Tôi chỉ ghi lại những hiểu biết và kinh nghiệm của mình sau khi tham dự khóa thiền này. Hoàn toàn không tìm hiểu gì về pháp thiền này qua sách vở hay internet.
Lộ trình của pháp thiền này là giữ GIỚI, các giới của thân, khẩu, ý. Nhờ giữ giới trọn vẹn mà có thể THIỀN ĐỊNH tâm. Bình thường tâm con người ta hướng ra ngoài. Ngồi yên một chút là hàng trăm ý nghĩ đến rồi đi (gọi là tâm viên ý mã, nghĩa là TÂM như con vượn nhảy nhót, Ý như con ngựa chạy, Không lúc nào yên). Khi tâm ĐỊNH được rồi thì sang giai đoạn THIỀN TUỆ, là TÂM quay vào trong tự QUÁN tâm mình, nhận ra những vướng mắc, chất chứa của tâm mình để buông xả, giải thoát cho TÂM, và nhờ đó cũng giải thoát cho THÂN.
Nói cho dễ hiểu thì TÂM ta tự động dung chứa hàng bao nhiêu vui buồn của ta, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Dùng ý chí để đè nén buồn thương uất hận, để "buông bỏ" thì cũng qua, nhưng các nỗi đau đó không mất mà nó tích chứa lại trong tâm, làm cho tâm buồn bực u uất hay chán nản. Có khi vì tâm bệnh mà sinh ra thân bệnh. Tâm chứa quá nhiều cảm xúc, ký ức khiến ta nặng nề. Pháp thiền sẽ giúp xả bỏ bớt "rác" của tâm, và sau đó nếu tiếp tục thiền mỗi ngày thì tâm không có cơ hội tích nạp thêm "rác" nữa.
Lý thuyết là vậy nhưng thực hành không phải dễ. Với người chưa từng biết ngồi thiền thì giai đoạn đầu THIỀN ĐỊNH, chỉ định tâm vào hơi thở là cả một sự khó khăn. Thân một nơi (ngồi yên), tâm một nẻo (chạy lung tung) khiên cho thân thể đau mỏi đủ chỗ, không chỉ đau mỏi ở nơi chân không quen ngồi lâu ở tư thế kiết già hoặc bán già.
Sang giai đoạn THIỀN TUỆ, chỉ ngồi QUÁN tâm, dùng tâm nhìn vào THÂN, có nhiều vị trí trên thân, khi tâm QUÁN (nhìn) đến sẽ gây đau nhức dữ dội. Thiền sinh bỏ qua cơn đau, buông xả được nó là giải thoát được tâm. Chỉ ngồi yên và QUÁN mà gây đau. Sư cô hướng dẫn bảo rằng người nào chất chứa càng nhiều thì cơn đau càng mạnh, và phải buông xả được cơn đau thì mới thành công.
Ngồi thiền, sư cô hướng dẫn như vậy nhưng thực hành thế nào là việc của mỗi người. Nếu vì đau, mệt mà chỉ ngồi thừ thay vì ngồi thiền thì thời gian 10 ngày là uổng phí. Tôi thì nhất nhất làm đúng lời sư cô, cố gắng vượt qua từng thời thiền, cho đến thời thiền sớm (4,30-6,30g) của ngày thiền thứ bày thì lần đầu tiên mới thấy cảm giác khỏe khoắn tươi tắn sau thời thiền. Tuy nhiên sau đó mỗi thời thiền vẫn mỗi khác, có những thời vẫn không định được tâm, có những thời vẫn không QUÁN được.
Và khi TÂM biến chuyển, buông xả thì THÂN cũng được "làm mới " lại, vì thân và tâm luôn có gắn kết mật thiết, không thể tách rời. Thân khỏe tâm an là cụm từ mà chúng ta thường nghe chính là ý này.
Kinh nghiệm thiền Vipassana của tôi thế nào ư? Tôi nhìn thấy lại những chuyện, những người, những cảnh từ xửa xưa lâu lơ lâu lắc tưởng chừng như đã quên mất từ lâu và tôi đã làm được khi không bị cuốn theo những tâm trạng vui buồn giận khi những chuyện ấy xảy ra. Không biết vậy là buông xả được chưa.
Sư cô bảo rằng nếu làm được thì khi kết thúc khóa thiền thì thiền sinh sẽ thấy ngập tràn hạnh phúc. Hôm ấy, khi được nghe tuyên bố xả giới tịnh khẩu, tôi quả thật đã thấy nét mặt bừng lên hạnh phúc của các thiền sinh hihihi.
Hình: hai chị em chúng tôi trước khi lên xe về đã vội vàng xeo phì được một tấm hình trước cổng thiền viện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét