Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

ĐẠO VĂN

 

Đạo là từ gốc Hán, thường gọi là từ Hán- Việt. (Từ Hán Việt là gì thì có học ở chương trình phổ thông, lớp 8 hay lớp 9 gì đó, quên rồi. Ai có bắt bẻ chỗ "từ Hán Việt" thì kiếm sách giáo khoa coi lại nha, vì tui bị hạch hỏi vụ "từ Hán Việt" rồi nên nói trước luôn).
Đạo, có nhiều chữ đạo là từ Hán Việt
Đạo 導 là dẫn, đưa, chỉ đạo có trong các từ thường dùng: chỉ đạo, chủ đạo, lãnh đạo, tiền đạo, đạo diễn, (học) phụ đạo....
Đạo 道 là con đường, là đạo lý, và cũng có một nghĩa giống chữ đạo ở trên. Thường thấy trong các từ: đạo đức, đàm đạo, đạo hạnh, đạo sĩ, đạo pháp, hướng đạo, quỹ đạo, xích đạo, an bần lạc đạo v.v....
Đạo 盜 là trộm cắp, tên trộm, kẻ trộm. Thường thấy trong các từ: đạo tặc, cường đạo, đạo chích, đạo văn. Trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung tiên sinh có nhân vật "đại đạo thái hoa dâm tặc" Điền Bá Quang, là tên trộm bự chuyên "hái hoa" (bắt cóc phụ nữ). Nhân vật này vừa đạo, vừa tặc luôn!
ĐẠO VĂN theo từ điển Nguyễn Quốc Hùng là "lấy thơ văn người khác làm của mình". Đây có lẽ là định nghĩa ngắn gọn và chính xác. Trong giới học hành, khoa bảng có định nghĩa thế nào là đạo văn trong các công trình nghiên cứu hay bài báo khoa học thì mình không bàn ở đây. Tui chỉ nói chuyện đạo văn trên cõi mạng này.
Tại sao người ta đạo văn:
1- Vì văn thơ đó hay nên người ta mới lấy, lấy làm của mình để được người khen.
2- Đạo vì không viết nổi mà muốn phô trương, gọi là lực bất tòng tâm.
3- Vốn là viết lách không tệ, nhưng những lĩnh vực mình không thông thạo thì thôi, đạo cho nhanh, để được tiếng thông kim bác cổ.
Đạo văn cách nào?
1- Copy y chang không ghi nguồn hay ghi tác giả.
2- Có ghi tác giả bên dưới bài mà không dẫn link, khi có người khen anh/ chị viết hay quá trời quá đất thì làm thinh hoặc nói bâng quơ: không có chi!
3- Copy rồi chỉnh sửa thêm bớt chút ít, có người thêm bớt 1% rồi mạnh dạn ghi tên mình. Có người xào xáo nhiều hơn nhưng cũng giống nguyên tác 80-90% vì khó sửa cho hay hơn. Có người đạo một câu hay nhứt hoặc một ý hay nhứt trưng lên bảng chữ to hoặc nhét khéo léo vô bài của mình.
Tui khi đọc một bài (nghi) đạo văn mà hay thì sẽ cố gắng tìm nguyên tác để đọc cho chính xác và không khui chuyện đạo hay không đạo văn.
Nếu bài tui mà bị đạo, dù ít hay nhiều gì thì tui cũng không thích, và sẽ block người đó. Vì nếu còn dây dưa sẽ sanh chuyện, làm mình nổi tâm sân si không tốt.
Hình: đứng trước biển mà sao tâm lượng mình vẫn hẹp hòi!


Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2024

ĐI TU, LÀM GIÀU VÀ HỌC TIẾN SĨ!

 

Tui viết đây là với tư cách và hiểu biết của một Phật tử.
Tu sĩ Phật giáo, là các vị Tăng, Ni là hàng Phật tử xuất gia. Xuất gia là rời bỏ gia đình, vô chùa để chuyên tâm tu tập, tu cho bản thân và đồng thời "độ" (trợ giúp) các chúng sanh muốn tu tập.
Tăng là một trong Tam Bảo của Phật Giáo: Phật, Pháp, Tăng. Nếu không có Tăng Bảo thì Phật pháp sẽ không được hoằng dương và truyền thừa cho đến ngày nay. Các vị Tăng sĩ sống bằng cách đi khất thực (xưa) và nhận tiền cúng dường (nay) của bá tánh.
Kinh Phật nói một hột cơm của thí chủ nặng như núi Tu Di, nếu ăn cơm cúng dường mà không lo tu tập đúng Chánh Pháp thì phải mang lông đội sừng (tức làm thân trâu ngựa) mà trả. Đó là luật nhân quả mà Phật tử đều biết.
Người tu chỉ có nhiệm vụ là TU và hoằng pháp. Hoằng pháp không chỉ là thăng tòa giảng pháp mà phải bằng chính công phu tu tập và oai nghi, trì giới nghiêm mật của người tu.
Làm sao nhận biết chân tu hay giả tu,? làm sao biết ai tu đúng chánh pháp, ai tà pháp? Rất đơn giản. Ai giữ giới nghiêm mật là chân tu. Những giới cơ bản dễ nhận biết như sát sanh, trộm cắp, nói dối, tà dâm, uống rượu. Còn tu đúng chánh pháp là phải làm tiêu mòn bản ngã. Tu mà bồi đắp thêm bản ngã thì là tà pháp.
Sư Wang, người mới bị khui học TS Luật chỉ trong hai năm, mà học thẳng từ ĐH lên TS luôn. Từ ĐH mà được đặc cách học lên TS phải là người ưu tú trong việc học, trăm người có một. Trong khi sư Wang thì chỉ có bằng cấp ba bổ túc vào năm 30 tuổi. Ba mươi tuổi mới có bằng phổ thông thì là học không giỏi rồi, mà tá hỏa hơn nữa khi bằng đó là bằng giả. Học chưa hết phổ thông thì sao đủ trình độ, đủ kiến thức để học bậc cao hơn.
Anh Wang đã phạm giới NÓI DỐI. Đem bằng giả gạt người. Đây là tội lớn, vì cố ý phạm và không hề sám hối.
Đã đi tu thì không được đi học các bằng cấp thế gian, trừ khi đã học trước khi xuất gia. Học lấy bằng cấp thế gian là "si", là ham danh, vì việc đó không có lợi ích gì cho sự tu hành mà chỉ để khoe khoang, để nâng cái tôi, tức là vun bồi bản ngã.
Ông Wang phạm giới không phải giờ mới đổ bể. Ai có quan tâm đều biết chuyện sư phụ của ông Wang là hòa thượng TTT đã trục xuất ông ta ra khỏi sư môn và cảnh cáo rằng Wang và những người theo Wang sẽ đọa địa ngục.
Chuyện bê bối phạm giới, háo danh của sư Wang quá lộ liễu mà sao ông ta vẫn có nhiều đệ tử. Vì chúng sanh luôn muốn ai đó giúp giải quyết các vấn đề của mình: đi chùa đi miếu cầu Phật cầu Thần linh ban này ban nọ. Đi thi thì cúng bái, sờ đầu rùa, nghèo thì bỏ tiền học các lớp làm giàu, khó khăn vướng mắc thì theo các lớp chữa lành, rồi coi bói, coi phong thủy... đủ các thứ.
Mà đạo Phật là cái đạo mà người theo phải học pháp và tự mình hành pháp, tự đi và tự đến chứ không cầu xin vị Phật hay Bồ Tát nào ban cho cái gì hết.
Theo Phật mà hiểu cúng dường để "mua" phước là hiểu rất thô thiển. Đọc kinh để hiểu kinh và làm theo lời kinh, nghe pháp để hiểu pháp và hành pháp chứ không phải đơn giản ngồi nghe thầy giảng pháp là có phước, tụng kinh mỗi ngày hai lần là có phước.
Vì chúng sanh mê tín nhiều hơn chánh tín nên những người như sư Wang mới có cơ hội làm giàu và học tiến sĩ và khoe khoang không ngại ngùng.
Những giả sư phải bị vạch trần, đó không phải là đánh phá Phật giáo mà chính là chấn hưng Phật giáo. Khi không còn chùa to Phật lớn, không còn người cúng tiền mê tín thì sư giả sẽ bỏ tu. Những vị chân tu vẫn còn đó thì Phật giáo tự nhiên sẽ tốt đẹp trở lại.
Hình: một ngôi chùa rất nhỏ chỉ có vài vị sư chân tu, đạm bạc.


Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

NƯỚC SINH HOẠT Ở CHÂU THỔ CỬU LONG xưa và nay


Con người ở đâu cũng vậy, muốn sinh sống một nơi nào đó thì điều kiện cần đầu tiên là phải có nước. Nước để uống và sinh hoạt, để trồng trọt và chăn nuôi. Nước để duy trì sự sống.
Sa mạc khô cằn nên cũng hoang vắng không người ở. Châu thổ Cửu Long là vùng đất xanh tươi trù phú, mật độ dân cư cao thì tất nhiên là do có đầy đủ nước uống nước xài các thứ.
Hồi xưa xửa xừa xưa từ thời mở cõi thì cư dân đồng bằng uống nước gì tắm nước gì? Thì nước sông nước giếng và nước mưa. Nước sông Cửu Long, như các bài trước đã nói, mỗi năm có một mùa ba tháng bị nước biển vô làm sông mặn (lợ) một đoạn từ cửa biển vào một đoạn xa gần tùy năm. Ngoài vùng nước ngọt, nước lợ thì còn có vùng nước phèn. Vùng Đồng Tháp Mười nước kinh trong xanh, sông Vàm Cỏ nước "xanh biêng biếc" cũng là do phèn nhiều.
Ở vùng nước sông ngọt quanh năm và có mùa nước nổi như An Giang thì chuyện có nước sinh hoạt cũng không phải dễ dàng. Từ sông có nhiều kinh dẫn nước vô đồng. Dân An Giang cất nhà dọc theo đường lộ, dọc bờ kinh để tiện cất nhà sàn. Tắm giặt thì xuống bến, nước uống thì gánh lên nhà. Nhà tôi bên bờ sông Hậu, ngay bến sông, từ nhà xuống tới bến chừng 50 thước, hồi xưa phải gánh nước lên nhà, băng qua lộ, rất cực. Nếu ở cách xa sông thì càng cực hơn. Hồi những năm 199s Unicef có làm giếng khoan công cộng cho những nơi xa sông, nhưng đều thất bại, các "cây nước" bị bỏ hoang và dần "mất tích".
Ở miệt ruộng như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau tuy gần biển nhưng nếu không có kinh rạch thông với biển thì nước mặn không vô, cũng không có nước ngọt mùa nắng. Ở ruộng lúa thì người ta đào một cái đìa lớn để mùa cạn cá có chỗ gom lại, gần Tết thì thu hoạch. Ở chỗ cất nhà thì người ta đào hai cái đìa hai bên lấy đất đắp nền nhà, một cái đìa lấy nước sinh hoạt, một cái để trâu bò uống, tắm v.v... Xứ ruộng cò bay thẳng cánh nên đìa dù lớn cũng không chiếm diện tích là mấy. Đìa luôn có chủ chứ không phải là đìa công cộng.
Ở miệt vườn nước ngọt thì nước ở mương vườn quanh năm ngập tràn tha hồ xài. Miệt vườn có mùa nước lợ như Bến Tre thì trước mùa nước lợ người ta đắp bít một con mương vườn không để nhiễm mặn, để lấy nước giặt, rửa, tưới rau kiểng trong mùa lợ.
Vùng nước phèn thì người ta ít sinh sống, chỉ khai phá lui tới trồng trọt. Trong Đồng Tháp Mười vẫn nhiều chỗ còn rất thưa thớt dân cư.
Tất cả các "miệt" kể trên thì ngoài nước sông người ta luôn hứng nước mưa để uống. Quan niệm xưa cho rằng nước mưa rất ngọt mát. Ở vùng đất giồng thì đào giếng, nước rất tốt. Giếng hộc có xây thành để lấy nước sinh hoạt. Giếng để tưới thì đào rộng miệng thoai thoải để dễ lên xuống gánh nước tưới.
Tôi dân miền Tây, đã thấy đìa ở Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu. Thấy giếng tưới (giống cái hình nón ngược, có mạch nước quanh năm). Thấy kinh nước phèn ở Đồng Tháp Mười, thấy lu, mái, kiệu chứa nước mưa. Nếu các mô tả trên có gì thiếu sót thì nhờ 500 anh chị em dân miền Tây bổ sung giùm
(Còn tiếp: nước sinh hoạt hiện nay)
Hình: nhà tui bên bến sông