Truyện dài của Trịnh Công Nguyên
Nhờ các cao nhân đọc và cho ý kiến nha. Chân thành cảm tạ. ai thấy note này xin cmt nha vì mềnh chỉ cho một số ít người thấy thôi chứ không public.
Chương I
Nó là một học sinh, 17 tuổi, cái tuổi mà người ta nói chưa biết đời là gì, chưa biết khổ đau là gì, nó đã hiểu thế nào là bất mãn với đời.
Dưới hệ thống giáo dục mà sức sống của tuổi trẻ được đánh giá bằng những con điểm, nơi mà giá trị người học sinh được xếp thành từng thang bậc vô tri, thì không may nó lại bị xếp vào loại "trung bình". Nó cười cay đắng. Dường như chỉ cần hai chữ đơn giản này là thầy cô và cả cha mẹ có thể đánh giá hết con người nó. "Lười, không cố gắng, không chuyên cần, dễ sao nhãng... vân vân và vân vân...". Chỉ hai chữ thôi là có thể hiểu được hết cả một con người?
Nó rất cố gắng, nhưng nó không thể thuộc những công thức, những số liệu, những phương trình đã học. Nhớ rồi lặp lại, lặp lại rồi quên. Những đứa học giỏi điên cuồng so nhau từng chấm phẩy của con điểm. Những đứa học kém hơn thì bị thầy cô miệt thị la mắng bởi chúng không thể nhớ, không thể thuộc lòng. Nó không thể nhớ, đúng hơn là không muốn nhớ và lặp đi lặp lạinhư cỗ máy. Nó nghĩ, cái gọi là “nền giáo dục” này sao vô nghĩa quá, phù phiếm quá. Sau một năm học nó biết thêm những gì, nó hiểu thêm những gì? Ba mẹ dạy nó đạo lý, bạn bè dạy nó tình bạn, tình đồng đội, tình yêu. Còn bài vở? Sau 12 năm học có mấy ai còn nhớ hàng trăm công thức đã học? Có mấy ai biết trân trọng vẻ đẹp tiềm ẩn của tự nhiên? Có mấy ai có được niềm đam mê kiến thức và sự khao khát tìm tòi học hỏi? Bạn bè làm ấm trái tim tuổi trẻ, nhưng trường lớp như muốn giết đi và chôn vùi chút hơi ấm còn lại ấy.
Nó thích viết văn. Nó thích được diễn tả cái đẹp, cái xấu, cái vui, cái buồn của nó,của bạn nó và của con người. Nhưng hỡi ôi, văn học, một môn học nhân văn nhất, có thể nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao nhân cách và đập tan dốt nát, thì cũng bị "công thức hóa" và "rập khuôn hóa" một cách tàn nhẫn không thương tiếc. Suy nghĩ của trò là tương đối, sách giáo khoa là tuyệt đối. Từng câu văn phải đúng đáp án, hoặc tốt hơn, hãy học một bài văn mẫu rồi chép lại. Những bài văn nó viết trong lớp y như hàng ngàn bài của hàng ngàn đứa học sinh khác: vô hồn, vô vị, vô nghĩa. Nó thích tìm hiểu lịch sử, thích đọc sách địa lý nhưng môn sử môn địa trong trường học luôn làm cho nó chán ngấy và mệt mỏi.
Nó lao đầu vào game. Có thể vì trong thế giới ảo này nó tạm quên đi thực tại, cũng có thể vì ở đây cái tôi có được sự công nhận mà nó thèm muốn. Trong thế giới này nó giỏi, nó có tiềm năng, và nó không bị xếp vào loại "trung bình". Cha mẹ la nó, ép nó học: "Không phải con học dở, mà là con không chịu học". Nó mỉm cười cay đắng. Thôi đành vậy. Học để thuộc, thuộc để lặp đi lặp lại. Hy vọng lần này nó sẽ không quên.
Nó thường nhìn ra cửa sổ trong giờ học, tưởng tượng và suy ngẫm. Có khi nó mong ước nó có thể mọc một đôi cánh để bay thật xa, bay khỏi cái thế giới chật hẹp nhỏ bé này. Nó chắc rằng con người ai cũng từng mơ ước thế, có lẽ vì thế giới dường như luôn luôn nhỏ bé đối với loài người. Mà nếu họ có thể bay thật xa, họ có thật sự hạnh phúc? Nó có thật sự hạnh phúc? Rồi nó nghĩ, có lẽ Đấng Tạo Thế không ban đôi cánh cho con người vì Ngài sợ rằng họ sẽ bay lên chỗ của Ngài và phàn nàn với Ngài rằng họ không hạnh phúc. "Người đã tạo ra chúng con, tại sao Người không ban cho chúng con niềm vui và hạnh phúc?", có thể họ sẽ nói như vậy. Mà có khi Đấng Tạo Thế không tồn tại. Có thể chẳng có ai quan tâm, lắng nghe tới thế giới nhỏ bé ồn ào của loài người. Có thể sự tồn tại của nó, số phận của nó chỉ đơn thuần là một sự may rủi trong vô vàn sự may rủi, và số phận của nó được quyết định bởi những con số trong bảng điểm kia. Nó rất xui khi con số của nó được gọi tên là "Trung bình", giống như một người đánh bạc cược tất cả cuộc đời mình vào một ván bạc, để rồi thua trong cay đắng. Và...
"Định, em có nghe cô giảng không?"
Nó nhìn lên bảng. Trên đó đầy kín các phương trình và phép tính.
Nó lí nhí: "Em xin lỗi..."
Cô Liên thở dài: "Lát em ra nói chuyện với cô. Ai có thể giải được bài này?"
Sau giờ học, cô đi về phòng giáo viên, và nó lặng lẽ theo sau. Cô là một trong rất ít giáo viên mà nó tôn trọng. Sau 30 năm dạy học, cô hiểu rõ những khó khăn mà học sinh phải đối mặt, những cái vô lí mà giáo viên phải đương đầu. Cô cũng phần nào hiểu được nó, một đứa trẻ già trước tuổi, chán ghét trường lớp và khinh thường cái phù phiếm của giáo dục hiện nay. Nó rất thông minh, nhưng theo một cách rất đặc biệt mà không phải ai cũng hiểu được, và theo một cách mà chắc chắn hệ thống giáo dục này không chấp nhận. Cô thương nó, một đứa trẻ không giống với số đông nên đã sắp bị nghiền nát dưới sức ép của cả hệ thống này.
Cô và nó ngồi đối diện nhau trong căn phòng. Nó nhìn cô, cười mệt mỏi. Đây không phải lần đầu hai người có cuộc nói chuyện như thế này.
"Định, điểm số của em rất thấp, nhất là các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh.Em phải tập trung hơn trong lớp. Sắp tới kỳ thi đại học rồi."
"Em xin lỗi cô. Em đã rất cố gắng, nhưng với em những khái niệm toán học, những công thức, những bài hình học đều rất rối rắm và mơ hồ. Khả năng toán học của em có hạn, và giới hạn đó không được cao lắm."
Kỳ lạ. Cô Liên nghĩ, một đứa học trò già dặn, thậm chí hơn nhiều người đồng nghiệp của mình.
"Cô biết, em rất sắc sảo và nhạy cảm. Và đó là một điều rất hay ở em. Nhưng như vậy không đủ, bởi vì..."
Một khoảng im lặng...
"...Bởi vì cô biết, và em cũng biết, sự đa cảm và tinh tế của tâm hồn chắc không đáng giá một xu trong xã hội này cô ạ." -Nó nói tiếp lời cô, giọng vô cảm. Cô ngập ngừng. Có quá nhiều buồn tủi lẫn hiểu biết trong tâm hồn quá còn non trẻ của nó.
"Bất kì ai, trong bất kì xã hội nào, cũng đều có giá trị riêng của họ.Em không nên tiêu cực vậy".
"Em nói sự thật, và sự thật thường phũ phàng".
"Đó là vì em nhìn nó một cách bi quan".
"Nhưng có ai có thể nhìn đời một cách hoàn toàn khách quan hả cô? Ai cũng có quá khứ, cảm xúc và suy nghĩ của riêng họ. Và họ nhìn đời theo cách của họ.”
Cô thở dài. Tranh luận với nó cũng vô ích, bởi thật sự nó quá thông minh. Nếu được sinh ra trong một nền giáo dục khác, một đất nước khác, có thể nó đã là một học sinh xuất sắc, tương lai sẽ là một nhà văn hoặc một triết gia. Đáng buồn thay. Đáng tiếc thay.
"Định, sau này em muốn làm gì?"
Nó nhìn ra cửa sổ một thoáng. Nó muốn làm văn sĩ, nhưng có lẽ ba mẹ sẽ từ nó (hoặc đại loại vậy) nếu nó theo con đường đó. Ba mẹ nó muốn nó thành bác sĩ, kỹ sư, học lên thạc sĩ, tiến sĩ nữa thì càng tốt. Nó cũng biết viết văn là một con đường khó khăn, lại càng nhiêu khê và chông gai hơn ở một xứ mà viết văn phải theo khuôn khổ, phải đúng công thức. Và nó không thích làm nhà báo, bởi báo chí cũng mang nặng mùi công thức và giả tạo.
"Chắc sau này em làm tu sĩ cô ạ". Nó vừa nói vừa cười, mặc dù cô Liên không chắc là nó đang đùa.
"Cô hỏi thật. Em nghiêm túc đi."
...
"Em không biết cô ạ. Em có thể làm gì?"
Ý nó là: Xã hội nàycòn có chỗ cho người như nó không?
Cô lắc đầu nhẹ.
"Em thử tự trả lời câu đó đi. Giờ em về đi. Mai mốt ráng tập trung vào. Có khó khăn gì hãy nói với cô".
Tự trả lời? Bởi có những câu hỏi chính cô không thể trả lời? Nhưng nó không nói vậy. Nó biết cô thương nó, và thật sự muốn giúp nó.
"Em cảm ơn cô. Thưa cô em đi."
***
Nó đã từng có một người thầy chân chính, người cho nó thấy ánh sáng thuần túy của tri thức nhân loại, không bị vấy bẩn bởi sự tạp nham của đức tin hay ý thức hệ.
Mùa hè hai năm trước, bạn thân của ba nó, một Tiến Sĩ Xã Hội Học ở Mỹ, bay về Việt Nam làm việc trong một thời gian dài. Nhà nó ở tỉnh, nhà bác ở Sài Gòn, và bởi vì nó cần học hè Anh Văn ở Sài Gòn nên ba gửi nó cho bác suốt ba tháng hè. Từ đó, nó được học những cái đẹp, cái hay và thâm thúy nhất của lịch sử và triết học loài người. Hằng đêm bác kể nó nghe về Khổng Tử, người thầy của cả Trung Quốc, và Lý Bạch, nhà thơ lang bạt coi thế gian là nhà, về Plato, cội nguồn của triết học phương Tây, hoăc Aristotle, nhà bác học đầu tiên của nhân loại, hay chúa Jesus, người duy nhất không mang trên mình tội lỗi con người, và Darwin, người tạo ra cuộc chiến giữa chủ nghĩa Thế Tục và thuyết Sáng Tạo kéo dài tới tận giờ, về Kỷ Nguyên Khai Sáng và Thời Đại Phục Hưng, và về hai cuộc chiến tranh Thế Giới, và sự ngu si mê muội của cả một dân tộc, để rồi chỉ vì những lý do ngu xuẩn nhất mà thế giới phải điêu tàn.
Nó há hốc, lắng nghe và học hỏi với niềm say mê mà nó chưa hề biết trong trường học. Đây là một học giả, với kiến thức như vô hạn, không bị bao bọc bởi những cái tên “người anh hùng” hoặc số liệu nhàm chán, và là một người thầy thực thụ có khả năng truyền ngọn lửa đam mê tri thức cho học trò mình.
"Con hãy nhớ, tâm hồn là tất cả những gì mình có được. Đừng để sự nhạt nhẽo của trường lớp làm mờ đục suy nghĩ của con, và đừng để bị cuốn theo tâm lý bầy đàn mà làm mất bản thân mình."
Ở sân bay, bác nhìn nó rầu rầu. Một thằng bé thông minh, bác nghĩ. Nếu có thểt hì mình cũng sẽ mang nó sang Mỹ du học. Đáng tiếc...
"Good luck, and I wish you happiness, my friend." Và đó là nhữnglời cuối cùng bác nói với nó trước khi lên máy bay quay về nước Mỹ.
Một tháng sau bác qua đời. Tai nạn giao thông. Tử vong ở hiện trường.
Nó ngơ ngác, không tin đó là sự thật!
Nó nhốt mình trong phòng và khóc lặng lẽ, không thành tiếng, như nghẹn lại trong tim.
Nó không tin, sao cái chết đơn giản quá, tầm thường quá. Như một hòn đá rơi trong tĩnh lặng giữa mặt hồ. Như một ngọn lửa lụi tàn.
Sinh mệnh một con người vĩ đại thế, lại dường như vô nghĩa trong con mắt thế gian hững hờ.
Nếu cái chết của một con người phi thường thế lại là vô nghĩa, thì cuộc đời của mấy ai còn có nghĩa?
Có mấy ai hiểu được sự phù du của bản thân mình?
Trong cơn đau tê tái,nó tìm khuây trong cây bút. Nó viết về sự lạnh lùng vĩnh cửu của cái chết, về vết thương không bao giờ thật sự lành, và trống vắng con tim.
Vìcuộc đời là những cuộc chia tay...
Ở giữa ranh giới thực tại và hư vô,
Ta còn mong gặp lại...
Sau lời từ biệt.
Và tự lúc nào cây bút đã trở thành người bạn tốt nhất của nó. Nó tiếp tục viết về những triết lí mơ hồ của nó, những tưởng tượng viển vông, những câu hỏi không có lời đáp nhất định,mà nó cứ cố gắng tự trả lời.
Và hơn hết, nó viết nhiều nhất về sự cô độc.
Trong sự cô độc con người sẽ thấy một cái bóng luôn đi theo mình, một bóng đen bí ẩn,thuần khiết và vô định. Con người sợ, rất sợ bóng đen này, bởi họ không thể hiểu nó, và con người sợ những gì họ không hiểu. Họ không nhận ra rằng, bóng đen này chính là bản ngã của họ bị phơi bày khi xung quanh không còn gì che chở. Có thể con người không muốn chấp nhận rằng, cái tôi mình là vô định...
Có thể tôi không muốn chấp nhận rằng, tôi chẳng là ai...
Tôi là ai?
Nó cô độc.
Một người viết không có độc giả là biểu hiện của sự cô độc tận cùng. Một cuốn vở duy nhất trong ngăn tủ cũng cô độc như chủ nhân của nó vậy. Nó không cho ai xem, bởi nó biết sẽ không ai hiểu, bạn bè nó, cha mẹ nó, thậm chí cô Liên. Nó che giấu tác phẩm của nó, và cả con người thật của nó.
Nếu bác còn đây...
***
"Ê thằng chó. Màycó thấy mấy tấm hình sexy mới của Elly Trần không?"
Linh , thằng bạn thuở nhỏ của nó hỏi nham nhở.
Nó nhớ lời bác nói...
...
"Con muốn biết ý kiến của bác về phụ nữ phải không?"
"Vâng ạ" Nó cười háo hức.
Bác nháy mắt, cười khà khà rồi nói chậm rãi:
"Phụ nữ, thật ra như vầy. Người phụ nữ với tâm hồn đẹp, thường rất phức tạp. Mình có thể đôi lúc không hiểu được họ cần gì, muốn gì, nhưng những gì họ cho và nhận đều rất đẹp. Còn những người phụ nữ đẹp mê hồn nhưng chỉ thích nhìn đời qua tấm gương soi, họ lại rất đơn giản. Họ sẽ nhận tất cả những gì có thể tô điểm cho sự phù hoa của họ, và khi mình không còn gì hào nhoáng để cho, họ sẽ ngoảnh mặt quay bước mà đi."
"Làm sao con phân biệt được ai là ai ạ?"
"Cứ làm đẹp cho tâm hồn con trước. Những tâm hồn đẹp luôn nhận ra nhau".
...
"Ừ. Tao công nhận nhỏ đó hot thật." nó vừa trả lời vừa cười.
"Tao nói cho màynghe. Nhỏ đó mà là vợ tao thì tao sẽ...."
Ôi cái thằng...
***
"Hôm nay bác sẽ nói về chuyện Ngụ Ngôn Hang Động của Plato, một trong những câu chuyện lâu đời nhất trong lịch sử triết học thế giới. Con đã nghe chưa?"
“Dạ chưa” - Nó lắc đầu.
"Ok. Câu chuyện này mang đầy tính ẩn dụ, cho nên để hiểu được nó con tuyệt đối không được nghĩ theo nghĩa đen. Hãy hình dung, loài người là một bầy tù nhân bị trói chặt trong một hang động, buôc phải quay mặt vào vách đá trong động. Vì bị trói nên họ không thể ngoái nhìn ra cửa hang hoặc đi ra khỏi hang. Dây trói này là gì, thì có nhiều lời giải thích. Có thể đó là giới hạn bản thân, hoặc cũng có thể là sự hạn hẹp tư tưởng, phong tục tập quán lỗi thời, vân vân... Phía sau những tù nhân này là một ngọn lửa luôn cháy sáng và một lối đi nhỏ. Trên lối đi này có những cai ngục, họ mang những thứ trông giống cây cỏ, muôn thú và con người để hắt bóng chúng vào hang động. Các người tù thấy những cái bóng này, và tin rằng đó là hình ảnh thật của mọi thứ, bởi họ chưa từng thấy sự thật. Những tù nhân gần nhau trao đổi, đánh giá, chê bai và dèm pha lẫn nhau trình độ hiểu biết của họ về thế giới ảo ảnh đấy.
Giả sử có một người tù có thể thoát khỏi dây trói. Anh ta sẽ quay lại và thấy ngon lửa. Ánh lửa sẽ làm mắt anh đau một lúc, nhưng anh từ từ sẽ thấy là, tất cả những gì anh từng biết đều là ảo ảnh, và những cai ngục kia chính là người tạo ra các ảo ảnh đấy. Giả sử anh bước trên lối đi và chầm chậm tiến ra khỏi cửa hang. Ánh sáng mặt trời sẽ làm mắt anh đau nhức, và trong một thoáng anh chỉ muốn quay trở vào hang động. Nhưng từ từ, anh cũng sẽ quen với ánh sáng, và nhìn thấy, lần đầu tiên trong đời anh, một thế giới thực, tuyệt đẹp và vĩnh cửu. Anh sẽ nhìn thấy núi, sông, biểncả, mặt trăng và các vì sao, và cuối cùng, anh có thể nhìn thẳng vào mặt trời,nguồn ánh sáng của vạn vật.
Đối với đa số người bình thường thì thế giới thực này quá tuyệt vời so với hang động, nên họ sẽ không bao giờ quay lại hang sau khi đã thoát khỏi nơi đó. Nhưng người tù nhân tự do này, anh thấy thương những người bạn tù của anh, nên anh quyết định quay trở lại để cố thuyết phục họ đi ra khỏi hang và nhin vào ánh sáng mặt trời. Nhưng hỡi ôi, bóng đen của hang động làm con mắt quen với ánh sáng của anh mờ đi khi anh quay về. Những người tù khác kết luận rằng chuyến đi đã làm mờ mắt anh, và họ quyết không đi ra khỏi hang. Những cai ngục giam anh lại, và trói anh chặt hơn trước, để chắc rằng anh không thể thoát ra.
Con nghĩ sao về câu chuyện này?"
Nó trầm tư một lúc rồi nói:
"Một câu chuyện quá trừu tượng.... chắc con cần thêm thời gian để suy nghĩ."
"Tốt, rất tốt. Con đang đi về hướng ánh sáng đấy."
***
"Bác, nếu bác là người tù tự do ấy, thì bác có quay lại hang động không?"
Bác nhìn vào mắt nó một lúc... rồi nói:
"Socrates có nói rằng các cai ngục sẽ vùi dập và phán xét người tù tự do, bởi họ sợ người đó sẽ lôi kéo các tù nhân khác. Còn các tù nhân khác thì sẽ cố giết bất kỳ ai muốn kéo họ ra khỏi hang động."
"Nhưng tạisao..."
"Con nghĩ xem.Galileo bị kết tội là dị giáo khi dám tuyên bố trái đất xoay quanh mặt trời.Jesus bị đóng đinh lên Thánh Giá vì muốn cứu rỗi loài người. Socrates bị xử tử vì ông ấy chỉ biết nói sự thật. Đa phần lịch sử loài người... đắm chìm trong ngu dại."
"Vậy bác sẽ đi luôn?"
"Ồ. Dĩ nhiên là không. Người đã được tự do thì có nghĩa vụ phải giải cứu đồng loại mình."
"Bác rất lý tưởng.Và nếu như mọi cố gắng đó là vô nghĩa, giống như..."
"Như một giọt nước trong biển cả?"
"Dạ, đúng vậy."
Bác cười:
"Nhưng biển cả...là do nhiều giọt nước hợp lại mà thành."
...
"Và con thử tưởngtượng một thế giới không có Galileo, Jesus và Socrates xem? Thế giới đó chắc buồn chán lắm." Bác nói tinh nghịch.
***
Một con người cao thượng. Một cái chết tầm thường.
Tại sao con phải biết quá nhiều? Ánh sáng có thực sự mang lại hạnh phúc?
Không,con không chấp nhận. Không. Cái chết bác không vô nghĩa. Nếu đó là hòn đá rơi giữa mặt hồ, con sẽ làm thành sóng nước vỡ bờ, thanh tẩy mặt đất. Nếu đó là ngọn lửa lụi tàn, con sẽ tiếp tục cầm ngọn đuốc đốt cháy u mê. Con đã thấy ánh sáng,và con không bao giờ chấp nhận bóng tối.
Không,con không chấp nhận, không chấp nhận.
***
"Em chào cô. Cô rảnh không ạ?"
Cô Liên ngẩng lên:
"Ồ, Định! Có gì không em?"
"Em muốn trả lời câu cô hỏi hôm trước về nghề nghiệp của em sau này. Nhưng trước hết em muốn nhờ cô giải thích việcnày."
Cô nhíu mày. Dường như trong giọng nó có chút giận dữ.
"Chuyện gì vậy em?"
Nó hít một hơi dài.
"Em không hiểu. Em không hiểu tại sao mà cả một hệ thống giáo dục của cả một đất nước lại như vầy. Đâu phải mọi người làm ngơ. Đâu phải mọi người đều ngu dốt. Em đã đọc hàng vài chục bài báo, bài viết về các “dị tật” học đường. Nào là chuyện học sinh chửi thề, đánh lộn, thầy đánh trò, phụ huynh đánh thầy… mà nói văn hoa là “bạo lực học đường”. Nào là bán bằng,mua điểm. Nào là học giả bằng thật, học thật bằng giả, học giả bằng giả. Nào là chương trình nặng nhồi nhét, thiếu kỹ năng. Nào là dạy học sinh thành gà công nghiệp vân vân và vân vân. Và hàng hà sa số lời than thở thở than.Thầy cô than thở, phụ huynh than thở, nhà báo than thở, còn học sinh thì cố chịu đựng. Ai cũng cảm thấy có điều không đúng, ai cũng chỉ trích giáo dục này nọ. Dường như bây giờ nhắc đên giáo dục người ta có thể lôi ra muôn vàn cái xấu, rồi bảo thay đổi này, thay đổi nọ, cải cách này, cải cách nọ. Ai cũng muốn thay đổi, vậy tại sao, tại sao, không có gì thay đổi. Cả một hệ thống từ từ đi xuống dần, cô có thấy không? Cô đã dạy học hơn 30 năm rồi. Cô đang chứng kiến sự suy đồi của nền giáo dục. Cô có thể cho em lời giải thích?"
Nó nói chậm rãi, nhưng mãnh liệt. Cô nhìn chăm chăm vào nó. Cô có thể nói gì với nó đây?
...
"Cô. Sau này em sẽ..."
(hết chương 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét