Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

NHÀ SÀN


Nhà sàn là nhà "có chân", sàn nhà cách mặt đất một khoảng cao hoặc thấp tùy nhu cầu của gia chủ. Đi lên nhà sàn phải có cầu thang.
Người Thượng ở Tây Nguyên ở nhà sàn chắc ai cũng biết, nhưng người miền Tây, đồng bằng Cửu Long ở nhà sàn thì lại ít người biết!
Dân miền Tây ở nhà sàn vì có mùa nước nổi. Chỉ vùng nước nổi đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp mới có nhà sàn. Xuôi về hạ lưu, các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang và các timhr ven biển đều không thấy có nhà sàn. À, trừ khi người ta cất nhà trên ao, hồ, kinh, rạch, sông thì phải cất nhà sàn. Hồi xưa Sài gòn cũng nhà sàn chi chít trên kinh rạch!
Ở miệt vườn không có mùa nước nổi thì người ta cất nhà trong vườn, xa xa mới có một cái nhà vì vườn ai cũng lớn, tính bằng công bằng mẫu, không có cảnh nhà cửa san sát nhau như phố thị.
Thế nhưng ở vùng nước nổi người ta không ai cất nhà trơ trọi ở giữa đồng trên mảnh đất của mình, mà nhà cửa luôn cất dọc theo đường lộ, theo bờ kinh, cũng san sát nhau không thua gì nơi phố thị. Vì sao vậy?
Vì khi nước lên, cánh đồng thành biển nước, không thể cất nhà trơ trọi giữa đồng sẽ bị sóng, gió nguy hiểm. Khi mùa khô về thì giữa đồng lại không có nước sinh hoạt.
Các đô thị trong vùng nước nổi như Tân Châu, Hồng Ngự, Châu Đốc v.v... đều được lập ở những vùng đất cao tự nhiên hoặc do tôn tạo để mùa nước không ngập hoặc ngập chút ít. Các con đường trong vùng nước nổi cũng được đắp cao để không ngập.
Các con kinh xáng khi được đào thì đất đổ lên hai bờ kinh sẽ được sửa sang thành đường giao thông không ngập nước, và dân cư liền cất nhà cặp theo đường lộ. Cất nhà sàn cao bằng mặt lộ là không bị ngập.
Nhà sàn của người trung nông vùng nước nổi rất vững chãi và đẹp. Nhà có thể cất kiểu sắp đọi hoặc chữ đinh, sàn ván, lợp ngói. Cột sàn gọi là cây "nống" (hay "nóng"?) Làm bằng đá hoặc xây xi măng. Các cột nhà bằng gỗ được đặt trên các đầu nống này mà không cần kết dính bằng xi măng hay gì khác, giống như kê cột trên tán của nhà trệt. Nhà sàn sẽ tự vững chắc trên bộ nống nhờ chính sức nặng của nó.
Nếu nhà sàn trơ trọi giữa đồng mà nước lớn gần mặt sàn thì sóng đánh từ dưới sàn lên có thể nâng luôn cái nhà rời khỏi bộ nóng. Nhưng nếu cất nhà dựa lộ thì sóng vô bị lộ chắn lại, không lớn nên nhà sẽ an toàn.
Nhà tui là nhà sàn, kiểu chữ đinh. Trước nhà là quốc lộ, sau là đồng ruộng nước nổi. Nhà cất cao bằng mặt lộ, sân đắp cao bằng lộ nên từ trước vào nhà không cần cầu thang. Năm 2000 nước rất cao, quốc lộ nhiều đoạn bị ngập nên sau đó đường được nâng lên hơn một thước, nhà thấp hơn đường nên phải nâng lên bằng đường.
Nhà dọc đường quốc lộ hay "trong kinh" thì bây giờ người ta cũng xây nhà lầu nhà đúc như thành phố. Nhà sàn chưa bị dẹp để xây mới cũng còn kha khá. Nhà tui là một trong những nhà sàn đó.
Hình 1: những cây nống dưới sàn nhà tui
H2: sàn ván nhà tui, hai miếng ván màu sáng là mới thay gần đây.
H3: đường lên nhà sàn (nhà người ta)





Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

MÙA NƯỚC NỔI: "NƯỚC PHÂN ĐỒNG" là gì?


Hôm nay là ngày Rằm tháng chín âm lịch, theo kinh nghiệm của người dân vùng nước nổi thì nước dâng lên từ từ suốt từ tháng sáu tháng bảy, đến hôm nay là ngày con nước rong giữa tháng chín mực nước ngang đâu thì giữ đó, sẽ không dâng lên thêm nữa trong thời gian tới. Mực nước giữ nguyên trong thời gian ngắn rồi từ từ rút xuống. Thời điểm nước hết lên mà chưa rút gọi là NƯỚC PHÂN ĐỒNG.
Mực nước lúc "phân đồng" năm nay thấp, chỉ ở mức báo động một. Mà năm nay vẫn như những năm trước, đồng ruộng vẫn có đê bao, lúa vẫn đang xanh rì, cây dừa cây xoài vẫn được "bảo vệ" để không bị ngập.
Vùng ngoài đê bao là "bìa chéo" diện tích không đáng kể so với trong đê. Ngoài đê thì năm nào cũng ngập, nhiều hoặc ít. Năm nay báo chí tự nhiên sực nhớ hay sao mà ca ngợi mùa nước nổi quá trời làm người ở xa tưởng đâu xứ nước nổi đã phá đê bỏ đập!
Nếu đã bao đê một vùng lớn thì ngoài đê sẽ ngập nhiều nếu so với ngập cả trong, ngoài. Mà ngoài đê năm nay nước thấp chứng tỏ lượng nước trên nguồn về không nhiều, sông Mekong ít nước trong mùa nước đổ là có thật!
Nước ngập vùng đầu nguồn sông Tiền sông Hậu không phải do vùng này trũng, thấp mà là do nước sông về nhiều, chảy không kịp nên tràn bờ. Khi nước rút là rút cái rẹt ra sông, nếu không bị chặn lại thì nước rút khô đồng rất nhanh. Nước rút nhanh hơn khi nước lên rất nhiều.
Cho nên nếu có ai đó cho rằng không đắp đê bao để nước tràn vô tự do, góp phần giữ nước cho mùa khô là hiểu lầm. Phải có hồ có trũng mới giữ nước được (như hồ Tonle Sap - Biển Hồ) chứ không thì nước rút tuột xuống sông hết, chỗ nào đâu mà giữ! Nước dù lớn dù nhỏ thì trong tháng mười cũng rút cạn đồng, có đâu mà để cho mùa khô!
Đồng Tháp Mười cũng có vài chỗ trũng, mùa khô xem xép nước chứ cũng không chứa được bao nhiêu nước. Qua lúc nước phân đồng thì Đồng Tháp Mười cũng dần bị rút nước ra sông như ai thôi!
Cho nên chuyện trữ nước cho mùa khô là phải xây đập, làm hồ chứa chứ không tự nhiên mà giữ được ở hai "túi nước" trong mùa nước là Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười như lời "đồn đại". Nếu thật sự đắp đập để cho hai vùng này thành hồ chứa thì mất béng diện tích lúa cao sản của hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Bài toán này khó giải trên thực tế!
Năm nay mùa nước nổi mực nước thấp báo hiệu mùa kiệt sắp tới mặn sẽ xâm nhập sâu. Nước nổi, nước kiệt, mặn xâm nhập, đắp đê ngăn mặn, đắp đê ngăn "lũ"... cứ xà quần xà quần không hiệu quả. Hây da! Tui là nông dân miền Tây cũng rầu lòng lắm thay!
Hình 1: nước nổi trên đồng ngoài đê bao, cái vó đặt trên dòng kinh mấy cây lơ thơ là bờ kinh.
H2: đồng lúa xanh rì trong đê bao
H3: nhà sàn trong vùng nước nổi xưa, giờ trong đê bao, hết ngập lâu rồi!





Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Một chục là bao nhiêu?

 

Một chục là mười chứ nhiêu mà hỏi. Nếu người xứ khác mà lần đầu đến Sài Gòn rồi xuống miền Tây mà mua trái cây thì sẽ ngỡ ngàng vì một chục không phải là mười.
Nhưng đó là chuyện hồi xưa, hai ba chục năm trước. Hay nói gọn hơn là hồi thế kỷ trước! Hồi đó trái cây ở miền Tây người ta đong đếm chứ ít khi cân. Ở nhà vườn bán trái cây cho lái thì tính cần xé, trừ dừa là tính chục. Trái cây bán lẻ ở chợ thì đa số đều tính chục, trái nhỏ như chùm ruột, sơ ri thì đong bằng lon hoặc lít, trái lớn hơn như chôm chôm, nhãn thì cân ký. Đu đủ, bán trái, chuối bán nải, sầu riêng bán trái hay ký thì không nhớ rõ.
Mà chục trái cây ở miền Tây thì luôn là hơn mười. Ở Sài gòn, xuống Long An, Mỹ Tho, Bến Tre thì chục mười hai. Qua Mỹ Thuận thì chục mười bốn, mười sáu. Tới Cao Lãnh thì chục mười tám luôn! Hồi đó đi qua bắc Cao Lãnh sẽ thấy người ta bán xoài, bày một chục xoài trên cái mâm hoặc cái rổ, chất đầy vun mấy lớp rất đẹp, rất bắt mắt. Khách mua trả giá xong thì người bán sẽ chất chục xoài mười tám trái vô bịch cho khách, có độn một mớ lá chuối khô chống giập.
Các loại bánh quê như bánh ú, bánh ít, bánh tét, bánh dừa, bánh bò, bánh da lợn v.v... lò bánh làm bỏ sỉ cho người bán lẻ ở chợ hoặc bán dạo cũng tính chục mười hai. Đi bán lẻ một chục sẽ lời được hai cái.
Có thứ gì một chục trơn không thêm hay không? Có, đó là trứng gà trứng vịt. Một chục hột vịt lộn là mười trứng thôi, ai đòi thêm là người bán chưng hửng đó!
Bây giờ trái cây lớn nhỏ gì cũng bán ký, hết bán chục lâu rồi. Mà cũng không thấy người ta mua cam đi thăm bịnh hay mua xoài đi đám giố như hồi xưa nữa. À, còn duy nhứt một thứ trái còn bán chục là trái dừa bán tại vườn cho lái, chục mười hai. Ra chợ bán lẻ thì bán trái, mua mười thì tính mười, mười hai tính mười hai chứ không tính chục mười hai đâu nha.
(Viết nhân đọc thấy một bài ai đó nói về miền Tây mua chục trứng được 12 🤣🤣🤣)
Hình: tui hai chục tuổi (chục Cao Lãnh), một lần đi Vũng Tàu.