các tỉnh khác trong vùng, vì bốn bề sông nước bao quanh, không thuận tiện trong việc giao thương. Nay cầu Rạch Miễu nối liền Mỹ Tho với Bến Tre đã được hợp long, khi hoàn thành sẽ phá thế biệt lập của tỉnh. Giao thông thông suốt sẽ thúc đẩy sự phát triển của vùng đất còn nhiều tiềm lực này.
Sông Cửu Long có chín nhánh, sáu nhánh của sông Tiền và ba nhánh của sông Hậu thì hết bốn nhánh của sông Tiền chảy qua hoặc bao bọc quanh đất Bến Tre. Đó là các nhánh sông Mỹ Tho, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Các nhánh sông này ngăn chia đất Bến Tre thành ba cù lao là cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa. Thị xã Bến Tre nằm ở cù lao Bảo.
Nhà văn Sơn Nam, trong cuốn “Văn Minh Miệt Vườn” (NXB Văn Hóa năm 1992) xếp đất Bến Tre vào “miệt vườn”. Ở trang 17 cuốn sách trên ông viết : “Miệt Vườn tiêu biểu cho hình thức sanh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long” (tui hiểu là ông nói hồi xưa mới khẩn hoang). Như vậy, người Bến Tre từ xưa là chuyên làm vườn hơn là làm ruộng, mà vườn, chủ yếu là vườn dừa, nói đến Bến Tre là nghĩ ngay đến cây dừa. Thật ra ở Bến Tre có một vùng trồng cây ăn trái nổi tiếng, là vùng Cái Mơn, Chợ Lách. Kỹ thuật làm vườn của dân vùng này thuộc hàng cao thủ, sầu riêng Chín Hóa nổi tiếng có xuất xứ từ vùng Chợ Lách này. Hiện nay GIỐNG cây ăn trái của Cái Mơn Chợ Lách chiếm thị phần lớn nhất ở vùng ĐBSCL và cả miền Đông nữa. Vùng Cái Mơn Chợ Lách trồng được cây ăn trái vì xa biển, nước ngọt quanh năm, còn những vùng gần biển, có một mùa nước lợ thì người ta trồng dừa.
Kỹ thuật làm vườn ở Bến Tre và ở Miệt Vườn nói chung là đào mương, lên liếp, mương liếp xen kẽ nhau. Cây trồng trên liếp, còn mương thì thông với sông, rạch dẫn nước vô tưới vườn. Mỗi năm người ta vét bùn sình (phù sa) dưới mương đắp lên liếp một lần, gọi là “bồi vườn”. Đi trong vườn dừa thật là mát mẻ, dễ chịu, muốn đi từ liếp này sang líêp khác thì có cầu khỉ bắt bằng thân cây cau hoặc cây dừa chứ khỏi cần vòng tới đầu liếp.
Bến Tre có nhiều đặc sản, từ dừa người ta làm kẹo dừa, kẹo chuối, bánh tráng, bánh phồng. Kẹo dừa Bến Tre nổi tiếng khắp nơi, còn xuất khẩu ra nước ngoài. Bánh phồng bánh tráng thơm phức mùi dừa, béo vị dừa, ăn một lần là nhớ mãi không quên. Từ xưa đã có câu “bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” để khen ngợi các loại bánh này. Ngày nay các lò bánh phồng ở Sơn Đốc, cũng là một điểm tham quan của các tour du lịch về Bến Tre, làm bánh không kịp bán cho du khách. Bến Tre còn có một đặc sản mà nơi khác không có, là tép đất rang dừa. Gọi là tép nhưng con tép lớn cỡ ngón tay út người lớn, chỉ cần cắt chót đầu, cắt đuôi, không cần lột vỏ vì vỏ tép rất mềm, rồi rang với nước cốt dừa (cái này là bí quyết, rang sao cho tép thơm ngon, phồng vỏ, để cả tuần không bị hư). Tép rang dừa ăn với cơm nguội hay cơm nóng gì cũng tuyệt, không thể diễn tả (nhắc mà thèm quá). Tép đất còn dùng làm mắm tép, cũng là đặc sản, cũng ngon không thể tả luôn, ăn một lần là sẽ muốn ăn hoài. Còn một đặc sản khác mà người nội trợ như tui rất khoái, là nước màu dừa. Nước màu thắng bằng nước dừa, màu đẹp mùi thơm, dùng kho cá kho thịt sẽ làm nâng tầm của người đầu bếp lên vài ba bậc.
Đất Bến Tre cũng là vùng đất “Địa Linh Nhân Kiệt”, là quê hương của những người nổi tiếng sau đây.
Ông Phan Thanh Giản (1796-1867) sinh tại thôn An Hòa, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ông là vị tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Nam bộ xưa, làm đến chức thượng thư trong triều Nguyễn. Ông làm quan cương trực thanh liêm, rất được kính trọng. Năm 1867 khi ông đang làm kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) thì Pháp đánh chiếm Vĩnh Long. Ông liệu thế không chống nổi nên quyết định giao thành để tránh đổ máu vô ích. Sau đó ông tuyệt thực và uống thuốc độc chết, trước khi chết còn dặn con cháu không được hợp tác với Pháp.
Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một học giả nổi tiếng, thông thạo 26 thứ tiếng. Ông sinh tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Ông được ghi tên trong tự điển Larousse, được coi là người đặt nền móng cho nền báo chí bằng quốc ngữ.
Bà Sương Nguyệt Anh (1864-1922), con gái của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, sinh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là nhà thơ, chủ bút tờ báo Phụ nữ đầu tiên, tờ Nữ Giới Chung (tiếng chuông của nữ giới).
Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (Lãnh binh Thăng), võ tướng của nhà Nguyễn, sinh tại ấp Giồng Keo, làng Mỹ Thạnh, huyện Tân An , nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp dưới quyền chỉ huy của Trương Định và đã hy sinh trong chiến đấu. Ở Bến Tre và ở Sài Gòn hiện đều có tên đường Lãnh Binh Thăng.
Bến Tre hiện có các di tích : mộ cụ Đồ Chiểu và con gái là bà Sương Nguyệt Anh, mộ cụ Võ Trường Toản, người được giới sĩ phu Nam bộ thời bấy giờ tôn là Thái Sơn Bắc Đẩu, và mộ cụ Phan Thanh Giản. Các di tích này nếu được đưa vào các tour du lịch, có thuyết minh hấp dẫn thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách (chứ như hiện nay, mộ cụ Đồ Chiểu buồn hiu hắt, có đến thăm cũng nhìn nhìn ngó ngó, không tìm hiểu được gì về lịch sử nên không hấp dẫn chút nào).
Theo nhận xét của riêng tui, dân Bến Tre tuy nghèo hơn nhưng tinh thần hiếu học lại cao hơn so với dân ở trong vùng ĐBSCL. Học sinh ít bỏ học, thi đậu ĐH nhiều, ra đời làm việc giỏi, thành đạt cũng nhiều, có lẽ là noi theo gương cụ Phan Thanh Giản chăng ?(Không biết những người rành về Bến Tre và ĐBSCL có thấy giống tui hông nữa).
Bến Tre còn một vấn đề mà tui không biết tốt hay không tốt, đó là việc xây cống đập Ba Lai, chặn cửa sông Ba Lai lại, nhằm ngăn nước mặn, giữ nước ngọt để tưới cho đất nông nghiệp vùng Bắc Bến Tre, các huyện Bình Đại Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm và một phần thị xã Bến Tre. Cống đập đã đưa vào vận hành từ năm 2003. Theo báo chí thì công trình thủy lợi này đem lại lợi ích to lớn cho người dân trong vùng dự án, nhưng tui thì nửa tin nửa ngờ, vì tui nghĩ phá vỡ một hệ sinh thái tự nhiên sẵn có (của dòng sông) để lập một hệ sinh thái mới chưa chắc đã là điều hay, trên thế giới đã có nhiều bài học xương máu về chuyện này. Thành ra, vụ cống đập Ba Lai phải chờ xem kết quả thực tế ra sao .
Cuối cùng tui muốn nói là tui thích con người Bến Tre, rất yêu rất quý. Nói về đất Bến Tre không thể không nhắc con gái Bến Tre, trắng da dài tóc, xinh đẹp dịu dàng, giỏi làm bánh trái, giỏi nấu ăn. Hồi tui còn nhỏ, nghe nói gái Bến Tre rửa mặt bằng nước dừa nên trắng trẻo xinh đẹp, tui tin lắm, cứ ước ao có nhiều nước dừa để rửa mặt. Tui cũng thích bài hát Dáng Đứng Bến Tre, ngày xưa Thu Nở hát hay lắm. Các tỉnh ĐBSCL khác cũng muốn có bài hát của tỉnh mình nhưng không bài nào hay như bài Dáng Đứng Bến Tre.
Các bạn có biết tại sao Bến Tre là miền đất tôi yêu hay không???
Hình: cống đập Ba Lai, chụp năm 2022


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét