Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

NHẬN DIỆN SƯ, NHẬN DIỆN CHÙA

 

Người cư sĩ Phật giáo quy y Tam Bảo, thọ ngũ giới là muốn tu, muốn hành theo lời dạy của Phật để được giải thoát khỏi đau khổ của chúng sanh.
Vì là cư sĩ tại gia, còn trong "trần lao" nên cư sĩ khó mà chuyên tâm đọc kinh sách, nghiền ngẫm và hành trì. Cư sĩ khó lòng tự học tự tu tự chứng mà phải nương vào các vị tu sĩ xuất gia. Cố hòa thượng Thích Giác Khang ngài nói nhiệm vụ của Tăng là tu và giảng pháp cho chúng sanh.
Nhưng tăng sĩ cũng có thật có giả, có chân tăng mà cũng có ma tăng. Vậy làm sao biết ai thật ai giả? Phật nói khi ngài nhập diệt thì các tỳ kheo phải lấy GIỚI làm thầy. Các sư mà phạm giới thì không phải là sư thiệt rồi.
Nhận ra sư phạm giới rất dễ. Sư chân tu thì sống kham khổ, vừa đủ. Ăn ngày một bữa (sư Bắc Tông cũng ăn một bữa), ngủ giường hẹp bảy tấc, lót ván cứng hoặc chiếu trơn, sư không coi văn nghệ, múa hát phim ảnh, không đeo trang sức hoặc đồ dùng đắt tiền v.v... Chùa thì chùa tăng chùa ni riêng biệt. Chỗ nghỉ của tăng không có nữ giới chung lộn.v.v...
Chùa thì cũng vậy, tăng giả thì chùa cũng giả thôi. Chùa thật làm gì cũng vì lợi ích chúng sanh, không bao giờ moi tiền chúng sanh bằng bất cứ hình thức nào, đi tụng cầu siêu hoặc tụng đám đều tùy hỷ công đức.
Mẹ tôi mất, gia đình tôi muốn gởi tro cốt vào chùa. Tôi không quen thuộc nhiều các ngôi chùa trong vùng nên phải dọ hỏi vài ngôi chùa có nhận tro cốt. Bà con ai cũng nói gởi chùa thời nay tốn tiền lắm, có "đơn giá" hết. Tôi không muốn gởi mẹ ở một ngôi chùa như vậy. Chùa thật thì hương linh người mất mới được lợi lạc. Nghĩ vậy nên tôi định nếu chùa nào cũng ra giá, không có chùa nào thanh tịnh không đòi hỏi tiền bạc gì thì chắc đành phải không gởi chùa. May sao ngôi chùa đầu tiên tôi ghé sư trụ trì hoan hỷ nhận liền không điều kiện gì. Mấy năm trôi qua, càng ngày tôi càng nhận ra sư là bậc chân tu.
Các sư đi tu, dù khất thực hay không cũng là sống nhờ đàn na tín thí nuôi dưỡng. Phật tử cúng chùa là việc nên làm, tùy tâm tùy sức góp phần "nuôi" chư tăng. Nhiều người biết chùa giả sư giả vẫn cúng dường vì họ lập luận mình cúng mình có phước, ai làm sai thì bị quả báo chứ mình không có lỗi. Nếu không biết mà bị gạt thì cũng không có phước, mà nếu biết vẫn nhắm mắt cúng thì sư giả bị đọa chốn nào mình đọa theo chốn đó.
Làm Phật tử không chỉ khó vì kinh pháp, không chỉ khó vì hành pháp mà còn khó vì con của ma vương luôn trà trộn giả làm con Phật. Vì vô minh mà tin con Ma vương là đường tu đứt gánh!
Hình: Ngài Ca Diếp. Trong kinh gọi là Maha Ca Diếp. Maha là lớn, nên dịch là Đại Ca Diếp. Có người bắt lỗi là bộ xã hội đen sao mà gọi Đại Ca!


Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

NGÀY KHAI ĐẠO PHẬT GIÁO HÒA HẢO.

 

Hôm nay ngày 18 tháng 5 âm lịch, là ngày đại lễ của người bổn đạo PGHH.
Đức thầy Huỳnh Phú Sổ khai đạo ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mẹo (1939) tại An Hòa tự ở làng Hòa Hảo quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc, nay là thị trấn Phú Mỹ huyện Phú Tân tỉnh An Giang.
Năm đó Đức Thầy mới 20 tuổi. Đức thầy là con nhà giàu, được đi học theo Tây học. Từ ngày khai đạo đến khi đức thầy "vắng mặt" (là bị mất tích bí ẩn) năm 1947, trong vòng 7-8 năm Đức Thầy đi nhiều nơi ở miền Tây để thuyết pháp, chữa bịnh và khuyến nông. Những lời của Đức Thầy được ghi lại trong cuốn Sấm Giảng Thi Văn.
Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ lập ra một pháp tu (hành) theo đạo Phật. Pháp môn này hướng dẫn cho các Phật tử tại gia các giáo lý căn bản của Phật giáo: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo..., các giới tín đồ phải giữ để tu học (tám giới). Hướng dẫn cách công phu hành trì niệm Phật mỗi ngày hai thời tại nhà.
Pháp môn tu của PGHH là pháp môn Tịnh độ: niệm Phật để vãng sanh. Hiện đời thì sống có đạo đức, bố thí giúp đỡ người khó khổ, đắp đường xây cầu v.v...Ở An Giang và các tỉnh nhiều tín đồ PGHH thì ở các bịnh viện luôn có bếp ăn từ thiện cho bịnh nhân nghèo, có xe cấp cứu chuyển bịnh miễn phí, đều là của người PGHH
Vì đây là pháp môn cho cư sĩ chứ không phải cho người xuất gia nên PGHH không có chùa chiền, chỉ có duy nhứt An Hòa tự là nơi khai đạo, cho đến hiện nay vẫn là một ngôi chùa nhỏ đơn sơ. Ngày đại lễ khai đạo được tổ chức ở An Hòa tự, cho người bổn đạo đến viếng và đảnh lễ. Quanh chùa có nhiều điểm đãi cơm nước miễn phí, đều do người bổn đạo góp công của.
Ngoài điểm chính ở An Hòa Tự thì nhiều nơi cũng có tổ chức lễ mừng để có chỗ cho người bổn đạo đảnh lễ, tưởng nhớ Đức Thầy. Chỗ tôi cách Hòa Hảo một con sông một cánh đồng, có nhiều tín đồ PGHH. Hầu như mỗi xã có một điểm mừng đại lễ, điểm nào cũng có đãi cơm nước miễn phí.
An Hòa Tự hôm nay người viếng nghẹt đường dù trời mưa. Có người đi nhưng không tới được vì đông quá phải quay về giữa chừng.
Hình: điểm tổ chức lễ ở gần nhà tui


Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

THẦY "VẮNG MẶT"!

 

Thầy Minh Tuệ và các sư huynh đệ đi bộ hành khất thực từ miền Bắc vào đến Huế thì bỗng nhiên sau đêm 2-6 các sư đều "mất tích". Sau đó tin từ TTXVN đưa ra và các đài báo khác dẫn lại là sư Minh Tuệ "tự nguyện" ẩn tu.
Sự kiện sư "tự nguyện" ẩn tu khiến cho đại chúng đang theo dõi đoàn sư hụt hẫng và thắc mắc: giờ này sư ở đâu! Không lâu sau đó sư Minh Tuệ xuất hiện trong đoạn phim phỏng vấn của báo Lao Động, (ngày 11-6) cho biết ngài đang ẩn tu ở quê nhà. Cùng lúc đó một số huynh đệ của sư Minh Tuệ cũng đang bộ hành về Gia Lai để hội ngộ với thầy.
Sư Minh Tuệ xuất hiện lại chỉ trong 3 ngày là lại "ẩn tu" nữa. Lần này thì cũng qua lời truyền đạt của người khác chứ không phải chính thầy nói.
Các huynh đệ của thầy bị "hốt" đi bỏ khắp nơi và nghe nói là hầu hết đều về nhà về chùa tự tu tập.
Hiện giờ có hai vị sư huynh đệ của sư Minh Tuệ đang bộ hành khất thực ở miền Tây. Có một youtuber đưa tin mỗi ngày. Hôm qua tôi xem một đoạn youtuber phỏng vấn một thí chủ. Cô thí chủ này cúng dường cho thầy cái ruột nồi cơm điện cũ đã chùi rửa sạch bóng, cắt bớt vành để dễ dùng uống nước và mài lại cho hết bén.
Cô thí chủ này nói từ ngày biết thầy Minh Tuệ cô rất kính trọng đạo hạnh của thầy và huynh đệ. Cô nói từ hôm thầy "vắng mặt" thì cô rất buồn bã trong lòng nhưng cô tin là thầy và các huynh đệ sẽ có lúc đươc tiếp tục thực hiện hạnh nguyện của mình.
Từ "Thầy vắng mặt" dân vùng Phật giáo Hòa Hảo rất hiểu. Một ngày nọ, đức thầy Huỳnh Phú Sổ bị mất tích. Phật tử tín đồ không tin thầy chết mà cho tới bây giờ vẫn gọi đó là ngày đức thầy "vắng mặt"
Một cô khác thì nói cô luôn nhớ thầy Minh Tuệ để buông bỏ bớt tâm tham sân si của mình.
Dân miền Tây nơi các thầy đi qua rất kính trọng các thầy. Có vài vị thí chủ từ xa đi từ 4 giờ sáng tới đón lúc các thầy rời chỗ nghỉ đi ra để chào. Không thấy cảnh sờ mó các thầy để được phước.
Youtuber thì quay mà không tiết lộ địa điểm, nhưng qua lời của các thí chủ buộc miệng thì tôi nghe một địa danh gần chỗ của mình. Vậy mà xem video cũng không biết đường quê nào, chỉ thấy rất quen thuộc.
Cũng chỉ biết chúc cho các sư chân cứng đá mềm, tinh tấn tu tập theo con đường đã chọn. Hy vọng các sư này đi lẻ loi, dân chúng không đi theo thì sẽ không bị hốt.
Xét ra thì đi tu hạnh đầu đà đâu chỉ khó ở 13 hạnh mà còn biết bao ngăn trở khác.
Hình: một cái xẻo ở quê tôi.


Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

Chuyện sư Minh Tuệ: vai trò của các youtuber.


Sư Minh Tuệ đi khất thực dài theo đất nước đã được 6 năm, đi hơn ba vòng vào Nam ra Bắc. Dọc đường sư đi có những youtuber như Nhân gà, Tuấn container tình cờ gặp sư và có quay clip về sư và đưa lên mạng từ vài năm trước. Vậy nhưng không nhiều người biết được về bước đường bộ hành khất thực của sư.
Bỗng đâu khoảng cuối tháng tư, đầu tháng năm 2024 sư Minh Tuệ "tự nhiên" nổi tiếng. Trước đó tôi không hề biết về ngài vì tôi ít coi youtube lắm. Khi thấy ai ai cũng xôn xao về "sư Minh Tuệ" thì tôi mới quan tâm, tìm hiểu.
Các youtuber đeo bám đưa tin trực tiếp về từng bước đi của sư là để kiếm tiền. Mà người xem nhiều thì mới kiếm tiền nhiều. Nghe nói các youtuber "truyền hình trực tiếp" về ngài Minh Tuệ kiếm được từ hàng triệu đến hàng chục triệu mỗi ngày. Họ kiếm nhiều tiền như vậy cho thấy công chúng rất quan tâm theo dõi. Ngài Minh Tuệ cũng nói, nếu họ quay phim về ngài mà họ thu được lợi ích thì ngài cũng hoan hỉ với họ.
Nhiều người quay nhưng người quay đẹp, đưa tin hay thì không nhiều. Tôi cũng lựa chọn vài ba youtuber khá để coi chứ không coi tất cả.
Từng bước đi của ngài, từng hành động của người dân đi theo, từng câu hỏi của người thỉnh pháp và câu trả lời của sư đều được ghi lại. Ngài Minh Tuệ luôn luôn nhắc nhở Phật tử giữ giới. Ngài khẳng định không nên nói dối, không có lời nói dối nào mang lại "lợi ích" cho người nghe hay người nói.
Nhu cầu thỉnh pháp của đại chúng là có thật. Những người vấn pháp với sư có thắc mắc, có đau khổ, có trăn trở trong cuộc sống, có trở ngại trên con đường tu học, có nhu cầu học hỏi thiện tri thức (thiện tri thức là người hành giả có hiểu biết Phật pháp).
Xem các clip về đoàn sư đi theo sư Minh Tuệ ta có thể thấy được đạo hạnh của mỗi người. Chỉ dáng ngồi thôi là biết ai có an lạc hay không, qua vài lời đối đáp với youtuber ta có thể biết sư nào hiểu pháp tới đâu.
Những youtuber đã góp phần đưa sư Minh Tuệ đến với đại chúng, đã giúp nhiều người, Phật tử và không phải Phật tử hiểu hơn về Đạo Pháp, vậy nên họ thu được lợi ích cũng là xứng đáng.
Từ khi sư ẩn tu lần thứ hai, không youtuber nào quay được ngài. Các clip về ngài từ hôm đó (16-6) đều là cắt ghép. Tuy nhiên, về các huynh đệ đồng tu với sư Minh Tuệ thì có nhiều clip. Có sư bị "hốt" bất ngờ, bỏ lại y áo đang phơi, có sư bị đuổi ra khỏi ranh giới của một tỉnh. Hôm nay các youtuber vẫn đang đưa tin về các huynh đệ của sư Minh Tuệ
Nếu không có các youtuber thì chúng ta chỉ coi được các đài của nền "báo chí cách mạng", thì ta có thể biết được bao nhiêu sự thật? Vì báo chí cách mạng luôn luôn phải "định hướng" cho "quần chúng" theo chủ trương đường lối chính sách chứ đâu có đưa tin trung thực.
Nhưng nghe, xem youtuber cũng thật giả khó lường. Phải vừa xem vừa suy xét.
May thật, xứ mình không cấm youtube như TQ. Nếu mà cấm thì đại chúng sẽ luôn được nghe nhìn đúng đường lối.
Hình trên mạng: hình này chụp ngược trái/ phải . Sư luôn ôm bình bát tay phải, dây đeo túi vắt qua vai phải chứ không phải vai trái.


Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

VÌ SAO NGƯỜI TA "THEO" SƯ MINH TUỆ

 

Trong xã hội loài người muôn mặt, chín người mười ý, đâu phải chỉ riêng người Việt mới có chuyện một đám đông hâm mộ vây quanh một ai đó.
Nữ ca sĩ người Mỹ Taylor Swift đi lưu diễn tới đâu là ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế ở nơi đó nhờ sự chi tiêu của fans liên quan đến buổi diễn.
Các ca sĩ Hàn quốc là idol xứ họ, cũng là idol xứ ta, chắc ai cũng biết cảnh các fan xứ ta khóc lóc, hôn ghế của idol Hàn.
Đâu phải chỉ tuổi trẻ non dại mới mê idol, người lớn, có địa vị cũng nhào vô tranh cướp ấn đền Trần. Gần đây thì người có tiền, tức là có "thành công" lại đóng tiền học những khóa học chữa lành, phát triển bản thân giá vài ba trăm triệu.
Thì trong chuyện tâm linh, người ta kính trọng, yêu quý những bậc chân tu cũng không có gì lạ.
Trong cuốn "Hành trình về phương Đông" của tác giả Nguyên Phong có một câu chuyện rằng, một vị Lạt Ma nổi tiếng (không phải Đạt lai Lạt Ma) khi xuất hiện khỏi nơi ẩn tu đã được hàng ngàn người tiếp đón, chỉ để nhìn thấy ngài. Khi ngài xuất hiện thì đám đông hàng ngàn người ấy im bặt, không một tiếng động, vì ai cũng cảm nhận được một sự an lạc bao trùm mọi người. Có nhà báo hỏi ngài rằng có phải ngài không bao giờ ngủ nằm, dĩ nhiên là ngài không bao giờ trả lời những câu hỏi (vớ vẩn) như vậy. Trong đám đông đó có nhiều người phương Tây chứ không phải chỉ người Ấn độ hay Tây Tạng.
Các Phật tích ở Ấn độ: vườn Lâm tì ni nơi Phật đản sanh; Bồ đề đạo tràng nơi Phật thành đạo; Vườn Lộc Uyển nơi Phật giảng bài pháp đầu tiên (nơi Phật chuyển pháp luân) và Rừng sala song thọ, nơi Phật nhập niết bàn, là các di tích cổ hơn 2500 năm, gần như là phế tích. Có còn đâu bóng dáng của Phật, thế nhưng biết bao nhiêu Phật tử đã, đang và sẽ đến chiêm, bái những thánh tích này. Có thể ai đó sẽ nói, có gì đâu mà đi xa ngàn dặm để mà bái mà lạy những cái cây hòn đá vô tri. Sao không ở nhà mà bái lạy cha mẹ cho tròn đạo hiếu!
Tôi đã đưa mẹ tôi đi Ấn độ thăm các Phật tích. Mẹ tôi là Phật tử và bà ao ước được đến đất Phật. Nhờ đưa mẹ đi mà tôi có được đến những nơi ấy. Ngoài ra chúng tôi còn thăm nơi mục nữ dâng sữa cho Phật và sông Ni liên thiền nơi Phật lội qua để đến ngồi thiền dưới cây bồ đề. Thăm núi Linh Thứu, nơi Phật giảng nhiều bài pháp, thăm thành cổ Ca tỳ la vệ nơi Phật từ đó bỏ cung vàng điện ngọc đi tu, thăm mộ cha mẹ của đức Phật, thăm bảo tháp chứa xá lợi Phật duy nhứt chưa được khai quật và thăm bảo tàng Indian Museum ở Kolkata, nơi trưng bày Xá lợi Phật.
Nay sư Minh Tuệ tu hành theo 13 hạnh đầu đà. Đầu trần chân đất dưới cái nắng như thiêu gần 40 độ mà không bị phỏng, tối mùa đông ngồi ngủ ngoài trời chỉ khoác một tấm y mà không bịnh. Đêm tối dưới gốc cây hoặc cạnh gò mả không mùng không nhang muỗi mà không bị muỗi "làm thịt". Ngày ăn một bữa không được lựa chọn thức ăn, đi ba chục cây số mà không lao lực, không bị bịnh do suy dinh dưỡng, thì rõ ràng ngài được Phật lực gia hộ khiến Phật tử thấy nghe liền khởi tâm kính ngưỡng. Người ta muốn gặp ngài, muốn đảnh lễ ngài và muốn thỉnh pháp ngài là điều dễ hiểu.
Với các vị sư đi theo thì sư Minh Tuệ cho họ thấy rõ tu hạnh đầu đà là thế nào, gợi cho họ niềm tin tưởng là họ có thể làm được, vì vậy mà càng ngày càng nhiều sư đi theo hạnh tu này. Tu hành luôn là việc rất khó, thường có nhiều chướng ngại, luôn cần có sư phụ hoặc bạn đồng tu sách tấn. Huống chi là hạnh tu khó nhứt thì càng cần có sự dìu dắt, truyền kinh nghiệm của người đi trước.
Có ai đó nói tu sao không ở nhà tự tu mà đi theo sư Minh Tuệ chi. Nói vậy là họ tưởng tu là dễ như ăn bánh. Tôi là Phật tử tại gia, vẫn thường tu/hành ở nhà nhưng vẫn phải đến chùa để nương tựa tam bảo. Ở nhà dễ khởi tâm lười biếng giãi đãi, rồi tự mình xí xóa cho mình bằng câu: tùy duyên, sức mình tới đâu làm tới đó. Không phải ai cũng đủ dũng mãnh độc tu độc hành như ngài Minh Tuệ.
(Còn tiếp: vai trò của youtuber )
Bài có liên quan:
https://phuongnguyen2010.blogspot.com/2024/06/chuyen-tu-hanh-cua-su-minh-tue.html

Hình trên mạng: sư Minh Tuệ và bạn đồng tu là sư Minh Tạng.


Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

CHUYỆN TU - HÀNH của SƯ MINH TUỆ

 

Tui là Phật tử, bổn phận của Phật tử là phải có tu, có hành. Tu hành siêng năng thì gọi là tu "tinh tấn", tu/ hành bữa đực bữa cái gọi là "giãi đãi".
Không phải xuất gia vô chùa mới là tu, không phải đọc thiên kinh vạn quyển sách của đạo Phật là tu. Người đọc kinh sách nhiều mà không tu không hành thì chỉ là "học giả". Người có tu có hành là "hành giả". Người trên bước đường tu học nếu muốn học hỏi ai đó thì chỉ nên học và hỏi ở hành giả, đừng nên nghe lời của học giả. Đọc kinh sách không hiểu mà đi nghe lời giải thích của học giả thì chỉ thêm vô minh mà thôi!
SƯ MINH TUỆ là một hành giả tuyệt đối HÀNH đúng chánh pháp. Nhờ ngài Minh Tuệ mà tôi biết thêm nhiều điều.
Tôi đọc kinh sách, biết Y cà sa thời Phật là được chắp vá từ những mảnh vải vụn bỏ đi (lượm ngoài nghĩa địa). Biết vậy nhưng nghĩ thời Phật thì vậy chứ giờ sao làm được, sư bây giờ đắp y vàng cũng có may ráp nối tượng trưng. Y của sư ngày nay rất đẹp, bằng vải tốt, Có cái y các đường ráp nối bằng chỉ bạc lấp lánh sang trọng. Giờ sư Minh Tuệ với cái y phấn tảo đã mở mắt cho tôi biết rằng, dù không phải thời Phật nhưng y phấn tảo vẫn là có thật!.
Phật sau khi tu KHỔ HẠNH sáu năm thì ngài bỏ con đường đó và đi đường TRUNG ĐẠO, không sướng không khổ. Tu khổ hạnh của Phật là ép xác quá mức đến sắp chết. Sau khi Phật thành đạo, ngài không "khổ hạnh" nhưng vẫn thọ thực ngày một bữa trước ngọ. Gia tài ba y một bát, không có trú xứ nhứt định (chú ý: không có trú xứ NHỨT ĐỊNH chứ không phải là không có trú xứ.) Chuyện ngủ nghỉ phải tiết chế đến mức tối thiểu. Pháp tu đại thừa không đi khất thực thì các sư cũng không ăn sau giờ ngọ. Đường TRUNG ĐẠO của Phật đối với đa số phàm nhân chúng ta vẫn là khổ hạnh khó thực hiện. Vậy nên nếu tôi nói đi tu là khổ hạnh tức là ý này, chứ không phải nói về lối khổ hạnh mà Phật thực hành trong sáu năm.
Gia tài của một vị sư chỉ "ba y một bát", một bát là một bình bát đựng thức ăn. "Ba y" trước đây tôi cứ ngỡ là ba bộ y để thay đổi. Giờ qua sư Minh Tuệ tôi mới biết ba y thực chất là một bộ. Y thượng là áo trong, y hạ là quần, y lớn là tấm y quấn ngoài. Đường trung đạo ba y một bát của Phật đâu dễ thục hiện!
Sư MINH TUỆ đi đầu trần chân đất, đi dưới nắng tháng tư, trên đường nhựa có thể làm nóng phỏng bất cứ bàn chân nào, vậy mà sư vẫn đi bình thản. Có người hỏi sao sư không mang giày dép thì ngài trả lời "đi chân trần dễ chánh niệm hơn". Tôi thấy rằng nếu không có đủ định lực thì đi chân trần tâm trí sẽ bị cái nóng, cái đau làm cho giằng xé, khó mà chánh niệm được. Vậy nhưng sư vẫn đi rất an nhiên tự tại, nét mặt rất an lạc khoan hòa. Điều này phàm nhân khó làm được.
Hạnh ngủ ngồi không phải muốn là làm được, không phải tập luyện lâu ngày là làm được. Ngồi thiền ngày 10 tiếng là chuyện khó không phải hành giả nào cũng làm được. Ngày bộ hành đêm thiền định lại càng khó hơn. Ngài Minh Tuệ có trả lời với một người vấn pháp (tôi không nhớ nguyên văn), rằng khi tâm buông xả nhẹ nhàng thì mới ngủ ngồi được (mà không bị đổ, gục).
Hạnh Đầu Đà là pháp tu khó, để xả bỏ rốt ráo tham sân si. Sư Minh Tuệ tu hành không chùa chiền, không có gì riêng tư. Những pháp hành của ngài hiển hiện trước mắt mọi người, đều chân thật. Đây là lý do khiến ngài được kính ngưỡng.
Tôi là Phật tử tại gia, chỉ giữ năm giới mà còn bị phạm giới. Khi biết ngài Minh Tuệ, tôi đã phải tự mình nhìn lại mình, tự nhắc nhở mình phải luôn tinh tấn, không được giãi đãi.
(Còn tiếp: vì sao "người hâm mộ" đi theo ngài Minh Tuệ)
Hình trên mạng: sư Minh Tuệ.


Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

Viết nhân ngày Phật Đản: THEO PHẬT ĐỂ ĐƯỢC GÌ?

 Bài viết năm 2023, đăng lại.


Ngày Phật Đản là ngày sinh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo kinh điển Phật Giáo thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra vào ngày trăng tròn tháng Vesakha theo lịch cổ Ấn Độ. Ngày trăng tròn trong lịch Ấn Độ cổ là ngày mùng 8, tức là Đức Phật đản sanh ngày mùng 8 tháng Vesakha theo lịch Ấn Độ. Đối chiếu với Âm lịch thì là ngày Rằm tháng Tư. Đối chiếu với Dương lịch thì là ngày trăng tròn trong tháng Năm.
Ở VN ta hiện nay thì các chùa tổ chức mừng lễ Phật Đản từ mùng 8 đến ngày 15 tháng Tư âm lịch.
Ngày Phật Đản là ngày lễ trọng của Phật tử. Các chùa tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo để Phật tử tham gia. Đức Phật đản sinh, là một hoàng tử có vợ đẹp con khôn, cung vàng điện ngọc nhưng ngài đã từ bỏ tất cả để tìm đường tu tập, cứu khổ cho chúng sinh. Ngài tu tập và thành đạo, sau đó suốt 49 năm ngài liên tục đi khắp nơi để giảng Pháp, cứu độ chúng sinh, cho đến khi ngài nhập Niết Bàn.
Theo Đạo Phật hay Phật Pháp không phải là cầu xin Trời Phật Thánh Thần cho mình cái này cái kia, hoặc cầu xin cho mình thành Phật (như Phật nói: ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành). Theo Phật là theo con đường của ngài đã chỉ dạy, và tự thân đi trên con đường đó. Các vị sư, thầy chỉ là phương tiện, là bảng chỉ đường cho ta không lạc lối, còn thì tất cả phải là tự mình đi tự mình đến.
Theo Phật sướng hay khổ? Sướng khổ tùy quan niệm, nhưng trước mắt phải bỏ rất nhiều thú vui thế gian. Nếu Phật tử tại gia thì phải giữ năm giới:
1 Không sát sanh
2 Không trộm cắp
3 Không nói dối
4 Không tà dâm
5 Không uống rượu (không sử dụng các chất gây nghiện)
Nếu thọ các Giới cao hơn thì phải giữ từ 10 giới cho đến một hai trăm giới.
Phật trước khi nhập Niết Bàn (chết) có dặn các đệ tử là khi ngài đi rồi thì các đệ tử phải lấy Giới làm thầy. Nghĩa là việc giữ giới là quan trọng nhứt với người con Phật.
Ngày nay Phật tử đi chùa muốn biết các sư là chân hay giả thì nhìn cách các vị ấy giữ giới hay phá giới là biết ngay. Biết sư giả mà vẫn theo là đã theo tà pháp, không còn là Phật pháp nữa.
Vậy theo Phật để được gì?
Lý thuyết là để thân tâm an lạc, lìa bỏ khổ đau. Nhưng trong đạo Phật ai tu nấy hưởng, ai chứng nấy biết, giống như uống nước nóng hay lạnh thì người uống tự biết, người ngoài chỉ nghe tả không thể biết đúng như đương sự cảm thụ.
Giữa thời buổi mạt Pháp, con cháu Ma vương đầy dẫy thì làm sao Phật tử biết mình theo đúng Phật Pháp, không bị (vô tình) ngả theo Ma vương? Càng theo Đạo mà càng thấy hoan hỉ an lạc, tâm tính bình ổn là đúng đường. Nếu càng theo Đạo mà thấy cứ đau khổ bứt rứt tâm luôn bất an thì đã đi sai đường vậy!
Theo Đạo Phật, theo Phật Pháp là phải làm gì thì tùy Pháp môn, ngồi thiền, tụng kinh hay niệm Phật v.v…Nói theo Phật mà chỉ đọc chỉ nghe Pháp mà không thực hành không hạ thủ công phu thì mãi mãi vẫn dậm chân tại chỗ!
Phật tử Hồ Phương Trinh.