Dân quê ở xứ tui (miền Tây) thờ ông ĐỊA chứ không có thờ thần tài. Trang thờ ông ĐỊA đặt dưới đất, hướng mặt ra phía cửa. Ông Địa tức là Thổ Địa, là vị thần cai quản đất đai, tất nhiên là ông quản luôn các thứ ở trên đất
Quanh năm suốt tháng ông Địa được cúng trái cây, mà thường là nải chuối. Nhà có việc gì xảy ra, như rớt, lạc đồ vật, có chuyện bất hòa, đi thi, xuất hành làm gì người ta cũng đều "vái ông Địa", và thường cũng chỉ hứa cúng tạ ơn ông nải chuối.
Hồi còn nhỏ, mình rất rất thường nghe người xung quanh, hàng xóm nói vái ông địa chuyện này chuyện kia. Mình nghĩ bụng, ổng dễ tánh ghê, cái gì cũng vái mà cúng thì có một thứ chuối, cúng hoài.
Mình chữa bệnh cho cún với miu, rất thường gặp thân chủ nói vầy: bữa nay nó hết bệnh rồi cô. Hôm nó bịnh nặng quá tui vái ông Địa cho nó khỏe lợi tui cúng nải chuối. Vậy mà linh ghê cô ơi.
Người có buôn bán thì mới có thờ thần Tài chung với bàn thờ ông Địa. Cúng thần Tài mỗi tháng hai lần, mùng 2, 16 âm lịch. Cúng gì cũng được nhưng mình thấy người ta hay cúng gà luộc nguyên con.
Chuyện ngày vía thần Tài mùng 10 tháng Giêng, mới du nhập ở đâu về mấy năm gần đây chứ trước giờ xứ tui không có. Mùng 10 dân bản xứ cũng không có đi mua vàng.
Sáng mùng 10 loa xã cũng lên một bài sự tích thần tài, mà nghe ra là thần tài ở bên Tàu. Chắc người làm chương trình sợt trên mạng rồi bê vô phát chứ không suy nghĩ gì sâu xa.
Kể sự tích thần Tài xong thì loa hát một bài hát về thần Tài, mà bài hát dở quá, nghe xong mừng hết hồn vì thoát nạn bị tra tấn lỗ tai .
Nhà mình có bàn thờ ông Địa và thần Tài luôn, vì trước đây gia đình chồng có buôn bán. Mình là Phật tử, chỉ thờ Phật, không thờ Thần, nhưng vì ông Địa và thần Tài ngự trong nhà đã lâu, trước khi mình vào nhà nên mình vẫn thắp nhang và cúng trái cây cho các ông ấy, nhưng không cầu xin gì cả.
(Đây là bài viết theo thực tế mắt thấy tai nghe, có thể không giống sách viết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét