Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

VÌ SAO NGƯỜI TA "THEO" SƯ MINH TUỆ

 

Trong xã hội loài người muôn mặt, chín người mười ý, đâu phải chỉ riêng người Việt mới có chuyện một đám đông hâm mộ vây quanh một ai đó.
Nữ ca sĩ người Mỹ Taylor Swift đi lưu diễn tới đâu là ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế ở nơi đó nhờ sự chi tiêu của fans liên quan đến buổi diễn.
Các ca sĩ Hàn quốc là idol xứ họ, cũng là idol xứ ta, chắc ai cũng biết cảnh các fan xứ ta khóc lóc, hôn ghế của idol Hàn.
Đâu phải chỉ tuổi trẻ non dại mới mê idol, người lớn, có địa vị cũng nhào vô tranh cướp ấn đền Trần. Gần đây thì người có tiền, tức là có "thành công" lại đóng tiền học những khóa học chữa lành, phát triển bản thân giá vài ba trăm triệu.
Thì trong chuyện tâm linh, người ta kính trọng, yêu quý những bậc chân tu cũng không có gì lạ.
Trong cuốn "Hành trình về phương Đông" của tác giả Nguyên Phong có một câu chuyện rằng, một vị Lạt Ma nổi tiếng (không phải Đạt lai Lạt Ma) khi xuất hiện khỏi nơi ẩn tu đã được hàng ngàn người tiếp đón, chỉ để nhìn thấy ngài. Khi ngài xuất hiện thì đám đông hàng ngàn người ấy im bặt, không một tiếng động, vì ai cũng cảm nhận được một sự an lạc bao trùm mọi người. Có nhà báo hỏi ngài rằng có phải ngài không bao giờ ngủ nằm, dĩ nhiên là ngài không bao giờ trả lời những câu hỏi (vớ vẩn) như vậy. Trong đám đông đó có nhiều người phương Tây chứ không phải chỉ người Ấn độ hay Tây Tạng.
Các Phật tích ở Ấn độ: vườn Lâm tì ni nơi Phật đản sanh; Bồ đề đạo tràng nơi Phật thành đạo; Vườn Lộc Uyển nơi Phật giảng bài pháp đầu tiên (nơi Phật chuyển pháp luân) và Rừng sala song thọ, nơi Phật nhập niết bàn, là các di tích cổ hơn 2500 năm, gần như là phế tích. Có còn đâu bóng dáng của Phật, thế nhưng biết bao nhiêu Phật tử đã, đang và sẽ đến chiêm, bái những thánh tích này. Có thể ai đó sẽ nói, có gì đâu mà đi xa ngàn dặm để mà bái mà lạy những cái cây hòn đá vô tri. Sao không ở nhà mà bái lạy cha mẹ cho tròn đạo hiếu!
Tôi đã đưa mẹ tôi đi Ấn độ thăm các Phật tích. Mẹ tôi là Phật tử và bà ao ước được đến đất Phật. Nhờ đưa mẹ đi mà tôi có được đến những nơi ấy. Ngoài ra chúng tôi còn thăm nơi mục nữ dâng sữa cho Phật và sông Ni liên thiền nơi Phật lội qua để đến ngồi thiền dưới cây bồ đề. Thăm núi Linh Thứu, nơi Phật giảng nhiều bài pháp, thăm thành cổ Ca tỳ la vệ nơi Phật từ đó bỏ cung vàng điện ngọc đi tu, thăm mộ cha mẹ của đức Phật, thăm bảo tháp chứa xá lợi Phật duy nhứt chưa được khai quật và thăm bảo tàng Indian Museum ở Kolkata, nơi trưng bày Xá lợi Phật.
Nay sư Minh Tuệ tu hành theo 13 hạnh đầu đà. Đầu trần chân đất dưới cái nắng như thiêu gần 40 độ mà không bị phỏng, tối mùa đông ngồi ngủ ngoài trời chỉ khoác một tấm y mà không bịnh. Đêm tối dưới gốc cây hoặc cạnh gò mả không mùng không nhang muỗi mà không bị muỗi "làm thịt". Ngày ăn một bữa không được lựa chọn thức ăn, đi ba chục cây số mà không lao lực, không bị bịnh do suy dinh dưỡng, thì rõ ràng ngài được Phật lực gia hộ khiến Phật tử thấy nghe liền khởi tâm kính ngưỡng. Người ta muốn gặp ngài, muốn đảnh lễ ngài và muốn thỉnh pháp ngài là điều dễ hiểu.
Với các vị sư đi theo thì sư Minh Tuệ cho họ thấy rõ tu hạnh đầu đà là thế nào, gợi cho họ niềm tin tưởng là họ có thể làm được, vì vậy mà càng ngày càng nhiều sư đi theo hạnh tu này. Tu hành luôn là việc rất khó, thường có nhiều chướng ngại, luôn cần có sư phụ hoặc bạn đồng tu sách tấn. Huống chi là hạnh tu khó nhứt thì càng cần có sự dìu dắt, truyền kinh nghiệm của người đi trước.
Có ai đó nói tu sao không ở nhà tự tu mà đi theo sư Minh Tuệ chi. Nói vậy là họ tưởng tu là dễ như ăn bánh. Tôi là Phật tử tại gia, vẫn thường tu/hành ở nhà nhưng vẫn phải đến chùa để nương tựa tam bảo. Ở nhà dễ khởi tâm lười biếng giãi đãi, rồi tự mình xí xóa cho mình bằng câu: tùy duyên, sức mình tới đâu làm tới đó. Không phải ai cũng đủ dũng mãnh độc tu độc hành như ngài Minh Tuệ.
(Còn tiếp: vai trò của youtuber )
Bài có liên quan:
https://phuongnguyen2010.blogspot.com/2024/06/chuyen-tu-hanh-cua-su-minh-tue.html

Hình trên mạng: sư Minh Tuệ và bạn đồng tu là sư Minh Tạng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét