Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

THĂM QUẦN ĐẢO NAM DU

 Quần đảo Nam Du nằm trong vịnh Thái Lan, cách Rạch Giá 90km. Quần đảo gồm 21 hòn lớn nhỏ, lớn nhất là HÒn Lớn hay Hòn Củ Tron, là địa điểm chính mà khách du lịch ghé đến, ăn uống ngủ nghỉ. Tuỳ theo tour tuỳ thời gian du lịch và tuỳ ý thích, du khách sẽ đi tham quan, tắm, ngắm san hô hay câu mực v.v... ở các hòn khác .

1/ Phương tiện đến đảo: Chỉ có một đường đi bằng tàu cao tốc từ Rạch Giá. Thời gian đi khoảng 2,30 phút. Tàu có máy lạnh, tương đối thoải mái. Bến tàu ở Rạch Giá rác ôi thôi là rác. Rạch Giá làm khu lấn biển hoành tráng, ban đêm đèn ngọn xanh ngọn đỏ hào nhoáng mà để rác ngập bến tàu thật là khó coi!
2/ Nhà nghỉ: Trên đảo chưa có khách sạn, chỉ có nhà dân dành ra vài phòng cho khách thuê hoặc các phòng trọ xây vội vàng. Phòng trọ xây như một cái hộp, có nhà vệ sinh, có máy lạnh nhưng điện đóm không đủ nên máy lạnh chạy không nổi, phải xài quạt máy. Giá phòng trung hiện nay 300-400 ngàn. So với giá phòng ở Sài Gòn thì mắc. Hiện nay dân đảo vẫn đang hối hả xây dựng thêm phòng cho thuê. Xây “cái hộp” gắn máy lạnh vào là đơn giản nhất. VẬt dụng cho các phòng trọ được vận chuyển ra đảo mỗi ngày.
Mình thấy tiếc những làn gió biển mát rượi. Nếu phòng nghỉ trên đảo được xây cất thuận theo tự nhiên, hứng được gió biển thì tốt biết mấy. Ở thành phố giam mình trong phòng máy lạnh suốt đã mệt rồi, ra đảo lại bị nhốt trong “cái hộp” kín mít còn chán nào hơn?
3/Ăn uống, hải sản
Hải sản trên đảo rẻ và ngon, thức ăn thức uống không phải hải sản đều mắc hơn trong đất liền. Đảo Nam Du có một loại cá mà nới khác không thấy có, là cá Xương Xanh. Gọi như vậy vì xương cá có màu xanh nhạt rất lạ. Con cá dài, có mỏ nhọn như cá lìm kìm ở đồng bằng. Thịt cá ăn khá ngon, có thể nấu canh chua, nướng, kho v.v... Cá không tiêu thụ hết thì dân đảo làm khô bán.
ĐÂy, cá xương xanh chủ quán ăn mà đoàn mình ăn cơm suốt mấy ngày đang lựa mua để chế biến.
Mình vẫn thắc mắc khi xưa người dân ở đảo ăn gì thế cơm gạo. Trong truyện của cụ Sơn Nam thì nói ăn khoai môn. Trên đảo mình thấy món bánh làm bằng khoai mỡ, khá ngon. Bánh này mình không thấy (hoặc chưa thấy/ biết ) ở đâu khác trong vùng đồng bằng. Có lẽ đây là món ăn của người dân đảo hồi xưa, giờ chế biến lại cho ngon hơn chăng?
4/ Nước sinh hoạt
Dân đảo dùng nước suối hoặc nước giếng. Nước suối thì mình nghe người ta nói chứ chẳng tận mắt thấy được dòng suối nào vì mùa này suối cạn. Giếng thì nhiều, trong xóm chỗ mình trọ có cái giếng đào, theo chủ giếng thì chỉ sâu 5-6m gì đó nước tốt quanh năm chưa bao giờ bị cạn. Nước sinh hoạt trên đảo chủ yếu từ các giếng nước này. Mình thấy ở quán ăn có các bình nước tinh khiết, không biết chở từ đất liền ra hay sản xuất tại chỗ (tính hỏi và xem nhãn bình nước mà rồi quên luôn)
Giếng đây, thành giếng xây cao ngang đầu gối, trên đậy nắp và để đồ tùm lum. Có máy bơm nước lên chứ không phải thả gàu múc như hồi xưa
5/ Tắm biển, chơi 
Ở hòn Củ Tron có một con đường vòng quanh hòn nhưng mới làm xong nửa phía nam hòn. Nửa phía bắc chưa có đường đi. Muốn đi quanh phía bắc đảo phải tự leo trèo qua các mỏm đá hoặc đi thuyền quanh hòn. Trên đảo có nhiều xe máy cho thuê để du khách tự chạy quanh đảo. Giá thuê 150 ngàn/ ngày. Thuê chưa tới 1 ngày thì 120 ngàn. Các đoàn khách đông người thì thuê xe chở đi vòng đảo. Xe chở được 10-12 người, của bộ đội biên phòng.
Hòn Củ Tron có duy nhất một bãi tắm nhỏ, sạch, đẹp. Nếu có 50 người tắm cùng lúc chắc chật bãi.
Bãi tắm đó từ trên cao nhìn xuống, bãi tắm là đường có cát trắng bên trái.
Cảnh trên đường quanh đảo
Tour của đoàn mình đi ca nô qua hòn Mấu tắm biển và “lặn” ngắm san hô. Theo mình thấy thì là “chổng” ngắm san hô thì đúng hơn (hahaha). Mặc áo phao, đeo kính cho kín mắt, mũi rồi úp mặt xuống nước nhìn san hô. Vì áo phao làm mình nổi nên khi cúi đầu xuống cố nhìn cho rõ thì phải chổng... phao câu. Mỏi cổ gần chết!
Lúc tắm biển sợ nước biển dính máy hình, dính điện thoại nên hông có chụp hình. Các bạn cứ tưởng tượng nha!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét